Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! - Kiều.
Dù sống ở Mỹ đã lâu nhưng chả mấy khi có dịp đi đâu, và cũng
không mấy lúc tiếp xúc với người bản xứ nên tôi không được am
tường lắm về nhân tình/thế thái của nước Hoa Kỳ. May nhờ có
net, cùng nhiều vị thức giả chịu khó du hành (và ghi chép) nên
thỉnh thoảng tôi cũng biết thêm được đôi điều lý thú về xứ
sở này:
- “Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì
những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có
biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy
cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ
cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã
hội...” (Nước Mỹ “quên” khóa cửa và thấy khóa bị phá ở Nội Bài – Nguyễn Quang Thiều).
- “Người Mỹ có lòng hảo tâm, thích giúp đỡ. Trên máy bay, khi chúng
tôi đưa hành lý lên khoang chứa gặp khó khăn, lập tức người đứng cạnh
làm giúp. Nhiều người cuối tuần đi giúp chăm sóc ở các nhà dưỡng lão. Có
người chạy xe dọc theo các xa lộ để giúp đỡ những trường hợp xe bị sự
cố, tai nạn.” (Mỹ Du Ký – Tiêu Dao Bảo Cự).
Tôi thực sự không ngờ là ở Hoa Kỳ lại có những ngôi nhà cửa
không khoá, và có những người (tốt bụng) chạy xe dọc theo các xa lộ
để giúp đỡ tha nhân như thế. Sự hiểu biết giới hạn này - như đã
thưa - vì tôi đi ít, sống ít, và thường chỉ sống “cầm chừng”
như một công dân bán - thời- gian (part - time - citizen) ở phần
quê hương thứ hai này. Cứ ra khỏi nhà, ra khỏi nơi làm việc quen
thuộc là tôi lại biến ngay thành một anh di dân ngơ ngác nơi xứ
lạ.
I came from Viet Nam. Và rất nhiều đêm, nếu không muốn nói là hàng đêm, tôi vẫn cứ lò dò trở về chốn cũ.
Tôi thường trở về Đà Lạt, nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ
(cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nước
hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ dại của Đồi Cù, và cả
trăm loại hương hoa man dại.
Đôi lúc tôi trở lại Ngã Sáu, tần ngần đứng trước xe bò viên,
chờ người bán mở nắp thùng nước lèo bốc khói. Không gian (của cả
Sài Gòn) bỗng ngạt ngào hương vị. Chút nước thánh này - sau khi đã nhai
thiệt chậm miếng thịt pha gân vừa ròn, vừa ngậy - nếu hòa nhẹ chút xíu
tương đỏ, tương đen, cùng ớt xa tế ngọt ngọt cay cay có thể khiến cho
đứa bé thơ trong tôi xuýt xoa mãi cho đến… khi tóc đã đổi mầu.
Có khi thì tôi trở lại những đồi trà, nương khoai, rẫy bắp ở Blao. Tôi
cùng lũ bạn tù mệt lả, lếch thếch trong nắng chiều vàng, trên đường về
trại Tân Rai - sau một ngày dài lao cải.
Cũng có lúc tôi ghé qua Rạch Giá, loanh quanh trong chợ Nhà Lồng - thơm
nức mùi thức ăn, vào một sáng mưa mù trời vì biển động - mà lòng
buồn, bụng đói, dạ hoang mang. Tôi đi thật chậm qua những bàn ăn
thâm thấp, không dám mở miệng xin sỏ gì ráo trọi, chỉ chờ thực
khách buông đũa là nhào đến húp vội phần thức ăn thừa (nếu) còn sót
lại trong tô.
Hơn nửa đời lưu lạc, tôi vẫn cứ sống lơ mơ - theo kiểu “ngày ở / đêm
về” - như thế. Và bởi thế, tôi biết rất ít về nước Mỹ và vẫn
không ngớt ngạc nhiên về cách hành sử của người dân bản xứ:
Nỗ lực cứu một con ngựa bị rơi rơi xuống hố là chuyện tương
đối dễ hiểu nhưng huy động đến cả lực lượng cứu hoả, và cảnh
sát (chận cả một dòng xe đang chạy trên xa lộ) chỉ vì sinh
mạng của một chú chó con - loài thú vẫn thường nhìn thấy treo
lủng lẳng, ngược đầu, trong những quán nhậu ở quê mình - là
điều khiến cho tôi hơi bị... hoang mang!
Tôi lại càng hoang (tợn) khi thấy hôm 22 tháng 2 năm 2016, trang Vietnamnet đưa tin: Hàng chục người đứng nhìn một thanh niên chết đuối!
Gần mười hôm sau, ngày 1 tháng 3 năm 2016, VTC ái ngại thêm tin: Thấy người thoi thóp bên đường, nhấn ga chạy nhanh...!
Ký giả Đăng Đức (báo Petro Times) gọi đây là “tình trạng vô cảm trong xã hội hiện nay.” Ông cũng kể thêm vài trường hợp để làm rõ vấn đề:
Vụ “hôi của tập thể” ngày 16/10 vừa qua chẳng hạn, anh Vũ Trường
Chính (TP HCM) bị 4 tên đạo tặc móc trộm gói tiền 50 triệu đồng khi anh
đang dừng xe chờ đèn đỏ, anh phát hiện và giằng co với chúng khiến bọc
tiền rơi tung tóe ra đường. Trong lúc nạn nhân đang lo bắt cướp thì
người đi đường lại ào đến... nhặt tiền rồi bỏ chạy. Chính những người
điều khiển giao thông gây tai nạn cũng thể hiện một cách hành xử “máu
lạnh” không kém khi có không ít kẻ thay vì đến hỏi thăm, giúp đỡ người
bị nạn thì lại chọn giải pháp là bỏ trốn, rũ bỏ trách nhiệm...
Một biểu hiện rất rõ của chứng thờ ơ, vô cảm nữa là chuyện lên xe ôtô
ở nơi công cộng, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung người
khác, người ta cũng chỉ lờ đi xem như đấy không phải chuyện của mình...
Thấy tai nạn mà chỉ đứng nhìn. Ảnh & chú thích:petrotimes
Để lý giải cho hiện tượng này, tác giả bài báo, dẫn lời của một chuyên gia - TS tâm lý Trịnh Trung Hoà: “Người
Việt chúng ta từ xưa đến nay luôn có truyền thống tương thân tương ái,
lá lành đùm lá rách, yêu thương, sẻ chia với đồng loại. Trong lịch sử,
chưa bao giờ dân ta có bệnh vô cảm. Thế nhưng, gần đây, giữa nền kinh tế
thị trường, lối sống chạy theo cái ‘tôi’ nên người ta thờ ơ trước nỗi
đau của đồng loại. Nguyên nhân đầu tiên là do sự chuyển hóa sang cơ chế
thị trường, mạnh được yếu thua, một số người có tâm lý việc không liên
quan đến mình thì mặc kệ”.
Ủa, sao cũng “giữa nền kinh tế thị trường” mà thiên hạ lại
tận tụy, hết lòng cứu mạng cả loài chó/ngựa còn “ta” thì
thản nhiên nhìn đồng loại/đồng bào chết chìm hay thoi thóp -
như vậy cà? Sự khác biệt, chả qua, chỉ vì cái “định hướng xã
hội chủ nghĩa” chăng? Cái định hướng này không chỉ làm cho con
người trở thành vô cảm mà còn có thể biến họ trở thành hữu
cảm (giả vờ) nữa - theo như nhận xét của blogger Phạm Trọng Thức:
“Khoảng 10h sáng hôm qua, 9/8, đi ngang qua Văn Miếu mình thấy đang
có trò dàn cảnh để chụp ảnh cảnh sát giao thông dắt dân qua đường...
Không rõ những người thiết kế cái chương trình đó nghĩ gì mà vẫn cứ
làm một cái việc vừa giả dối vừa cũ rích, chỉ tổ trở thành mục tiêu cho
bà con đàm tiếu...
Xong chưa cô ơi, cho tôi về nhà bế cháu! Ảnh & chú thích: Facebook Con Đường Việt Nam
Xin chỉ ra những điểm không chân thực và phản tuyên truyền trong bức ảnh:
Thứ nhất, hình ảnh cảnh sát giao thông quen thuộc là mấy ông mặt sắt
đen xì, hách dịch, đôi khi hung hãn, chứ không phải là cô cảnh sát giao
thông son phấn và đeo kính trắng.
Thứ 2, luật giao thông quy định trong đô thị người đi bộ sang đường ở
nơi có biển báo, vạch sơn phù hợp. Thực tế thì mọi người sang đường bát
nháo, muốn đi chỗ nào thì đi. Vậy bức ảnh chụp cô cảnh sát giao thông
dắt dân qua đường ở nơi không có vạch, biển cho người đi bộ không khác
gì tiếp tục đồng lõa hoặc khuyến khích cho lối đi lại bát nháo.
Thứ 3, mặt khác bức ảnh không khác gì thừa nhận bất lực trong việc
đưa tập quán giao thông vào khuôn khổ như phải đi đúng đèn, vạch sơn,
biển báo, xe cộ nhường người đi bộ, v.v...
Nhưng điều quan trọng nhất là trong đời sống thật, việc cảnh sát giao
thông thân thiện, giúp đỡ là quá ít ỏi so với các hoạt động ‘bẫy’ dân
để phạt, thái độ trịnh thượng hạch sách, không giúp đỡ, ăn hối lộ,
v.v...
Khi những cái xấu, bất thường quá nhiều, thì cái bình thường lại trở
nên cao quý. Nhưng ngay cả cái gọi là bình thường đó cũng phải dàn dựng
mới có để mà chụp ảnh.”
Cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” chắc chắn sẽ qua. Tuy thế,
di sản (cùng di hoạ) của nó e sẽ còn ở lại với chúng ta không
biết cho đến bao giờ. Bao giờ thì người Việt thôi thản nhiên
nhìn tha nhân bị móc túi, bị chết chìm, thôi làm bộ “dàn
cảnh” tử tế, và có thể sống nhân từ với những con thú nhỏ
bao quanh?
Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! Tưởng Năng Tiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét