Ads 468x60px

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Mùa thu của Đặng Thế Phong qua lời của danh ca Tâm Vấn

Cát Linh
Có những người nhạc sĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của mình chỉ để lại cho thế nhân số ca khúc đếm không hết một bàn tay.
Đó là cố nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong cùng ba ca khúc bất hủ với những lời nhắc nhớ về ông của một nữ danh ca đã hát nhạc của ông cách đây 71 năm, nữ danh ca Tâm Vấn.
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” (Giọt mưa thu)
“Thời đó ai cũng nghêu ngao ở miệng hết… Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… Tuỳ tình cảm của mỗi người mà cho những dấu hỏi, huyền, ngã nó rõ ràng hơn. Có người thì cho nó nhẹ, có người cho nó rõ.”
Giọt mưa thu, hay còn gọi là Vạn cổ sầu, là tên đầu tiên cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong đặt cho ca khúc được ông viết vào đầu năm 1941, cũng là bài hát cuối cùng trong cuộc đời tài hoa nhưng bạc mệnh của ông.
Đặng Thế Phong là một trường hợp, một nhạc sĩ rất đặc biệt của âm nhạc Việt Nam. Cho đến nay, khi nhắc đến Đặng Thế Phong, người ta sẽ chỉ nghĩ và nghĩ ngay đến ba ca khúc bất hủ, Đêm thu, Con thuyền không bến và sáng tác cuối cùng của ông, Giọt mưa thu.
“Ba bài hát đó là từ năm 1945, có thể trước nữa nhưng tôi đánh mốc là cái thời nổi nhất của ông ấy là người ta hát 3 bài hát đó. Ngay cả người không biết chữ mà cũng biết hát ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Hát theo kiểu bình dân cũng có, hát theo kiểu sang sang cũng có. Ngay bản thân tôi cũng từng hát ba bài hát này vào năm 1945, ở Hà Nội.”
Tài hoa, bạc mệnh
Theo một số tài liệu không rõ nguồn, được lan truyền trên những trang văn nghệ thì ghi lại rằng Đặng Thế Phong là một chàng trai tài hoa, đàn hay hát giỏi, lại mang vẻ đẹp mong manh của cô thiếu nữ với môi đỏ như son. Ông cũng từng theo học dự thính trường Đại học mỹ thuật Đông Dương. Cũng từ đây mà có một giai thoại được lưu truyền rằng Đặng Thế Phong từng vẽ một nhánh cây rất đẹp không có ngọn. Thầy dạy của ông đã khen ngợi bức tranh ấy nhưng cũng tỏ ý lo ngại cho một vận mệnh ngắn ngủi của Đặng Thế Phong.
Không ngờ sự tiên đoán ấy đã trở thành sự thật khi Đặng Thế Phong giã biệt cuộc đời vào năm 24 tuổi.
24 năm trên cõi đời, sáng tác đầu tay là một đêm thu, năm 1940, với khu vườn đầy ánh trăng lan dịu và một tâm hồn say khướt theo màu trăng.
“Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng im như mắc buồn
Lòng ta xao xuyến
Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say
Gió lay…” (Đêm thu)
Nữ danh ca Tâm Vấn cho biết Đêm thu là ca khúc bà yêu nhất trong ba nhạc phẩm của Đặng Thế Phong, và là ca khúc mà bà đã hát cách đây 71 năm.
“Cái thời 1945 họ đã dựng múa bài Đêm thu rồi. Tôi đã được xem ở Nhà hát lớn Hà Nội 1945. Sau này tôi hát ở Đài phát thanh Hà Nội thì tôi rất mê bài đó. Tôi mê nhất bài Đêm thu, nó lả lướt, nó ướt át, nó mơ màng, lãng mạn. Chứ còn Giọt mưa thu nó thê thảm quá, tôi không hát nhiều. Những bài kia thì hay thật, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu thì tuyệt vời thật. Thời đó ba bài của ông Đặng Thế Phong thì lẫy lừng ở Hà Nội, gần như là ai cũng biết, từ người mù chữ cho đến người nghe nhạc đều mê.”
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong, sinh ngày 5 tháng Tư
năm Mậu Ngọ (tức năm 1918) ở phố Hàng Đồng,
xứ Nam Định. Courtesy of hoinhacsi.org
Thu định mệnh
Như một định mệnh, cả ba ca khúc nổi tiếng trong cuộc đời sáng tác của Đặng Thế Phong đều nói về mùa thu.
Ngoại trừ Đêm thu là ca khúc đầu tay, thì Con thuyền không bến và Giọt mưa thu được kể lại rằng do Đặng Thế Phong sáng tác trong nỗi nhớ quay quắt về người con gái có tên gọi là Tuyết.
“Đêm nay thu sang cùng heo mây
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng…” (Con thuyền không bến)
Mùa thu vốn dĩ đẹp, nhưng buồn. Đã thế, lại còn đêm thu, tất cả cảnh vật, cuộc sống hiện hữu trong ca khúc của Đặng Thế Phong đều là những hoạt động diễn ra trong trời đêm mùa thu. Con thuyền thì không bến; thu sang cùng với heo mây; giọt mưa thu rơi hoà cùng tiếng khóc than hờ…
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” (Giọt mưa thu)
Nhất cử nhất động trong tâm hồn và âm nhạc của Đặng Thế Phong chỉ có thể gói gọn trong một chữ “buồn”.
Và ai yêu nhạc của ông đều biết rằng ngay từ ca khúc thứ hai, là Con thuyền không bến, nhạc sĩ đã nhuốm bệnh lao. Điều này được danh ca Tâm Vấn xác nhận chính là nỗi niềm ông đặt vào sáng tác của mình.
“Tâm sự của ông ấy, thời đó là thời khó khăn. Ông ấy lại bị bệnh lao nữa. Lao thời đó đâu có thuốc thang chữa nổi.”
Con thuyền không bến tuy vẫn là giai điệu nhẹ nhàng, còn vương chút âm hưởng Tây phương của Đêm thu nhưng đã bắt đầu chất chứa những hình ảnh chênh vênh và âm thanh của lòng trắc ẩn.
“Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong…”
Rồi khi đến Giọt mưa thu, thì hoàn toàn là một bức tranh thu u ám. Cái nghèo, cái buồn, cái cô độc bao trùm lên khắp nhạc điệu, len lỏi trong từng ca từ của nhạc khúc. Đặng Thế Phong hoàn thành sáng tác này ngay trên giường bệnh.
Đông Tây giao hoà
Tài hoa của Đặng Thế Phong được giới nghiên cứu âm nhạc và nghệ thuật chỉ ra rằng chính do ông đã kết hợp hài hòa giữa nhạc Tây phương và giai điệu ngũ cung. Nói một cách khác là “Đông Tây giao hoà”. Tất cả ba ca khúc của ông được xem là những ca khúc tiên phong của tân nhạc Việt Nam.
“Nhạc thời đó là ảnh hưởng của nhạc Tây phương truyền qua. Hồi đó gọi là viết nhạc thôi chứ cũng chưa gọi là âm nhạc cải cách theo miền Bắc hay nhạc mới theo miền Nam. Miền Bắc thì gọi là âm nhạc cải cách để so sánh với nhạc cổ. Nhạc cổ ngày xưa của mình chỉ có hát trống quân, ả đào. Các ông ấy học hành Tây phương rồi thì các ông ấy ảnh hưởng của nhạc Tây phương. Ví dụ như ‘Vườn khuya trăng chiếu hoa đứng im như mắt buồn. Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa. Cánh hoa vươn buồn trong gió…
Theo lời của nữ danh ca Tâm Vấn, Đặng Thế Phong và những nhạc sĩ cùng thời với ông là những người được hưởng nền giáo dục phương Tây, nhất là Pháp. Do đó, từ giai điệu cho đến lời ca của họ bàng bạc phong thái trữ tình, nhẹ nhàng của điệu valse lãng mạn.
“Thời ấy là thời Johann Strauss, có các bài như One day when we were young, Ngày ấy khi xuân ra đời, Một trời bình minh… Những bài Valse…”
24 năm đối với chiều dài của một cuộc đời thì quả là ngắn ngủi. Nhưng sự nghiệp âm nhạc của Đặng Thế Phong để lại thì kéo dài qua nhiều thế hệ. Mùa thu của Đặng Thế Phong qua bao nhiêu năm tháng vẫn mãi mãi là mùa thu của tình yêu vô vọng, mùa thu của phận đời, phận người nghiệt ngã, mùa thu của tài hoa nhưng bạc mệnh, mùa thu của Đặng Thế Phong.
Cát Linh, phóng viên RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét