Các nước trên thế giới, dù nhỏ hay lớn đều muốn nhân loại biết đến những cái hay
cái đẹp của nước mình. Viện Goethe (Goethe-Institut), đặt tên theo nhà văn và
chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe, có 159 cơ sở hoạt động gần khắp thế
giới để trao đổi văn hóa và ngôn ngữ. Viện Goethe tự trị về tài chánh và độc lập
điều hành từ chính phủ Đức. Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) do một số
trí thức Pháp trong đó có nhà khoa học Louis Paster, nhà văn JulesVerne, sáng
lập từ 1883, có mặt trên 137 quốc gia với tổng số gồm 850 trung tâm cũng hoạt
động độc lập với chính phủ Pháp.
Các nước Phi Châu tuy nghèo nàn, lạc hậu về kỹ thuật, bị thực dân xâm lược
rồi nội chiến triền miên nhưng không phải vì thế mà họ không kiêu hãnh với nền
văn hóa và cũng luôn tìm mọi cách để giới thiệu cùng nhân loại những nét đặc thù
của dân tộc họ. Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu được Đại Hội Đồng Liên
Hiệp Quốc chuẩn y ngày 24 tháng Giêng 2006 đã tạo điều kiện phục hưng các giá
trị và giới thiệu văn hóa Phi Châu đến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.
Ngày nay nhiều viện văn hóa Phi Châu do tư nhân tài trợ có mặt nhiều nơi trên
thế giới.
Phát huy văn hóa là lẽ tự nhiên và đáng ca ngợi. Ngoài trừ những kẻ tự thu
mình trong góc tối, sống trong ảo tưởng “quê hương mình là đẹp hơn cả” dù suốt
đời không ra khỏi nhà để rồi trở nên ngày thêm u mê lạc hậu, phần lớn các lãnh
đạo và con người trên thế giới đều biết trong cái riêng bao giờ cũng có cái
chung, văn hóa của một dân tộc là một phần của văn minh nhân loại.
Thế nhưng, những khái niệm văn hóa, độc lập, tự trị, phi chính phủ của các
trung tâm, các viện văn hóa nêu trên không áp dụng trong trường hợp các Viện
Khổng Tử của Trung Cộng, bởi vì thực chất của các viện này chỉ là cơ quan tuyên
truyền, tình báo và được đặt dưới sự lãnh đạo của Cục Tuyên Truyền Trung Ương
đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuyên truyền là xương sống của chế độ CS. Từ khi thành
lập đảng CSTQ năm 1921 đến nay, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quyết định
trong việc thực thi các chính sách của đảng. Cục Tuyên Truyền Trung Ương do Lý
Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị đứng hàng thứ năm làm Cục Trưởng.
Tại sao là Viện Khổng Tử mà không là Viện Mao Trạch Đông hay Viện
Đặng Tiểu Bình?
Bản chất của CS từ Âu sang Á là giấu mặt và vận dụng ảnh hưởng của các nhân
vật lịch sử trong đó Khổng Tử là một trong những nạn nhân.
Trong thời kỳ sau 1949 đến 1966, lãnh đạo Trung Cộng dựa vào Khổng Tử như
biểu tượng của quyền hạn gia đình bởi vì trong giai đoạn đó Mao chủ trương phân
tán quyền sở hữu đất đai xuống các đơn vị gia đình qua trung gian các chính sách
cải cách ruộng đất và Bước Tiến Nhảy Vọt đầy thảm họa.
Mao ca ngợi Khổng Tử “nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu các thành tựu
lịch sử và đánh giá chúng với quan điểm Mác Lê. Trung Hoa có một lịch sử dài
nhiều ngàn năm với đặc tính riêng và là những kho tàng quý báu… Chúng ta phải
tổng hợp từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên và kế thừa các truyền thống giá trị
này”. Lưu Thiếu Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng Khổng Tử có nhiều đặc điểm
của một người CS tốt.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bao nhiêu thất bại, sai lầm của
Mao đều được đổ lên đầu Khổng Tử khi chiến dịch Chống Bốn Cũ (nhận thức cũ, văn
hóa cũ, truyền thống cũ, tập quán cũ) được phát động. Nội dung của Cách Mạng Văn
Hóa được tóm tắt là “cái mới” chống “cái cũ” và trong đó Khổng Tử đại diện cho
mọi “cái cũ” và biểu tượng của xã hội giai cấp. Không chỉ chống Khổng Tử về mặt
tư tưởng mà cả đền thờ, di tích, sách vở đều bị đục bỏ hay đốt phá. Mao phát
biểu “đọc sách nhiều quá sẽ làm tê liệt khả năng nhận thức”. Mục đích chống
Khổng Tử của Mao là để đương đầu với sự thất bại kinh tế do chính y gây ra và
chống lại những lãnh đạo thực tâm sùng bái Khổng Tử trong đó có Lưu Thiếu Kỳ.
Kết quả, 60 phần trăm lãnh đạo CS các cấp bị thanh trừng qua nhiều hình
thức.
Khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới thay đổi và sẽ thay đổi
một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Sự toàn cầu hóa không chỉ diễn ra
trong lãnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Nhân vật lịch sử cần được đánh
bóng không phải là hai hồn ma CS Mao hay Đặng mà chính là Khổng Tử. Lãnh đạo
Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi giới thiệu Khổng Tử đã ca ngợi ông ta chủ trương một
“xã hội hài hòa”. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng in Luận Ngữ và là tác phẩm phát
hành nhiều nhất ở Trung Quốc, và các ấn bản ngoại ngữ cũng được giới thiệu nhiều
nơi trên thế giới.
Theo Giáo sư Gilbert Rozman thuộc khoa xã hội học, đại học Princeton, Trung
Cộng “muốn thế giới nhìn vào lịch sử Trung Quốc và những vinh quang quá khứ
để khuyến khích họ chấp nhận một Trung Quốc hiện nay nhiều hơn”. Phê bình
quan điểm của Hồ Cẩm Đào, Giáo sư Perry Link, Ban Đông Á, đại học Princeton cho
rằng có sự mâu thuẫn về căn bản là cái cách chính phủ Trung Cộng sử dụng Khổng
Tử để đại diện cho văn hóa Trung Hoa hài hòa ở nước ngoài trong khi đó đảng áp
dụng chính sách toàn trị hà khắc đối với người dân trong nước.
Lịch sử hình thành Viện Khổng Tử
Kế hoạch Viện Khổng Tử được chính thức ra đời vào tháng Sáu năm 2004. Sau vài
lần thử nghiệm tại Uzbekistan, viện đầu tiên được khánh thành ngày 21 tháng 11
năm 2004 tại Seoul, Nam Hàn. Đến nay, 2014, đã có 480 Viện Khổng Tử rải rác khắp
sáu lục địa. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố vào năm 2020 con số Viện Khổng Tử sẽ
lên đến một ngàn viện.
So với Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) được thành lập 131 năm trước,
con số một ngàn đầy tham vọng và cấp bách của Trung Cộng rõ ràng không phải chỉ
thuần mục đích văn hóa. Tạp chí The Economist nhận xét Viện Khổng Tử
chỉ là “cơ quan nhà nước” CS và do đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh các chủ
trương của đảng. Với điều kiện thông tin ngày ngay, nhận xét của tạp chí The
Economist có thể kiểm chứng một cách dễ dàng.
Các chức năng mặt nổi của Viện Khổng Tử
Theo tài liệu chính thức, Viện Khổng Tử là bộ phận của Hán Ban (汉办) “một
cơ quan của Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, một tổ chức không lợi nhuận, phi chính
phủ, liên kết với Bộ Giáo Dục Trung Quốc” Nhiệm vụ công khai của Viện Khổng
Tử là “giảng dạy Hoa ngữ ” và “đóng góp vào sự thành hình một thế
giới đa dạng và hài hòa”.
Hán Ban, về cơ cấu trực thuộc Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, trong thực tế chẳng
phải phi lợi nhuận, tự trị gì mà do một lãnh đạo CS cấp trung ương điều hành.
Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ là bà Chen Zhili. Bà Chen sinh tháng 11 năm
1942, nguyên Cố Vấn Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng. Bà gia nhập
đảng CSTQ năm 1961. Nguyên là Bí Thư đảng bộ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải,
sau đó được thăng cấp giữ chức Giám Đốc Ban Tuyên Truyền Thượng Hải kiêm Phó Bí
Thư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Thượng Hải. Từ năm 2008 bà Chen là Phó Chủ Tịch Quốc
Hội Trung Cộng. Về cấp bậc đảng, bà Chen là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương
đảng CSTQ tại các đại hội 15, 16, 17 đảng CSTQ. Tổng giám đốc hiện nay của Hán
Ban là bà Xu Lin, cấp thứ trưởng trong chính phủ, thành viên của Hội Đồng Nhà
Nước và ủy viên Hội Đồng Tham Vấn Chính Trị. Điều đó cho thấy cả hai lãnh đạo
Viện Khổng Tử đều là cán bộ tuyên truyền cao cấp chứ chẳng thuần túy văn hóa,
ngôn ngữ gì.
Về tài chánh, theo Chinadigitaltimes, Viện Khổng Tử được sử dụng một
ngân sách rất cao lên đến nhiều tỉ yuan và website của Viện Khổng Tử cũng được
xếp vào một trong những website tốn kém nhất tại Trung Cộng. Bà Chen Zhili ra
ngoại quốc được quyền sử dụng tiền bạc một cách rộng rãi so với các ngân sách
giáo dục khác. Mặc dù rất ngạc nhiên trước thái độ yểm trợ tài chánh dồi dào của
Trung Cộng, nhiều đại học quốc tế, kể cả Mỹ, cần tiền bảo trợ cho các chương
trình Hoa Ngữ nên cũng không khó khăn lắm trong việc chấp nhận sự thành lập Viện
Khổng Tử.
Các chức năng mặt chìm của Viện Khổng Tử
- Thực hiện chủ trương tuyên truyền “sức mạnh mềm”: Theo
Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được
mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải
tuân hành. Người viết đã phân tích chi tiết trong bài Từ Hồ Cẩm Đào đến
Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power).
Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện
để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in
World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính
trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi
gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở
rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị
trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc
họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.”
Cũng theo Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn:
văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Áp dụng chính sách sức mạnh
mềm trong phạm vi thế giới đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tuyên
truyền quốc tế của Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Trung Cộng hiện nay.
Trung Cộng có hai đường lối tuyền truyền tương đối độc lập gồm tuyên truyền
đối nội nhằm kiểm soát nhận thức người dân và tuyên truyền đối ngoại tập trung
vào việc ảnh hưởng dư luận quốc tế một cách phù hợp với chính sách đối ngoại của
đảng CSTQ. Tạp chí Economist giải thích các Viện Khổng Tử được sử dụng nhằm
giành được sự đồng thuận của dư luận thế giới.
Mục đích cụ thể của đường lối tuyên truyền đối ngoại gồm (1) trấn an
dư luận thế giới về một Trung Cộng đe dọa, (2) bảo đảm nguồn nguyên vật liệu
cung ứng cho nền kinh tế tăng nhanh nhưng lãnh phí, (3) xây dựng các liên minh
quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới, và (4) phát
huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ.
Khi Hồ Cẩm Đào công bố chủ trương áp dụng “sức mạnh mềm” trên thế giới đầu
năm 2009, Lý Trường Xuân không giấu diếm khi cho rằng các Viện Khổng Tử là
“cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn
hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”.
Mặc dù luôn bào chữa là “khách quan”, “độc lập”, các vấn đề nhạy cảm như biến
cố Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Tây Tạng v.v. đều bị gạch bỏ khỏi các chương
trình giảng dạy tại các Viện Khổng Tử và các học viên không được phép bàn đến
các vấn đề này. Do đó, khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của
CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính
sách thực dân trước đây.
- Hang ổ tình báo: Trung Cộng hiện có 60 triệu Hoa Kiều sinh
sống gần như tại hầu hết quốc gia trên thế giới và việc sử dụng nguồn lực của
đạo quân thứ năm này để phục vụ một cách hữu hiệu đường lối đảng là một quan tâm
lớn của lãnh đạo Trung Cộng.
Tờ báo có uy tín của Mỹ Forbes, trong tháng 10 2014, tố cáo một
trong những trường đại học rất uy tín tại Mỹ, đại học Stanford, đã hợp tác với
Trung Cộng qua trung gian Viện Khổng Tử. Ngân sách của viện do Trung Cộng tài
trợ. Tác giả bài viết trên Forbes trích lời phát biểu của Arthur Waldron khi nói
rằng “Viện Khổng Tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng chính
sách tình báo của Trung Cộng”.
Cũng trên Forbes, tác giả Eamonn Fingleton, chỉ trích các trường đại
học Mỹ bán rẻ lương tâm trí thức qua việc im lặng trước sự kiện Thiên An Môn. Lý
do, tiền của Bộ Giáo Dục Trung Cộng đổ vào các đại học này một cách ồ ạt qua cửa
Viện Khổng Tử. Hiện nay có khoảng 220 ngàn sinh viên Mỹ theo học các Viện Khổng
Tử. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và nguy hiểm là các hợp đồng giữa Bộ Giáo Dục
Trung Cộng và các đại học Mỹ đều phải được giữ kín.
Theo Abrice De Pierrebourg, một cựu chuyên viên ngành tình báo Pháp, nhiều
“chuyên viên ngôn ngữ Trung Quốc” lại có lý lịch gốc an ninh tình báo. Chức năng
của những người này không phải là giáo dục mà là kiểm soát sinh viên gốc Hoa
sinh ra ở nước ngoài và đồng thời tuyển dụng tình báo để làm việc cho Trung
Cộng.
Phóng viên Omid Ghoreishi của báo The Epoch Times, trong điều tra
Bắc Kinh Sử Dụng Viện Khổng Tử cho mục đích Gián Điệp (Beijing Uses
Confucius Institutes for Espionage) đã trích dẫn lời của Michel Juneau-Katsuya,
cựu Trưởng Cơ Quan An Ninh Tình Báo đặc trách Á Châu Thái Bình Dương của chính
phủ Canada rằng với kinh nghiệm nhiều chục năm của ông hoạt động trong khu vực,
cho thấy Trung Cộng không ngừng nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các quốc gia
khác.
Cũng theo lời ông Michel Juneau-Katsuya, đương kim chủ tịch chấp hành công ty
an ninh Northgate SSI và một trong những chuyên viên an ninh được trích dẫn
nhiều nhất tại Canada, Viện Khổng Tử là một đe dọa đối với chính phủ và nhân dân
Canada. Ông khẳng định “Có những thông tin cho thấy rõ ràng các cơ quan tình báo
Tây phương đã xác định Viện Khổng Tử như hình thức của cơ quan tình báo do Trung
Cộng sử dụng và cũng do Trung Cộng tuyển dụng”.
Bài báo trên The Epoch Times cũng nhắc lại lời tuyên bố của Hồ Cẩm
Đào như một bằng chứng cho thấy các Viện Khổng Tử thực chất là hang ổ gián điệp.
Họ Hồ phát biểu “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã tìm ra cách để trồng cấy
và chuẩn bị những người ủng hộ đảng chúng ta”. Dĩ nhiên các lãnh đạo Trung
Cộng luôn bác bỏ những lời tố cáo của các chuyên viên tình báo quốc tế và uy tín
như Michel Juneau-Katsuya.
Các lãnh đạo Trung Cộng hãnh diện khi nhắc đến Viện Khổng Tử như một phần của
“mặt trận đoàn kết” chống kẻ thù. Nhưng kẻ thù của “mặt trận” này là ai? Không
ai khác hơn là “năm nọc độc” gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs,
Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, và “thế lực thù địch Tây Phương” đứng đầu
là Mỹ.
Một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố sớm muộn cũng sẽ sụp
đổ
Mặc dù phát triển kinh tế nhanh trong hai chục năm qua, Trung Cộng đang đương
đầu với những khó khăn khách quan về lâu dài không thể vượt qua bao gồm yếu tố
dân số thặng dư và mất cân đối, y tế công cộng thiếu hụt trầm trọng, môi sinh
độc hại nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính trị độc tài toàn trị, bóp
nghẹt hầu hết các quyền căn bản của con người và tham nhũng đã trở thành một đặc
tính trong mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến địa phương.
Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tài bất chấp dư luận và thể diện
của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa.
Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều
kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm
quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh
lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh
lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy
ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra
sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây tượng cho Mao rằng mùa màng dư
giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa
dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ.
Trần Trung Đạo
_________________________
Tham khảo:
– Mao’s China, A history of the People ‘s Republic. The Free Press, NY
1977
– The New Chinese Empire, Ross Terrill, Basic Books, 2003
– Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu ( CHARTER FOR AFRICAN CULTURAL
RENAISSANCE), Unesco, 2006
– Chen Zhili http://en.wikipedia.org/wiki/Chen_Zhili
– Viện Khổng Tử (http://en.wikipedia.org/wiki/Confucius_Institute)
– Confucius and the Cultural Revolution: A Study in Collective Memory, Tong
Zhang và Barry Schwarz, International Journal of Politics, Culture and Society,
Vol. 11, Nọ 2, 1997
– Propaganda in the People’s Republic of China, WikipediA
– List of all Confucius Institutes in the U.S. (http://confucius.gmu.edu/upload/Resources_Alphabetical-list-of-Confucius-Institutes-in-the-USA.pdf)
– Follow The (Chinese) Money: The Tiananmen Anniversary And A Scandalous
Silence On U.S. Campuses (http://www.forbes.com/sites/eamonnfingleton/2014/06/01/follow-the-chinese-money-the-tienanmen-anniversary-and-a-strange-silence-on-u-s-campuses/)
– Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage (http://www.theepochtimes.com/n3/1018292-hosting-confucius-institute-a-bad-idea-says-intelligence-veteran/)
– Joseph S. Nye, Jr. Soft Power, Hard Power and Leadership,, Harvard
University, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét