“Đoạn kết của những Ông Bình Vôi.” (Hình minh họa.Tư liệu của Huy Phương) |
Huy Phương
Cô đào thương
biết lúc phải giã từ sân khấu lúc mình về già, khi nhan sắc đã tàn
phai, giọng hát đã rã rời, đứt đoạn. Dù sự ra đi ấy có đem lại những
thiệt thòi, đau xót, người trong cuộc cũng phải đành chấp nhận. Chính
người hâm mộ cũng không bao giờ muốn thấy thần tượng của mình lúc xế
chiều, mà họ muốn giữ lại cái hình ảnh đẹp đẽ của những ngày xưa.
“Limelight” là
cuốn phim nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin, một phim rất cảm động về
tình đời. Trong phim, Charlie Chaplin đóng vai một ca sĩ hài hước về...
chiều, thất bại vì tài năng đã đến lúc tàn tạ, “Rồi khi ánh đèn tắt lặng
lẽ cô đơn, chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng...”
Chúng ta thương xót cho cuộc đời nghệ sĩ lúc về chiều, không còn ai
hâm mộ, chết trong lãng quên, nhưng chúng ta cũng không muốn người nghệ
sĩ kéo dài năm tháng trên sân khấu khi nhan sắc đã về chiều, tẻ nhạt và
buồn phiền.
Người ta thường tự kết liễu thanh danh của mình bằng những đoạn kết... buồn.
Trong những con người đó chúng ta có thể kể đến Phạm Duy, một tên
tuổi hay nói ví von hơn, là một “ cây cổ thụ” trong làng âm nhạc Việt
Nam, đã có một đoạn kết dở, khi ông đã tự phủ nhận tất cả chính kiến của
mình để xoay chiều 180 độ. Những người đó, cũng là Trịnh Công Sơn,
người đã được sự yêu thương của tất cả người Việt Nam, đã có một đoạn
kết... buồn, khi dưới bạo lực... mềm, ông đã kéo dài thêm một quãng đời,
khi đồng bào rên xiết, ông đã reo vui bằng những câu hát mê muội, “Em ở
nông trường anh ra biên giới,” “ Huyền thoại Mẹ,” “Ra chợ ngày thống
nhất,” và tệ hại hơn là “Ánh sáng Mạc Tư Khoa,” được xem như một bản
“báo cáo công tác” sau khi ông được ân huệ của Cộng Sản trả công bằng
một chuyến “tham quan” Liên Xô.
Liệu những “thiên tài” hay “đại thụ” có cần kéo lê thêm một đoạn đời như thế không?
Có những ca sĩ tên tuổi, được sự yêu mến của mọi người, giờ đây muốn
thêm một kịch bản gọi là phần hai cho đời mình. Dù dưới mục đích cao đẹp
“cần về quê hương hát cho đồng bào mình nghe,” hay thực tế là họ cần
tiền và còn kiếm được tiền, thì những đoạn kết ấy cũng không mấy tốt
đẹp, đánh mất tất cả niềm tin và sự thương yêu lâu nay người đời đã dành
cho họ.
Nói như Nguyễn Du, “Đã buồn cả ruột, lại dơ cả đời !”
Tiểu thuyết Trà Hoa Nữ (La Dame Aux Camélias) được chuyển thành kịch
bản là một tác phẩm nổi tiếng trên khắp thế giới, nhưng nếu chẳng may có
ai đó dựng nên kịch bản “Hậu Trà Hoa Nữ” để cho Marguerite Gautier có
dịp gặp tái hồi cùng Duval, như lấy nhau, thì vở kịch chán chường lố
bịch biết bao.
Người đời thường thích những chuyện có “hậu” và phải hiểu đây là thứ
hậu vuông tròn, đẹp đẽ (happy ending.) Chính vì vậy mà Nguyễn Du kéo dài
truyện Kiều, nên nhân gian có thành ngữ “tái hồi Kim Trọng.” Trong phần
tái hồi này Kim Trọng để chàng phải nài nỉ, phân bua “chữ trinh kia
cũng có ba bảy đường,” cũng tính chuyện “động phòng.” May mà Thúy Kiều
cứng rắn, cho mình là “hương dưới đất, hoa cuối mùa,” từ chối quyết
liệt, Kim Trọng mới thẹn thùng đổi chuyện chăn gối ra chuyện cầm thơ.
Có nhiều người không tự biết mình, hay soi gương cũng chẳng thấy
khuôn mặt mình, nhưng như vậy không có nghĩa là không ai thấy mình. Đó
là những người chưa chết nhưng đã tự chôn mình. Họ cố ôm lấy những danh
vọng hão, hết chức vụ này lại muốn nhảy sang cầm lấy chức vụ khác, hết
làm chủ tịch thì quay sang làm cố vấn, họ nghĩ không có họ thì ai còn
khả năng đứng ra cứu nước!
Trong khi ông nọ hết nhiệm kỳ làm tổng thống lại lui về chức thủ
tướng chờ thời, rồi trở lại làm tổng thống, bà nọ không còn là thị
trưởng thì ứng cử lấy chức nghị viên thành phố, người kia oanh liệt một
thời cấp tiểu bang nay lại công danh thụt lùi về lại quận hạt. Như vậy
còn chỗ nào cho người khác, trẻ tuổi và tài năng tiến thân. Cái giỏ cua
bây giờ cua bò lên không bị ai kéo trở lại, nhưng đóng nắp rồi thì cũng
không ai còn tìm được con đường tiến thân. Biết chấm dứt kịp lúc, đúng
thời, đối với họ quả là chuyện khó khăn.
Lê Đạt trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, năm 1956, đã có bài thơ
“Ông Bình Vôi” để phê phán những cán bộ sống lâu lên lão làng nhưng
“càng lớn càng đặc,” ôm lấy các chức vị, trong đó có những câu:
“Những kiếp người sống lâu trăm tuổiY như một cái bình vôiCàng sống càng tồiCàng sống càng bé lại...”
Nhà văn Phan Khôi, nhân mấy câu thơ của Lê Đạt, có viết một bài văn
cũng mang tên là “Ông Bình Vôi” có những câu như: “vật gì sống lâu và to
xác thì gọi bằng ‘Ông’ để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.” Trong cộng đồng
chúng ta bây giờ không thiếu những “Ông Bình Vôi!”
Ở Việt Nam có quy định tuổi về hưu cho các cấp chỉ huy, nhưng gần đây
người ta cho tái bổ nhiệm một bà với một lý do rất buồn cười là vì bề
ngoài, trong bà còn trẻ! Người ta trau chuốt công lao của bà và gần như
đi đến kết luận, trong lúc này chưa ai thay thế được bà.
Ở Mỹ nếu một ông tổng thống làm đến 3 nhiệm kỳ thì... chán chết,
trong khi đó, “Ong Bình Vôi” (*) Phạm Văn Đồng của “ta” ôm chức thủ
tướng Việt Cộng tại vị lâu nhất đến 32 năm (1955-1987).
“Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu!”
Ai muốn nhìn một hoa hậu về già, tóc bạc, miệng móm?
Ông tướng chết giữa chiến địa có đoạn kết cho đời mình bi hùng, trong
khi ông tướng về hưu chết trong nhà dưỡng lão có một đoạn kết... buồn
hiu!
Huy Phương
(*) “bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa...”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét