36 năm trước, ngày 6 tháng 3, 1979, Trung Cộng bắt đầu rút quân ra khỏi Lạng Sơn.
Vì chịu đựng tổn thất quá lớn nhưng không tiến được sâu vào lãnh thổ
Việt Nam, trên đường rút lui, các chỉ huy Trung Cộng ra lịnh san bằng
tất cả làng mạc, thị trấn chúng chiếm được để trả thù. Đây không phải
lần đầu. Tổ tiên chúng đã từng làm như thế nhiều lần với dân tộc Việt
Nam. Nhưng sau bao nhiêu thử thách, chịu đựng, hy sinh Việt Nam vẫn tồn
tại đến hôm nay như một dân tộc trong cộng đồng nhân loại.
Nhưng lịch sử nhân loại cũng đã chứng minh, lịch sử của một dân tộc
không phải là một ngôi miếu để thờ cúng mà là một phần của một đời sống
con người luôn đổi mới. Truyền thống chỉ là một thói quen lỗi thời nếu
truyền thống không được hiện đại hóa. Angkor Wat, Angkor Thom nguy nga,
đồ sộ nhưng không cứu được một phần tư dân tộc Khờ Me khỏi bàn tay Pol
Pot. Tương tự, Ấn Độ có nền văn minh lâu đời nhất nhân loại và trải qua
các thời đại hoàng kim từ Ashokađến Gupta, cũng đã chịu đựng hàng loạt
ngoại xâm từ Mông Cổ, Hồi Giáo và thực dân Anh kéo dài suốt 600 năm.
Việt Nam cũng thế. Nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ và làm ngơ trước hiểm
họa Trung Cộng hôm nay, rồi lịch sử dân tộc với những chiến công hiển
hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong
một ngôi đền cổ. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm
ngơ, chịu nhục trước hiểm họa mất nước, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa
trẻ dòng Việt tộc, đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao
khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó.
Lịch sử mang tính kế tục nhưng đồng thời cũng mang tính thời đại. Mỗi
thế hệ có trách nhiệm để hoàn thành những gì lịch sử giao phó cho thời
đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được
chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Tương tự, quyền tự chủ dân tộc trong
thời đại ngày nay không chỉ thể hiện bằng những chiến công bảo vệ đất
nước như trước đây nhưng phải bảo vệ đất nước trên nền tảng của một xã
hội tự do dân chủ. Nói rõ hơn, Việt Nam không bao giờ giành lại được Lão
Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa từ tay bá quyền Trung Cộng bằng cơ chế chính
trị độc tài mất lòng dân và không được quốc tế ủng hộ như chế độ CSVN
hiện nay.
Việt Nam phải có dân chủ và phải có dân chủ trước khi Trung Cộng sụp đổ.
Mối lo hàng đầu của lãnh đạo Trung Cộng là nguy cơ sụp đổ của cơ chế
toàn trị hiện nay và mọi chính sách đối nội cũng như đối ngoại đều tập
trung vào việc bảo vệ cơ chế CS. Tranh chấp về biên giới trong quan điểm
của lãnh đạo Trung Cộng không phải chỉ là vấn đề lãnh thổ, chủ quyền
hay danh dự đất nước mà là phần của chính sách đối ngoại và được thay
đổi theo từng giai đoạn theo nhu cầu an ninh chính trị nội bộ.
Trung Cộng có xung đột biên giới không chỉ với Việt Nam mà với 14 nước.
Từ năm 1949 đến nay, Trung Cộng đã có 23 lần đàm phán biên giới với các
nước chung quanh và, ngoại trừ Ma Cao và Hongkong, đã phải nhượng bộ 17
lần, trong số đó có những quốc gia rất nhỏ như Butan (1984) và
Kazakhstan (1992). Như đã viết ở trên, Trung Cộng nhượng bộ, dĩ nhiên,
không phải vì tôn trọng chủ quyền các nước lân bang nhưng để bảo vệ sự
sống còn của chế độ. Lý thuyết chính trị học “hy sinh quyền lợi xa để
bảo vệ sự sống còn gần” được Trung Cộng một cách chính xác và áp dụng
nhiều lần.
Trong một xung đột có ảnh hưởng toàn cầu về quân sự, chính trị hay cả
kinh tế tài chánh, một Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều
mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là "chủ
quyền" trên các vùng đất không người ở hay các nhóm đảo xa xôi, trong
trường hợp Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa.
Như người viết đã viết trong bài “Để thắng được Trung Cộng”, Việt Nam
chỉ có thể thắng được Trung Cộng bằng (1) dân chủ và dân chủ trước Trung
Cộng, (2) đoàn kết dân tộc, (3) chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia
và (4) đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh
tin cậy.
Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung
được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân
chủ thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay
bom nguyên tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” Việt Nam trở thành một
nước dân chủ.
Đừng để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai một ngôi đền mà ngay hôm
nay hãy xây cho họ một căn nhà Việt Nam Mới tự do, dân chủ, một dân tộc
biết thương yêu nhau và đùm bọc lẫn nhau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét