Nhà hát thành phố, Caravelle, Continental, Rex, Tax, Givral... nổi tiếng
thế giới và gắn với một thời kỳ lịch sử Việt Nam. Trải qua nhiều thăng
trầm, các tòa nhà ngày nay được xây dựng to đẹp hơn mang lại vẻ lộng lẫy
cho khu trung tâm Sài Gòn.
Ảnh chụp trước Nhà hát thành phố năm 1962 (trên) và nay (dưới), góc đứng
từ phía vỉa hè nhà hát. Tòa nhà cao góc trái là khách sạn Caravelle,
đối diện là khu thương mại. Kiến trúc tổng thể nhìn chung ít có sự thay
đổi, nhưng bức ảnh năm 2014 cho thấy ngày nay khu vực này thưa thớt cây
xanh hơn, khách sạn Caravelle được xây dựng lại tiêu chuẩn 5 sao với hơn
300 phòng.
Tòa nhà đối diện Caravelle sau 1975 thuộc quản lý của Tổng
Công ty du lịch Sài Gòn, gần đây được xây thành trung tâm thương mại
lớn. Hàng rào xanh ở ảnh ngày nay chính là khu vực đang được chắn lại để
thi công nhà ga metro. Ảnh: Khánh Ly.
Bên hông nhà hát thành phố chụp từ góc đường Đồng Khởi (ảnh dưới). Giai
đoạn năm 1972 đường Đồng Khởi có tên gọi là đường Tự Do (ảnh trên). Tòa
nhà 4 tầng bên hông Nhà hát thành phố là khách sạn Continental. Trước
1975, khu vực trung tâm Sài Gòn này rất nổi tiếng với giới trí thức, nhà
báo, nhà binh trong và ngoài nước, với những cái tên quen thuộc như
khách sạn Caravelle, khách sạn Continental, Nhà hát thành phố, tiệm bánh
ngọt Givral (đối diện nhà hát, nay đã được di dời và phá bỏ để nhường
chỗ xây trung tâm thương mại Vincom). Ảnh: Khánh Ly.
Nhà hát thành phố chụp từ phía đường Lê Lợi. Đèn giao thông đã xuất hiện
trong bức ảnh năm 1972 (trên) và trạm đèn giao thông nay đã biến mất vì
khu vực này bị rào chắn để xây metro, chỉ chừa một lối đi nhỏ. Trước đó
rất dễ nhận ra trung tâm Sài Gòn với nhiều
công trình kiến trúc đặc trưng Đông Dương thời Pháp thuộc và kiến trúc
Sài Gòn nằm san sát nhau, với những công viên và cây xanh có trên 100
năm tuổi. Ảnh: Khánh Ly.
Đường Lê Lợi năm 1972 (ảnh trên) và năm 2014 (dưới), vẫn giữ không đổi
tên. Tòa nhà bên tay trái hiện nay là một phần của trung tâm thương mại
Vincom, nhìn ngược về Nhà hát thành phố. Một nhà ga hiện đại sẽ xuất
hiện giữa không gian này, giúp rút ngắn thời gian di chuyển của người
dân thành phố. Ảnh: Khánh Ly.
Thương xá Tax được người Pháp xây cách đây 130 năm, trở thành một biểu
tượng của người dân thành phố. Đài phun nước trước thương xá với hàng
liễu rủ bóng giờ chỉ còn là một ký ức đẹp với những người yêu mến Sài
Gòn. Ông Nguyễn Chánh ở quận 3, chia sẻ: “Thương xá này tồn tại cùng với
sự phát triển của Sài Gòn, là điểm nhận dạng để mỗi người Sài Gòn đi xa
tìm về". Ảnh: Khánh Ly.
Đầu tháng 10, Tax sẽ đóng cửa để phục vụ dự án metro, đồng thời xây dựng thành trung tâm thương mại mới. Trần
Mai Nga, người dân thành phố, hoài niệm: "Thương xá Tax gắn liền với
tuổi thơ của tôi ở Sài Gòn. Những năm 1980- 1990, muốn mua cặp mới, bút
mới hay quà tặng, tôi thường cùng bạn bè hoặc anh chị đạp xe từ nhà đến
nơi này". Không giống Hà Nội, Sài Gòn không có nhiều quán kem nhưng ngay
trước Tax có điểm bán kem rất ngon nên luôn đắt hàng. Ảnh: Khánh Ly.
Khánh Ly tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét