Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Hiện tượng lạ: 'Nuôi' thận trong phòng thí nghiệm

Quang Tường - DienDanCTM
Thận “nuôi” trong phòng thí nghiệm
Tóm lược theo nguồn của báo The Guardian, 04/14/2013
Hai quả thận là cơ quan lọc các chất dơ ra khỏi máu và thải ra ngoài qua đường tiểu. Thận mà bị hư sẽ tác hại nặng nề đến đời sống của con người. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thận hư là bệnh tiểu đường, bệnh áp huyết cao.
Ở Anh quốc mỗi năm có hơn 50 ngàn người được chữa trị về tình trạng thận hư. Trong số này có rất nhiều người cần phải thay thận. Có thể nói là số người chờ thay thận chiếm đa số trong những người chờ ghép các bộ phận. Tuy nhiên số người cống hiến thận không nhiều bằng số người chờ thay thận, vì thế mà có hơn 3 ngàn người chết trong khi chờ đợi thay thận.
Một khi thận mà hư rồi thì không có cách nào chữa cho lành. Nếu có điều trị bằng cách lọc máu (dialysis) hay ghép thận thì cũng chỉ kéo dài đời sống của bệnh nhân thêm được một thời gian và phải chấp nhận phẩm chất của cuộc sống bị nhiều giới hạn. Thí dụ như một người đang điều  trị lọc máu thì chỉ được uống ít hơn 1 lít chất lỏng mỗi ngày. Và thận ghép vào người cũng chỉ tồn tại trung bình khoảng 10 đến 15 năm, chưa kể có những biến chứng vì cơ thể muốn thải thận mới ra.
Mới đây các nhà khoa học đã thành công trong việc “nuôi” thận trong phòng thí nghiệm và ghép thận nuôi này vào thú vật. Thành công này là một bước tiến đáng kể trong mục tiêu đường dài là việc nuôi thận riêng phù hợp cho từng bệnh nhân bị hư thận. 
Hiện nay nguồn cung cấp thận để ghép đến từ hai nguồn: hoặc từ người vừa qua đời và chịu cống hiến các bộ phận trong người hoặc đến từ người đang sống và hiến một quả thận của họ. Nếu tương lai có thêm được một nguồn cung cấp thận qua cách nuôi thận trong phòng thí nghiệm dùng chính các tế bào của người bệnh và thận ghép vào cơ thể tồn tại lâu dài mà không bị thải thì đây là một bước nhảy vọt trong kỹ thuật y khoa.
Nhóm khoa học gia từ bệnh viện Massachusetts General do ông Harald Ott dẫn đầu đã “nuôi” thận dùng một kỹ thuật thí nghiệm được dùng trước đó để nuôi tim, phổi và gan. Họ dùng thận của chuột, sau đó tước bỏ tất cả các tế bào trong đó, chỉ để lại giàn collagen làm khung sườn. Sau đó họ dùng tế bào thận và tế bào mạch máu trích ra từ chuột con mới đẻ để cấy vào khung sườn collagen. Nuôi được 12 ngày thì các tế bào sinh sôi nảy nở, bao bọc đầy khung sườn và có hình hài của quả thận. Bước kế tiếp họ cấy quả thận này vào một con chuột và quả thận này đã làm được chức năng lọc máu và thải chất dơ ra đường tiểu của con chuột. Công cuộc nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Nature Medicine vừa rồi.
Kỹ thuật mà nhóm áp dùng dựa vào phương thức của bà Doris Taylor, một kỹ sư sinh học Hoa Kỳ, tiên phong sử dụng vào năm 2008 để nuôi một quả tim. Theo ông Ott thì kỹ thuật này còn cần phải được làm cho tinh tế hơn. Nhưng nếu thành công cho con người thì việc nuôi thận này trong tương lai sẽ là giải pháp để thay thế thận bị hỏng, bị hư hại y như giải pháp ghép thận hiện nay. Tế bào của chính người bệnh nhân đó sẽ được dùng để nuôi một quả thận mới, và vì quả thận nuôi này không khác gì thận của chính họ, bệnh nhân không còn phải lo lắng với việc cơ thể chống đối, đòi thải thận ra như khi họ tiếp nhận thận cống hiến từ người lạ.
Tuy nhiên giới khoa học gia cũng dè dặt báo trước cho các bệnh nhân về thận là đừng có hy vọng quá nhiều về việc này trong thời gian trước mặt. Việc thử nghiệm nuôi thận và ghép thận vào con người vẫn còn là một tiến trình lâu dài. Nói chung lãnh vực y khoa tái tạo vẫn còn trong giai đoạn phôi thai về việc nuôi thận. Quả thận là một bộ phận phức tạp với nhiều loại tế bào, có cấu trúc phức tạp để đáp ứng nhiều chức năng mà thận được giao phó. Ước lượng còn phải mất vài thập niên thì việc nuôi thận và ghép thận vào con người mới hình thành.
Điều quan trọng mà các nhà khoa học nhắn nhủ mọi người là đừng để lúc quả thận bị hư thì trễ mất rồi. Nên đi khám định kỳ để có thể phát hiện sớm và phòng ngừa sớm. Và thay đổi nếp sống cho lành mạnh, khoẻ khoắn hơn.
Quang Tường tóm lược
Theo nguồn của báo The Guardian, 04/14/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét