Ads 468x60px

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Thảm họa do mưa lũ miền Trung càng lúc càng lớn

Ảnh chụp huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, dù ở trên cao nhưng vẫn lụt 
sau khi thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh xả nước. (Hình: Báo Người Lao Động)
Mưa tiếp tục trút nước, lũ càng lúc càng lớn, thủy điện tiếp tục phải xả nước để tránh vỡ đập giữa lúc mực nước lụt ở hạ du càng ngày càng cao đang là đại họa của miền Trung.
Mưa to, lũ lớn, lụt nặng giờ không còn là chuyện ở Hà Tĩnh, Quảng Bình – những tỉnh phía Bắc miền Trung như từ trung tuần Tháng Mười tới nay nữa. Đợt mưa to kéo dài suốt tuần này đã cô lập nhiều vùng ở nhiều tỉnh miền Trung.
Tại Hà Tĩnh, khoảng 3,000 gia đình phải leo mái ngồi chờ nước rút. Họ thiếu cả thực phẩm lẫn nước uống. Hương Khê là huyện có nhiều gia đình bị cô lập nhất ở Hà Tĩnh. Hai trận lũ liên tiếp đã làm họ trắng tay và đang sống nhờ số thực phẩm ít ỏi được cứu trợ giữa hai đợt lũ. Ở Quảng Bình, khoảng 2,000 gia đình rơi vào tình trạng tương tự.
Tại Quảng Trị, khoảng 1,000 gia đình ở huyện Cam Lộ bị cô lập. Do nước lũ cuốn mất cầu, một thôn thuộc xã Húc Nghì, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Đây cũng là tình trạng mà dân chúng xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế phải đối diện.
Ở tỉnh Kon Tum, nước lũ và lụt đã vây chặt dân chúng hai xã Đăk Đrinh và Đăk Nên của huyện Kon Plông. Toàn bộ huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi thì bị cô lập vì đất đá sạt lở.
Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam (Đại Lộc, Hội An), Quảng Ngãi (Đức Phổ), tới lượt Bình Định, Phú Yên tan hoang vì lũ và lụt. Mưa lớn khiến nước từ sông, suối ở Tây Nguyên dồn về với lưu lượng cực lớn khiến bảy nhà máy thủy điện ở thượng lưu đồng loạt xả nước để khỏi vỡ đập. Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện này đã cùng với mưa lũ nhấn chìm nhiều vùng ở tỉnh Bình Định và gần như toàn bộ tỉnh Phú Yên.
Chỉ trong ngày 3 Tháng Mười Một, riêng tại Phú Yên đã có sáu người chết vì bị lũ cuốn, trong số này có phó chủ tịch huyện Đồng Xuân tử nạn khi đang cứu hành khách trong một chiếc xe đò đang chìm dần trong dòng nước lũ ồ ạt tràn về.
Đáng ngại là ở cả Bình Định lẫn Phú Yên, mưa vẫn còn như trút nước, lũ lớn hơn mức hiện tại, nước sông, suối tiếp tục dâng lên rất cao và chắc chắn các nhà máy thủy điện nằm ở thượng nguồn sẽ tiếp tục xả nước để bảo vệ các con đập của họ.
Tính cho đến cuối ngày 4 Tháng Mười Một, Phú Yên có 36 xã đang chìm trong nước. Chính quyền các địa phương đã tổ chức di tản khẩn cấp khoảng 4,000 gia đình. Ở Bình Định, nước vây nhiều xã của các Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn. Nhiều tuyến giao thông được báo chí Việt Nam xác định là trọng yếu giờ bất khiển dụng.
Tại Tây Nguyên, mưa, lũ, lụt, sạt lở cũng đang xuất hiện khắp nơi. Vừa có thêm nhiều xã của các huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa tỉnh Gia Lai bị ngập, thậm chí bị cô lập. Sau Kon Tum, Gia Lai, đến lượt Đắk Lắk (Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Krông Pắk), Lâm Đồng (Đơn Dương, Đức Trọng) đối diện với lụt, lở.
Ngoài việc có thêm một người thiệt mạng ở Đắk Lắk, chưa có thống kê thiệt hại chung cả về nhân mạng lẫn tài sản trong đợt mưa lũ lần này ở miền Trung. Chỉ có thể ước đoán là sẽ rất cao. 
G.Đ-Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét