Sài Gòn hôm nay, vẫn còn đó những người đạp xích lô. |
Thỉnh thoảng, nhiều người Sài Gòn cố cựu và bà con từ nước ngoài về có hỏi “Sài Gòn có còn xích lô nữa không?”
Hỏi như vậy vì nhớ xe xích lô, chớ thật ra ai cũng biết nhiều năm
rồi, thành phố này đã cấm lưu hành xe xích lô, một phương tiện vận tải
gần như đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn và Việt Nam trong suốt cả
trăm năm.
Thời chưa bị chính
quyền của chế độ ra án tử, dân cư các quận 5,6, 8, 11... rất ưng đi
xích lô. Thật không dễ gì quên hình ảnh các bà người Việt, người Hoa
ngoắc xe xích lô để đi chợ buổi sáng hay ông bà công chức đi công chuyện
hàng ngày, thậm chí cả các cô cậu học trò con nhà khá giả cũng đến
trường học trên chiếc xích lô.
Nhịp sống chuyển động không ngừng của đất Sài Gòn-Gia Ðịnh qua bao
nhiêu cơn phong ba thế sự có guồng chân không biết mỏi của người đạp xe
xích lô là hiển nhiên.
Sau lệnh cấm xe xích lô, để tìm hiểu xe xích lô đã chết hẳn hay vẫn
đang âm thầm kháng cự tìm sự sống, chúng tôi đi vô Chợ Lớn. Chúng tôi
đến chợ Thiếc và không phải tìm lâu, ngay góc đường khuất bên hông chợ
đã thấy bóng dáng chiếc xe xích lô thân thương.
Rề vô định làm một cuốc xe, chúng tôi hỏi người đạp xe, người đàn ông
người Hoa, nói giọng lơ lớ cho biết, “Ngộ chờ khách quen, ngộ chỉ chở
khách quen hà...”
Chúng tôi qua phía bên đường với ý đón chiếc xích lô khác, ông xe
honda ôm, đón đầu chúng tôi nói, “Anh đi đâu, tôi đưa đi cho.” Khi biết
chúng tôi chỉ muốn đi xích lô, ông xe ôm nói, “Thời buổi này mà anh còn
chờ đón xe xích lô thì cho anh chờ tới Tết luôn.”
Thật ra, người Sài Gòn lâu lâu vẫn thấy cả đoàn xe xích lô-du lịch
chở khách Tây đi dạo vòng vèo trên đường. Với khách du lịch Tây, Nhật
thì dạo phố bằng xe xích lô là một cái thú đặc biệt hoàn toàn khác với
cái thú của Việt kiều ưng ngồi xe máy cho người thân chở đi chơi, dù
biết đi xe xích lô có chỉ số an toàn hơn xe máy và cả taxi.
Hệ thống tuyên truyền của chế độ dùng hình ảnh bà đầm ông Mỹ ngồi
ngất ngưởng trên xe xích lô, hành xác thân thể còm còi của dân phu xe để
tố cáo “tội ác thực dân đế quốc” vốn không còn hợp thời nữa, khi chính
hệ thống du lịch quốc doanh câu khách du lịch Phương Tây bằng phương
tiện xe xích lô. Mới đây, thông tin từ báo quốc doanh cho biết, một số
công ty du lịch thông đồng với các đầu nậu xe xích lô để trấn lột, lấy
giá trên trời với các khách Tây khoái đi xe xích lô.
Thật đáng mỉa mai khi chính quyền một đằng ra sức cấm người lao động
hành nghề kiếm cơm bằng xe xích lô lại tổ chức các tour du lịch giá cao
bằng xe xích lô. Nếu ai muốn tìm hiều thêm việc này thì cứ ra khu phố
Tây, Phạm Ngũ Lão hay Thi Sách... cam đoan là chỉ cần bạn nói bao nhiêu
khách, thì các tay đầu nậu có máu mặt sẽ đáp ứng đủ xe có giấy phép hành
nghề.
Chúng tôi tìm đến một quán cơm 2000 trên một con hẻm, thuộc quận 10,
một địa chỉ ăn trưa quen thuộc của các bác tài xích lô chân chất còn
tiếp tục kháng cự để kiếm sống.
Sau bữa cơm từ thiện, một bác xích lô đang nghỉ trưa cùng các người
lao động bán dạo khác dưới mé hiên chúng cư. Bác xích lô này cho biết,
nếu tính thâm niên hành nghề thì “giải phóng” bao năm thì bác đạp xích
lô đủ bấy năm.
Bác cười nói “giải phóng vô” tui bỏ học trung học đạp xe nuôi gia
đình, nhờ chiếc xích lô này mà trốn được nghĩa vụ quân sự, cứ ôm nó mà
lủi đầu đường xó chợ, cũng nhờ nó mà quen với nhiều người danh giá lắm
nghe, công chức sĩ quan học tập về có, giáo chức đạp xe kiếm thêm cũng
có mà vui nhất là quen với mấy ông văn nghệ sĩ “chế độ cũ,” mấy chả
miệng thì nói đạp xe để kiếm cơm cho vợ con chớ tui thấy có cuốc nào là
nhậu ráo cho bớt phẫn chí.
Từ ngày chính quyền cấm xe xích lô lưu hành, bác không đổi nghề như
hàng ngàn đồng nghiệp khác chỉ vì một lẽ đơn giản là do “quen rồi.” Cái
kiểu quen cảnh khổ gò lưng, gồng đầu gối dầm mưa, đội nắng kiếm từng
đồng tiền ít ỏi đối với người lạ quả là khó hiểu.
Bác giải thích thêm, “Trước tôi đâu có chạy dạo, chỉ chạy mối, mấy
mối quen, người nào cũng cả chục năm, họ cứ kêu hoài bỏ không được, hơn
nữa cái xe này bán phế liệu thì uổng mà cứ đẩy ra đẩy vô chạy né mặt đám
công an là êm.” Rồi bác kể thêm về cái chiêu “Chí Phèo” kêu gào ăn vạ
khi có lần cái xe của bác bị hốt.
Nhìn người đàn ông tuổi ngoài năm mươi có hơn nửa đời người ôm chiếc
xích lô để kháng cự tìm đường sống này mới hay đất Sài Gòn cũng còn biết
bao người dân bình thường mà phi thường.
Hẳn nhiên giữa lúc chính quyền Cộng Sản đang xóa dần hết các biểu
tượng Sài Gòn về kiến trúc, văn hóa... trước việc vẫn có người lao động
ôm chiếc xích lô kháng cự không phải vì muốn giữ gìn một biểu tượng, mà
đơn giản chỉ vì chiếc xích lô là một phương tiện kiếm sống lương thiện
của không ít người bị bỏ rơi.
Họ bình thường mà phi thường vì ít ra họ cũng không ngừng kháng cự
trước cái hào nhoáng xấu xa của sự phát triển tư bản hoang dã đang được
cả chế độ hô hào đánh bóng.
Phùng Thức/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét