Công trình vẫn đang được cho xây dựng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Người Quan Sát
Những tưởng trước việc người dân cả nước lên án mạnh mẽ việc lãnh
đạo Hà Nội cho phép đốn hạ 6.700 cây xanh sẽ khiến cho chính quyền tỉnh
Đồng Nai e ngại. Vậy nhưng, dự án "lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu đô
thị" tại thành phố Biên Hòa vẫn được tiếp tục. Mặc dù trước đó, từ rất
nhiều tổ chức đã lên tiếng phản đối việc làm này. Trong những tổ chức
phản đối, đáng chú ý là Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có văn bản
đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phải rút lại quyết định lấn sông
Đồng Nai để xây dựng đô thị.
Trong thông báo gửi tới các cơ quan báo chí, VRN cho biết, việc cải
tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng xấu
đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai. Chẳng những vậy,
nó còn tạo ra tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát
lũ và dòng chảy của các con sông ở Việt Nam. Tổ chức này còn nói họ
"quan tâm sâu sắc và bày tỏ sự lo ngại" về việc công ty Toàn Thịnh Phát
cho làm công trình trên sông Đồng Nai. Việc làm này theo họ thực chất là
cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông,
chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai. Hậu quả của những việc làm kể trên
sẽ làm cho suy giảm phẩm chất nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn
nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông.
Công trình mà chính quyền tỉnh Đồng Nai rêu rao là dự án "cải tạo
cảnh quan và phát triển đô thị sông Đồng Nai" thực chất chỉ là một công
trình lấn sông với tổng diện tích được biết lên đến 8,4ha. Sông Đồng Nai
có tầm ảnh hưởng quan trọng vô cùng lớn đến việc phát triển kinh tế, xã
hội của cả 11 tỉnh, đây là con sông dài nhất Việt Nam với chiều dài lên
đến 586km. Chính vì vậy, bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến dòng
chảy của con sông Đồng Nai đều sẽ ảnh hưởng không chỉ riêng tỉnh Đồng
Nai mà các tỉnh thành khác cũng sẽ phải chịu tác động. Do đó, khi chính
quyền tỉnh Đồng Nai cho phép công ty Toàn Thịnh Phát lấn sông để xây
dựng đô thị thì người dân phải có quyền được biết và đóng góp ý kiến.
Vậy nhưng, chính quyền tỉnh Đồng Nai không nghĩ như vậy. Họ toàn quyền
quyết định và cho phép công ty Toàn Thịnh Phát được khởi công xây dựng
dự án này.
Theo những nhà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc lấp sông không hề ảnh
hưởng đến dòng chảy. Vào chiều 24/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra
thông cáo báo chí cho biết trước khi cho làm công trình nói trên họ đã
có quá trình nghiên cứu và cho rằng việc cho xây dựng khu đô thị trên
sông Đồng Nai sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào.
Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ mọc
lên những tòa cao ốc, khách sạn, biệt thự,
chung cư...chính quyền Đồng
Nai sẽ thu về được một số tiền rất lớn. Ảnh: Dân Trí
Theo chính quyền tỉnh Đồng Nai, trước khi cho làm dự án "cải tạo
cảnh quan", từ năm 2009, tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo tác
động dòng chảy do Viện thủy lợi và môi trường (Trường đại học Thủy lợi)
thẩm tra. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá việc "lấn sông 50m, 75m, 100m
không làm thay đổi đáng kể thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây
ảnh hưởng xấu..."
Để khẳng định việc xây dựng đô thị trên sông là đúng đắn, ông
Nguyễn Thành Trí- phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai nói: "Ủy ban nhân dân tỉnh
cấp phép và thấy chủ trương này vẫn đúng đắn. Với quy mô dự án như vậy,
chúng tôi khẳng định không có vấn đề gì."
Để phụ họa với cấp trên, ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở Tài
Nguyên-Môi Trường tỉnh cho biết: "Không có cơ sở gì bảo chúng tôi dừng
dự án này. Việc thẩm định có nhiều sở ngành với trình tự thủ tục chặt
chẽ".
Mặc dù lãnh đạo tỉnh đã nói như vậy nhưng trên rất nhiều diễn đàn,
người dân vẫn cảm thấy bất an. Những người này đã thành lập một fanpage
trên mạng xã hội Facebook với số thành viên lên đến gần 9 ngàn người để
phản đối dự án xây dựng đô thị trên sông, nhằm bảo vệ sự sống của sông
Đồng Nai. Có lẽ, những phản ứng của người dân chưa đủ mạnh, hoặc chính
quyền thấy số tiền thu về trong việc cho xây dựng khu đô thị là rất lớn
đã khiến họ mù mắt nên vẫn kiên quyết cho thực hiện dự án này, hậu quả
ra sao, con cháu sẽ giải quyết.
Người Quan Sát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét