Tượng của cựu Chủ tịch Kim Il-Sung và Kim Jong Il, tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên AFP photo |
Mặc Lâm, biên tập
viên RF
Trả lời phỏng vấn tờ Lao Động
vào ngày 24 tháng 12 đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên Lê Quảng Ba tự hỏi :
“Bao giờ Việt Nam mới bằng được họ?”.
Hiện thực Bắc Hàn
Bên lề hội nghị Ngoại giao 28 vừa
diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên ông Lê Quảng Ba trả lời
báo Lao Động cho biết là rất ấn tượng về tinh thần lao động, chịu khổ
chịu khó của người dân Bắc Triều Tiên. Ông ca tụng những quảng trường vĩ đại,
những sân vận động lớn gấp 4 lần sân Mỹ Đình. Ông cho rằng thế giới đã xuyên
tạc hình ảnh của Bắc Triều Tiên khi chỉ đưa ra những hình ảnh đói nghèo lạc
hậu. Sau những hình ảnh ấy ông đại sứ đã khuyên mọi người cần bình tĩnh xem xét
và rồi ông than thở không biết chừng nào Việt Nam mới bằng được họ.
Chính câu này đã làm cho mạng
Internet hai ngày vừa qua nổi sóng.
Thật ra thế giới biết Bắc Triều
Tiên nhiều hơn ông đại sứ đã nói. Tuy mỗi năm chỉ có chưa tới 2.500 người tới
Bình Nhưỡng nhưng những hình ảnh hoành tráng không khó tìm trên Youtube. Hàng
trăm video clip được đưa lên Internet cho thấy hình ảnh thật của Bắc Triều
Tiên. Bên cạnh những quảng trường mênh mông, những cao ốc đồ sộ là sự vắng lạnh
đến rợn người. Dân chúng tại thành phố ít ỏi và âm thầm, họ di chuyển như những
cái bóng và phương tiện duy nhất của họ là xe đạp.
Tại thôn quê, người nông dân cặm
cụi dắt những con bò đi qua những cánh đồng cằn cỗi. Người dân đói trơ xương
trong những phim tài liệu của hãng thông tấn BBC hay CNN chắc chắn không phải
là giả mạo đã làm thế giới rùng mình và cũng chính sự đói khát này đã thúc đẩy
Liên Hiệp Quốc không thể nhẫn tâm cấm vận lương thực đối với xứ sở này.
Ông Triệu Xuân một cán bộ của
Sứ quán Việt Nam
tại Bắc Triều Tiên viết lại kinh nghiệm của ông khi còn là một nhân viên đại
sứ tại đây:
Trong thời gian ở Bình Nhưỡng
tôi có gặp bác đại diện UNDP đồng thời phụ trách chương trình lương thực thế
giới ở Triều Tiên, một số các đồng chí mũi lõ tóc vàng nữa làm phân phối lương
thực và phát triển. Trong số 24 triệu dân Triều Tiên thì trên giấy tờ có 6
triệu người phụ thuộc vào nguồn lương thực của WFP. Tổ chức này kêu gọi các
nguồn viện trợ lương thực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, rồi chuyển bằng
tầu biển vào các cảng của Triều Tiên, lương thực thì nhiều đế quốc Nhật Bản và
đế quốc Hàn Quốc chỉ dám thuê tàu 10000 tấn chở vào vì sợ ông Triều Tiên ông ấy
bắt luôn tầu, nếu tàu to quá thì không có gì mà đền.
Hàng triệu tấn lương thực hàng
năm cứ như thế không biết đâu mà lần, thiên hạ cứ đổ của vào, đến bạn thân là
Trung Quốc ngày xưa cũng phải dọa cắt viện trợ vì gạo ngon Trung Quốc cho thì
ông ấy cho quân đội ăn một nửa, một nửa ông ấy bán rồi lấy tiền mua gạo mục
Trung Quốc cho gia súc ăn về để phát cho dân.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu
đại sứ Việt Nam
tại Trung Quốc nhận xét về phát biểu của ông Lê Quảng Ba như sau:
Ông ấy làm đại sứ ở Triều Tiên
thì có vẻ muốn làm hài lòng Triều Tiên thì ông nói thế chứ mà bắt chước như
Triều Tiên thì chết đói thôi. Có lẽ ông đại sứ ca tụng Triều Tiên đã làm được
tên lửa và chuẩn bị vũ khí hạt nhân, cái đó thì Việt Nam chưa làm được. Chưa làm mà cũng
chưa làm được và có lẽ cũng không chủ trương làm nhưng ông ấy cho là Triều Tiên
làm được như thế là tiến bộ lắm. Ông ấy quên mất cái mặt đói kém, toàn đi xin
gạo xin các thứ còn trong nội bộ thì tranh giành quyền hành với nhau, giết lẫn
nhau thôi. Ông đại sứ không thấy cái mặt đó. Làm đại sứ ở đấy thì ông ấy phải
nói cái gì cho hài lòng chủ nhà.
Quảng trường Kim Il Sung, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. AFP photo |
Vì sao Việt Nam khen Bắc
Hàn?
Ngày 9 tháng 12 vừa qua Jang
Song-thaek bị Kim Jong- un hành quyết rồi sau đó hàng trăm đồng phạm của ông
này cùng chung số phận đã được cả thế giới lên tiếng nhưng tiếc rằng phóng viên
báo Lao Động không đặt câu hỏi cho ông đại sứ Lê Quảng Ba (hay có nhưng bị cắt
bỏ?) để xem ông đại sứ thay mặt cho Bộ Ngoại giao trả lời như thế nào về hành
động thanh trừng đẫm máu này.
Có lẽ câu trả lời của Việt Nam sẽ
không khác Trung Quốc khi Bắc Kinh đã nói rằng đó là việc nội bộ của Bắc Triều
Tiên và Trung Quốc luôn chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước
khác.
Bức tranh đẫm máu của Jang
Song-thaek và hàng trăm đồng phạm không biết có làm hoen ố hình ảnh mà ông đại
sứ ca tụng hay không nhưng có một điều tờ báo mạng Soha, thuộc Công ty cổ phần
truyền thông Việt Nam đã đăng bên cạnh bài phỏng vấn ông đại sứ một bài được
cho là nhiều người xem nhất với cái tên: “Ám ảnh Triều Tiên: Đôi mắt những
người tù bị chôn sống.”
Bài báo viết lại câu chuyện của anh
Ahn Myong Chol là một cựu quản giáo, từng làm việc tại 4 trại cải tạo khác nhau
ở Triều Tiên. Trước khi đào thoát sang Hàn Quốc tỵ nạn. Trong khoảng thời gian
từ năm 1987 đến 1994, Ahn đã phải chứng kiến nhiều cảnh tra tấn, ngược đãi tù
nhân
tàn khốc mà một câu nói lạnh lùng của quản giáo đã ám ảnh anh nhiều năm sau đó:
quản giáo cho rằng nếu bắn tù nhân thì máu sẽ vấy quần áo vậy thì tại sao không
chôn sống họ?
Hai bài báo đặt cạnh nhau cho thấy
nghệ thuật luồn lách của báo chí Việt Nam khi muốn phản đối một vấn đề
nhạy cảm của chính quyền.
Chẳng những ông đại sứ Lê Quảng Ba
nói về Bắc Triều Tiên một cách trân trọng mà cách đây vài ngày kênh truyền hình
nhà nước VTV cũng cho phát hình một chương trình về xứ sở này với những lời
bình đầy thiện cảm xen lẫn khâm phục. Một nhà báo lão thành của TTXVN không
muốn nêu tên cho biết:
Triều Tiên là một điển hình của
đàn áp hà khắc đủ thứ nhưng lại được Việt Nam
ca ngợi có nghĩa là con đường Triều Tiên đã ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tại sao VTV lại ca ngợi Triều
Tiên đến mức như thế? Tại vì họ có điều gì đó có thể ca ngợi nhưng thực chất
thời hiện nay người ta rất ghê sợ chế độ Bắc Triều Tiên và đồng thời người ta
ghê sợ chế độ Việt Nam luôn, Cho nên phải thế thôi, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
mà. Với những chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa dưới cái mũ ấy người ta đã
làm trò lừa dân như vậy, chứ còn bây giờ thực ra không đâu nghẹt thở bằng Triều
Tiên và cũng không đâu khó thở bằng Việt Nam.
Ở cuối bài phỏng vấn của tờ Lao
Động ông đại sứ Lê Quảng Ba xác định một điều rất quan trọng đó là “ở Triều
Tiên là đi đến đâu sẽ chỉ biết đúng nơi đó, chứ không thể suy luận hết về mọi
thứ. Nhất là về chính sách hay về quyết định của họ”.
Người ta hy vọng câu kết luận này
có thể gửi đi một thông điệp: “Ông đại sứ nói vậy mà không phải vậy”.
Mặc Lâm, biên tập
viên RF
0 nhận xét:
Đăng nhận xét