Chuyển hàng tiếp tế cho công nhân các trạm hải đăng. (Hình: Thanh Niên) |
Tàu
chiến và tàu bán quân sự của Trung Quốc, chận đường, chĩa súng đe dọa
tàu tiếp tế cho các trạm hải đăng của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa.
Hôm Thứ Sáu, hai
báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đưa tin kèm theo hình ảnh và video clips về
một số vụ việc gần đây mà các nguồn tin vừa kể chứng minh sự ngang ngược
của Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa đối với các tàu tiếp tế dân sự
của Việt Nam.
Tờ Thanh Niên viết rằng, thời gian gần đây, các tàu dân sự Việt Nam
làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực - thực phẩm cho công nhân các trạm hải
đăng ở quần đảo Trường Sa, liên tục bị các tàu chiến đấu, hải cảnh Trung
Quốc vây ép, đe dọa suốt hải trình. Các tàu dân sự bị tàu chiến Trung
Quốc vây ép thuộc công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải (BĐATHH) Biển Đông và
Hải Đảo (thuộc tổng công ty BĐATHH miền Nam, Bộ GTVT).
Tờ Thanh Niên thuật lại cho biết, “mới đây nhất, từ 11 - 13 giờ ngày
13 tháng 11, 2015, tàu Hải Đăng 05 của công ty BĐATHH Biển Đông và Hải
Đảo bị nhiều tàu Trung Quốc đeo bám, vây ép dọc hành trình từ trạm hải
đăng Sơn Ca lên Song Tử Tây.”
Nguồn tin thuật lại lời thuyền trưởng Trần Văn Nga của tàu Hải Đăng
05 kể: “Khoảng 11 giờ, tàu ngang qua bãi đá Xu Bi cách 12 hải lý, bị 1
tàu Trung Quốc loại nhỏ ra xua đuổi. Khoảng 30 phút sau, xuất hiện thêm 2
tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 chặn đầu khóa đuôi Hải Đăng
05.”
“Đặc biệt, từ 12 giờ cùng ngày, có thêm tàu chiến đấu đổ bộ mang số
hiệu 995 ép sát tàu Việt Nam cách khoảng vài chục mét, phát loa phóng
thanh bằng tiếng Trung Quốc và bắn pháo sáng sang phía tàu Việt Nam. Khi
thấy thủy thủ tàu Việt Nam dùng điện thoại ghi hình binh lính Trung
Quốc mở bạt pháo 37mm mũi tàu, phía Trung Quốc huy động hơn 10 người mặc
quân phục, chạy lên boong dàn đội hình chiến đấu, chĩa nhiều loại súng
bộ binh (chủ yếu là AK) sang tàu Hải Đăng 05 nhằm đe dọa, khiêu khích
thủy thủ đoàn cùng cán bộ công nhân công ty đi trên tàu...”
Theo báo Thanh Niên, đây không phải là lần duy nhất mà tàu chiến và
tàu bán quân sự của Trung Quốc đe dọa tàu vận tải tiếp vận của Việt Nam
trên vùng biển Trường Sa.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc ép sát tàu Hải Đăng 05 chỉ 20-30 mét. (Hình: Thanh Niên) |
Trong chuyến tiếp
tế tháng 10, 2015, tàu Thuận Thủy 36 cũng nhiều lần bị tàu chiến, máy
bay Trung Quốc vây ép, khiêu khích. “Đặc biệt, đêm 7 tháng 10, các tàu
Trung Quốc sau cả ngày đeo bám đe dọa Thuận Thủy 36 di chuyển từ Sơn Ca
lên Song Tử Tây, đã dàn đội hình chắn trước mũi tàu Việt Nam, tạo tình
huống đặc biệt nguy hiểm, khiến tàu Thuận Thủy 36 phải chuyển hướng,
tránh âm mưu khiêu khích của tàu Trung Quốc.” Báo Thanh Niên kể.
Ông Phạm Quốc Súy, tổng giám đốc tổng công ty BĐATHH miền Nam được
thuật lời trên tờ Thanh Niên nói: “13 trạm hải đăng của công ty Biển
Đông và Hải Đảo thuộc tổng công ty làm nhiệm vụ nhân đạo, đảm bảo an
toàn cho mọi tàu thuyền qua lại khu vực Biển Đông. Các hải đăng hoạt
động tuân theo luật pháp quốc tế, được cơ quan Quỹ Đạo Quốc Tế và Hiệp
Hội Báo Hiệu Hàng Hải Quốc Tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế!”
Với những sự việc như trên lập đi lập lại suốt nhiều năm qua chứ
không riêng gì hai vụ được tờ Thanh Niên mô tả, người ta không thấy bóng
dáng các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư, tàu chiến của Việt Nam ở đâu khi
sinh mạng và tài sản của người Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa trên biển.
Nhà cầm quyền Hà Nội đã rất nhiều lần cho phát ngôn viên Bộ Ngoại
Giao lập lại lời tuyên bố Việt Nam có chủ quyền với các bằng chứng lịch
sử và thực tế “không thể tranh cãi” đối với các quần đảo Trường Sa và
Hoàng Sa. Nhưng đây vẫn chỉ là những lời tuyên bố suông nên Bắc Kinh
luôn luôn lờ đi. Hoặc đối lại, cho tàu chiến và tàu bán quân sự giở trò
hung bạo trên biển để trả lời cho Hà Nội.
Sau khi tin các báo đưa tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội tên
Lê Hải Bình mới vội vàng đưa ra lời tuyên bố “Tôi xin khẳng định lập
trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng
vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam.”
Ông này kêu rằng: “Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với
tinh thần và lời văn của tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn
không thể chấp nhận, biện minh được.”
Khi ra trước Quốc Hội trả lời chất vấn ngày 19 tháng 11, 2015 vừa
qua, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng Việt Nam “phải tăng cường
quốc phòng, an ninh” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Đồng thời, ông nói về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và các nước
khác là “không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, mọi tranh
chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực,
không đe dọa dùng vũ lực, cùng nhau thương lượng đàm phán để tìm ra giải
pháp phù hợp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển năm 1982.”
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy Hà Nội nói gì mặc Hà Nội, Bắc Kinh cứ làm những gì họ muốn. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét