M.Châu
Hai ngày sau khi một ngư dân ở Hà Tĩnh phát hiện nước vàng xả xuống
biển từ đường ống khổng lồ của Formosa, hiện tượng cá chết hàng loạt bắt
đầu xảy ra.
Trả lời báo chí, ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ
phận an toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa), mỗi ngày đêm, dự án Formosa
xả thải 12.000 m3 nước thải.
Thế nhưng theo báo Thanh Niên, ông
Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên
– Môi trường khẳng định: “Đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải
xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các
bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước
thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động”.
Cũng
liên quan đến thông tin Formosa thừa nhận có hệ thống cống ngầm nối từ
dự án của Formosa ra biển, báo Tuổi Trẻ dẫn lời, ông Hoàng Dương Tùng
cho biết, đường ống này là hệ thống cuối cùng của công đoạn xả nước
thải.
“Trước đường ống này có các hệ thống xử lý nước thải theo
công nghệ đã được thẩm định, đánh giá. Nguồn nước thải qua hệ thống xử
lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định mới được xả ra biển” – ông
Tùng giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, Formosa báo cáo họ chưa hoạt động.
“Đến tháng 6/2016 họ mới khánh thành, khi đó họ mới hoạt động, nhưng
tất cả mọi vấn đề về môi trường phải đạt tiêu chuẩn thì mới được phép
hoạt động” – ông Tùng cho hay.
Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi
cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục cho báo Tiền Phong biết, trạm
quan trắc tự động của Công ty Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu
về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Ngoài trạm quan trắc tự
động của Formosa, ở thời điểm hiện tại không có trạm quan trắc nào của
Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Khu công nghiệp Vũng Áng.
Điều đó có nghĩa các số liệu quan trắc xả thải của công ty này chỉ dựa vào trạm tự động do chính đơn vị này quản lý.
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá báo cáo
tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được báo Tiền Phong dẫn
lời cho biết, ở nước ngoài họ yêu cầu kết nối số liệu từ trạm quan trắc
tự động của công ty đến cơ quan quản lý.
Vượt khỏi tiêu chuẩn
cho phép sẽ bị tuýt còi ngay. Đây là một phương pháp giám sát rất hiệu
quả. Trường hợp không truyền số liệu thì rất khó để giám sát việc xả
thải hàng ngày.
Ngoài việc quan trắc chỉ có thanh tra đột xuất hoặc lấy mẫu định kỳ mới kiểm chứng được việc xả thải có đúng yêu cầu hay không.
Tuy nhiên, việc thanh tra hay lấy mẫu cũng chỉ có tính thời điểm. Vì
vậy, rất khó để kiểm chứng được thông tin phía công ty đưa ra vì cơ sở
dữ liệu là do họ quản lý.
Trong một diễn biến liên quan, theo báo
Tuổi Trẻ Chi cục Hải quan Vũng Áng cho biết, từ đầu năm đến nay phía
Formosa đã thông quan, nhập về gần 297 tấn hóa chất, trong số này có
những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ
CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn
CYC-VMA 796…
Một lãnh đạo Hải quan Hà Tĩnh cho rằng việc quản lý
Formosa sử dụng hóa chất như thế nào là do các cơ quan chức năng khác.
Còn ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Hà Tĩnh, nói
Formosa nhập về 297 tấn hóa chất nhưng chưa báo cáo sở này.
Còn
ông Nguyễn Xuân Thành – người phát hiện ống xả thải khổng lồ của Formosa
thì cho biết tối 4/4, ông cùng với ba ngư dân đến vùng biển nói trên
lặn bắt cá. “Lúc tôi lặn xuống phát hiện đường ống đang xả nước màu
vàng. Tôi nghi đây là nước độc nên bơi lên, không lặn nữa. Hai ngày sau
đó thì thấy cá nuôi lồng bè và cá tự nhiên chết hàng loạt” – ông Thành
nói với báo Tuổi Trẻ.
M.Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét