Nhà
cầm quyền CSVN ngày càng gia tăng bỏ tù những người dùng ngòi bút để
phát biểu chính kiến dù lúc nào cũng tuyên bố bảo vệ nhân quyền.
Một bản phúc trình
đặc biệt về tình hình giới cầm bút bị các nhà cầm quyền độc tài đảng
trị hay quân phiệt giam cầm trong năm 2013 vừa được tổ chức Ủy Ban Bảo
Vệ Ký Giả CPJ (Committee to Protect Journalists) trụ sở ở New York công
bố hôm Thứ Ba. Trong đó, họ cho hay, năm nay là năm tồi tệ liên tiếp
cùng với năm ngoái là những năm mà giới cầm bút trên khắp thế giới bị
nhà cầm quyền của họ bỏ tù nhiều nhất so với trước đây.
Theo thống kê của CPJ, nếu năm 2012 có tất cả 232 người cầm bút bị
nhà cầm quyền bỏ tù trên thế giới, thì năm nay, hiện đã có 211 người bị
giam cầm. Ba nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey, Iran và Trung quốc) đã bỏ tù quá
phân nửa các con số vừa kể.
Nhà cầm quyền Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung quốc đã dùng các điều luật vu
cho họ “chống nhà nước” để kết án tù 107 nhà báo dùng ngòi bút để trình
bày ý kiến hay thông tin một cách ôn hòa trong năm 2013.
Thổ Nhĩ
Kỳ tống giam 40 ký giả năm nay so với 49 người năm ngoái trong khi
Trung quốc bỏ tù 32 người năm nay giống như năm ngoái.
Nhà cầm quyền CSVN là một trong 5 nước có số người cầm bút bị bỏ tù
năm nay nhiều hơn so với năm ngoái, từ 14 tăng lên thành 18 người. Chế
độ Hà Nội cũng dựa vào những điều luật hình sự như “tuyên truyền chống
nhà nước...” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”, giống những nước
độc tài kia, để giam giữ và bỏ tù người dân dù hiến pháp công nhận
người dân có quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.
Khi họ bị bắt giam, thân nhân và luật sư hầu hết không được gặp mặt
cho tới gần ngày họ bị đưa ra tòa lãnh án. Đây là điều hoàn toàn trái
ngược với luật lệ tố tụng hình sự của chế độ. Tình trạng bị ép cung và
có thể bị tra tấn, hành hạ dưới nhiều hình thức vô cùng phổ biến tại
Việt Nam.
Hai blogger nổi tiếng, Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, có thể
bị mang ra tòa lãnh án một ngày không xa chỉ vì dùng ngòi bút mổ xẻ các
vấn đề thời sự của đất nước. Các ông này trở thành nổi tiếng vì đã can
đảm vạch ra những sai trái của chế độ trong khi đại đa số dù chống đối
cũng chỉ nói ở những chỗ riêng tư.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như Ủy Ban Bảo vệ Ký Giả, Phóng
Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế, các hội luật gia quốc tế, các
chính phủ tây phương thường xuyên thúc hối chế độ Hà Nội hủy bỏ các điều
luật phản nhân quyền nhưng không hề thấy có tác dụng. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét