Ngô Nhân Dụng |
Nếu từ giữa thế kỷ thứ 10 mà người Việt Nam
không giành được độc lập; hoặc vào thế kỷ 18 người Việt không đánh đuổi được
quân Thanh; thì bây giờ dân Việt chắc cũng đang chịu số phận giống người
Uyghur, một sắc dân thiểu số trong tỉnh Tân Cương, miền cực Tây nước Trung Hoa.
Vua Càn Long nhà Thanh sai quân chiếm vùng đất này vào giữa thế kỷ 18, trước đó thuộc một triều đại thường gọi là đế quốc Dzungaria do sắc dân Tây Mông Cổ (Oarat) thành lập từ thế kỷ thứ 17. Càn Long ra lệnh tàn sát người Mông Cổ Oarat. Hơn nửa triệu người, tức 80% dân số đã bị tiêu diệt trong thời gian từ 1755 đến 1758. Năm 1776, Càn Long ban một sắc lệnh cho người Hán di cư đến miền đất mới này, thưởng tiền cho các di dân định cư; sau đó mới lập ra tỉnh Tân Cương (Xinjiang, nghĩa là Biên Cương Mới).
Vua Càn Long nhà Thanh sai quân chiếm vùng đất này vào giữa thế kỷ 18, trước đó thuộc một triều đại thường gọi là đế quốc Dzungaria do sắc dân Tây Mông Cổ (Oarat) thành lập từ thế kỷ thứ 17. Càn Long ra lệnh tàn sát người Mông Cổ Oarat. Hơn nửa triệu người, tức 80% dân số đã bị tiêu diệt trong thời gian từ 1755 đến 1758. Năm 1776, Càn Long ban một sắc lệnh cho người Hán di cư đến miền đất mới này, thưởng tiền cho các di dân định cư; sau đó mới lập ra tỉnh Tân Cương (Xinjiang, nghĩa là Biên Cương Mới).
Người Uyghur không thuộc giống Mông Cổ. Như nhiều sắc dân
khác trong vùng Trung Á, tiếng nói Uyghur tương tự ngôn ngữ chính của nước Thổ
Nhĩ Kỳ bây giờ. Nhìn vào những quốc gia chung quanh tỉnh Tân Cương chúng ta thấy
những người được sử Trung Hoa gọi là “Ðột Quyết” sống rải rác dọc vùng Trung Á,
sử Trung Hoa gọi là Tây Vực. Tân Cương giáp giới các nước Nga, Mông Cổ
(Mongolia), Ấn Ðộ và những nước tên tận cùng giống nhau: Kazakhstan,
Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, và Pakistan. Vào năm 1933, đã nổi lên
phong trào đòi thành lập một nước Uyghuristan, sau đổi là “Turkistan Ðông,” bị
quân Trung Quốc xóa bỏ. Ngoài Afghanistan
và Pakistan,
ngôn ngữ chính ở các quốc gia kia đều gốc tiếng Thổ; cũng như dân Ubezkistan.
Ðó là các sắc dân sống ở miền Ðồng Cỏ nằm ngang giữa châu Á, giữa vùng đất rừng
taiga lạnh giá và rặng Hy Mã Lạp Sơn. Tỉnh Tân Cương, diện tích gấp năm lần
nước Việt Nam, cũng có các sắc dân Kazakhs, Tajiks, Kyrgyz, Mông Cổ, và những
người gốc Hoa-Tạng theo Hồi Giáo gọi là “Hồi.”
Dân Uyghur (đọc là Uy Gua), người Trung Hoa gọi là Duy Ngô
Nhĩ không sống du mục mà là dòng dõi những thương gia gốc Sogdia, một vương
quốc nằm phía Bắc Iran và Afghanistan từ thời thượng cổ. Họ trở thành những thương
gia nối liền Con Ðường Tơ Lụa bằng những ốc đảo. Ngôn ngữ của họ được các giống
dân khác dùng trong việc thương mại, cho tới thế kỷ thứ 10.
Nhà sư Huyền Trang,
vào thế kỷ thứ 7 đã ghi nhận sắc dân này rất sùng Phật giáo, trẻ em thuộc đã
biết đọc, biết viết từ khi lên năm tuổi, lớn lên làm nghề buôn bán. Người
Uyghur có thời đã lập một vương quốc (gọi là Uyghur Khaganate) vào thế kỷ thứ
8, nhân lúc nhà Ðường bị loạn An Lộc Sơn, và quân Tây Tạng tấn công chiếm kinh
đô Tràng An hơn nửa tháng. Nhưng trong lịch sử, người Uyghur từng liên kết với
nhà Ðường, nhà Thanh khi có chiến tranh với các sắc dân khác.
Dân Uyghur đổi
sang đạo Hồi từ thế kỷ thứ 10, hiện nay đa số sống ở phía Nam Tân Cương. Khi Cộng
sản Trung Quốc chiếm được nước Tàu, họ đổi vùng này thành Khu Tự Trị và công
nhận sắc dân Uyghur chiếm đa số. Nhưng chính sách thực dân của Trung Cộng vẫn
tiếp tục đường lối nhà Thanh, đưa di dân người Hán đến vùng này, vì tài nguyên
dầu lửa và hơi đốt phong phú.
Hiện nay, 10 triệu người Uyghur sống ở Tân Cương
trở thành thiểu số, ít hơn số di dân người Hán nắm giữ các địa vị chính trị và
kinh tế quan trọng. Người Uyghur bị bạc đãi về kinh tế, nhưng cả nền văn hóa,
ngôn ngữ và tôn giáo của họ cũng bị đe dọa, giống như người Tây Tạng.
Chữ viết
của người Uyghur, dùng mẫu tự giống như chữ Á Rập thông dụng đã có từ thế kỷ
thứ 10. Ðại Hãn Genghis Khan từng sử dụng các chuyên viên hành chánh Uyghur và
chữ viết của họ vì người Mông Cổ chưa có chữ viết. Ngày nay thứ chữ viết cổ này
bị xóa bỏ dần trong các trường đại học. Nhiều khu phố cổ, với các đền thờ Hồi
Giáo, bị phá hủy để lấy đất phát triển kinh doanh. Những người làm việc cho nhà
nước bị cấm không được nhịn đói ban ngày trong tháng Ramadan, như tục lệ Hồi
Giáo đòi hỏi. Chính quyền bổ nhiệm các pháp sư (Imam) và kiểm duyệt các bài
giảng pháp. Trước đe dọa văn hóa bị tiêu diệt, người Tây Tạng theo đạo Phật đã
phản đối bằng một phong trào tự thiêu, hơn 100 người đã hy sinh. Còn người
Uyghur theo Hồi Giáo chọn phản kháng bằng vũ khí.
Chính quyền Bắc Kinh mới đưa lên truyền hình một phim tài
liệu nhằm quy kết các hoạt động phản kháng của người Uyghur như nằm trong phong
trào Hồi Giáo quá khích trên thế giới. Trong chương trình phát vào ngày Thứ Ba
vừa qua, 24 Tháng Sáu, 2014, họ cho chiếu nhiều đoạn phim mà họ nói do chính
người Uyghur truyền đi trên mạng Internet cổ động dân Uyghur nổi dậy chống
chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Những đoạn phim (video clips) này được giới
thiệu là sản xuất ở nước ngoài; truyền đi bằng các máy điện thoại di động, các
mạng lưới xã hội, qua nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi tới Tân
Cương. Trong đoạn phim tuyên truyền vận động này chiếu cả những hình ảnh quay
trong nước Trung Hoa, với các chiến sĩ Uyghur mặc đồng phục, tay cầm kiếm, đang
luyện tập trong sa mạc được coi là trong vùng Mông Cổ. Trong video này còn
chiếu cảnh ba người Uyghur lái xe chạy đâm vào đám đông người Trung Hoa tại Tử Cấm
Thành ở Bắc Kinh trong Tháng Mười vừa qua, nổ bom tự sát.
Chính quyền Trung Cộng tố cáo rằng các phim tuyên truyền này
là của hai nhóm cách mạng Uyghur đặt căn cứ tại miền Bắc Pakistan và đòi
tái lập Cộng Hòa Turkistan Ðông. Theo chính quyền Trung Cộng, từ 2010 đến 2013
số băng ghi âm và phim đã tăng từ 8 lên tới 109 cuốn. Bắc Kinh còn tố cáo hai
nhóm này liên hệ tới tổ chức khủng bố al-Qaeda; nhưng điều này không đáng tin
cậy. Các bài trên mạng của người Uyghur đã được in lại trên các tờ báo ở
Kazakhstan và Kyrgyzstan, được đưa vào Tân Cương. Năm 2001, khi quân Mỹ tấn
công Afghanistan, đã bắt được hàng chục người Uyghur trong đám quân Taliban.
Năm 2009, chính phủ Mỹ đã đồng ý với chính quyền Trung Cộng, đặt một tổ chức
cách mạng của người Uighur vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Người Uyghur bắt đầu các vụ tấn công mạnh mẽ vào người Hán ở
Tân Cương từ năm 2009. Họ nổi loạn sau khi nghe tin một khu người lao động Uighur
ở Quảng Ðông bị người Hán đánh, giết; sau khi di dân Uighur đã bị kỳ thị và bạc
đãi ở khắp nơi, do ảnh hưởng tuyên truyền của nhà nước. Vụ bạo động ở Urumqi,
thủ phủ Tân Cương làm chết 156 người; đánh dấu tình trạng uất hận đi tới tức
nước vỡ bờ.
Ðoạn phim video mới của người Uighur được phát hành sau biến
cố tấn công bằng dao nhọn và bom ở Urumqi vào tháng Năm vừa qua, làm chết 43 người,
một trong nhiều cuộc tấn công kể từ Tháng Mười năm ngoái.
Một tổ chức chiến tranh bất bạo động của người Uighur đang
hoạt động khắp thế giới là Nghị hội Uyghur Thế giới (World Uyghur Congress,
WUC), lập ra tại Munich, Ðức quốc, vào năm 2004, được nhiều doanh nhân Uyghur giầu
có trong vùng Trung Ðông ủng hộ. Vị chủ tịch từ năm 2006 là bà Rebiya Kadeer,
một doanh nhân thành công ở Tân Cương, đã bị chính quyền Trung Cộng bỏ tù sáu
năm, xin tị nạn chính trị tại Mỹ từ năm 2005. Nghị hội Uyghur WUC đặt đại diện
chính thức tại nhiều nước, như Pháp, Bỉ, Thụy Ðiển, Úc, Nhật Bản, Anh quốc, và
Kyrgyzstan. Năm 2006, bà Rebiya Kadeer đã được cựu Tổng Thống George W. Bush
tiếp kiến, và Quốc Hội Mỹ yểm trợ tài chánh. WUC tố cáo chính quyền Trung Cộng
tìm cách mô tả phong trào của người Uyghhur là khủng bố và liên hệ với nhóm
al-Qeada để đánh lừa dư luận thế giới và biện hộ cho chính sách đàn áp dã man
của họ.
Nhà Ðường bên Tàu đã lập An Tây Ðô Hộ Phủ, trong thế kỷ thứ
8, để cai trị vùng Tân Cương bây giờ, cùng thời gian đó họ cũng đặt nước ta
trong An Nam Ðô Hộ Phủ. Vào thế kỷ 18, quân Nhà Thanh đã xâm lăng nước ta, năm
1788 ba chục năm sau khi tấn công miền Tây Vực, lập tỉnh Tân Cương. Cho nên
người Việt có thể thông cảm với nỗi uất hận của người Uyghur, vì họ không được
may mắn như dân tộc Việt.
Mặc dù lịch sử hai dân tộc đi về hai hướng khác nhau từ hơn
một ngàn năm, nhưng ngày nay người Việt và người Uyghur vẫn đều là nạn nhân của Cộng
Sản Trung Quốc. Mặc dù không bị quân Trung Cộng chiếm đóng và trực tiếp cai
trị, nhưng người Việt Nam
vẫn chịu hậu quả của chính sách bành trướng mới của Mao Trạch Ðông. Họ Mao tiến
quân vào vùng đất Tổ tiên của người Uyghur và người Tây Tạng, mang theo danh
nghĩa “giải phóng” các dân tộc này khỏi “ách thống trị phong kiến;” dưới ngọn
cờ một chủ nghĩa quốc tế. Trong cùng thời gian đó, Mao Trạch Ðông đã huấn luyện
một số người Việt Nam theo “chủ nghĩa quốc tế” này, để đưa nước Việt Nam vào vòng
lệ thuộc. Mao khôn ngoan hơn các hoàng đế Trung Hoa đời trước, không dụng binh
mà vẫn đạt được kết quả.
Một đảng viên cộng sản mới được gọi đi học tập, cho biết một
trong những điều “Trung Ương” chỉ thị là “Các đảng viên tuyệt đối không được dùng
các mạng xã hội phản đối Trung Quốc.” Họ cũng phải ghi nhớ chủ trương “Bảo vệ
quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ chế độ cộng sản;” trong khi phải ghi nhớ “kẻ
thù lâu dài” của đảng vẫn là nước Mỹ. Tất cả các hành động phản đối Trung Quốc
phải do chỉ thị cấp trên đưa ra; chủ yếu chỉ yêu cầu họ rút giàn khoan mà thôi
(mà giàn khoan HD-981 thì trước sau cũng sẽ dời đi nơi khác).
Ngày nay người Việt Nam cũng không khác người Uyghur, vẫn
phải tranh đấu để thoát khỏi gọng kìm của Trung Cộng. Cuộc tranh đấu của hai
dân tộc lại chứng tỏ, một lần nữa, rằng lý thuyết của Karl Marx sai từ nền tảng.
Ðộng lực thúc đẩy lịch sử là tình tự dân tộc, thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục,
tập quán, và được củng cố bằng tôn giáo. Câu Marx viết, “Lịch sử là lịch sử đấu
tranh giai cấp.” Ý kiến này đã được Mao Trạch Ðông sử dụng để bành trướng uy
quyền. Mao mê hoặc cả người Trung Hoa lẫn người Uyghur và Việt Nam. Cầu mong
dân tộc Uyghur sẽ có ngày giành được độc lập, dân tộc Việt vẫn còn phải tiếp
tục đấu tranh.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét