Nghệ sĩ Kim Chi tại Tòa Soạn Người Việt. (Hình: Người Việt) |
Nghệ sĩ Kim Chi, người từng vượt Trường
Sơn từ Bắc vào Nam hồi chiến tranh Việt Nam, nay trở thành gương mặt tranh đấu
cho dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí tại Việt Nam, mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích
nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Nhân dịp bà có mặt tại Hoa Kỳ (lần thứ nhì),
blogger Điếu Cầy có cuộc phỏng vấn dưới đây. Xin mời độc giả theo
dõi.
Điếu
Cầy: Chào chị. Từng
là nghệ sĩ tham gia nhiều phim “cách mạng,” năm 1964, từng cùng chồng là đạo
diễn Hồng Sến vượt Trường Sơn vào Nam, cũng từng là MC của đoàn Văn Công “Giải
Phóng,” điều gì khiến chị tham gia vào những hoạt động đấu tranh đòi dân chủ
trong nước?
Nghệ Sĩ Kim
Chi:
Khi tham gia đoàn Văn Công Giải Phóng vào chiến trường, tôi mang khát vọng là
giải phóng quê hương. Tôi nghĩ như thế, là vì theo thông tin tuyên truyền của
báo chí nhà nước thì ông Diệm đang “lê máy chém đi khắp miền Nam” và đang gây ra
rất nhiều nỗi đau cho miền Nam. Thành ra tôi nghĩ tôi rất sẵn sàng để tham gia
vào cuộc chiến bảo vệ quê hương, thống nhất đất nước, đánh Ngụy đuổi
Mỹ.
Cái suy nghĩ rằng trẻ thì dấn thân là như
thế. Tại sao tôi là một người như thế mà hôm nay lại thay đổi để đồng hành với
mọi người cùng tranh đấu? Phải nói rằng đó là một quá trình nhận thức về sự
thực.
Trước đây, thông tin bị bưng bít và tôi cứ
nghĩ rằng Ngụy là xấu, Mỹ là âm mưu xâm chiếm Việt Nam. Sau này, thông qua báo
mạng, Internet, thì sự thật được phanh phui, và những gì sai trái của nhà nước
này, những cái tội ác, tôi đã nhìn thấy. Từ những chuyện như hội nghị Thành Đô
và âm mưu chiếm đoạt Việt Nam của Trung Quốc tràn ngập trên mạng. Các thông tin
ấy thuyết phục tôi. Tôi mới bừng tỉnh ra là, ô hay, như thế là không phải như
mình nghĩ.
Đặc biệt làm cho tôi đau đớn quằn quại là
những người dân oan. Một cái Đảng công bố là dân cày có ruộng, mọi người được no
ấm, trong nhận thức của tôi bây giờ nó là cái khẩu hiệu, hay nói mạnh hơn, là
một sự dối trá.
Tôi không chịu được khi tôi nhìn thấy dân
oan ngày ngày ngồi cạnh bên Ba Đình, những người mà người ta đeo biển đòi đất
hay những vụ án oan sai, tất cả những điều đó lộ trước mắt tôi. Rồi thì truyền
thông, báo mạng đã vạch ra cho tôi thấy những tội ác của cái chế độ hiện nay đối
với dân. Đó là điều đã đánh thức tôi. Nên đối với tôi bây giờ, phải nói rằng tôi
cảm ơn báo mạng vô cùng, cảm ơn Facebook vô cùng. Nếu không có những cái đó thì
tôi còn ngu lâu lắm.
Sự thực như thế và tôi nghĩ rằng vai trò
của báo mạng, thông tin của truyền thông quốc tế và trong nước đã giúp mở mang
sự hiểu biết cho dân chúng và cho bản thân tôi. Tôi đã có rất nhiều biến đổi
trong suy nghĩ nhờ đọc báo mạng, và phải nói thực là hiện nay đến mức tôi không
còn quan tâm đến báo giấy nữa, vì ở đó, sự thực nó bưng bít, chuyện như thế này
thì nói ra thế khác, nên hoàn toàn không còn để cho tôi quan tâm chú ý
nữa.
Tóm lại, tôi thay đổi nhận thức, tôi đồng
hành cùng đồng bào là vì tôi nhìn thấy sự thực. Những vụ án oan sai, những cuộc
bắt bớ vô lý những người tranh đấu, đó là nhìn thấy
thật.
Điếu
Cầy: Những người
cùng giới văn nghệ sĩ đồng tình với chị không? Có phải ngày càng có nhiều văn
nghệ sĩ công khai bày tỏ chính kiến như chị?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Vâng, có. Hiện thì tôi thấy trong các anh em nghệ sỹ đồng lòng với những việc
chúng tôi làm ngày một đông. Minh chứng là trong nhóm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng,
tôi thấy có một số văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ… Điều đó chứng tỏ sự
chuyển biến của giới văn nghệ sĩ. Họ đã bắt đầu có những hành động can trường,
dám xuống đường biểu tình, dám viết bài, dám trả lời phỏng vấn, thì tôi thấy đó
là những tín hiệu mừng vui. Thật sự thì cũng chưa được nhiều lắm, nhưng mà rồi
tôi tin là nó sẽ nhiều.
Điếu
Cầy: Năm 2014 chị có
chuyến đi đến Hoa Kỳ vận động cho tự do báo chí tại Việt Nam. Từ những kinh
nghiệm bản thân mình, chị thấy báo chí tự do có thể góp phần khai dân trí, chấn
dân khí, thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng minh bạch và dân chủ như thế
nào?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Điều đó rất cần thiết. Tôi nghĩ hiện nay cái công lớn nhất của báo chí tự do là
đã phanh phui ra rất nhiều sự thật mà trước đây báo lề Đảng bưng bít tất cả.
Nhưng bây giờ, với thông tin hiện đại nhất, nhờ mạng xã hội, Internet, báo chí
tự do có thể nói là đã chiếm lĩnh thị trường và có công rất lớn là mở mang dân
trí.
Điếu
Cầy: Hoạt động của
các nhà báo tự do, blogger trong nước hiện nay gặp những khó khăn gì? Đồng bào ở
hải ngoại có thể giúp gì cho họ?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Quỹ hỗ trợ là điều hay; không chỉ cho những bài báo hay những câu chuyện mà cũng
có thể là thơ, kịch nói, kịch bản phim, tất cả các thể loại, những gì có thể góp
phần mở mang dân trí, vạch trần tội ác những kẻ bán nước và khích lệ những người
đang tranh đấu.
Rất cần khích lệ anh em và làm cho những
người cầm bút không sợ khi mình đi đến dân chủ thì mình bị đói. Nhiều người văn
nghệ sỹ bây giờ họ sợ đấu tranh dân chủ thì sẽ không được đi sáng tác ở Hội,
không có tiền nhuận bút, họ rất sợ hãi. Có người trước đây trong Hội Sân Khấu,
rất thân với tôi, sau ngày quay lưng lại với tôi, sợ tôi buồn họ nói với tôi một
câu rất buồn cười: “Chị thông cảm với tôi, cơm áo gạo tiền nó cần thiết, tôi
không thể nào nhịn đói mà tranh đấu được.” Đó là điều tôi hiểu được và thông cảm
được. Do đó tôi nghĩ nếu có một cái quỹ thì rất tuyệt; và trong lòng tôi nghĩ
tôi sang đây tôi muốn nói với mọi người mong muốn đó.
Điếu
Cầy: Hiện còn nhiều
tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam. Hầu hết họ là
những nhà báo tự do, những blogger chỉ biểu đạt chính kiến ôn hòa trên Internet
mà bị tù đày. Trong chuyến đi này, chị có muốn gặp gỡ các vị dân biểu, nghị sĩ
Hoa Kỳ để vận động cho họ không?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Đối với tôi, ngày nào còn một người tù nhân lương tâm còn ở trong nhà giam thì
đều rất là xót xa, và tôi có cảm giác họ cũng như những người ruột thịt của tôi.
Hiện nay, tôi được biết có đến 84 tù nhân lương tâm đang ở trong tù mà nổi bật
là những người rất can trường, yêu nước, như Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn
Hữu Vinh, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, dân oan Cấn Thị Thêu, Bùi Minh Hằng và còn
nhiều nữa. Như vậy là trên 84 người vẫn còn đang bị giam
cầm.
Cái “tội” của họ là yêu nước và nói sự
thật. Cho nên tôi nghĩ có cơ hội, nhất định là tôi sẽ đòi tự do cho họ. Cũng như
lần trước, tôi cũng đã làm như thế. Lần này tôi nghĩ cũng có thể tự tạo cho mình
một cơ hội gặp những người có quyền ở đất nước Hoa Kỳ tự do này, kêu gọi hỗ trợ.
Tôi nghĩ đó là lương tâm và trách nhiệm của tôi.
Điếu
Cầy:
Ngày 12 Tháng Bảy, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, ra
phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường Lưỡi Bò” trên Biển Đông.
Theo phán quyết của tòa thì đã không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc
có đặc quyền kiểm soát vùng biển và nguồn tài nguyên tại khu vực có tranh chấp.
Cả thế giới đã ủng hộ phán quyết của Tòa PCA. Sau phán quyết, nhân dân vui mừng,
nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn e dè, chưa có công bố cụ thể đối với phán quyết
của PCA. Theo chị, phán quyết của PCA ảnh hưởng gì tới Việt
Nam?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Tôi nghĩ việc phán quyết của PCA đã làm chấn động đối với Việt Nam. Những người
dân yêu nước khao khát thoát Trung thì rất vui mừng. Tôi rất vui khi ông xã tôi
bảo các trí thức Việt Nam tập họp tại sứ quán Philippines tặng hoa chúc mừng. Và
đối với tôi thì tôi thầm nghĩ đáng lẽ việc làm này nhà nước Việt Nam phải làm và
nhà nước Việt Nam phải học Philippines, phải đuổi Trung Quốc ra khỏi Biển
Đông.
Điếu
Cầy: Theo chị tại
sao họ lại chậm trễ đưa ra công bố và thậm chí lại đàn áp bắt giữ người dân khi
họ công khai bày tỏ ủng hộ đối với phán quyết của
PCA?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Tôi nói điều này nghe nặng nhưng mà điều đó chứng tỏ họ bán nước rồi. Chứ nếu họ
thật sự yêu nước thì không thể như thế được. Tôi chỉ nói ngắn gọn như vậy
thôi.
Điếu
Cầy: Chị có nhắn gởi
gì đến anh em đấu tranh dân chủ trong và ngoài
nước?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Tôi mừng vì thấy anh em đội ngũ ngày một đông và can trường, và điều đó hứa hẹn
một tương lai tươi sáng. Nhưng tôi có lo, thực ra nó còn rời rạc là một, chưa
thật sự đoàn kết là hai, và cá tính khác biệt đôi khi đánh mất nhau để làm cho
nhau tổn thương.
Rồi họ bị bọn, tôi nghĩ là tình báo Hoa
Nam, rồi dư luận viên và công an, tìm cách chia rẽ mà chúng ta không cảnh giác
để mắc mưu. Cho nên thích hành hạ nhau trên mạng, thích nói xấu nhau, thích làm
nhục nhau, thì tôi không đồng tình với việc đó. Tôi mong mọi người tôn trọng
nhau, nhìn nhau ở những mặt tích cực, nhìn những sự cống hiến của anh em mình và
khích lệ nhau, động viên nhau. Tôi có một ao ước như thế, và trong ngoài cùng
đoàn kết. Và cái nhắn gởi cuối cùng là xin nói với đồng bào hải ngoại, rằng anh
em trong nước rất biết ơn và mong mỏi luôn được hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần
để người tranh đấu ở Việt Nam đỡ rơi vào cảnh đói khổ. Hiện nay phải nói là công
an Việt Nam, cộng sản Việt Nam đang tìm mọi cách để làm cho người tranh đấu khốn
khổ. Ở đâu cũng bị đuổi, bị mất việc làm và bị nhiều thứ cho nên chúng ta cần
phải yêu thương nhau, đùm bọc nhau, đoàn kết đoàn với nhau để chung một khối.
Các hội nhóm cần liên kết với nhau để cùng thực hiện điều thiêng liêng nhất, đó
là dành lại đất nước.
Điếu
Cầy: Một câu hỏi
thêm, như chị có nói là một số văn nghệ sĩ trong nước bày tỏ với chị là vì vấn
đề cơm áo gạo tiền, họ không dám cất lên tiếng nói. Phải chăng các hội đoàn về
văn nghệ ở Việt Nam đang chịu sự chi phối của chính quyền và đang nhận những tài
trợ từ chính quyền để hoạt động theo định
hướng?
Nghệ sĩ Kim
Chi:
Hoàn toàn là như thế. Người ta nghĩ rằng nếu bị cắt đi những tác phẩm của họ thì
sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Ví dụ như một số văn nghệ sĩ trước đây, Phùng Quán
hay một số người khác nữa phải viết chui, viết chui ẩn tên người khác để kiếm
sống vì cái chế độ này hễ ai dám nói thật thì bị coi là giặc, mà đã là giặc thì
không bao giờ xài đến tên người đó.
Chuyện mới nhất của tôi thôi là khi tôi
đang ở Cam Ranh thì hãng phim tài liệu vào làm phim “Yersin.” Mà tôi cũng đang
định thắp hương cho “Yersin” thì cậu đạo diễn mời tôi đến để quay tôi đi đặt hoa
cho “Yersin.” Nhưng khi hội đồng duyệt phim của bộ văn hóa đến duyệt thấy cảnh
tôi thắp hương thì bắt phải cắt bỏ. Tại sao phải như vậy? Chỉ vì tôi dám tranh
đấu mà họ loại hình ảnh tôi ra khỏi phim.
Nhưng tôi trộm nghĩ, một người yêu nước
như tôi, nếu phim đó ra hải ngoại mà có hình ảnh tôi thì nó tốt chứ. Nhưng mà
người ta coi tôi là giặc nên dẹp bỏ tôi. Ai mà đi với phong trào nhân quyền dân
chủ thì đều bị coi là phản động. Nhưng tôi xin nói thật, trong suy nghĩ của tôi,
phản động là kẻ đi ngược lại với ý nguyện của nhân dân, kẻ làm cho mất nước, kẻ
làm cho đất nước nghèo khổ và mất nhân quyền dân chủ, đó mới là phản động, chứ
còn tôi là người yêu nước, tôi luôn tự hào. Tôi rất tự tin kể cả họ có dùng cái
chết đối với tôi thì tôi vẫn nghĩ tôi đúng.
Điếu
Cầy:
Cảm ơn chị dành thời gian cho Người
Việt.
Điếu
Cầy
(Người Việt)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét