Ads 468x60px

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

RỪNG LUẬT VÀ LUẬT RỪNG

Minh Tâm
Thuở sinh tiền, luật sư Ngô Bá Thành (tên thật Phạm Thị Thanh Vân) có câu nói để đời: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. 
Lạc quan hơn, nước ta đã qua thời kỳ “thiếu luật”, hay nói cách khác, hệ thống pháp luật của chúng ta đã định hình một cách rõ ràng, điều chỉnh tương đối đầy đủ các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội. Nhưng mãi rồi những quy định tốt đẹp đó không thực sự đến được với nơi nó cần phải đến.
Và nguy hiểm hơn là chuyện đâu đó người ta vẫn còn tự tiện vận dụng các điều luật không theo quy định, cũng như tự cho cái quyền được đặt ra những điều luật… “từ trên trời”.
Thế nào là hậu quả nghiêm trọng?
Đơn cử, đối với tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai ở Điều 173 Bộ Luật Hình sự (BLHS), nội dung điều luật quy định “Hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm, nhưng lại không quy định cụ thể thế nào là nghiêm trọng.
Trong khi thực tế, xuất phát từ hành vi lấn chiếm đất công trái phép đã phát sinh một số tội phạm khác như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Những hành vi này lại được xử lý theo tội danh khác.
Hậu quả của tội phạm mới phát sinh có được coi là hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành vi lấn chiếm đất trái phép không? Trong khi đó, việc giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định của BLHS chưa được kịp thời hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế.
Trộm cắp vài trăm ngàn đồng cũng có thể đi tù!
Tìm hiểu các quy định của BLHS, có thể nhận thấy các khái niệm định tính được dùng làm căn cứ định tội, hoặc để xác định mức độ nghiêm trọng thuộc hậu quả của tội phạm, như: phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng; hàng phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn... khá phổ biến trong các điều luật như:
Điều 86. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội; 
Điều 87 Tội phá hoại chính sách đoàn kết; 
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; 
Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; 
Điều 127. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử; 
Điều 131. Tội xâm phạm quyền tác giả; 
Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; 
Điều 154. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; 
Điều 155. Tội sản xuất tàng trữ, vận chuyển buôn bán hàng cấm và các tội xâm phạm môi trường...
Trong số những điều luật nói trên, chỉ có một số điều đã được các cơ quan hữu quan hướng dẫn thi hành bằng việc quy định cụ thể, còn lại nhiều điều luật vẫn chưa được hướng dẫn, khiến cho quá trình giải quyết vụ án hình sự gặp nhiều khó khăn. Việc BLHS lấy hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra để xác định tội phạm ở quá nhiều điều luật làm ảnh hưởng đến nguyên tắc pháp chế, thể hiện ở việc tùy tiện áp dụng dấu hiệu này của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trộm cắp vài trăm ngàn đồng cũng có thể đi tù!
Bỏ tù 10 năm oan uổng là “đúng quy trình”, tiêm chết người cũng “đúng quy trình”, rồi không công bố dịch sởi khi đã có hàng trăm trẻ tử vong cũng vẫn “đúng quy trình”. Vậy những cái “đúng quy trình” đó có thể tạo nên một nhà nước pháp quyền hay không?
Dân làm trái luật thì phạt tới bến!
Bộ trưởng nói rất mạnh về Nhà nước pháp quyền, tức Nhà nước và nhân dân đều phải chấp hành luật. Dân làm trái luật thì phạt hết sức ghê gớm, các cơ quan nhà nước làm sai đến 312 văn bản lại xử lý rất thấp” – đó là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên chất vấn chiều 11-6-2014.
Ông Nguyễn Bá Thuyền phát biểu như vậy, nhưng cũng không định lượng được bao nhiêu trường hợp bị xử lý khi soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật sai để có thể gọi là “xử lý rất thấp”. Lâu nay, khi một văn bản pháp luật ban hành, bị phản ứng từ dư luận, bị phát hiện sai sót thì rút lại.
Còn việc xử lý thuộc nội bộ của cơ quan ban hành, dân không biết.
Văn bản quy phạm pháp luật sai thì rút lại là đương nhiên, nhưng chưa ai nói đến hậu quả của nó khi áp dụng vào đời sống. Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, nhiều khi người dân, doanh nghiệp không làm sai luật, chỉ là không đúng các văn bản hướng dẫn mà bị quy tội cố ý làm trái, có thể bị xử lý hình sự.
Còn nhiều hậu quả khác, có thể thấy rõ nhất, các văn bản với nhiều quy định sai sót làm cản trở các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn thì thiệt hại đó không chỉ đối với riêng họ, mà là thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho toàn xã hội.
Với vụ án ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên), thì doanh nghiệp không làm sai luật, mà chỉ sai khi thời gian khá dài sau đó thì ông Nhà nước mới ra văn bản gọi là “hướng dẫn luật”. Khi văn bản này có hiệu lực thì các điều mà Bầu Kiên làm như bị buộc tội, thật ra đã chấm dứt.
Ngay sau phiên tòa, viết trên trang Facebook cá nhân, luật sư Lê Công Định cho rằng: “Tội lớn nhất của anh Kiên là đã chứng minh rằng ở đất nước này luật pháp có như không”.
Còn nhà báo Huy Đức viết một bài phân tích dài, đặt câu hỏi: “Nếu trong hai tuần vừa qua Bầu Kiên được xét xử trước một bồi thẩm đoàn, liệu Tòa có dám để các dự thẩm biểu quyết (có tội hay không có tội) trước quá nhiều vấn đề pháp lý bị bỏ qua như thế”.
Chủ tịch xã cũng được quyền làm luật
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 11-6-2014, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhìn nhận một sự thực rằng “Hệ thống pháp luật VN có lẽ phức tạp nhất thế giới. Vì theo quy định, rất nhiều chủ thể, thậm chí tới cả chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một chủ thể được ban hành rất nhiều loại văn bản”.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm: Hệ thống pháp luật của ta có nhiều loại văn bản quá: luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa quy phạm của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ... rồi chỉ thị của cấp xã nữa. Rừng luật ấy không chỉ nhiều mà còn rậm rạp, khó thi hành, khó chấp hành, chi phí để tuân thủ tốn kém.
Đa số luật hiện nay, phần khó dành cho dân và doanh nghiệp. Một điển hình là Luật Hải quan, cán bộ hải quan áp dụng mã thuế sai không thấy chịu trách nhiệm, nhưng doanh nghiệp lãnh hậu quả là phải nộp tiền truy thu thuế sau vài ba năm. Trong khi đó đã có luật quy định cán bộ làm sai thì phải bỏ tiền túi nộp thay cho doanh nghiệp, song chẳng thấy ai thi hành.
Có lẽ do ngay cả chủ tịch xã cũng được quyền làm luật nên lời than thở phẫn uất sau đây ngày càng bắt gặp nhiều hơn: “Có những tháng buôn bán chẳng nổi 3 triệu đồng cả gốc lãi vẫn phải đóng 100 ngàn tiền thuế, nếu sử dụng hóa đơn đỏ thì thuế tháng là 500 ngàn đồng, kể cả khi không có thu nhập. Thật vô lý cho những người buôn bán nhỏ nghèo khốn!”.
Quốc hội phải có những phương cách để kiểm tra sự tương hợp từ giải pháp lập pháp của Chính phủ với lòng dân. Cách tốt nhất để làm điều này là bản thân Quốc hội phải gắn với lòng dân.
Công quyền phải tuân thủ ý dân
Hàng loạt cố gắng hiện nay như: “nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội”, “đổi mới quy trình lập pháp”, “tăng cường năng lực lập pháp”... là những việc cần làm để ngành lập pháp có thể cho ra những sản phẩm tốt hơn. Nhưng, một chiếc cày bằng đồng cũng không hiệu quả nhiều hơn một chiếc cày bằng gỗ là bao. Vấn đề là, cần thay đổi hẳn sang dùng máy cày- thay đổi nguyên lý mới là quan trọng. Muốn hướng tới một nền pháp quyền, vì dân giàu, nước giàu, tư duy về lập pháp phải có những thay đổi.
Pháp quyền là một mô thức giới hạn công quyền bằng pháp luật. Pháp quyền có nghĩa là không một cá nhân nào, dù là tổng thống hay công dân, được đứng trên luật pháp. Các chính phủ dân chủ thực thi quyền lực bằng luật pháp bản thân họ cũng phải chịu sự hạn chế của luật pháp. Pháp quyền, như vậy, không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mà là nhà nước bị pháp luật quản lý.
Minh Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét