Xe buýt trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt) |
Xe
buýt Sài Gòn đích thực là một hung thần khổng lồ theo mọi cách mà bạn
có thể tưởng tượng ra. Nó giống như một người máy phản diện cực kỳ nguy
hiểm kỳ lạ của đô thị đang lù lù càn tới trong khi dưới chân nó là những
đàn châu chấu nhỏ xíu đang thản nhiên rầm rì qua lại.
Như một ông lão già yếu mỗi khi khởi động hay chuẩn bị dừng lại, nó
run lên bần bật như muốn lao tới như muốn khuy ngã trên đường trước khi
khựng hẳn hoặc đề pa lao tới.
Với một cái vé 6
ngàn đồng (30 xu Mỹ) cho một đoạn đường ngắn từ Quận 10 đến Quận 1, bạn
đã có thể hưởng được cảm giác thực của một trailer ngắn của một bộ phim
dài mang tên “Xe Buýt SaiGon.”
Hãy bắt đầu từ bất cứ một trạm dừng nào của xe buýt. Bạn hãy leo lên
và yên vị trong không khí hầm hập của những ngày hè nóng bức. Hãy đến ga
trung tâm và từ đó hãy bắt đầu bằng một chuyến du ngoạn.
Hãy nghĩ rằng bạn đang điều khiển nó trên phố phường đông đúc. Hãy
tưởng tượng bạn như một con voi bước đùng đùng và sẵn sàng dày nát bất
cứ ai vô phúc rơi vào chân bạn.
Thường chỉ là một cú “nhấp thắng” cách một gang tay thôi, đúng như
câu nói “Cái chết tày gang” kẻ đó sẽ về chầu diêm vương không kịp ngáp,
và cũng đừng ngạc nhiên khi sáng sớm hôm sau trên nhật trình sẽ có một
dòng chữ chạy ngang “Xe buýt lại cán chết người.”
Những dòng tin xe cán người này không là chuyện lạ với người Sài Gòn
nữa khi mà mở mắt ra nó đã trở thành thường xuyên như người ta đập chết
một con ruồi.
Không ai xúc động nhiều hơn nữa khi phải ra đường, người ta chỉ cảm
thấy rùng mình ớn lạnh khi thấy buýt từ xa. Và tránh xe buýt như tránh
một viên đạn vô hồn như “tránh voi không xấu mặt nào.”
Ðó là cảm giác của người bên dưới còn những người đi trên xe buýt thì
sao? Phải nói đây là một phương tiện an toàn hơn ai hết khi buộc phải
di chuyển trong cái thành phố có mật độ giao thông kinh khủng nhất nhì
thế giới này, với tai nạn thường trực trong một không gian chật chội
ngột ngạt hỗn mang bụi bặm. Xe buýt bây giờ là phương tiện thuận tiện rẻ
tiền thân thiết nhất của người nghèo.
Họ là những người buôn thúng bán bưng, sinh viên nghèo rớt mồng tơi
với những xấp vé giảm giá. Họ là những khuôn mặt buồn thảm của một xã
hội buồn thảm vì sự phân hóa giàu nghèo sang hèn đang hàng ngày bị đào
sâu dữ dội.
Một bến chờ xe buýt. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt) |
Không phải ai cũng
muốn đi xe buýt, nhưng ở trên gã người máy khổng lồ này người ta có
quyền mơ một ngày nào đó mình cũng xuống xe và trở thành những con người
bình thường đang tỉnh khô rậm rịch sống chết đùa giỡn dưới kia.
“Sài Gòn có bên Chương Dương / Có Ô Tô Buýt khắp miền Thủ Thiêm / Có
Chợ Quán có cầu kho / Vườn chơi có Thảo Cầm viên Tao Ðàn...” Như bài học
thuộc lòng mà tôi nhớ lõm bõm trên thì từ xa lắm rồi sau hiệp định
Genever Sài Gòn đã có xe buýt chạy khắp miền Sài Gòn lục tỉnh. Nam bộ.
Hệ thống ce buýt Sài Gòn xưa đã được xếp vào bậc nhất nhì vùng Ðông
Nam Châu Á khi mà Sai Gòn chưa được “cách mạng giải phóng” cho bớt giàu
đi.
Lúc ấy Sài gòn được mệnh danh là “Hòn Ngọc viễn Ðông” thì chuyện
những chuyến xe buýt chạy rộng rãi mát mẻ dù có khách hay không có khách
chạy mãi cho đến tận khuya mới ngừng là chuyện bình thường.
Tôi còn nhớ ngày xưa trước 75 chỉ cần một cái vé đồng giá là 50 xu
hay 1 đồng cho tất cả mọi điểm đến tôi đã có thể rong chơi bằng xe buýt
đi khắp Saigon mà không bị ai làm phiền. Tôi có thể ngủ một giấc từ nhà
ga trung tâm cho đến trạm chót và ngược lại.
Bây giờ sau 4 thập niên với những chiếc xe buýt run lập cập mỗi khi
rà thắng. Bến bãi có mới hơn đầu xe có tăng nhiều. Giá vé tăng lên hơn
gấp 100 lần - nhưng so với số xe gắn máy ô tô gia tăng đến chóng mặt thì
xe buýt Sài Gòn vẫn là một cỗ sắt thép chậm chạp hoen rỉ tụt hậu quá xa
so với chất lượng giao thông hiện đại ở các nước trong khu vực.
Trở lại với những khuôn mặt đang dán chặt vào khung cửa kính, đang
thiu thiu ngủ hay đang thất thần vị vừa bị rạch túi. Xe buýt Sài Gòn như
một gã giang hồ hết hơi trong buổi chợ chiều, nó vừa an toàn vừa bất an
một khi phải leo lên chen lấn trong giờ cao điểm. Và bạn hãy cẩn thận
giữ chặt túi xách tư trang khi phải đối đồi với vấn nạn giang hồ bụi đời
xin đểu móc túi.
Những tuyến đường
được cho là nguy hiểm thường xuyên cho những người dân đen, sinh viên
nghèo vẫn là đoạn từ Ga Trung Tâm ra đến Khu Ðại Học Thủ Ðức xa hơn chút
nữa là Thới An, Quận 12. Thời điểm khi xe buýt bắt đầu hoạt động từ 6
giờ sang đến 5 giờ chiều khi vào tầm hay tan sở.
“Bọn móc túi rạch xách chúng tôi biết mặt hết nhưng không dám lên tiếng. Chỉ biết cảnh báo cho khách đi xe đề phòng thôi.”
Hỏi vậy sao không báo cho công an? Người bán vé trả lời: Có báo chứ
và họ cũng có mai phục bắt vài tên tại trận nhưng bắt buổi chiều nay thì
sáng hôm sau lại thấy chúng ngông nghênh xuất hiện trở lại hung dữ táo
tợn hơn. Chúng chận xe và hành hung tài xế, phụ xe buýt, nếu không u đầu
sứt trán thì kính xe cũng bị ném đá cho tan tành?
Bãi nghỉ ngơi của xe buýt Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt) |
Với 6 ngàn cho một chặng ngắn 30 ngàn cho hết tuyến. Hoạt động từ
5giờ 30 sáng cho đến 7giờ 30 tối - thì xe buýt vẫn là lựa chọn tiết kiệm
nhất cho những người nghèo.
Nhưng nếu được quyền chọn với một phương tiện khác nhanh gọn hơn thì
xe máy vẫn là niềm mơ ước của mọi người vì nó có thể đi đến tận nơi mình
muốn trong khi xe buýt chỉ xuống trạm dừng dọc đường lớn rồi thôi, muốn
đi tiếp nữa thì phải bằng xe... ôm.
Cảm giác khi đi xe buýt là an toàn nhưng có một cái gì đó vẫn thấy
bất ổn vì nó quá an toàn khi được “ưu tiên đi vào làn xe gắn máy đến độ
gây nguy hiểm chết người cho người khác.”
Nhưng nếu không có chuyện gì cần thì với một cung đường được tính
toán hợp lý bạn có thể kết hợp vừa buýt vừa Marathon là tuyệt vời vì bạn
có thể cuốc bộ thể dục mà vẫn đến được điểm cần dừng để đi tiếp.
Ði xe buýt có môt cái thú vị nữa là khi bị kẹt xe thì bạn vẫn là
người hưởng lợi nhiều nhất khi bị “tắc đường” khi bạn mắc cứng giữa một
rừng xe cộ đang gào rú inh ỏi xả khói bụi mù trời, thì buýt với máy lạnh
vẫn chạy hết công suất vẫn được ưu tiên một len lách đột phá vòng vây
để có thể chạy về bến đúng giờ.
Thuận tiện là vậy nhưng vẫn thấy buồn. Vì những khuôn mặt trên xe sẽ
ám ảnh bạn không rời. Vì từ họ bạn có thể hình dung được chỉ số phúc lợi
con người của một nền kinh tế tiểu nông so với các nước trên thế giới.
Bạn có thể hiểu được vì sao 1,000 đồng vẫn được các bạn sinh viên
vuốt lại phẳng phiu, được trân trọng gìn giữ ra sao đối với những người
buôn thúng bán bưng, hiểu được vì sao nhân viên soát vé xé vé nhìn họ
với ánh mắt soi mói nghi ngờ khi họ phải chìa ra những đồng bạc nhàu
nát.
Tự nhiên bạn ước ao một ngày nào đó sẽ có đường dành riêng cho xe
buýt, có đường lên xuống đặc biệt cho bà bầu và người già yếu tàn tật.
Sẽ không còn những thương vong không thể hiểu được vì sao bởi những vòng
quay nghiệt ngã bị cuốn theo dươi bánh xe buýt chậm chạp đang mệt mỏi
lăn trên đường.
Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét