Ông Võ Kim Cự. (Hình: Thanh Niên) |
Nguyễn Anh Tuấn
Vậy là sau hơn ba tháng kể từ khi thảm họa cá chết xảy ra, Võ Kim Cự,
cựu bí thư kiêm chủ tịch Hà Tĩnh, người trực tiếp cấp giấy phép cho
Formosa – thủ phạm gây ra thảm họa, đã lần đầu tiên trả lời báo giới.
Quả là không uổng phí cho nhiều tháng im tiếng, ông đã có câu trả lời
không thể khôn khéo hơn cho những chất vấn về trách nhiệm cá nhân, bằng
cách quy cho “quy trình,” “cơ chế” và sự đồng thuận của cả một tập thể
lãnh đạo các cơ quan cao nhất của Trung ương:
“Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo
cáo chính phủ và thủ tướng chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ
trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định
đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội
chính, quốc phòng, an ninh… đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định
rồi báo cáo chính phủ. Cuối cùng, chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được
cấp phép.”
Nếu không chứng minh được những gì ông Cự nói bên dưới là SAI thì rõ
ràng việc quy toàn bộ trách nhiệm cho ông ta trong việc cấp phép Formosa
vừa không thỏa đáng, vừa có dấu hiệu chạy tội cho những cá nhân, tổ
chức bên trên của ông ta, mà ai cũng rõ bao gồm các bộ trưởng, thủ tướng
và cả Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa trước.
Đổ hết lỗi lầm của một hệ thống từ địa phương tới trung ương lên đầu
một cán bộ cấp dưới chắc chắn không phải là cách công lý được thực thi,
càng không phải là cách giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự xảy đến
trong tương lai, khi mà trách nhiệm không được đặt vào đúng địa chỉ của
nó.
Tuy nhiên truy cứu trách nhiệm tất cả những kẻ đáng phải chịu trách nhiệm lại bất khả thi ở chỗ:
(1) Tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất trong việc rước Formosa về là
Bộ Chính Trị trên thực tế là cơ quan nắm quyền cao nhất trong hệ thống,
sao có thể truy cứu chính nó, sao có thể tự lấy đá ghè chân mình?
(2) Ông Cự khẳng định cấp phép cho Formosa có sự chấp thuận của thủ
tướng, 12 bộ chuyên ngành, các cơ quan nội chính, an ninh, quốc phòng.
Mỗi người trong số này lại liên đới tới nhiều bộ phận khác trong tiến
trình ra quyết định của họ. Trừ vài người đã nghỉ hưu, đa số họ hiện
đang nắm giữ những vị trí cao cấp trong guồng máy.
Truy cứu trách nhiệm tất cả họ được không?
Hoàn toàn không.
“Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc hả các đồng chí?” – chỉ một câu buột
miệng của ông Nguyễn Sinh Hùng, cựu chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, sáu năm
về trước nhưng đã toát lên toàn bộ sự tự tin của người Cộng Sản chóp bu ở
Việt Nam, tin rằng vị trí của họ là bất khả thay thế chừng nào mà đảng
của họ vẫn nắm quyền.
Cầm quyền là một dịch vụ, và bi kịch của xã hội Việt Nam là hiện nay chỉ có một nhà cung ứng.
Thông thường, khi gặp dịch vụ tồi tệ, người dân chúng ta – những
người tiêu dùng – không hơi sức đâu nghĩ cách giúp nhà cung ứng nâng cao
chất lượng, vì đấy là việc của họ.
Chúng ta làm một việc đơn giản mà hiệu quả hơn là trừng phạt họ bằng
cách chọn một nhà cung ứng khác, để chính họ muốn tồn tại phải chủ động
đổi mới.
Phương cách đơn giản đó hiện chưa được áp dụng trong thị trường chính
trị đất nước, khiến đa số người cộng sản chóp bu dẫu chỉ biết vinh thân
phì gia, cung ứng những dịch vụ tồi tệ cho xã hội, vẫn có thể ôm lấy
Nguyễn Sinh Hùng trong giấc mộng “vĩnh viễn không bị ai thay thế” với
câu thần chú “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?”
Đất nước đang thiếu cạnh tranh chính trị, chúng ta thì lại không dám
dấn thân để thiết lập một xã hội cạnh tranh chính trị, chấp nhận toàn bộ
thị trường cầm quyền bị thao túng chỉ bởi một nhà cung ứng, thế thì có
khả thi không nếu chúng ta đòi hỏi được thụ hưởng những chính sách công
tốt đẹp vốn là sản phẩm của dịch vụ cầm quyền?
Cùng logic đó, chúng ta dựa vào đâu để tin rằng sẽ không có những Formosa khác trong tương lai?
Nguyễn Anh Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét