Học sinh Việt Nam tìm hiểu về du học Mỹ tại một triển lãm giáo dục tại Hà Nội. (Hình: Getty Images) |
Nguyễn Hưng Quốc
Mấy
tuần nay, trên báo chí trong nước cũng như trong các diễn đàn mạng,
người ta bàn tán sôi nổi về hiện tượng hầu hết những học sinh xuất sắc
nhất của Việt Nam, sau khi du học ở nước ngoài, đều không về nước. Theo
thống kê, hiện nay có trên 100,000 du học sinh rải rác ở nhiều quốc gia
trên khắp thế giới. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu người trong họ
quyết định ở lại nước ngoài. Chỉ nghe nói là rất nhiều. Ví dụ thường
được nêu lên là trong số 13 học sinh thắng giải “Đường lên đỉnh Olympia”
và được đi du học, chỉ có một em, một em duy nhất, chịu về nước. Theo
kinh nghiệm của tôi, từ các môn tôi dạy vốn có khá đông sinh viên du học
ghi danh, số người nghĩ đến việc về nước sau khi tốt nghiệp chỉ là một
phần nhỏ, may lắm là một phần ba. Còn lại, tất cả đều hoặc phân vân hoặc
quyết định là sẽ tìm cách ở lại Úc.
Vấn đề là: tại sao nhiều sinh viên không muốn về Việt Nam sau khi tốt nghiệp?
Lý do đầu tiên các sinh viên của tôi nêu lên là họ không tự tin là sẽ
tìm ra được việc làm, nhất là những công việc thích hợp với chuyên môn
của họ. Thú thật, thoạt nghe lý do này, tôi hết sức băn khoăn. Tôi nghĩ
Việt Nam đang phát triển và đang cần nhân tài, những người được đào tạo
từ nước ngoài, do đó, trên lý thuyết, sẽ dễ dàng được trọng dụng. Nhưng
không phải. Tôi có một số sinh viên và người quen, sau khi học xong cử
nhân hoặc có khi thạc sĩ ở Úc, trong đó có nhiều người học về Y hoặc
Luật, sau khi về Việt Nam, chạy đôn chạy đáo để tìm việc cả năm trời vẫn
không được; sau, phải tìm cách quay lại và xin định cư tại Úc. Nguyên
nhân, người ta kể, là không có “quan hệ.” Ở Việt Nam, không có “quan hệ”
hoặc “tiền tệ” để đút lót, việc kiếm được việc làm tốt coi như vô vọng.
Ngược lại, tôi cũng biết khá nhiều người, thuộc “con cháu các cụ”
(CCCC), học hành không giỏi giang gì cả, sau khi về nước một thời gian
ngắn, được bổ dụng làm giám đốc công ty này công ty nọ. Bởi vậy, ở Việt
Nam mới có câu tục ngữ:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ
Trong câu ấy, “trí tuệ,” tức khả năng chuyên môn, nằm ở cuối cùng.
Thậm chí, ở một biến thể của câu tục ngữ trên, nó còn không có mặt:
Thứ nhất tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ
Lý do thứ hai là lương bổng ở Việt Nam quá thấp. Nhiều người có bằng
cử nhân, khi về nước làm việc, lương mỗi tháng chỉ khoảng vài triệu đồng
Việt Nam, tương đương với vài trăm dollar; trong khi đó, nếu họ tìm
được việc làm ở Úc, lương khởi đầu trung bình là 4, 5 chục ngàn dollar.
Đành là ở Úc, cũng như các quốc gia Tây phương khác, thuế cao và vật giá
đắt đỏ hơn ở Việt Nam, nhưng ngay cả sau khi trừ thuế và các khoản chi
tiêu, số tiền còn lại cũng nhiều hơn hẳn lương hướng ở Việt Nam. Ở đây,
chúng ta cần ghi nhận một điều: ở Việt Nam, phần lương thường khá khiêm
tốn nhưng phần bổng lại nhiều, có khi gấp chục, thậm chí, gấp trăm lần
lương thật, tuy nhiên, muốn có bổng lộc cao, người ta phải có chức tước
lớn. Mà muốn có chức tước lớn, điều kiện đầu tiên lại là “hậu duệ” hay
“quan hệ.” Với những người thân cô thế cô, thu nhập duy nhất chỉ có thể
đến từ lương. Mà lương lại èo uột. Trong số bạn bè của tôi ở Việt Nam,
khá nhiều người dạy đại học. Lương trung bình của một giảng viên đại học
là khoảng 6 triệu đồng (khoảng 300-400 Mỹ kim). Muốn tăng thu nhập,
cách duy nhất họ có thể làm được là dạy thật nhiều giờ ở nhiều trường
khác nhau. Có người dạy cả 3, 4 chục giờ một tuần. Thú thật, nghe số giờ
dạy như vậy, tôi không thể tưởng tượng được. Tại Úc, ở bậc đại học, số
giờ dạy trung bình mỗi tuần của các giảng viên chỉ khoảng trên dưới 10
tiếng. Thì giờ còn lại là để nghiên cứu. Với số giờ dạy như ở Việt Nam,
công việc nghiên cứu hoàn toàn bất khả thi. Kiến thức của các thầy cô
giáo, do đó, cứ ngày một lạc hậu và mòn mỏi dần.
Lý do thứ ba là cơ chế và văn hóa làm việc ở Việt Nam hoàn toàn không
phù hợp với những người được đào tạo ở nước ngoài. Ở nước ngoài, đi
làm, mọi người được khuyến khích phát huy sáng kiến cũng như tinh thần
độc lập và việc thăng tiến trong nghề nghiệp được căn cứ chủ yếu trên
khả năng của mỗi người. Ở Việt Nam thì sự thành công tùy thuộc vào quan
hệ hơn là chuyên môn. Trong cái gọi là “quan hệ” ấy, ngoài chuyện con
ông cháu cha, còn một yếu tố quan trọng khác: Làm sao vừa lòng cấp trên.
Để làm vừa lòng cấp trên, người ta thường có hai cách: Đút lót hoặc
nịnh bợ. Cách nào cũng là một sự sỉ nhục đối với lòng tự trọng.
Không phải chỉ với những sinh viên mới tốt nghiệp, ngay cả những
chuyên gia có bằng cấp cao và chức vụ lớn ở hải ngoại, vì nhiệt tình,
muốn về Việt Nam để đóng góp vào việc xây dựng đất nước cũng gặp khó
khăn với cơ chế và văn hóa làm việc ở Việt Nam. Một trong những lời than
thở tôi nghe nhiều nhất là: Các cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam rất ít khi
lắng nghe ý kiến của họ. Hầu như người ta không thể chịu nổi sự phê
phán. Nghe phê phán, dù xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí, người ta
sa sầm nét mặt ngay tức khắc. Thành ra, những người muốn đóng góp cho
đất nước rất dễ vỡ mộng. Phần lớn chỉ làm được một thời gian rồi cũng
quay ra hải ngoại trở lại. Điều đó giải thích tại sao mặc dù giới lãnh
đạo Việt Nam thường kêu gọi các chuyên gia ở hải ngoại về nước nhưng cho
đến nay, số người trở về rất ít ỏi. Số người chịu làm việc lâu dài lại
càng ít ỏi. Chuyên gia còn thế, huống gì là sinh viên mới ra trường.
Việc du học sinh, học xong, không về nước không phải là vấn đề liên
quan đến cá nhân của họ. Mà nó liên quan đến cả tiền đồ của đất nước. Ai
cũng biết, trong thời đại ngày nay, để phát triển, đất nước cần nhiều
thứ, trong đó, có một thứ quan trọng nhất là vốn trí thức. Đã đành không
phải ai tốt nghiệp ở nước ngoài cũng đều là những người giỏi nhưng ngay
cả những người không giỏi cũng là những người được đào tạo bài bản, với
những kiến thức được cập nhật và có căn bản ngoại ngữ tốt. Mất họ là
một thiệt thòi lớn của đất nước.
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét