Bên trong một căn nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Từ
sau 1975 cho tới 1985, việc thuê nhà trọ dài hạn ở Sài Gòn là rất khó
khăn do chính sách kiểm tra gắt gao về hộ khẩu (tạm trú, tạm vắng) nhằm
siết chặt chính sách hạn chế người nhập cư vô Sài Gòn.
Cho tới 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế thị trường, mục đích
trước hết nhằm “tự cứu” lấy thể chế, khi Nga Xô và Ðông Âu đang trên
đường “rã gánh.”
Từ 1990, trở lại
sau này, việc thuê mướn nhà trọ tại Sài Gòn để kiếm sống và mưu sinh lâu
dài trở thành điều bình thường của hầu hết dân lao động nhập cư tại
nhiều tỉnh. Chưa kể một bộ phận không nhỏ dân Sài Gòn (vì nhiều lý do
khác nhau) nay cũng đã trở thành những kẻ vô gia cư, phải đi thuê mướn
nhà để ở.
Chỉ có điều, câu chuyện nhà trọ ở Sài Gòn là câu chuyện “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Khi kinh tế chuyển qua thị trường, lượng người nhập cư ồ ạt, cùng với lúc giá nhà, giá đất tăng giá vòn vọt, cao “ngất ngưởng.”
Khi đó người ta không còn quan tâm tới việc ăn bận (quần áo đắt tiền
hay giản dị), thậm chí người ta đi xe gì cũng chẳng mấy ai quan tâm, chỉ
cần hỏi: “Ở nhà riêng hay nhà thuê?” Nghe câu trả lời đủ biết bạn là
ai.
Tuy rằng dân “ở trọ” cũng có năm, bẩy đường, chẳng hạn như mấy “hot
girl” chân dài thuê căn hộ ở Sài Gòn Pearl với giá khoảng 2 ngàn USD/1
tháng. Nhưng thu nhập của mấy cô này cho một chuyến “bay đêm” có giá từ
300 tới 500 USD.
Trong bài viết này chúng tôi không đề cập tới dân “ở trọ” cao cấp,
với những ngành nghề “đặc biệt” mà chúng tôi chỉ xin đề cập tới số đông.
Ðó là những người dân nhập cư vì cuộc mưu sinh ngoài quê quá khó khăn,
những lao động nghèo nơi thành thị, những con người mà hễ ráo mồ hôi là
ráo tiền...
Ðêm dài mất ngủ
Ðã là dân ở trọ thì chắc chắn là phải chịu cảnh nhiều đêm dài mất
ngủ. Ngoài những nỗi trằn trọc lo toan, nào là tiền ăn, tiền đóng tiền
nhà trọ, tiền gởi về quê cho cha mẹ già, tiền con cái đóng tiền học...
Những thao thức, cộng với cái nồng hầm hập của đêm mùa hè, căn phòng trọ
như cái hộp vuông chừng hơn chục mét vuông cho 6-7 nhân khẩu, với cái
cửa sổ bé tí tẹo mở thông ra bức tường bờ hẻm bít bùng.
Ðêm mưa nước dột rả rích, kêu chủ nhà trọ thì họ cười: “Tháng thuê có
triệu bạc, bày đặt đòi hỏi, thêm tiền đây sửa cho.” Cũng có những đêm
vừa thiu thiu ngủ, vì được ngày trời mát thì lại choàng giấc mộng, vì
phòng bên cặp vợ chồng trẻ đánh ghen, tiếng quát tháo, tiếng đập phá đồ
đạc làm phờ phạc giấc ngủ chập chờn của dân lao động phải thức khuya dậy
sớm.
Vô phước cho ai thuê phải nhà trọ chung dãy với đám bợm nhậu, đám
giang hồ “cắc-ké,” hay ngay chính con chủ nhà trọ là dân chơi “ngáo đá.”
Thế là lại phải có những đêm gần như thức trắng với nỗi sợ phập phồng,
khi đám “ma men” kia lên cơn say đập phá, cầm dao rượt chém nhau huỳnh
huỵch, hay khi con chủ nhà trong cơn phê thuốc, bật hộp quẹt hăm... đốt
nhà trọ.
Thời kỳ đầu, công an khu vực rất ngán ngẩm xóm nhập cư, xóm trọ của
dân lao động nghèo, vì nơi này cứ tuần vài ba vụ không lớn thì nhỏ phải
xuống giải quyết. Nhưng sau thì “vui vẻ” hơn, vì mấy chủ nhà trọ có từ
5-7 phòng trở lên đều tỏ ra “biết điều” khi tháng nào cũng trích ra ít
tiền gọi là “đóng góp quỹ an ninh,” nhờ vậy khi “hữu sự” thì công an,
dân phòng mới mau mắn xuống giải quyết.
Ngược lại, dân thành phố có “máu mặt” một chút thì tuyên bố: “Nghèo
chết bỏ, nhất định không xây nhà trọ cho dân nghèo nhập cư thuê, vì họ
ồn ào lắm lại... ở dơ nữa!”
Sự thật bao giờ cũng đắng lòng! Vì lẽ, đã mang lấy cái “kiếp nghèo” đành cắn răng mà sống, mà lo cho tương lai con cái mai này.
Một ông chủ nhà trọ đang giới thiệu phòng trọ của mình. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Tình người như bóng mây ngày nắng
Với không ít chủ nhà trọ, dân thuê nhà tuy nghèo nhưng lại là “con bò
sữa” tha hồ mà “vắt,” nay tăng tiền điện, mai tăng tiền nước, mốt tăng
tiền nhà... Ðủ thứ khó chịu họ “hành” dân thuê nhà, vì ở thế yếu nên
người thuê nhà thường cắn răng mà móc hầu bao ít ỏi của mình để được yên
ổn làm ăn. Nhưng cũng có những chủ nhà đàng hoàng tử tế, không tăng giá bất cứ
thứ gì cho những nhà nghèo, lâu lâu còn cho thiếu tiền trọ, thậm chí cho
vay tiền ăn.
Nhiều người khi dắt “bầu đoàn thê tử” dời quê ra đi là đã “không hẹn
ngày về” vì ruộng vườn không còn nữa, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi
con không thể nào trả nổi. Họ đem cả cha mẹ già theo, để rồi những ông
bà già ấy, trong cảnh khổ của con cháu cũng phải ráng vui trong cuộc đời
ở trọ.
Rồi khi họ qua đời, nhà trọ tuy chật chội, nhưng chủ nhà trọ cũng giúp đỡ cho mượn mặt bằng, dân cùng cảnh trọ, cũng như dân địa phương cũng mỗi người một tay giúp đỡ, các hội từ thiện cũng nhập cuộc, để sao cho người quá cố dù xa quê, không nhà cửa cũng được hưởng nghi lễ cuối cùng của tôn giáo và tro xương của họ cũng được gởi vào chùa, an ủi được con cháu họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, trong hoàn cảnh này mới thấy tình người chưa phải là đã hết, dù thường ngày con người vẫn luôn eo xèo, cắn đắn nhau vì chút cơm, áo, gạo, tiền.
Về điều này, một anh dân Hà Nội cho biết: “Chỉ có Sài Gòn mới tốt vậy, chứ ngoài Hà Nội có người già đi theo thì thuê nhà khó lắm, vì chủ nhà sợ có người chết trong nhà thì ‘xui’”!
Sài Gòn với những con hẻm chật chội, những xóm nhà trọ tồi tàn, như ai tới xóm “nhà trọ ung thư” nằm ở hẻm số 5 đường Nơ Trang-Long, quận Bình Thạnh mới thấy hết nỗi cơ cực của dân nghèo.
Nhưng Sài Gòn cũng có nhiều cao ốc xây rồi bỏ hoang (vì không người mua), nhiều biệt thự, khu nhà liên kế xây rồi bỏ đó không thấy ai ở đã gần chục năm nay.
Trong khi hô hào khẩu hiệu “hỗ trợ nhà ở cho dân nghèo,” vậy mà gói tiền cho vay mua nhà ở xã hội là 30 ngàn tỉ đồng, triển khai hơn năm trời nay, giải ngân vẫn chưa quá 8%, còn số tiền thực sự đến với tay dân nghèo, chắc chắn dưới 1% (cho tới lúc này).
Vậy công bằng xã hội nó nằm ở đâu, mà ngay cả trong chính giấc mơ dân nghèo nhập cư ở trọ cũng chẳng bao giờ dám mơ!
Văn Lang/Người Việt
Rồi khi họ qua đời, nhà trọ tuy chật chội, nhưng chủ nhà trọ cũng giúp đỡ cho mượn mặt bằng, dân cùng cảnh trọ, cũng như dân địa phương cũng mỗi người một tay giúp đỡ, các hội từ thiện cũng nhập cuộc, để sao cho người quá cố dù xa quê, không nhà cửa cũng được hưởng nghi lễ cuối cùng của tôn giáo và tro xương của họ cũng được gởi vào chùa, an ủi được con cháu họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, trong hoàn cảnh này mới thấy tình người chưa phải là đã hết, dù thường ngày con người vẫn luôn eo xèo, cắn đắn nhau vì chút cơm, áo, gạo, tiền.
Về điều này, một anh dân Hà Nội cho biết: “Chỉ có Sài Gòn mới tốt vậy, chứ ngoài Hà Nội có người già đi theo thì thuê nhà khó lắm, vì chủ nhà sợ có người chết trong nhà thì ‘xui’”!
Sài Gòn với những con hẻm chật chội, những xóm nhà trọ tồi tàn, như ai tới xóm “nhà trọ ung thư” nằm ở hẻm số 5 đường Nơ Trang-Long, quận Bình Thạnh mới thấy hết nỗi cơ cực của dân nghèo.
Nhưng Sài Gòn cũng có nhiều cao ốc xây rồi bỏ hoang (vì không người mua), nhiều biệt thự, khu nhà liên kế xây rồi bỏ đó không thấy ai ở đã gần chục năm nay.
Trong khi hô hào khẩu hiệu “hỗ trợ nhà ở cho dân nghèo,” vậy mà gói tiền cho vay mua nhà ở xã hội là 30 ngàn tỉ đồng, triển khai hơn năm trời nay, giải ngân vẫn chưa quá 8%, còn số tiền thực sự đến với tay dân nghèo, chắc chắn dưới 1% (cho tới lúc này).
Vậy công bằng xã hội nó nằm ở đâu, mà ngay cả trong chính giấc mơ dân nghèo nhập cư ở trọ cũng chẳng bao giờ dám mơ!
Văn Lang/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét