Ads 468x60px

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Thủ tướng Abe muốn viết lại lịch sử Nhật Bản?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bạch Dương
Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Tự do Dân chủ (LDP) của ông cùng đảng liên minh Tân Komeito giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hôm qua, giành được 76 trong số 121 ghế được bầu lại và có tổng cộng 135 trên tổng số 242 ghế tại Thượng viện Nhật Bản.
Chiến thắng này sẽ mở đường cho một chính phủ ổn định đầu tiên ở Nhật kể từ khi Thủ tướng Junichiro Koizumi ra đi năm 2006 đồng thời giúp Thủ tướng Abe đẩy nhanh chương trình cải tổ kinh tế. Chương trình nới lỏng tiền tệ và chi tiêu chính phủ đã bắt đầu thức tỉnh nền kinh tế giảm phát và trì trệ trong suốt 2 thập kỷ qua của Nhật.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21-7, Thủ tướng Abe giờ đây đã nắm quyền kiểm soát cả 2 viện để dễ dàng “bắn mũi tên thứ 3” về cải cách cơ cấu.
Thủ tướng Abe và những người ủng hộ trong Đảng LDP bảo thủ sau khi chắc chắn giành được quyền kiểm soát 2 viện đã không giấu giếm khát vọng sửa đổi Hiến pháp hòa bình, vốn được duy trì nguyên vẹn kể từ khi được thông qua năm 1947.
Các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên cũng như sự quyết đoán về chủ quyền lãnh thổ ngày càng tăng của Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy Thủ tướng Abe và Đảng LDP chủ trương xóa bỏ Điều 9 Hiến pháp (quy định Nhật Bản vĩnh viễn không phát động chiến tranh và không có quyền tham chiến), xây dựng quân đội chính quy, tăng cường khả năng quốc phòng.
Tuy nhiên, kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của chính quyền Abe có thể vượt xa các vấn đề an ninh, làm sống lại một nước Nhật ít hiếu chiến trong quá khứ.
Giáo sư luật tại Đại học Meiji ở Tokyo, Lawrence Repeta bình luận, đề xuất sửa đổi, nếu được thông qua, "sẽ tạo ra một Nhật Bản mà chúng tôi không hề quen biết".
"Những gì mà giới chính khách dân tộc chủ nghĩa muốn là làm sống lại một nước Nhật với phiên bản thiếu thực tế của những năm 1930”, Giáo sư Repeta nhấn mạnh khi lập luận về vấn đề hiến pháp trước Tòa án Tối cao Nhật Bản.
Trước đó, ông Abe từng thất bại với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên trong nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi 2006-2007.
Năm ngoái, LDP lại công bố dự thảo sửa đổi bao gồm hạn chế bớt quyền tự do báo chí, lập Nhà vua Nhật Bản là người đứng đầu nhà nước và thiết lập các luật lệ nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa. Theo LDP, Hiến pháp sửa đổi sẽ phản ánh "lịch sử, văn hóa và truyền thống của Nhật Bản".
Tuy nhiên, để giảm bớt sự chỉ trích, khi quay lại tiếp quản Văn phòng Thủ tướng tháng 12 năm ngoái, ông Abe đã chủ trương một đường lối dân tộc chủ nghĩa “mềm mỏng” hơn. Do đó, trong nội các hiện nay, Thủ tướng Abe cài cắm các cộng sự thân tín bảo thủ trung thành vào những vị trí quan trọng, ông cũng chú ý bổ nhiệm thêm các chính trị gia ôn hòa. Ông Abe cho đến nay vẫn tránh đến thăm ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi Yasukuni vì e ngại làm “mếch lòng” Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước đó, trong các chiến dịch tranh cử ông tuyên bố sẽ đến thăm đền này.
Thủ tướng Abe cũng thể hiện sự kiềm chế trước các hành động xâm nhập liên tục của các tàu chính phủ Trung Quốc vào lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Thay vào đó, ông tập trung vào việc chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài ở Nhật Bản bằng cách bơm một lượng tiền kếch xù vào nền kinh tế và cam kết một gói kích thích kinh tế tiếp theo trị giá 116 tỷ USD.
Cho đến nay, chiến lược kinh tế của Thủ tướng Abe đang tạo ra các dấu hiệu tích cực. Nền kinh tế Nhật tăng trưởng với tốc độ 4,1% trong quý đầu tiên, đồng yên giảm gần 1/3 giá trị, thúc đẩy xuất khẩu và tăng công ăn việc làm. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng khoảng 25% kể từ đầu năm. Tâm lý kinh doanh và niềm tin tiêu dùng của người dân Nhật Bản cũng đang tăng lên.
Dù vậy, rõ ràng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Abe không thay đổi. Hiện nay, Thủ tướng Abe và Đảng LDP chủ trương sửa đổi Hiến pháp bằng một quá trình từ từ, kiên trì và nhẹ nhàng. Quá trình sửa đổi Hiến pháp hiện tại muốn thành công đòi hỏi phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 thành viên Thượng viện và Hạ viện cũng như sự ủng hộ của đa số cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Ông Abe và Đảng LDP hiện chủ trương thay đổi Hiến pháp với một quá trình như vậy.
Với tỷ lệ cử tri đi bầu thường thấp trong các cuộc bầu cử ở Nhật, chủ trương sửa đổi Hiến pháp của Đảng LDP có thể được thông qua nhờ chiến lược mới với sự ủng hộ của chỉ 30% cử tri. Nhưng bất cứ dấu hiệu nào về khả năng trên chắc chắn sẽ khiến 2 láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc và Trung Quốc quan ngại về nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt sống lại.
Giáo sư khoa học chính trị Gerald Curtis thuộc Đại học Columbia, người nghiên cứu chính trị Nhật Bản từ những năm 1960 nhận xét, “Ấn tượng của tôi về ông Abe là hiện có một cuộc chiến đang diễn ra giữa trái tim và khối óc của ông. Về mặt lý trí, ông là người thực dụng và thực tế. Nhưng ông lại có một trái tim cảm tính. Ông thực sự tin rằng, hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì đối với lịch sử Nhật Bản hay nói thẳng ra những gì đã xảy ra trong suốt thời kỳ chiến tranh".
Tư tưởng bảo thủ được cho là đã ăn sâu vào tâm hồn và ý thức của Thủ tướng Abe. Ông nội ông, Nobusuke Kishi, một bộ trưởng trong thời chiến tranh, bị bắt và bị truy tố là tội phạm chiến tranh ngay sau khi Đế quốc Nhật đầu hàng. Tuy nhiên, ông Kishi không bị kết tội và sau đó trở thành Thủ tướng Nhật, ủng hộ mạnh mẽ liên minh Mỹ-Nhật và từng thất bại trong nỗ lực sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Ông Abe được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ ông nội. Trong cả 2 nhiệm kỳ thủ tướng, ông đều không che dấu tham vọng theo đuổi sửa đổi Hiến pháp bất chấp phản đối, chỉ trích.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Thủ tướng Abe và LDP có thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp đến cùng hay không khi họ đã từng một lần thất bại. Giáo sư văn học Nhật Bản tại Đại học Tokyo đặt câu hỏi, không có gì chắc chắn về việc liệu ông Abe có đặt cược nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2, liều lĩnh theo đuổi một chương trình nghị sự đầy rủi ro hay không. Tuy nhiên, lần này nhờ thành công ban đầu của chính sách kinh tế "Abenomics", Thủ tướng Abe giữ được sự tín nhiệm ở mức 60%.
Bạch Dương (Theo FP, BBC)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét