Tính ra, mỗi cái túi xách trị giá 1.600.000.000 VNĐ, tương đương
với lương trung bình của công chức (3 triệu đồng/tháng) trong khoảng
gần… nửa thế kỷ(!) Có biết bao câu hỏi, biết mấy nỗi đau từ cái sự thật
hầu như ai cũng biết mà không ai nói – nhất là các cơ quan có trách
nhiệm bảo vệ cán bộ, chống tham nhũng - không thể kết luận vì “không đủ
chứng lý”.
Chứng lý ở đâu khi cái sờ thấy,
biết rõ (tìm hiểu chẳng khó gì vì không lẽ người ta mua túi xách về để
cất?) là không ai có thể đem đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mua
thứ có thì không làm cho béo hơn, thiếu chẳng gầy đi. Số tiền khủng trên
đây trong một đất nước có hàng triệu người nghèo, hàng triệu người thất
nghiệp không thể nói khác hơn, đó là sự thách thức của tội ác, sự trơ
tráo về mặt văn hóa, sự vô lương của đạo đức và là sự tàn nhẫn của lương
tâm – nếu như lương tâm là cái có thật trong thời đại nhố nhăng này.
Những cái túi xách đó “sinh ra”
cho các thứ trưởng giả của các nước nghèo chơi trội, với cái vỏ hợm
hĩnh, không rẻ tiền về giá trị của… đồng tiền nhưng lại rẻ hều về nhân
cách, lối sống; chỉ nhằm vào cái đích duy nhất là chứng tỏ cái gọi là
đẳng cấp, xứng mặt tay chơi. Nó là sự minh định cay đắng rằng cơ quan
chống tham nhũng dường như đang nói nhiều, làm biếng và, chắc chắn, đang
làm lãng phí thêm không ít tiền dân, của nước khi họ nhận lương rồi
ngồi viết thành câu chữ cho các báo cáo thăng hoa, cho sự bao che liếc
xéo những nụ cười mỉa mai, chua chát.
Một đất nước không có cái gì để
chứng tỏ, để “khoe” với thế giới, để đóng góp cho văn minh nhân loại
ngoài những thói hư, tật xấu như tham lam, ích kỷ, vô cảm, lười nhác,
dối lừa… thì còn gì để biện minh?
Chẳng lẽ tất cả những gì báo chí,
dư luận lên án mỗi ngày mãi cũng chỉ là “hiện tượng”, chưa phản ánh đủ
và đúng về sự băng hoại văn hóa ở mức độ trầm trọng nhất với tốc độ
nhanh nhất?
Những cái túi Hermes đó không hề
lẻ loi trên cuộc đời này. Nó có rất nhiều các anh chị em song sinh, đồng
hành. Chẳng hạn, quan chức mất trộm, để quên hàng tỷ đồng là chuyện
bình thường; Bộ GD-ĐT trình đề án làm SGK “nhầm lẫn” 34.000 tỷ đồng nay
tụt xuống còn gần 800 tỷ cũng là chuyện bình thường; đường cao tốc dài
nhất Việt Nam, đứng trong top ten Đông Nam Á chưa đi đã lún cũng là bình
thường…
Những cái mà các nhà quản lý dán
nhãn “bình thường” ấy là điều thậm bất thường trong một xã hội văn minh,
nơi mọi khoản thu nhập của công dân được làm minh bạch, rõ ràng; mọi
khả năng về quản lý không có chỗ cho nhầm lẫn bởi nhầm mà liên quan đến
hàng núi tiền của là sự phá hoại rõ ràng. “Nhầm lẫn” hàng chục ngàn tỷ
mà chỉ có thể “thấy sợ”, rồi, không ai phải chịu trách nhiệm sao? Giả sử
nếu dư luận không phản đối, Quốc hội không tỉnh táo thì có phải là hàng
vạn cái Hermes nữa lại được mua tấp nập?
Hầu như tất cả những ai có trách
nhiệm đều tuyên bố phải quyết liệt, phải thay đổi vì tham nhũng đang là
căn nguyên liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Có tìm thấy ở đâu giống
với nước ta là nói nhiều, nói lắm mà tất cả sự sai trái, trì trệ vẫn ý
nguyên? Hình như, chỉ có một cái thay đổi thôi: Nỗi đau của hàng triệu
người nghèo, thất nghiệp ngày một nhức nhối hơn?…
Hà Văn Thịnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét