Theo phản ánh của tờ Pháp
Luật TP.HCM, một số địa phương, cơ quan liên quan lẫn người dân chịu tác
động trực tiếp từ việc lấp sông Đồng Nai làm dự án đều cho rằng không nhận được
thông tin tham vấn từ chính quyền tỉnh Đồng Nai.
Tờ Thanh
Niên cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai trước đó đã chấp thuận đầu tư dự án cải
tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai rộng hơn 84.000 m2 cho Công
ty Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công) triển khai khu đô thị
Pegasus Residence.
Theo đó, diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200
m2, phần còn lại hơn 6.800 m2 là đất hiện hữu.
Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam,
từng nhận định với tờ Thanh Niên: Sông Đồng Nai không phải là sông riêng của
tỉnh Đồng Nai mà có ảnh hưởng đến nhiều địa phương với nhiệm vụ thoát lũ và cấp
nước.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam được tờ Pháp Luật dẫn lời, cho biết cục chưa nhận
được đề nghị tham vấn nào từ phía tỉnh Đồng Nai về tác động của việc lấp
sông.
Ông Duy còn nhận định vị trí lấp sông Đồng Nai sẽ
tác động lớn đến dòng chảy và an toàn trên luồng lưu thông của tàu thuyền. Ông
nói: “Khi đoạn sông trên bị lấp, dòng chảy bị thu hẹp [với tốc độ dòng chảy sẽ
tăng lên] tạo nên nút cổ chai mới nên tàu thuyền đi qua sẽ rất khó khăn, nguy cơ
đâm va vào cầu [đường sắt] Ghềnh hoặc cầu Hóa An là rất lớn!”
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống
ngập TP.HCM, nói ông cũng chỉ biết đến dự án này qua báo chí. Với khả năng dự án
gây ảnh hưởng đến khu vực TP.HCM, ông Công cho biết, Bộ TN&MT đưa ra đánh
giá tác động môi trường mới hợp lý.
Phát ngôn viên của tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Văn
Tới cho biết, UBND tỉnh đã chấp thuận dự án sau khi hội đủ các điều kiện về khoa
học, pháp định. Ông Tới nói UBND tỉnh đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo nhằm
lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đóng góp của nhân dân.
Trong khi đó, tờ Pháp Luật ghi nhận, dự án chỉ có
ý kiến của UBND, Ủy ban MTTQ phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa), và khoảng 20 hộ
dân đang sinh sống ở khu vực thực hiện dự án.
Bên cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi
trường do Viện Môi trường và Tài nguyên ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn và được Sở
TN&MT tỉnh Đồng Nai chứng thực.
Báo Thanh Niên cho biết thêm, nhiều giới chức
cũng chỉ biết về việc lấp sông làm dự án qua báo chí mà chưa được đề nghị tham
vấn, cụ thể là ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban
Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai và ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi
VN, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong VN trong một bài phỏng vấn với tờ
Thanh
Niên đã nhận xét, “việc lấp sông sẽ tạo ra những tác động mang hiệu ứng
domino từ thượng nguồn đến hạ nguồn” vì sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh.
Việc “xây dựng lấn ra sông tới trên 7 ha là một
việc lớn. Dù đã có tính toán, đánh giá như thế nào thì rõ ràng việc đó cũng có
tác động nhiều mặt không chỉ tại Đồng Nai mà còn các địa phương khác. Đồng Nai
cần có đánh giá tác động tổng thể về tác động của dự án trên quy mô toàn lưu
vực.”
Cũng theo ông Tứ, “dự án sẽ tạo ra một tiền lệ
nguy hiểm vì nếu Đồng Nai lấn sông được thì các tỉnh khác cũng làm được.” Chủ
đầu tư sẽ có lợi lớn vì chỉ cần san lấp mà không mất tiền đền bù trong khi việc
này đụng đến sinh kế của hàng trăm nghìn người.
Nhận xét về những ý kiến trái chiều về việc lấp
sông làm dự án của giới khoa học, phát ngôn viên tỉnh Đồng Nai, ông Huỳng Văn
Tới chỉ trích, những ý kiến các này đã “được tô đậm trên mặt báo, còn ý kiến của
các nhà khoa học thực tiễn thể hiện rõ trên hồ sơ thì không được tiếp cận và ghi
nhận.”
Đức Thiện, VRNs tổng
hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét