Ads 468x60px

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Ukraina sao gần Việt Nam đến thế?

Lính Nga có mặt tại Crimea,Ukraine,
nói là để bảo vệ kiều dân Nga
Ngô Đình Thu 
Thật vậy, Ukraina và Việt Nam nào có "núi liền núi, sông liền sông" gì đâu mà cảnh ngộ của 2 nước lại giống nhau đến thế ?
Chỉ trong vòng vài ngày đầu của tháng 3 năm 2014, thế giới tưởng chừng như lại quay trở về thời kỳ “chiến tranh lạnh” của thế kỷ 20 với sự đối đầu giữa hai siêu cường tự do và cộng sản, mà Ukraina là đấu trường - y như Việt Nam nửa thế kỷ trước.
Cũng để bảo vệ kiều dân
Biến cố chính trị ở Cộng hòa Ukraina bắt đầu từ những cuộc biểu tình cuối năm 2013 của dân chúng đã kết thúc với việc Quốc hội nước này phê chuẩn truất phế Tổng thống Yanukovich, một người do Mátxcơva dựng lên và liên tục chống đỡ cho về đủ mọi mặt. Thế là nhà độc tài Putin đang cai trị nước Nga liền trả đũa bằng cách đưa quân vào chiếm bán đảo Crimea (tức Crimé hay Krưm). Lý cớ mà Tổng thống Putin đưa ra khi động binh không làm ai ngạc nhiên vì cũng chỉ lập lại kịch bản Georgia năm 2008. Đó là nhân danh trách nhiệm bảo vệ "các kiều dân Nga" ở phần đất này.
Điều làm thế giới phì cười là sau khi lấn chiếm bán đảo Crimea - với màn kịch cho trưng cầu dân ý rồi mới chịu cho sát nhập vào "nước Mẹ" - nhà cầm quyền mới cứ dúi vào tay mọi người dân tại đây sổ thông hành (passport) Nga, khỏi cần có hình người cầm sổ. Ai không nhận liền bị đuổi ra khỏi nhà không cho làm chủ căn hộ của họ nữa. Thế là ai nấy riu ríu chịu "làm công dân Nga". Đặc biệt sinh sống tại đây là sắc tộc Tartar đã gần như tuyệt giống dưới mấy thế hệ lãnh tụ cộng sản. Họ bị đày đi khắp nơi và chết rũ trong các trại tập trung. Chỉ một số ít tụ về được Crimea sau ngày Liên Xô tan rã năm 1991. Những người dân Tartar này xem các cuốn sổ thông hành Nga là những cơn ác mộng lại tái diễn.
Việc Nga nhân danh bảo vệ "công dân" của họ để chiếm nước khác làm nhiều người Việt Nam giật mình nghĩ đến ngày Trung Quốc cũng dùng trò này với Việt Nam, đặc biệt trong tình trạng hiện nay.
Thật vậy, tại sao Bắc Kinh cứ tìm đủ mọi cách nằng nặc đòi lập ngày càng nhiều thêm các khu biệt lập của những người gọi là "công nhân" người Hoa tại khắp các tỉnh thành Việt Nam trong khi số người lao động tại Việt Nam luôn có dư. Và dư đến độ phải xin đi lao động ở nhiều nước khác. Các khu biệt lập ấy ngày nay bao trùm từ vùng núi rừng biên giới phía Bắc đến “nóc nhà Đông Dương” - một vùng rất chiến lược tại Tây Nguyên - và suốt dọc bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Trị, nơi mà chiều ngang đất nước có chỗ không rộng đến 50 cây số. Nghĩa là có thể cắt đôi Việt Nam khi cần thiết. Trung Quốc cũng tài trợ cho việc xây đường cao tốc và chỉ xây những đường từ biên giới phía bắc đến các nơi hiểm yếu của Việt Nam. Một đạo quân đông đảo khác ngoài hàng chục ngàn binh sĩ giả trang công nhân trong các khu biệt lập là các đoàn thương lái tự do đi lại thu thập dữ kiện trên cả nước và nắm các nguồn cả mua và bán hầu hết các mặt hàng căn bản của Việt Nam. Nói tóm lại, tại thời điểm hiện nay, nếu muốn chiếm Việt Nam, Bắc Kinh cũng sẽ rất giống Mátxcơva, nghĩa là không cần nổ phát súng nào thì mọi việc đã xong.
Nhiều phần Trung Quốc cũng sẽ dùng lại thủ thuật của Nga để ngụy biện trước thế giới, đó là bất ngờ Quốc Hội Nga (đúng ra là quốc hội của Putin) ban hành luật có thể cấp ngay quốc tịch Nga lập tức cho những "người gốc Nga" đang sống tại các tiểu quốc tách ra từ Liên Xô cũ. Quốc Hội của Tập Cận Bình cũng dễ dàng đẻ ra luật cấp quốc tịch Tàu lập tức cho mọi người gốc Hoa ở các quốc gia Đông Nam Á khi cần thiết. Rồi từ đó sẽ giương cao ngọn cờ bảo vệ công dân để tiến quân. Riêng tại Việt Nam thì để vừa tiến quân vào vừa nổi quân lên tại khắp các tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam.
Cũng có "lính nước lạ"
Một điểm làm nhiều người Việt giật mình khác về sự tương đồng về mức trâng tráo của hiện tượng "lính nước lạ". Cho đến nay, dù đã chiếm toàn bán đảo Crimea, các lãnh tụ Nga vẫn bảo không phải lính của họ tại đây. Binh lính Nga đi đầy đường nhưng quân phục không có huy hiệu và ai nấy đều đeo mặt nạ. Mátxcơva gân cổ bảo đó là nghĩa quân "tự phát" và nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Cả thế giới lại phải phì cười - dù tình hình đang rất căng thẳng - vì nghĩa quân tự phát này lại có cả máy bay không có huy hiệu bay tới lui với phi trường mà họ vừa chiếm và ai nấy đều được trang bị bằng loại súng dành cho binh lính thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Nga. Số "quân nước lạ" này cũng vừa chiếm luôn căn cứ hải quân của Ukraina.
Cho trường hợp Việt Nam, sự việc còn nhục nhã hơn nhiều .Vì tại Việt Nam, không phải quân đi lấn chiếm phải tự nhận mình là "quân nước lạ", mà chính nước bị tấn công và mất biển đảo lại che mặt giùm cho quân xâm lược và bịt mắt chính dân mình bằng từ ngữ "quân nước lạ". Họ tự xóa luôn cả sử sách, bia mộ của các tử sĩ, cấm ngặt dân mình tưởng niệm, tất cả chỉ để "lãnh đạo nước lạ" khỏi bực mình.
Cũng có những Lê Chiêu Thống
Và điểm tương đồng khác làm nhiều người giật mình là các khuôn mặt Lê Chiêu Thống ở cả hai nước, những kẻ dựa vào mẫu quốc để cai trị và sống phè phỡn trong phần đất được thiên triều giao cho. Sau khi truất phế Yanukovych, người dân Ukraina mới khám phá ra nhân vật này - vốn là một cựu bí thư đảng cộng sản thời Liên Xô, sống xa hoa tới mức nào và đã tẩu tán khoảng 37 tỷ USD chỉ trong khoảng 5 năm nắm quyền và mang cả nước đi làm chư hầu cho Mátxcơva. Tệ hơn nữa, nay Yanukovich, sau khi bỏ chạy sang Nga, đang công khai thỉnh cầu hoàng đế Putin đem quân vào Ukaina để “đưa em về làm vua trở lại”. Người Việt gọi đó là rước voi về dày mả tổ!
Hiện tượng này không khác gì lắm phái đoàn Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, cố vấn tối cao Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lễ mễ sang Thành Đô năm 1990 để xin Giang Trạch Dân và Lý Bằng cho làm chư hầu trở lại. Các Lê Chiêu Thống thế kỷ 20 này có cùng não trạng "Thà mất nước chứ không mất đảng". Và kể từ đó đến nay các thế hệ Lê Chiêu Thống mới cứ nối tiếp nhau cai trị đất nước Việt Nam.
Còn 2 dân tộc có giống nhau không?
Dưới thời Liên Xô, Stalin trừng phạt cả nước Ukraina khi họ từ chối vào hợp tác xã bằng cách tịch thu và chở tất cả lương thực ra khỏi nước. Kết quả là một nạn đói kinh hoàng với hàng triệu người chết trên mảnh đất được gọi là "vại bánh mì của Âu Châu" này. Kinh nghiệm tang thương đó còn hằn sâu trong ký ức cả dân tộc Ukraina. Ngay cả những người gốc Nga bị hay được các lãnh đạo Liên Xô cho di dân đến sống tại Ukraina phần lớn cũng không muốn nước này rơi trở lại vào vòng tay của nhà độc tài Putin, người từng là chỉ huy trưởng an ninh tình báo KGB tại Ukraina thời Liên Xô.
Và thế là trong nước, toàn dân Ukraina dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động để vô hiệu hóa công an và truất phế tên thái thú cho Nga là Yanukovych. Và để chống lại bàn chân xâm lược của ngoại bang, người dân Ukraina biết tận dụng sự phẫn nộ của thế giới trước thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Putin, để tạo áp suất buộc kẻ độc tài phải dừng bước. Họ nhắc lại các ký kết năm 1994 với các nước phương Tây, trong đó các nước tự do cam kết bảo vệ chủ quyền của Ukraina để đánh đổi bằng việc Ukraina không giữ các vũ khí nguyên tử do Liên Xô để lại nữa. Một thỏa thuận mới giữa Cộng Đồng Âu Châu và chính phủ lâm thời Ukraina cũng vừa được ký kết ngày 21/3/2014. Nghĩa là khi quân đội Ukraina đã bị Yanukovych phá nát theo ý của Mátxcơva, chính phủ và người dân Ukraina biết vận dụng sức quốc tế để đối đầu với Putin.
Còn tại Việt Nam, trong nước bất cứ ai đụng đến "quân nước lạ xâm lược", họ liền bị công an đánh tả tơi, bị ném vào trại phục hồi nhân phẩm, bị đuổi nhà đuổi học, và bị xử tội ... trốn thuế. Bên ngoài nước, dù có đầy những lời mời của các nước chung quanh để cùng đối phó với "quân nước lạ xâm lược", cùng đưa Bắc Kinh ra tòa quốc tế, thì các Yanukovych của Việt Nam nhất định từ chối. Giới lãnh đạo Hà Nội chỉ muốn nói chuyện trong vai chư hầu với thiên triều, đúng như lệnh của Bắc Kinh.
Trong những ngày đầu năm 2014, dân tộc Ukraina đã đồng lòng gửi đi một thông điệp rất rõ ràng cho Mátxcơva: Họ cương quyết không chấp nhận sống kiếp chư hầu cho ngoại bang, và nhất định không để bị cai trị bởi những thái thú như Yanukovych nữa.
Còn dân tộc Việt Nam chúng ta thì sao? 
Ngô Đình Thu 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét