Xác chết |
Ngày
hôm nay tôi đã lặng đi rất lâu khi thấy bức ảnh do một người bạn Việt Nam trên
Facebook của tôi, anh Henry Pham, chia sẻ: Vài xác chết nằm ngổn ngang như mấy
cái bao tải cát trên ba chiếc xe bò nhỏ; có mấy xác tay vẫn bị còng sau lưng.
Khoảng hơn chục người đứng cách đó vài mét, nhìn. Henry viết cho tôi rằng anh
phải mất một lúc mới bình tĩnh lại được, và anh suýt nôn thốc. Một người bạn
Việt Nam khác, Vi K. Tran, là người đầu tiên kể cho tôi nghe về câu chuyện này
bằng cách dịch một số bài báo và thông tin tiếng Việt trên Facebook. Cô ấy phẫn
nộ, và sẵn sàng làm tất cả để phổ biến thông tin. “Tôi muốn lên tiếng” – cô ấy
viết cho tôi như thế.
Nhiều
bạn Việt Nam như Henry, và một số bạn phương Tây, đã đặt câu hỏi tại sao các nạn
nhân lại bị còng tay. Làm sao những nạn nhân đó có thể cướp súng được, chứ đừng
nói đến là nổ súng. Ai mà biết? Truyền thông ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều bị
Đảng Cộng sản kiểm soát rất chặt và tất cả tin bài liên quan của báo chí phương
Tây đều chỉ dẫn lại báo quốc doanh của Việt Nam. Bắc Phong Sinh, cửa khẩu biên
giới tại tỉnh Quảng Ninh, nơi thảm kịch xảy ra, đã ngăn cản báo chí độc lập và
truyền thông quốc tế. Tất cả đều giống như ở Trung Quốc. Và tất cả đều rất gây
phẫn nộ.
Theo
dõi tin tức về vụ này liên tục cho người ta cảm giác đã gặp chuyện tương tự đâu
đó rồi (déjà vu) – nó gợi nhớ về những câu chuyện mà báo chí từng đưa về Tân
Cương hay Tây Tạng. Nhưng nhờ có mạng xã hội và một mạng lưới Facebook rất sôi
nổi ở Việt Nam (một nhà báo Việt Nam từng nói với tôi là đồng bào của anh ta có
khoảng 20 triệu người dùng Facebook), một bức ảnh như thế, cùng với nhiều ảnh
khác mà tôi chia sẻ trên Facebook và Twitter từ hôm thứ sáu, cộng với các thông
tin giá trị, các bài phân tích sâu từ các bạn Việt Nam của tôi đã đem đến rất
nhiều sự thật. Bây giờ thì chúng ta biết rằng có 16 người đến từ Tân Cương,
trong đó có bốn phụ nữ và hai trẻ em, đã bị bộ đội biên phòng Việt Nam bắt giữ.
5 người trong số họ bị bắn chết hoặc thiệt mạng do nhảy từ trên tầng cao của một
ngôi nhà, vào hôm thứ sáu (18/4). Phía Việt Nam có hai sĩ quan chết. Bốn người
bị thương.
Tôi
thật sự xúc động trước nhiệt huyết, trước sự quan tâm và nhận thức chính trị của
những người bạn Việt Nam của tôi. Tôi vốn được dạy dỗ để tin rằng quân đội Trung
Hoa xâm lược Việt Nam vào năm 1979 là việc làm đúng đắn trong một cuộc chiến đấu
nhằm “phản kích tự vệ”. Tôi học tiểu học ở Chengdu (Thành Đô) và trông thấy
những xe tải quân sự phủ lá ngụy trang, đầy chật lính và quân dụng chạy ngang
qua nhà tôi ngày này qua ngày khác trên đường ra ga xe lửa. Chúng tôi đã xem
những đoạn phim quay cảnh người Việt Nam “cướp bóc” các làng mạc ở Trung Quốc,
và nghe những anh hùng trong chiến tranh kể chuyện về các trận chiến đấu của
họ…
Tôi
đã mất nhiều thập kỷ để biết được sự thật về cuộc chiến, và chính là tình cảm và
nhiệt huyết của những bạn Việt Nam của tôi – về nhân quyền và tự do – đã cho tôi
thêm sức mạnh để đấu tranh chống chế độ cộng sản. Suy cho cùng, Việt Nam đã là
tiểu đệ của Trung Quốc suốt trong những thập kỷ đó.
Thay
vì phàn nàn về những người nhập cư bất hợp pháp, các bạn Việt Nam của tôi chỉ
trích thái độ hèn mạt của chính quyền trong việc xử lý vấn đề này theo lệnh Bắc
Kinh, và họ lên án việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Tôi gửi những thông
điệp đó từ họ đến các độc giả của mình trên Twitter, mà hầu hết là người Trung
Quốc (tôi có khoảng 2700 người theo dõi). Các bạn Việt Nam cũng bày tỏ sự cảm
thông và thương xót những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ. Nhiều bạn hỏi tại sao chính
quyền Trung Quốc lại cảnh báo cho nhà chức trách Việt Nam trước khi những người
tị nạn vượt qua biên giới, thay vì tìm cách ngăn chặn họ? Tấn thảm kịch cũng gây
ra tranh cãi trên Twitter về sự đàn áp của Trung Quốc đối với Tân Cương và Tây
Tạng. Cho nên, ít nhất đây cũng là một lời cầu nguyện ngấm ngầm và chua xót,
trước cảnh nhiều mạng người bị cướp đi một cách vô nghĩa như thế. Một cán bộ
biên phòng Việt Nam đã bị chết, vợ anh ta đang mang bầu. Theo báo chí Việt Nam,
cả hai nạn nhân đều không phải quân nhân trực tiếp chiến đấu. Còn về phía các
nạn nhân người Tân Cương và những người còn sống sót, thì chúng ta chẳng có
thông tin gì. Hoàn toàn không, nhưng đã có những bức ảnh như thế, ghi lại những
cái chết tức tưởi và cảnh người ta bị cưỡng bức hồi
hương!
Sau
khi tôi đăng tải ảnh các nạn nhân trên ba chiếc xe bò, một Twitterer Trung Quốc
tên là Wang Bing ở địa chỉ tom2009cn (giới thiệu về bản thân là “Kẻ thù của Độc
tài”) viết cho tôi như sau: “Chở xác người kiểu ấy cho thấy rõ ràng hai nhà nước
cộng sản thờ ơ và vùi dập nhân phẩm của bất kỳ ai như thế nào. Họ giống nhau
cả”. Tôi đáp: “Dưới chế độ độc tài, người sống còn chẳng có nhân phẩm, thì chắc
chắn sau khi chết càng không có”. Wang viết: “Chuyện này nhất định phải chấm
dứt”. Tôi đáp: “Sự thật và công lý sẽ chiến thắng dối trá và bạo tàn. Tôi tin
chắc như thế”. Wang viết: “Chắc chắn vậy!”.
Vâng,
câu chuyện về các nạn nhân Duy Ngô Nhĩ này và những người còn sống sót rồi sẽ
được đưa ra ánh sáng vào một ngày nào đó, và công lý sẽ đến với họ. Dù chính
quyền Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp đối kháng và bỏ tù người bất
đồng chính kiến, nhưng sự chống đối thậm chí càng mạnh mẽ hơn. Họ có thể bắt
giam chúng ta, nhưng không bao giờ họ bắt được tất cả chúng ta. Họ có thể giết
chúng ta, nhưng không bao giờ họ giết được tất cả.
Đến
đây, tôi muốn trích dẫn một đoạn trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Các Mác và
Ăng-ghen, mà hồi còn bé tôi từng bị bắt phải học thuộc: “Chúng quẳng công nhân,
những người vốn đã tuyệt vọng, ra đường. Chúng tiến xa hơn và sâu hơn vào các
thị trường chưa bị bóc lột hoặc các thị trường còn có thể bị bóc lột hơn. Và khi
làm như vậy, chúng đang tự đào huyệt chôn mình. Tư sản đã mở đường cho khủng
hoảng tồi tệ hơn bao giờ hết”. Những tên độc tài ở Trung Quốc và Việt Nam không
phải là cộng sản thật sự; chúng là lũ tư sản giả danh cộng sản. Chúng là Tư sản
Quyền lực, khái niệm do nhà báo lão làng người Trung Quốc Yang Jisheng (Dương Kế
Thằng [?]), tác giả cuốn “Tombstone: the Great Chinese Famine, 1958-1962” (Bia
mộ: Nạn đói khủng khiếp ở Trung Quốc giai đoạn 1958-1962), đưa ra. Cha của ông
chết đói trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt, và ông Yang đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu
các ghi chép chính thức về nạn đói và ăn thịt người ở Trung Quốc – đếm được vô
số xác chết – khoảng 50 triệu người, trong số đó có 11 người là họ hàng của tôi.
Nhiều
thập kỷ sau, những con quỷ hút máu người, thèm khát quyền lực đó vẫn tưởng là
chúng có thể kiểm soát hàng tỷ người chỉ bằng dối trá và bạo lực. Chúng tưởng
chúng có thể chặn Internet, bỏ tù các nhà hoạt động và kiểm soát suy nghĩ của
chúng ta. Chúng nhầm rồi. Không lẽ chúng không nhận ra là chúng đang tự đào sâu
hơn huyệt mộ của mình? Và thậm chí một vài kẻ trong số chúng đã kết thúc cuộc
đời một cách khá bạo lực, như những tên cán bộ quản lý đô thị (chengguan - một
lực lượng được nhà nước thuê để quản lý đô thị, có lẽ cũng giống như dân phòng ở
ta - ND) tàn bạo đã phải vật vã mà chết sau khi bị đám đông đánh tơi bời, vào
hôm thứ bảy (19/4) tại thành phố Ôn Châu ở miền đông Trung Quốc. Chúng đã đánh
đập tàn nhẫn một người dân, vì anh này quay phim cảnh chúng đánh một người bán
rau. Hàng nghìn người xúm lại và đánh trả chúng, bằng bất kỳ thứ vũ khí gì họ có
thể tìm được: gậy, bình cứu hỏa… Hàng trăm cảnh sát chống bạo động được điều
động tới hiện trường, dùng hơi cay giải tán đám đông. Nhưng thiệt hại đã xảy ra
rồi… máu đổ khắp nơi. Thi thể tả tơi của đám cán bộ nằm ngổn ngang rất nhục nhã
trong một xe tải đầy máu.
Trong
khi rất nhiều người Trung Quốc trên mạng xã hội reo hò ủng hộ hành động trả đũa,
coi đó là một hành vi đúng đắn, thì một số, kể cả tôi, kêu gọi mọi người bình
tĩnh lại. Bạo lực không thể là giải pháp cho khủng hoảng, cũng như không thể là
vũ khí chống lại bạo lực. Nhưng Trung Hoa thật sự là một ngọn núi lửa; bất kỳ
cái gì giống như vụ việc ở Ôn Châu này đều có thể châm ngòi cho hiệu ứng domino
lan rộng trên khắp đất nước, để rồi sẽ đưa đến một chính biến vốn được trông đợi
từ lâu, và sẽ san phẳng đất nước. Tôi sợ phải hình dung đến cái cảnh những xác
chết đầy máu nằm vạ vật khắp nơi, dù đó là thi thể của người vô tội hay của thủ
phạm. Tôi đang cố hết sức để có được một cuộc cách mạng ôn hòa, và tôi hy vọng
đổ máu càng ít càng tốt. Trong khi “tư sản mở đường cho khủng hoảng tồi tệ hơn”
như Mác từng rao giảng 166 năm về trước, tôi thật sự hy vọng cuộc khủng hoảng
tồi tệ nhất của Đảng Cộng sản rồi cuối cùng sẽ đến, nhưng tôi sợ phải nhìn thấy
thêm nhiều thi thể đẫm máu… Tôi chỉ muốn những tên độc tài kia và đồng chí của
chúng sẽ phải ra tòa và bị tống giam, tài sản của chúng trên khắp thế giới bị
phong tỏa. Tôi nóng lòng muốn thấy chúng bị Interpol truy nã, và những của cải,
tiền bạc chúng ăn cướp của người dân sẽ được trả lại cho người dân. Nhưng, mặc
dù tôi đang góp phần vào một tiếng nói ngày càng lớn để lật đổ Đảng Cộng sản,
tôi cũng muốn góp thêm tiếng nói của tôi vào một phong trào đấu tranh ôn hòa,
phi bạo lực.
Sự
thật và tình thương là vũ khí thật sự của chúng ta. Tôi mong chờ đến cái ngày
tôi không còn phải nhìn vào những bức ảnh xác chết hay là ngày nào cũng phải
viết về những thảm kịch…
-------
Chú
thích:
Để
các bạn biết thêm về tác giả Đường Hồng (Rose Tang): Dưới đây là một đoạn trong
bài báo trên tờ MintPress viết về cô, tháng 6/2013:
“Vào
cái đêm 3/6/1989, Rose Tang, 20 tuổi, mặc đồ đen từ đầu đến chân để tránh bị
phát hiện, vớ lấy con dao găm và lẻn ra ngoài Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh, rồi
đạp xe đến quảng trường Thiên An Môn.
“Lúc
đó, tôi đã sẵn sàng chết cho dân chủ” – cô nói với phóng viên Mint Press trong
cuộc phỏng vấn (sau này).
“Buổi
sáng hôm sau, tôi ở trong số những người cuối cùng rời khỏi quảng trường. Hỗn
loạn. Tôi giẫm lên những xác chết. Tôi không biết họ chết chưa. Nhưng tôi đã bị
đánh; công an cầm gậy dài quật chúng tôi túi bụi”.
“Tôi
bị ép vào giữa đám đông và xe tăng, thế là tôi trèo lên xe tăng để chạy ra
ngoài. Tôi đã phải bò dưới nòng súng máy của một công
an”.
Nhảy
được ra bên ngoài, cô thấy một toán phóng viên CNN đứng trước mặt, đang tìm
người để phóng vấn. “Họ chĩa máy quay phim vào tôi, và tôi nói tôi đang phẫn nộ.
Nhiều người chết lắm rồi”.
Sau
đó Tang và các bạn ở trường phải lẩn vào các con ngõ nhỏ của Bắc Kinh để trốn
khỏi đám lính, rồi họ bắt xe chạy về ký túc xá. Mặc dù nhiều sinh viên trốn học
ở nhà với bố mẹ ở Bắc Kinh hoặc các nơi khác, nhưng Tang vẫn ở trường. Có tin
đồn là nội chiến sắp bùng nổ, và cô không muốn đứng ngoài sự kiện đó. Vài ngày
sau, chính quyền ra lệnh bắt tất cả các sinh viên đứng đầu cuộc nổi dậy, trong
đó có Tang. Nhưng may là khi công an đến nhà, cô lại đang ngủ và không nghe
tiếng gõ cửa. Họ bắt nhầm người khác.
Tang
chỉ biết về cuộc thoát nạn trong gang tấc này của cô vào ngày hôm sau, khi phòng
công tác chính trị ở khoa của cô thông báo lại cho cô về những gì vừa xảy
ra...”.
Hiện
nay, Tang là một người viết, một họa sĩ ở New York.
Đoan
Trang biên dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét