Dù gì, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã
nâng bản lĩnh của ông lên một bậc khiêm tốn so với cung cách “giáo làng”
cùng não trạng bị coi là ủy mị vào thời gian trước đại hội 12.
Gần ba tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay,” có thể nhận thấy
sắc diện và khẩu khí của ông có phần đanh rắn và dày dạn thủ thuật hơn,
cùng một quyết tâm “đập chuột giữ bình” chưa có gì thay đổi.
“Có những việc làm có lẽ chưa nói ra đâu, các bác cứ chờ. Đang điều
tra, chuẩn bị, nói ra thì lộ hết, chúng nó chạy. Phải làm đúng luật
pháp, chứ cứ tạo dư luận, gây sức ép, mai kia xử ít thì bảo nương nhẹ,
xử nặng lại bảo oan sai,” một trong số ít phát ngôn công khai và có phần
tự tin của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là một đại biểu Quốc Hội, trong
cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình ở Hà Nội trong thời gian qua mà có
thể toát lộ phần nào tâm thế của nhân vật đầu não đang có xu hướng tập
quyền này.
Nhiều người hiểu là ông Trọng muốn ám chỉ đến ai, hoặc những ai.
Trịnh Xuân Thanh là cái tên đầu tiên, và như ông Trọng hàm ý, mới chỉ là
“một ví dụ.”
Trước Lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, giới dư luận viên và những chuyên
gia phục vụ cho phe đảng ồn ào tung hứng: “Thấy chưa, Tổng Bí Thư Nguyễn
Phú Trọng có nói đùa đâu, mà nói là làm!”
Trừ những “ví dụ” khác hoàn toàn nằm ngoài đường ray của ông Trọng: Thảm sát Yên Bái và Trịnh Xuân Thanh “biến mất.”
Nạn cát cứ sứ quân đang
lan rộng?
Bất chấp những thông báo mang tính một
chiều của các cơ quan công an và tuyên giáo, hai chi tiết không thể giải thích
được trong và sau vụ Yên Bái là vì sao người bị công an gần như xem là hung thủ
– ông Đỗ Cường Minh – lại tự sát với cái cách bắn từ gáy mình, và tại sao cả ba
nhân vật tử vong đều được chôn cất quá vội vã mà dường như chẳng cần tuân thủ
những nguyên tắc phải có của khoa học hình sự về điều tra đường đạn và của pháp
y về khám nghiệm tử thi?
Một câu hỏi nữa mà dư luận vỉa hè cũng
đang ồn ào: Liệu vụ Yên Bái chỉ thuần túy là cuộc khủng hoảng nội bộ của tỉnh
này, hay còn liên quan đến những bí ẩn nào đó ở Quân Khu
2?
Vì nếu có liên đới với Quân Khu 2 và cái
chết chỉ 11 ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát Yên Bái của Thiếu Tướng Lê Xuân
Duy, vẫn bị đảng tặng cho chức danh “Phụ trách tư lệnh Quân Khu 2” chứ không
phải “Tư lệnh Quân Khu 2” cho đến khi từ trần, phạm vi và tính chất vụ Yên Bái
sẽ ghê gớm hơn nhiều, mà có khi đó là “chuyện của mấy anh Bộ Chính Trị” như một
số quan chức thì thầm.
Nếu vụ Yên Bái được khuấy động và trở
thành nỗi lo chung của đảng về thực trạng và tương lai cát cứ sứ quân – mối lo
sợ có thể là lớn nhất của đảng hiện thời – bầu không khí tung hứng về “chống
tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng chắc chắn sẽ bị pha loãng đáng
kể.
Mất đầu mối Trịnh Xuân
Thanh?
Trong khi vụ Yên Bái còn lâu mới chìm
lắng, chỉ ít ngày sau Lễ Quốc Khánh, báo chí nhà nước một lần nữa tỉnh ngủ với
thông tin ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra đảng, còn mạng xã hội sôi trào với cả
tin này lẫn tin ông Thanh có khả năng đã đào tẩu ra nước
ngoài.
Thông tin trên phát ra vào ngày 7 Tháng
Chín. Nhưng trước đó hai ngày, bất thần xuất hiện tin về ông Dương Chí Dũng, một
phạm nhân đình đám về tham nhũng đang thụ án trong trại giam của Bộ Công An,
“bất ngờ chết trong tù.”
Cần chú ý là tin tức về Trịnh Xuân Thanh
ra đảng đã xuất hiện trên mạng xã hội trước, sau đó được nhiều tờ báo nhà nước
xác nhận. Tuy nhiên, báo nhà nước không đăng tải một bản báo cáo của ông Trịnh
Xuân Thanh gửi cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, trong lúc mạng xã hội lại
nhận được một nguồn gửi nặc danh báo cáo này và cho đăng phát rộng
rãi.
Bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh được
phát trên mạng xã hội có hai nội dung rất đáng chú ý: Ông xin ra khỏi đảng là
“vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư,” tức là ông Nguyễn Phú
Trọng, và cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ
phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài.”
Trước khi xuất hiện báo cáo trên của ông
Thanh, báo Thanh Niên tường thuật rằng ông Thanh đã gọi điện thoại cho phóng
viên báo này để bộc lộ phản ứng về một số vấn đề mà theo ông, các cơ quan kiểm
tra đảng đã kết luận sai về ông. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi ông Thanh đang ở
đâu thì ông không cho biết, mà chỉ nói ông đang điều trị bệnh
gout.
Hành động gọi điện cho phóng viên đã cho
thấy ít nhất một hàm ý: Nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị công an bộ bắt giữ
hoặc bị câu lưu ở một nơi nào đó như đồn đoán trước đó thì đã rất khó có thể gọi
điện thoại thoải mái ra ngoài như thế. Biểu hiện này cũng dẫn đến một giả thiết
được nhiều người tin là có thể ông Thanh chưa bị bắt giữ hoặc bị câu lưu, mà
đang “ngoài vòng pháp luật.”
Tuy chưa thể kết luận được bản báo cáo xin
ra khỏi đảng ký tên Trịnh Xuân Thanh là xác thực hay không, người ta vẫn có thể
liên hệ lại một báo cáo dài đến chín trang ký tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi
cho trang Ba Sàm chỉ vài tháng trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra,
trong đó giải trình 12 điểm. Báo cáo này đã gây sôi động dư luận và sau đó được
nhiều nguồn tin xác nhận là báo cáo thực chứ không phải giả
mạo.
Nếu bản báo báo ký tên Trịnh Xuân Thanh
được gửi cho một số trang mạng xã hội và đăng tải vào ngày 7 Tháng Chín là thật,
điều này xác nhận rằng ông Thanh nhiều khả năng hiện ở một chỗ đủ an toàn để chủ
động viết thư, gọi điện thoại và phản ứng với Tổng Bí Thư Trọng, người muốn bắt
ông. Nơi an toàn đó thường phải là ở nước ngoài.
Và nếu quả ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra
nước ngoài, một vụ Dương Chí Dũng đào tẩu sang Cambodia vào năm 2012 có khả năng
tái hiện. Và nếu trước đây ông Dũng khai đã được một quan chức cao cấp lộ tin về
“sắp bị bắt” nên đã có đủ thời gian trốn thoát, thì với ông Trịnh Xuân Thanh,
liệu kịch bản “bắn tin” có hay không, và nếu có thì xảy ra như thế
nào?
Chỉ biết rằng, nhiều khả năng ông Thanh
không còn nằm trong tay ông Trọng, không còn là một phi vụ “dễ như thò tay vào
túi” mà ông Trọng có thể dùng để “nhân điển hình tiên tiến” cho công cuộc được
coi là “chống tham nhũng” mà ông đang khởi sự, và do đó cũng đang tước đi một
điểm hết sức quý giá mà ông muốn vớt vát lại uy tín của ông và của đảng trong
“quần chúng và cán bộ đảng viên.”
Tiếp sau hàng loạt vụ bê bối trong đảng mà
gần nhất là vụ quan chức bắn nhau (hoặc “cả ba bị bắn”) ở Yên Bái, đảng đang
phải đối mặt với một “scandal” lớn trong nội bộ mang tên Trịnh Xuân Thanh. Nếu
quả ông Thanh đã trốn ra nước ngoài hoặc đang ẩn nấp đâu đó trong nước, một
chiến dịch điều tra cấp tốc và rộng lớn sẽ phải được đảng tiến hành để truy tìm
ông, trong đó sẽ phải đặc biệt truy xét xem ai, những ai, cơ quan nào đã có thể
tiết lộ tin cho ông Thanh bỏ trốn, hoặc thậm chí còn giúp cho ông Thanh bỏ
trốn.
Chưa kể vụ đào tẩu trên liệu có mối liên
đới nào với “cái chết bất ngờ trong trại giam” của phạm nhân Dương Chí
Dũng.
Vấp
đá
Gần đây, báo chí nhà nước đăng một ý kiến
đáng chú ý từ “một đồng chí cao cấp cách mạng lão thành” đề nghị với Tổng Bí Thư
Trọng là “đánh rắn phải đánh dập đầu,” tuy không nói rõ là “rắn”
nào.
Nhưng một số dư luận đang suy đoán rằng
cấp trên trực tiếp của ông Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng
Bộ Công Thương. Còn cấp trên trực tiếp thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng lại
là cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được xem là “bố già” trong rất nhiều
phi vụ.
Nếu không xảy ra sự cố “biến mất” của
Trịnh Xuân Thanh, logic nối tiếp sau ông Thanh là ông Hoàng, để sau ông Hoàng có
thể là ông Dũng, nhân vật mà ông Nguyễn Phú Trọng dù đã “kết quả” nhưng chưa thể
“kết thúc.” Trong thời gian qua, đã có những tín hiệu một nhóm quyền lực – lợi
ích nào đó muốn nhân đà chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Trọng để tổ
chức tập kích vào hai cứ điểm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn
Dũng. Đó là Mỏ Núi Pháo và hãng MobiFone.
Tuy nhiên, nhiều người lại nghi ngờ vào
bản lĩnh thực sự của “ông giáo làng,” dù rằng với kết quả mỹ mãn tại đại hội 12,
chẳng còn quá nhiều người mang cái tên “lú” ra để chế giễu tổng bí thư
nữa.
Cũng như việc đảm nhiệm chức vụ bí thư
quân ủy trung ương mà chưa kinh qua một trận đánh nào, Tổng Bí Thư Trọng chưa
thể hiện được dấu ấn gì trong suốt chiều dài làm người đứng đầu đảng, dù việc
phát ngôn chống tham nhũng của ông là không ít.
Với tư cách là một “tổng bí thư tháp ngà,”
ông Trọng dù được một số người cho là trong sạch nhưng cuộc chiến đấu của ông đa
phần có thể là đơn độc, trong vòng vây của rất nhiều nhóm quyền lực và tài phiệt
cả cũ lẫn mới, cùng mối xen cài chằng chịt giữa phạm trù tiền bạc với không loại
trừ cả những người thân cận với ông.
Mới đây, lại có thông tin ngoài lề cho
rằng hai vụ Núi Pháo và MobiFone đã được “kết quả” với một trao đổi lợi ích đáng
kể, và tiến trình thanh tra hoặc điều tra của các cơ quan chức năng đối với
những sự việc này sẽ chỉ diễn ra một cách hình thức. Nếu thông tin này là đúng,
không biết Tổng Bí Thư Trọng có hài lòng hay sẽ phản ứng theo một cách riêng và
hết sức “nội bộ” của ông?
Sau ba tháng phát lệnh “việc cần làm ngay”
với một trong những mong nguyện muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai,” giờ
đây đang xuất hiện những dấu hiệu chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư
Trọng vấp đá khiến nguy cơ thất bại đang hiện ra.
Vô hình trung, những đối thủ đã lộ mặt và
chưa lộ mặt của ông Trọng sẽ dễ thở hơn và có thể có thời gian để chuẩn bị đối
phó, thậm chí còn có thể tổ chức một đợt phản công không tệ đối với ông Trọng và
ê kíp của ông.
Đã phát ra những tín hiệu về cuộc phản
công ấy…
Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Trịnh Xuân
Thanh không thèm trốn ra nước ngoài mà vẫn ung dung ẩn mặt tại một nơi nào đó
trong nước và còn ngang nhiên thách thức quyền lực của đảng bằng việc gọi điện
thoại và viết thư gửi qua bưu điện lẫn tung lên mạng xã hội, hẳn phải có một thế
lực đủ mạnh “bảo kê” cho ông. Và nếu giả thiết này có lý thì Tổng Bí Thư Trọng
đang phải đối mặt với một hiểm họa ghê gớm ngay trong lòng
đảng.
Ông Trọng phải làm gì
đây?
Phạm Chi Dũng
Phạm Chi Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét