Ads 468x60px

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

BIỂN ĐÔNG ĐANG RẤT NÓNG

Trung Quốc xây dựng cơ sở trên biển Đông
Minh Châu
Vụ việc Formusa Hà Tĩnh đang sôi sùng sục ở các trang báo đã làm cho người ta tạm gác qua chuyện Biển Đông – vốn đang nóng hơn rất nhiều…
KHÔNG HỀ CÓ ĐỒNG THUẬN NÀO CẢ
Hôm Chủ Nhật, 24-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này đã đạt được thỏa thuận 4 điểm về Biển Đông theo lập trường của Bắc Kinh với Brunei, Campuchia và Lào sau chuyến công du của ông Ngoại trưởng Vương Nghị.
The Phnom Penh Post ngày 26-4 đưa tin: người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định, chẳng có đồng thuận nào mới đạt được trong cuộc họp vào cuối tuần qua, khi ông Nghị ghé Phnom Penh.
"Không có thỏa thuận hoặc thảo luận nào, đó chỉ đơn thuần là chuyến thăm của một Ngoại trưởng Trung Quốc", ông Phay Siphan nói với báo giới.
Trước đó, The Fiji Times ngày 15-4 đưa tin, Chính phủ Fiji ngày 14-4 tuyên bố, nước này không ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố thông cáo báo chí sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Fiji Ratu Inoke Kubuabola và người đồng nhiệm Vương Nghị ở Bắc Kinh, rằng:
“Hai bên (Trung Quốc và Fiji) kêu gọi các bên liên quan trực tiếp cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, hàng hải thông qua tham vấn thân thiện và đàm phán song phương phù hợp theo tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông.
Cơ quan tư pháp và trọng tài quốc tế nên tôn trọng đầy đủ việc Trung Quốc bảo lưu ngoại lệ tùy chọn theo Điều 298 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Hai bên nhấn mạnh quyền của các nước có chủ quyền và các quốc gia thành viên UNCLOS để lựa chọn một cách độc lập các phương pháp để giải quyết tranh chấp phải được tôn trọng, và phải có sự đồng ý trước của các bên tranh chấp trước khi tiến hành giải quyết thông qua một bên thứ 3 bất kỳ”.
VIỆT – TRUNG LẠI TUẦN TRA CHUNG TRÊN VỊNH BẮC BỘ
Tuần qua, thông tin ít được phổ biến là Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tuần tra ngư nghiệp chung lần thứ 11 tại Vịnh Bắc Bộ.
Hai tàu cảnh sát biển từ Việt Nam và hai tàu Trung Quốc cùng giám sát các tàu cá và thỉnh thoảng tiến hành các cuộc kiểm tra trên ngư trường chung tại đây trong vòng 5 ngày kết thúc vào hôm thứ bảy vừa qua.
Cuộc tuần tra năm nay được gia hạn từ thông lệ 3 ngày thành 5 ngày và các tuyến tuần tra 1 chiều trước kia từ bờ biển này tới bờ biển kia nay được thay đổi thành hai chiều đi-về.
Hài hước là kết thúc cuộc tuần tra đã không ghi nhận được trường hợp nào vi phạm về quyền đánh bắt thủy hải sản. Trong lúc đó, theo báo cáo của lực lượng kiểm ngư Việt Nam, các ngư dân ở miền Trung cho hay suốt mấy năm qua đã phải khốn khó trong lẫn tránh nhóm các tàu sắt có treo cờ Trung gọi là Dân Quân Biển (Tanmen Maritime Militia) ngụy trang vào trong hạm đội tàu cá của Trung Quốc đang tràn ngập vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đầu tháng Tư, Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ một tàu dầu Trung Quốc tiếp tế nhiên liệu cho những tàu cá hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên những thông tin này lại không được phổ biến trên báo chí.
BIỂN VIỆT NAM ĐANG BỊ TRUNG QUỐC CÀN QUÉT
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết “nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác, “nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về”.
VASEP còn cho biết có tình trạng thương nhân Trung Quốc “tranh giành, đón mua” tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển. Các công ty Việt Nam thiếu hàng xuất cảng, đẩy giá mua lên cao mà vẫn không cạnh tranh nổi với độ vung tiền của các doanh nhân Trung Quốc. Miền Trung bị ảnh hưởng bởi “cơn dịch vét hàng” nặng nhất.
“KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT SONG PHƯƠNG VẤN ĐỀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA”
Ngày 14-4, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ trong các tranh chấp chủ quyền đảo trên Biển Đông, vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.
Cũng trong thời gian này, cử tri 15 tỉnh: Phú Yên, Long An, Ninh Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Thuận, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Dương, Hà Nam, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Hà Nội đã có yêu cầu sớm kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề biển Đông.
Nguyên văn kiến nghị được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp như sau:
“Cử tri tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dự luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc; sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc; hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo…, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Tuy nhiên có điều lạ là những thông tin nói trên không thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức hội, đoàn xã hội dân sự. Đã không có bất kỳ cuộc tuần hành hay biểu tình nào diễn ra để phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam; thậm chí cũng chưa thấy bùng lên làn sóng yêu cầu nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Biển Đông vẫn đang nóng và…
Minh Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét