Cho em về với một đoàn thêm
vui
Hồi nhỏ tôi thường ru em như thế. Cầu Ngói Thanh Toàn
là một di tích đặc biệt của Huế. Một chiếc cầu kiểu thượng gia hạ kiều như cầu
vào Chùa Thầy Hà Tây. Lễ Hội Festival Huế đã chọn Cầu Ngói tổ chức Hội Chợ Quê,
càng thêm quyến rũ khách đường xa. Hội hè phải nơi thôn dã mới nhiều màu sắc,
thành phố thì toàn máy móc khô cứng, giả tạo, chỉ khéo hóa
trang.
Lúc khởi hành trời không mưa, nhưng không có gì báo
hiệu một ngày nắng. Ra quán cà phê cửa Thượng Tứ, điểm tâm, tôi thăm
dò:
- Em định chạy lối nào về Cầu
Ngói?
- Dạ, đi băng theo ngã Chợ Cống về Thủy Thanh cho
mau.
Mới sáng sớm mà khu triển lãm trước bến Thương Bạc đã
đông người. Những ngày hội hè di chuyển trong phố không phải dễ dàng, nhất là
thời này lượng xe máy tăng vượt mức, đường sá quá tải, phải chen nhích từng
bước. Qua khỏi cầu Trường Tiền giao thông mới bớt tắc.
Đã mấy chục năm, nay mới có dịp trở về chốn cũ, Chợ
Cống, nơi tôi trọ học ngày xưa. Tôi bảo anh xe ôm, “Qua Chợ Cống dừng cho chú
một chút.”
Không phải đợi, Chợ Cống đã hiện ra trước mặt. Ngày
trước, đây là một xóm quê nghèo nàn, mùa mưa mới thấy khổ, đường sá lầy lội,
mang áo tơi lá, đi bộ đến trường mỗi ngày trong gió rét căm căm, tôi không ngờ
ngày nay là một phố thị, một ngôi chợ khang trang, đường chạy hai chiều, cảnh
đổi thay ngoài sức tưởng tượng.
Khu vực phồn thịnh quanh Chợ Cống không nhiều, chạy
một lúc đã vào làng quê, ruộng đồng không khác gì xa xưa. Tưởng rằng cậu chạy xe
biết đường, hóa ra cũng phải lò mò hỏi từng chặng, lúc quẹo trái lúc quẹo mặt,
cuối cùng chạy qua xã Thủy Thanh nước trắng đồng. Mưa mới hai hôm mà cánh đồng
mênh mông như mặt biển. Đường làng tuy hẹp nhưng sạch sẽ, tráng nhựa hoặc đổ bê
tông, không còn những con đường sình lầy nữa. Người đi dự hội từng nhóm, con trẻ
áo đủ màu, rải dài trên đường đồng về Cầu Ngói.
Nhìn về phía làng xa, tôi
hỏi:
- Gần tới chưa?
- Trước mặt chú tề. (Trước mặt kia
chú).
Làng Cầu Ngói chắn ngang cánh đồng. Vào làng rẽ trái,
qua một hai chiếc cầu nhỏ, đã nghe tiếng nhạc loa, tiếng trống, tiếng người, cờ
xí, biểu ngữ giăng dài dài... Một lạch nước chạy theo đường cái, có “cầu khỉ”
qua những túp lều tranh vách nứa, nghèo mà đẹp, tôi lại phải dừng. Tiếng loa
vang càng rõ, Cầu Ngói đã tấp nập người xem, một vùng Chợ Quê đang ồn ào mua
bán. Một khán đài dựng tạm ra bờ sông mé bên kia. Cờ quạt khẩu hiệu rực rỡ,
tiếng loan báo chương trình khai mạc vang rộn trên
loa.
Cầu ngói Thanh Toàn
Chiếc cầu đã 300 năm, mái ngói âm dương, 3 gian, 7
vài, vẫn còn nguyên, vẫn chắc, không như Chùa Cầu Hội An phải đội trên đế bê
tông. Một công trình nghệ thuật cổ kính mà ngày nay còn lại không nhiều. Ngày
thường chiếc cầu dùng cho mọi người qua lại, kể cả xe đạp xe máy.
Cầu ngói Thanh Toàn
Những buổi
trưa hè các lão ông trong làng ra nằm nghỉ mát. Trong ngày hội hôm nay, cầu được
sửa sang trưng bày như một nơi lễ bái. Bàn thờ, hương đèn và nhiều bô lão khăn
đống áo dài ngồi tụ họp uống trà kể chuyện xưa cho con
cháu.
Lễ đài đã chuẩn bị khai mạc, sau bài diễn văn của ban
tổ chức, phát biểu của các quan chức là phần phát bằng khen thưởng cho những cá
nhân xuất sắc trong sinh hoạt địa phương.
Qua cầu ra chợ
Hình ảnh khởi đầu cho Hội Chợ Quê là
một đoàn các bà quảng gánh ra chợ. Họ đi qua một chiếc cầu tre nhỏ mới làm, rất
hợp với dòng sông nhỏ. Đôi gánh tuy nhẹ nhưng dáng vẻ vẫn hay, nhất là một đoàn
liên tiếp cả chục người. Tiếc là các bà đi chợ thời nay, áo bà ba chân dép chứ
không như thời xưa áo dài guốc mộc nón lá quai thao. Bên này là đình chợ, đoàn
Lân nổi trống múa một vòng qua cầu về khán đài. Lân đến đâu trẻ con bu theo đấy,
hội hè có Lân là xôm tụ. Lân đồng quê màu sắc cũng rực rỡ nhưng không chuyên nên
không có màn “leo cây hái tiền,” tuy nhiên cũmg mang lại không khí tưng bừng cho
ngày hội.
Khu Bài Chòi |
Trước đình chợ có dựng thêm lều tranh mấy dãy. Hai dãy
lều Bài Chòi đã có người ngồi đợi. Trong đình là khu trưng bày các mặt hàng thủ
công và những nông cụ mà ngày nay không còn dùng như: Cối xay, guồng nước, gàu
giai, cối giã gạo, cày bừa... Những chiếc xuồng nan bé tí, sàng dừng, thúng mủng
bằng mây tre. Nhiều cô thử vào xay lúa, nhiều bà ngồi sàng sảy gạo, tỏ vẻ vui
thích. Ai thắc mắc đã có chuyên viên đứng cạnh giải đáp. Tiếng hô Bài Chòi đã
vang lên, thu hút người xem, tôi ghé qua nhưng không hiểu rõ lắm. Trời lại mưa,
sẵn có lều hàng ăn, tôi vào kiếm một ghế, quán đã đầy khách. Một công hai việc,
núp mưa, vừa thưởng thức món bánh Nậm, có cả bánh Bột Lọc, Cháo... Quán dã chiến
của đội thanh niên trong làng, một cô cán bột, một cô hấp bánh, mấy cậu chạy
bàn. Nói là chạy, nhưng quán chỉ hẹp chừng 4 mét vuông thì quay qua quay lại đã
đụng nhau. Tôi hỏi :
- Một dĩa bánh Nậm bao
nhiêu?
- Dạ, 3 ngàn.
- Cho chú một dĩa.
Dĩa bánh 7 cái, chén nước mắm dầm ớt thơm phức. Trời
lạnh bánh nóng, bao nhiêu người còn đợi bên ngoài, tự nhiên thấy mình có niềm
vui nho nhỏ. Dù là chuyện không gì, mình cũng may mắn hơn kẻ khác. Tôi khệnh
khạng dùng đũa lột bánh vào chén nước mắm, định lột hai ba cái rồi ăn một lúc
thì có chị ngồi đối diện chận lại:
- Không phải ăn rứa mô chú
ơi.
Những người chung quanh xúm lại cười. Tôi chưa hiểu
“mô tê” thì chị ta đã nhanh tay cầm đũa vừa mở bánh vừa chỉ cho
tôi:
- Ăn ri nì, để bánh nguyên trên lá, dùng muỗng đũa, ăn
hết cấy ni đến cấy khác.
Tôi liếc quanh, mọi người đều ăn như “rứa” cả. Nhưng
tôi lại chợt nhận ra người đàn bà có đôi bàn tay quá đẹp. Ăn rứa ăn ri, bánh
ngon dở chưa biết mà có đôi bàn tay đẹp để ngắm cũng “xứng đồng tiền, bát gạo”
rồi. Nơi người đàn bà có nhiều cái đẹp, mắt đẹp dễ tả, dễ ví von, đôi bàn tay
đẹp thì chỉ để ngắm chứ khó nói. Tôi tính khen một câu nhưng ở chỗ đông người
nên thôi, nếu nơi vắng thế nào cũng có vài tấm ảnh.
Bánh nậm chợ quê thế mà ngon, không thua gì bánh O
Sương (1), lót dạ một dĩa là vừa nhưng ăn no phải hai, ba. Ba nghìn đồng
(20cent) một dĩa bánh đúng là “rẻ không đâu sánh
bằng.”
- Cho chú gửi tiền.
- Dạ, ba ngàn.
Tôi đưa tờ bạc 20,000, vì hay nhầm lẫn khi trả tiền
nên đưa giấy bạc lớn để họ thối cho chắc ăn. Cô bé trả lại
:
- Dạ không có bạc lẻ đến
nơi.
Tôi tìm giấy 5,000 đồng trả luôn không lấy lại tiền
thừa, các cô cười vui vẻ, “Xí nữa mời chú lại ăn nữa
hí.”
Một người trong đám lên tiếng: “Dọn tề.” (Dọn bàn
đi).
Trời vẫn còn mưa, song chương trình đua thuyền như sắp
bắt đầu. Khoảng 5, 6 chiếc thuyền dài, tập trung trước khán đài chờ lệnh xuất
phát. Trời rét nhưng những tay bơi phải mặc áo thun, mỗi thuyền 8 chèo 1 lái.
Dân chúng chen nhau ở hai đầu cầu để xem, trên bờ trống giục, tiếng cổ vũ như
sấm dậy. Thuyền đua hai vòng, mỗi lần ngang qua gần cầu là tiếng trống càng thúc
gấp, tiếng hò reo ầm trời. Các tay bơi cắm đầu xoải dầm xoàm xoạp, thuyền nọ sát
thuyền kia. Xem ra ăn thua sát nút. Cuộc đua kết thúc, phần thưởng phát ra, lễ
khai mạc Hội Chợ Quê chấm dứt.
Hội hè như là sinh hoạt không thể thiếu ở thôn quê.
Mỗi năm, đến ngày Tết Nhất, Lễ Hội là dịp mang lại cho người dân vui chơi để
quên nỗi vất vả ruộng đồng quanh năm suốt tháng. Sau tuần lễ Hội, đồng quê cảnh
vắng lại đâu vào đấy. Lại lam lũ cuốc cày, đợi ngày hội tới, hai năm
sau.
Bài và hình: Trần Công
Nhung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét