Phá ngục Bastille |
Lê Tuấn Huy
Đáp
lại những ý kiến không thuận về án tù giam cho Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị
Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, hệ thống thông tin nhà nước hẳn sẽ cho rằng một
vụ án hình sự đã bị các thế lực thù địch chính trị hóa, dù thực tế, các cấp chỉ
đạo họ thừa biết mức độ chính trị của vụ việc.
Tôi
đã tự hỏi: đưa Bùi Thị Minh Hằng vào án là một cơ hội ngẫu nhiên hay đã được
toan tính từ đầu, mà mồi nhử là sự vụ với Nguyễn Bắc Truyển trước đó? Phải
chăng, theo quan niệm “cảnh giác cách mạng”, một Nguyễn Bắc Truyển nay có gia
đình vợ sống ở vùng có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (và cả các họ đạo Cao Đài) là
đã quá đủ, hiện diện thêm một Bùi Thị Minh Hằng vừa dấn thân và hiệp nghĩa, vừa
xông pha, ứng biến và lợi khẩu…, là sẽ quá thừa những bất ổn tiềm tàng? Bởi,
cho dù chính quyền không hề sợ Bùi Thị Minh Hằng (hay bất kỳ người hoặc nhóm người nào)
thì họ vẫn sợ cái cảm hứng (nằm xuống để đất nước này) đứng lên mà Bùi Thị Minh
Hằng có thể sẽ trực tiếp truyền sang người dân nơi này.
Dù
việc “xây dựng” án ra sao và mức án như thế nào, thì giới quan tâm thời cuộc
cũng đã quá hiểu sự “bình thường” của công lý ở xứ sở này, nhưng hòn đá mà
phiên tòa đó quăng thêm vào, trên con đường đi tới đã lởm chởm gạch đá của Việt
Nam, là điều khó tránh khỏi trong suy nghĩ.
Không
thể không lo âu trước việc chặn giữ, bắt bớ, hành hung những người muốn đến
phiên tòa “công khai” ấy. Theo dõi thông tin trong ngày xử, cảm giác như có sự
ruồng bố khắp Bắc, Trung, Nam với nhiều thứ “nghiệp vụ”, cốt để những người bị
xử không nhận được sự hậu thuẫn tinh thần và hỗ trợ chứng lý tốt nhất có thể.
Cho
dù ai ủng hộ sự cản trở này, chỉ cần một ít lương tri, cũng biết rằng những
việc đó xâm phạm quyền tự do đi lại và tự do cư trú. Nhưng điều đáng ngẫm là,
sâu hơn thế, sự xâm phạm hiển nhiên này, và mọi thứ chà đạp khác lên quyền con
người, từ lâu đã được khoác chiếc áo chính nghĩa, với biện minh rằng vì sự nghiệp
cách mạng, có thể dùng đến mọi biện pháp cách mạng. Và theo lẽ ấy, không một
“biện pháp nghiệp vụ” nào mà lại không là biện pháp cách mạng. Nó đã trở thành
lý lẽ tự nhiên đến mức hồn nhiên, đánh dân cũng vì công việc chung. Những năm
gần đây, việc truy đuổi, hành hung, dẫn đến cái chết hoặc gây thương tích cho
dân cứ nở rộ lên. Có ai trong chính quyền đã tự hỏi tình trạng đó phần nào là hiện
tượng “đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt” khi công an, an ninh và các loại
công cụ sống của họ ở các địa phương đã quá quen với việc truy bức, đánh đập
những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động khác, mà không bị xem là
phi pháp và xử lý theo pháp luật?
Với
tinh thần chính nghĩa bất chấp tất cả đó, từ những “nghiệp vụ” nhỏ đến sự xâm
hại lớn chẳng là bao xa, và cũng chẳng dễ dàng thức tỉnh. Hầu như những kẻ sống
bằng quyền lực chuyên chế, đến ngày tàn của chế độ hay khi đứng trước sự phán xét,
vẫn tin vào cái chính nghĩa bất chấp của mình. Chẳng hạn, các biện pháp tàn bạo
của Khmer Đỏ thực chất cũng chỉ là “cưỡng chế” các quyền con người căn bản:
quyền thân thể và sinh mạng, quyền cư trú và đi lại, quyền ngôn luận, quyền hôn
nhân…, nhằm tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà,
trong khi cả loài người đều thấy rõ sự sai trái đó, thì bản thân họ lại không.
Tại những phiên tòa xử các lãnh tụ Khmer Đỏ, kẻ thì dứt khoát rằng chẳng gây
tội gì với nhân dân Campuchea mà là do Việt Nam, kẻ thì nói chỉ do cấp dưới
làm.
Quay
lại phiên tòa Đồng Tháp, sự bất chấp dường như đã ở một nấc mới khi đã triệt
tiêu thành công mọi cố gắng đến gần nơi xử. Đó là nối tiếp thành công của việc
triệt tiêu lần tổng biểu tình thứ hai chống giàn khoan 981, và hẳn sẽ được nhân
rộng “mô hình” cho những sự vụ tương tự lần sau. Cái nguy cơ tiềm tàng của
thành công kiểu này là người dân mất hết cơ hội biểu thị thực tế sự phản đối
của mình một cách hòa bình. Thay vào đó, khả năng biểu thị phi hòa bình sẽ tăng
lên một khi những bất bình xã hội cứ tiếp tục tích tục và dồn nén.
Cơ
hội chuyển đổi hòa bình thì vẫn luôn có, nhưng phiên tòa này đem lại một nỗi
lo, là khả năng đối đầu và hỗn loạn cũng đã tăng lên, tương ứng với sự nâng cấp
của ý chí triệt hạ những tiếng nói và hành động tự do.
Cái
ý chí đấy lắm khi khiến người ta phải tức cười. Như ở bản án này, không kể việc
phải
quàng cho được án từ chuyện đi xe hàng ba, tình tiết chỉ đúng một cái đánh vào tay, không chút trầy
xướt, mà bị cáo không thừa nhận, cũng bị quy tội hành hung công an, khiến tôi phải
phì cười mà nghĩ: lực lượng bạo lực sao ngày càng “mong manh, dễ vỡ” đến thế.
Tôi
liên tưởng ngay đến đến chuyện vì âu lo người thi hành công vụ bị tổn thương
sức khỏe và tinh thần từ hai cái tát (trong đó một cái vào mũ bảo hiểm) nên
người ta quyết giam sáu tháng (ban đầu là chín tháng) một nữ sinh có bệnh về thần kinh, bất chấp
tương lai học hành của cô bé. Cũng vì sự tổn thương của những nam nhi có quyền
hành mà trong vụ khác, một cô gái phải ngồi tù hai năm (ban đầu là ba năm) bởi cắn hai vết.
Cùng
lúc, tôi cũng nhớ đến vụ một câu nói năm năm tù, đến những vụ án mà
với vài con vịt, nhiều người phải ở tù nhiều năm. Tôi cũng sực nhớ đến một vụ
đã lâu (thời Việt Nam
chỉ có báo giấy, chưa có internet), ở một tỉnh miền Trung, dân nghèo vì trộm
cáp của đường dây cao thế mà chịu án tử vì (bị cho là) xâm phạm an ninh quốc
gia…
Bất
giác, tôi “khai sáng” cho mình một điều mà từ lâu đã tự đặt sang một bên, không
lý giải. Đó là việc phá ngục Bastille mở đầu cho Đại Cách mạng Pháp 1789. Lần
đầu tiên biết chi tiết này hồi trung học, tôi đã thắc mắc: vì sao giải thoát
tội phạm lại là biểu tượng của cách mạng? Giờ, từ hiện thực tôi hiểu được lịch
sử. Thì ra, trong trong nhà tù chuyên chế, không chỉ có những kẻ “đúng người
đúng tội”, mà còn là nơi giam cầm chính những sản phẩm-nạn nhân của một xã hội
đã băng hoại mọi giá trị, nơi thi hành những bản án oan ức từ sự lượng tội tắc
trách hay lượng hình độc đoán, nơi nối tiếp tận cùng sự bất công đối với những
người dân bị tước đoạt điền sản bằng quyền lực, nơi hoàn tất những vụ án ngụy
tạo với những ai chỉ muốn thực thi quyền con người vốn có và chống lại sự bạo ngược
của cường quyền…
Lê Tuấn Huy
02-05/09/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét