Người Việt dàn hàng ngang (bên trái) ngăn một phái đoàn kiểm tra biên
giới của Cambodia
(bên phải) băng qua nơi được xem là biên giới Việt
Nam-Cambodia. (Hình: RFA)
Liệu Việt Nam có rơi vào tình trạng giống như cuối thập niên 1970,
phải đối đầu với cả Trung Quốc ở phía Bắc lẫn Cambodia ở phía Tây Nam?
Càng ngày, quan hệ giữa Việt Nam và Cambodia càng xấu. Trong tuần
này, quan hệ giữa Việt Nam và Cambodia đột nhiên trở nên căng thẳng khác
thường. Có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy, sắp tới, vấn đề biên giới
giữa Việt Nam và Cambodia sẽ rất nóng…
Việt Nam và Cambodia có khoảng 1,200 cây số biên giới trên bộ. Năm
1933, khi kiểm soát cả Việt Nam lẫn Cambodia, người Pháp đã từng thực
hiện một bản đồ ghi nhận các dữ kiện liên quan đến biên giới giữa hai
bên. Bản đồ này được Việt Nam Cộng hòa tái xác nhận năm 1955. Nó cũng
được chính quyền Cambodia thời Quốc Vương Norodom Sihanouk công nhận và
gửi cho Liên Hiệp Quốc lưu chiểu hồi giữa thập niên 1960.
Chưa rõ vì sao đến năm 1985, Việt Nam và Cambodia lại ký một hiệp
định mới để phân định biên giới và đến 2005 ký thêm một hiệp định nữa để
bổ túc cho hiệp định đã ký năm 1985. Hiệp định mới về phân định biên
giới giữa Việt Nam và Cambodia đã trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột
cả trong nội bộ Cambodia lẫn giữa Cambodia và Việt Nam.
Nhiều năm qua, giới đối lập tại Cambodia liên tục chỉ trích chính
quyền đương nhiệm đã “nhượng đất cho Việt Nam.” Các cuộc xung đột giữa
dân chúng hai bên biên giới càng ngày càng nhiều và mức độ càng lúc càng
nghiêm trọng…
Cách nay vài tuần, chính phủ Cambodia từng loan báo rộng rãi rằng đã
gửi công hàm cho chính phủ Việt Nam để phản đối việc xây dựng một đồn
biên phòng tại khu vực giáp với huyện O’yadaw, thuộc tỉnh Ratanakkiri
của Cambodia bởi đây là khu vực mà hai bên đang có bất đồng về đường
biên. Lúc đó, Cambodia nhấn mạnh, vị trí mà Việt Nam xây dựng đồn biên
phòng vốn là khu vực mà hai bên đã từng thỏa thuận sẽ hạn chế xây dựng.
Năm ngoái, Cambodia từng gửi một công hàm khác phản đối Việt Nam thực
hiện một công trình thủy lợi cũng tại khu vực biên giới giáp với huyện
O’yadaw. Nay, Cambodia cáo giác thêm, tuy Việt Nam ngưng xây dựng nhưng
lại không chịu hoàn thổ, khôi phục nguyên trạng.
Hồi đầu tuần này, ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia, tuyên bố Cambodia
sẽ mở đường quanh khu vực giáp biên giới Việt Nam. Tại một hội nghị diễn
ra vào ngày 22 tháng 8, ông Hun Sen yêu cầu chính quyền các tỉnh nằm
dọc biên giới Cambodia-Việt Nam tổ chức di dân đến cư trú ở khu vực biên
giới vì đó là cách tốt nhất để bảo vệ lãnh thổ phía Bắc, phía Tây và
phía Đông của Cambodia.
Ngoài ông Hun Sen, trong tuần này còn có ông Va Kim Hong, chủ tịch ủy
ban giải quyết tranh chấp về biên giới của chính phủ Cambodia lên
tiếng. Ông ta nhấn mạnh, Cambodia không chấp nhận việc Việt Nam xâm phạm
chủ quyền của mình. Sở dĩ Cambodia công bố công hàm phản đối việc Việt
Nam cho đào chín hồ chứa nước, làm đường, xây dựng nhà cửa ở phía Đông
Cambodia, lập đồn biên phòng, mở một cửa khẩu tại khu vực giáp tỉnh
Takeo,… vì những cuộc hội đàm giữa Cambodia và Việt Nam nhằm giải quyết
bất đồng hoàn toàn bế tắc.
Dẫu ông Hong bảo rằng, Cambodia vẫn hy vọng Việt Nam có đủ thiện chí
để giải quyết bất đồng, vào ngày 29 tháng này, các viên chức hữu trách
của Cambodia và Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhau để thảo luận về phương
thức giải quyết khác biệt trong phân định biên giới, song vấn đề biên
giới giữa Cambodia và Việt Nam không còn là chuyện của hai chính phủ.
Cũng trong tuần này, khi trò chuyện với BBC về quan hệ Cambodia-Việt
Nam, ông Vannarith Chheang, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược
Cambodia, nhận định, quan hệ giữa Cambodia và Việt Nam đang đối diện với
rất nhiều thách thức.
Theo ông Vannarith, sở dĩ chính quyền Cambodia tỏ ra cứng rắn một
cách khác thường trong vấn đề biên giới Cambodia-Việt Nam là vì ông Hun
Sen muốn tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa (nhiệm kỳ thứ
năm). Từ nay đến tháng 7 năm 2018 – thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử
ở Cambodia, quan hệ giữa Cambodia và Việt Nam sẽ có nhiều diễn biến khó
lường vì ông Hun Sen đang cần chứng tỏ với dân chúng Cambodia rằng ông
ta là người duy nhất có thể bảo vệ hữu hiệu chủ quyền của Cambodia. Ông
Vannarith dự đoán, ông Hun Sen sẽ “rất cứng rắn.”
Ngoài ra, bởi ông Hun Sen xem Trung Quốc như đối tác chiến lược
chính, có thể giúp Cambodia phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định về
chính trị nên đó là một lý do khác khiến quan hệ Việt Nam-Cambodia tiềm
ẩn nhiều bất ổn
Cách này vài ngày, ông Cheam Yeap, một dân biểu Cambodia, loan báo,
Quốc Hội Cambodia sẽ đề nghị Liên Minh Nghị Viện ASEAN – gọi tắt là
AIPA, gạt bỏ đoạn đề cập đến Biển Đông trong thông cáo chung của AIPA.
Theo ông ta, đề nghị đó phát xuất từ quan điểm “trước sau như một” của
Cambodia, đó là Biển Đông không liên quan đến Cambodia, cũng không phải
là vấn đề chung của ASEAN. Biển Đông chỉ là chuyện riêng giữa Trung Quốc
với từng thành viên của ASEAN đang có bất đồng với Trung Quốc về chủ
quyền tại vùng biển này.
Nhiều chuyên gia về Châu Á và an ninh-quốc phòng đã từng cảnh báo
ASEAN về việc Cambodia là yếu tố gây phân rã ASEAN khi luôn ngăn cản
ASEAN nêu quan điểm chung về biển Đông, cũng như xác lập phương thức
chung nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đã có khá nhiều người đề nghị ASEAN hoặc là cảnh cáo Cambodia, hoặc là
loại bỏ Cambodia ra khỏi tổ chức này song dường như Cambodia không bận
tâm.
G.Đ-Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét