Bằng giờ này tháng 4, mấy năm về
trước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“một mình, đất lạ, đường xa”) đã lên
đến tận Hà Giang. Trong blog saurieng, bà có viết đôi dòng chữ ngắn về chuyến đi “ấn tượng khủng khiếp” này:
"Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó.
Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng
cao, mình hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…"
Những sản phẩm mà Nguyễn Ngọc Tư ghi nhận qua ống kính – ở chợ Hà
Giang – chỉ là nụm nịu một hai nải chuối, lèo tèo mấy mớ rau xanh,
ủn ỉn vài ba rọ lợn, hay đôi ba bó củi co ro …
Ngó mà thương muốn đứt ruột luôn!
Ngó mà thương muốn đứt ruột luôn!
Ảnh: Nguyễn Ngọc Tư
Để có thể ra “hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…” của cư dân ở một địa phương, nhà báo Văn Quang lại có một sáng kiến khác. Ông đưa chúng ta đi xem dinh thự của những vị quan đầu tỉnh:
Hà Giang luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng núi rừng ở VN với hơn
quá nửa là những gia đình thuộc "diện nghèo". Nhưng đối nghịch lại tình
cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn "khủng", phần lớn làm
bằng gỗ "tứ thiết" của các lãnh đạo tỉnh.
Nhà của chủ tịch UBND Hà Giang Đàm Văn Bông
- Ngôi nhà "khủng" bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu
tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông.
Hiện ngôi nhà sàn này đang "hùng cứ" tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện
(TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày.
Vật liệu làm ngôi nhà này hầu hết là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những
gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn
nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.
Nhà của Phó bí thư thường trực HDND tỉnh Hà Giang Vương Mí Vàng
- Sang gần bằng nhà chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của
phó bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng.
Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ,
Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà "tọa" tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung,
Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có vài
chục tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó
chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!
- Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn
của ông giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc
Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến.
Ngôi nhà này "độc" vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ
hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức
Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước
chừng cũng phải "vứt xuống" vài tỷ đồng...
Chỉ ở một tỉnh xa xôi "hẻo lánh" mà nhà quan đã bề thế như vậy thì các nơi khác, các thành phố khác còn "loạn" đến đâu!
Rảnh, nên tui ghé luôn qua một thành phố khác – ở dưới miền
xuôi: Bến Tre. Địa danh này, hơn mười năm trước, cũng đã khiến
dư luận người Việt (ngoài nước) “nóng” lên chỉ vì đôi dòng
chữ ghi thêm dưới một bài thơ của nhà sư Nhất Hạnh – in trên trang quảng cáo của báo New York Times, số phát hành hôm 24 tháng 9 năm 2001:
“I wrote this poem during the Vietnam war after I heard about the
bombing of Ben Tre city. The city of 300,000 was destroyed because seven
guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire
and then left. My pain was profound.”
(“Tôi viết bài thơ này trong thời gian chiến tranh Việt Nam sau
khi nghe Bến Tre bị bỏ bom. Thành phố 300,000 người đã bị hủy
diệt vì bẩy du kích quân bắn vài tràng súng phòng không vu vơ
rồi bỏ đi. Nỗi đau của tôi sâu lắng.”)
Sơ sót, lỗi lầm nơi con số 300,000 chắc (chắn) là do cái cậu
đánh máy chứ ai. Dù vậy, Nhất Hạnh vẫn cứ bị dư luận lùm
xùm trách cứ (“oan ức”) về chuyện vọng ngôn hay vọng ngữ.
Cơn bão dư luận ấy đã qua từ lâu. Bến Tre, một trong những nơi
được mệnh danh là thành đồng tổ quốc, đâu có dễ gì bị suy
suyển hay sứt mẻ bởi bom đạn Mỹ. Tuy thế, phần đất này đang
có nguy cơ bị “hủy diệt” bởi chính những kẻ đã bỏ chạy (sau
khi bắn vài tràng súng, không trúng đâu vô đâu) hồi năm 1968.
Gần năm mươi năm đã qua, những cô cậu bé du kích dũng sĩ diệt
Mỹ của tỉnh Bến Tre nay đều đã trở nên những vị cán bộ lão
thành cách mạng. Họ đang cùng con cháu nắm giữ hầu hết những
chức vụ, cũng như nguồn lợi béo bở ở tỉnh lỵ này. Theo như
cách nói ví von của ông Trương Tấn Sang họ đã trở thành những
“bầy sâu,” đang ngày đêm (ngoem ngoém) đục khoét và làm ruỗng
mục “Chủ Nghĩa Mac Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô địch Muôn Năm.”
Năm 2007, phó chủ tịch UBND Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thanh Hà
cho biết tỉnh đã thanh tra 108 cuộc, phát hiện sai phạm về tài chính
4,46 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2005. Dù số tiền được “phát
hiện” chỉ là phần nổi của một tảng băng sơn nhưng cứ theo cái
đà tăng “gấp đôi” hàng năm như thế nên đến nay, năm 2014, Bến Tre
lại làm dư luận “nóng” lên lần nữa – sau khi “những dinh thự
ngất ngưởng, bề thế, nguy nga” của ông Trần Văn Truyền (cựu Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre, cựu Tổng Thanh Tra Chính phủ Việt Nam) được phơi bầy trên mặt báo Người Cao Tuổi.
Dinh thự của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Người Cao Tuổi
Ông Trần Văn Truyền, tất nhiên, không phải là quan chức duy nhất
bị tai tiếng như vậy ở vùng đất này, vẫn theo như thông tin cơ quan ngôn luận vừa nêu:
Kì này, mời bạn đọc đến thăm “Vườn hoa phố Thường vụ” nằm ngay Khu
Trung tâm Thương mại (TTTM) thành phố Bến Tre của hàng chục “quan tri
phủ” hầu hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Nhiều năm nay
người dân địa phương và cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu ở đây bức xúc
về quá nhiều dinh thự của “Tập đoàn quan tỉnh” tại khu vực chợ TTTM của
thành phố chiếm đất, làm nhà lầu mặt tiền thông thoáng làm của riêng rồi
cho thuê hoặc đem bán giá cao thu lợi lớn.
Đi đầu “phong trào” này là ông Huỳnh Văn Be (Ba Phương Hùng), cựu Ủy
viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Gia đình ông đã có
“dinh thự” tọa lạc trong khu đất vườn rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm
cạnh con sông gió lộng tứ bề. Hằng ngày, ông tự lái xe hơi đi ăn sáng,
uống cà-phê, dạo mát...
Ông Trần Công Ngữ (Bảy Hoàng), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã
có nhà và đất ở rộng rãi, nhưng cũng được “bán rẻ” một căn nhà lầu hai
mặt tiền nằm ngay ngã tư đường Chi Lăng – Nguyễn Du thuộc phường 2, kế
bên TTTM. Do không có nhu cầu ở nên ông Hoàng đã bán thu lợi 7 tỉ đồng.
Các trường hợp còn lại như ông Trần Văn Cồn, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông
Phan Văn Láng, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thái
Xây (Chín Tâm), cựu Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Sang (Tư Sang), cựu
Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch UBND
tỉnh; ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh đều là những thành viên
được làm giàu theo gương ông Huỳnh Văn Be. Hàng chục căn nhà lầu nằm ở
vị trí đắc địa mặt tiền đường, xoay quanh khu TTTM thành phố Bến Tre
được “bán rẻ” cho “Tập đoàn quan tỉnh” này...
Cùng lúc, trên báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh
(phảt hành hôm 30 tháng 3 năm 2014) người ta đọc được lời kêu
gọi “những nhà hảo tâm xa gần giúp đỡ” để làm một con đường
nho nhỏ – cũng ở Bến Tre:
Do điều kiện ngân sách eo hẹp nên đến nay chính quyền địa phương vẫn
chưa thể đáp ứng được mong muốn của người dân. “Chúng tôi hi vọng các
nhà hảo tâm xa gần chung tay giúp đỡ kinh phí xây dựng tuyến lộ Bờ Gồng
để bà con không còn phải lặn lội vất vả mỗi ngày, nhất là những lúc mưa
gió trở trời!” Ông Trần Văn Chận - Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ.
Sự kiện những quan chức Việt Nam thản nhiên, sống trên nỗi khốn
cùng (“phải lặn lội vất vả mỗi ngày”) của bà con – thực ra –
không chỉ giới hạn ở Hà Giang hay ở bến Tre, và cũng chả
phải là chuyện mới mẻ gì ráo trọi. Hơn hai mươi năm trước tác
giả Thái Như đã nói đến hiện tượng “Sư tử thân trung trùng thực
sư tử nhục: Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử!”
Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang lại vừa nhắc lại điều này, trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện:
“Trong vòng 25 năm qua, bọn sâu bọ tham nhũng ngày một đông, ngày mỗi
mạnh và đã trở thành bầy đàn! Nó như căn bệnh ung thư đã di căn tới
nhiều bộ phận của cơ thể con sư tử. Nếu Đảng không quyết tâm chữa trị,
không dũng cảm cắt bỏ những bộ phận cơ thể đã thối muỗng thì quốc nạn
tham nhũng này, đến một lúc nào đó sẽ có kết cục như nhà báo Thái Như đã
cảnh báo 23 năm về trước:’Đương nhiên điều không tránh khỏi là con sư
tử đó nó sẽ ngã quỵ một khi những con sâu trong cơ thể ngày một nhiều
và lớn mạnh!’ Vâng, nếu Đảng không quyết tâm diệt trừ tận gốc (giết
sạch) bọn sâu bọ tham nhũng của Đảng thì chính bọn này, một ngày nào đó
không xa – có thể là cuối năm nay,có thể là sang năm hoặc sang năm sau
nữa(2016)- sẽ là thủ phạm “giết sống” Đảng Cộng sản Viêt Nam!
Tôi thấy tình thế đã rất cấp bách! Thời gian không còn nhiều. Rất
mong Đảng hãy dũng cảm, thực tâm và kiên quyết cứu vãn tình thế trước
khi nó trở nên quá muộn!”
Khác với đại tá Nguyễn Đăng Quang, tôi e rằng tình thế đã
muộn màng rồi. Vấn đề chỉ còn là chuẩn bị sao để mồ yên mả
đẹp mà thôi. Sau hai phần ba thế kỷ phạm hết tội ác này sang
tội ác khác, gây oán hận cho muôn dân trăm họ, chuyện “an táng”
đảng Cộng Sản trong tương lai gần (rõ ràng) không phải là việc
dễ dàng chi. Với truyền thống lấy nhân nghĩa chống bạo tàn
của dân tộc Việt, chỉ mong sao mọi người đều đồng thuận với
nhau là oán thù – nghĩ cho cùng – chỉ nên cởi, chứ không nên
buộc.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét