Nhiều con đường ở Sài Gòn ngày nay dù mưa hay nắng cũng vẫn ngập như dòng sông. (Hình: Văn Lang) |
Văn Lang
Triều
cường thì tháng nào cũng có, nhưng ở Sài Gòn thì những tháng cuối năm
thì triều cường đặc biệt dâng cao, gây nhiều tác hại và khốn đốn cho đời
sống của người dân.
“Triều cường” là tên
mà nhà cầm quyền và người dân dùng để gọi hiện tượng nước thủy triều từ
biển đổ ngược lại các con sông khiến mực nước dâng cao bất thường gây
cảnh lụt lội.
Càng chống càng ngập
Vào đầu tháng 12 năm ngoái, tại cuộc họp của thành phố, báo giới
được giới chức thông báo là “Thành phố có 58 điểm ngập nặng, nhưng đã
căn bản ‘xóa’ được tới 47 điểm. Tuy nhiên lại tái phát 33 điểm và phát
sinh thêm... 29 điểm.”
Đồng thời, với lý do “biến đổi khí hậu,” cộng thêm những nguyên nhân
“khách quan” và “chủ quan,” báo giới cũng được thông báo nguy cơ Sài Gòn
có thể sẽ ngập từ 65% diện tích.
Có lẽ, dân Sài Gòn chỉ còn chờ ngày ngập 100%, vì như thế thì dù sao
cũng chỉ còn ngập có duy nhất... một điểm. Còn hơn là năm nào cũng được
nghe báo cáo là ngân sách chống ngập ở Sài Gòn cứ tăng dần đều, nhưng
điểm ngập thì càng ngày càng rộng và cũng càng sâu thêm.
Hiện tượng triều cường gây ngập ở Sài Gòn bắt đầu từ cuối thập niên 90.
Từ năm 2000 trở về sau thì càng ngày càng nặng. Dù hàng năm Sài Gòn đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho công cuộc chống ngập.
Cụ thể, tính chỉ riêng từ năm 2005 tới nay, Sài Gòn đã bỏ ra 24 ngàn
tỷ đồng để chống ngập nhưng không hiệu quả. Chưa kể là mỗi năm độ ngập
càng sâu và rộng hơn.
Theo dự tính của giới trách nhiệm thì Sài Gòn cần phải có 68 ngàn tỷ
đồng để chống ngập. Còn như Sài Gòn có hết ngập và bao giờ thì hết? Vẫn
chỉ là lời hứa và lời hứa xem ra cũng càng ngày càng... xìu. Vì lẽ,
chẳng còn ai tin,mà những người trách nhiệm chống ngập ở Sài Gòn thì có
lẽ đã thấm thía chuyện “mù sờ voi,” nên cũng không còn dám tuyên bố mạnh
miệng như trước kia nữa. Vì cứ đến hẹn là triều cường cuối năm lại lên,
và những con đường bỗng phút chốc hóa... những dòng sông.
Khốn khổ vì ngập lụt
Thành phố Sài Gòn ước tính, hàng năm thiệt hại khoảng 30 triệu Mỹ
kim do việc ngập lụt trong thành phố bởi hai nguyên nhân mưa và triều
cường.
Chưa kể, những thiệt hại về tinh thần, như sự bất tiện trong sinh
hoạt gây bực bội, khó chịu. Về lâu về dài những tác hại xã hội khó mà
lường hết...
Một thành phố như Sài Gòn, lâu nay vẫn giữ thói quen kinh doanh kiểu
mặt tiền. Nay ngập lụt thường xuyên như vậy, ai ghé qua tiệm mà mua mà
bán?
Chưa kể, dân nghèo Sài Gòn đa số bán buôn,kiếm sống trên vỉa hè. Nay
mưa ngập, mai triều cường dâng nước, bì bõm trong nước cống đen sì, hôi
rình... Họ sống làm sao? Nồi cơm vốn đã rất chông chênh của người nghèo,
nay có thể bị cuốn trôi theo dòng nước?
Bác tài xe Honda ôm, anh xích-lô kiếm đâu ra khách những ngày mưa
ngập? Và nếu có khách thì cũng làm sao mà lăn bánh, khi mưa trên trời
trút nước xuống, nước dưới đất càng lúc càng dâng lên. Xe taxi, xe buýt
cũng chết cứng trong làn nước...
Quận 7 (Nhà Bè cũ) thường bị ngập năng khi triều cường cuối năm lên.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)
Chưa hết, nước
dâng tràn xuống hầm để xe của mấy chung cư. Làm hàng chục chiếc xe hơi
đắt tiền, hàng ngàn xe gắn máy bị hư hỏng nặng...
Bảo hiểm ở Sài Gòn mấy năm gần đây đã bán gói bảo hiểm gọi là “bảo
hiểm thủy kích” dành cho xe hơi. Gói bảo hiểm này được bán với giá từ
0.1% tới 0.13% giá trị của chiếc xe.
Thông thường xe hơi ngập nước chết máy, để yên thì tác hại ít. Nhưng
nếu không biết mà khởi động (đề) máy lại thì nước sẽ tràn vào buồng đốt
(xi-lanh). Càng đề máy thì nước càng hút sâu vô động cơ gây hư hại
nặng...
Một chiếc xe tiền tỷ, hư máy kiểu trên, làm lại máy thì cũng tốn sơ sơ... vài trăm triệu.
Có điều, ở những nước tiên tiến thì xe hư kiểu trên người ta thường
bỏ luôn. Vì xe làm máy lại độ an toàn khó đạt, nhất là khi xe chạy trên
đường cao tốc.
Nhưng ở Sài Gòn hiện nay, không phải ai cũng biết là không được đề
máy khi xe hơi đã ngập nước. Cũng như không phải ai cũng biết để mua bảo
hiểm “thủy kích” cho xe hơi, đa phần người ta chỉ mua bảo hiểm toàn
phần. Và với bảo hiểm toàn phần, khi xảy ra hư hỏng trong con nước do
mưa hoặc triều cường, người mua sẽ được đền phần... vỏ xe, nội thất và
phần điện.
Hàng triệu chiếc xe máy chôn chân trong làn nước. Những chiếc xe tay
ga đắt tiền,ngập nước mà không biết cách sửa chữa cũng sẽ hư hỏng nặng.
Còn với những chiếc xe cố gắng liều mạng xông pha trong làn nước để
kịp tới trường hay về nhà. Trong khi người cha cố gắng nhấn ga để xe
không chết máy, căng hết dây thần kinh phán đoán mong sao cho xe đừng
lọt hố tử thần... Thì đứa con gái nhỏ phía sau la chói lói, ngó lại thì
tập vở của đứa con rớt tung tóe, rập rờn trong dòng nước đen ngòm. Những
cảnh dở khóc,dở cười đó có lẽ đã làm dân Sài Gòn nản chí, thôi không
còn nghĩ gì về cái Sài Gòn một thủa từng là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Bây giờ người ta gọi Sài Gòn là “thành Hồ,” tức một hồ nước mênh mông, vĩ đại!
Chìm xuống đáy bùn nhơ
Sài Gòn là một thành phố do người Pháp xây dựng. Hướng phát triển
đô thị của Sài Gòn theo ý tưởng thiết kế ban đầu là hướng Đông và Đông
Bắc, còn hướng Nam về phía Biển, cũng là vùng trũng là hướng để thoát
nước.
Kế thừa di sản Sài Gòn từ tay người Pháp, thời VNCH các kiến trúc sư
xây dựng đề án phát triển Sài Gòn cũng theo ý hướng trên. Do vậy, trước
1975,ở Sài Gòn không có vấn đề “triều cường” và “ngập nước do triều
cường.” Ngoài việc tiến hành đưa một số cơ sở kỹ nghệ, cũng như học xá
ra hướng Thủ Đức, Biên Hòa. Thì các vị kiến trúc sư thời VNCH còn khuyến
cáo: “Bất luận trong trường hợp nào, Sài Gòn cũng không được phát triển
đô thị về hướng Nam, tức phía Nhà Bè, Cần Giờ.”
Đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, sau một cơn mưa chiều.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sau 1975 và nhất
là tới thời “mở cửa,” nguyên một khu đô thị mới được mọc lên từ phía Nam
thành phố. Đó là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tọa lạc trên phần đất của Nhà
Bè, nay là quận 7. Mặc dù đã được các nhà chuyên môn khuyến cáo, nhưng
nhà cầm quyền hiện nay vẫn tiếp tục phát triển đô thị theo hướng Nhà
Bè-Cần Giờ.
Cùng với khu Phú Mỹ Hưng, từ ngày phát triển đô thị (1995), tới nay.
Sài Gòn đã bị san lấp tới hơn 70% kênh, rạch, ao, hồ, cống thoát nước...
Do vậy, nếu Sài Gòn không bị ngập mới là lạ? Vì mực nước biển đo tại
cửa sông, cũng như tại Vũng Tàu, bao nhiêu năm qua vẫn giữ nguyên như
thời VNCH. Do vậy, đổ thừa cho biến đổi khí hậu là... “ba xạo.”
Phục hồi nguyên hiện trạng cũ, là một giải pháp tốt nhất cho việc thoát ngập ở Sài Gòn.
Nhưng bao nhiêu diện tích kênh, rạch,cống... bị san lấp, lấn chiếm để
xây nhà. Nay đều đã được hợp pháp hóa bằng giấy tờ sổ đỏ, cho cái đám
cán bộ “có tóc.” Còn luật pháp chỉ dám đi nắm bọn... “trọc đầu.”
Vậy thì,bao nhiêu ngàn tỷ đồng thuế của dân có đổ xuống, thì Sài Gòn cũng không thể hết ngập.
Vì phải sống chung với lũ và lũ... “chúng nó,” mà Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông một thời, nay phải chìm xuống đáy bùn nhơ.
Văn Lang/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét