Ca múa “Địa Nàng” trong Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành ở Long Thượng - Cần Giuộc, Long An hôm 25-10-2011 |
Ngành Mai
Địa Nàng là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật ca múa cổ truyền của người dân thôn quê miền Nam, là đặc thù của văn hóa dân tộc.
“Lễ Vía Bà”
Nếu như miền Tây, mà khi xưa gọi là Lục Tỉnh, là nơi xuất phát bộ môn
nghệ thuật cải lương, để rồi phổ biến khắp cả nước, thì ở miền Đông Nam
Việt là nơi xuất phát ca múa Địa Nàng. Và nghệ thuật này không phổ biến
rộng rãi như cải lương, mà chỉ hoạt động quanh quẩn ở cái tỉnh như:
Biên Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh, Gia Định, Bình Dương, cùng một vài nơi thuộc
tỉnh Long An như Đức Hòa, Đức Huệ.
Khi đề cập đến những nét văn hóa đặc thù dân tộc, người ta không thể
bỏ quên môn nghệ thuật độc đáo này, do bởi Địa Nàng thường được trình
diễn trong dịp “Lễ Vía Bà” tại các ngôi miễu ở miền thôn quê Nam Việt.
Hằng năm vào khoảng Tháng Hai, Tháng Ba Âm Lịch thì những ngôi đình
làng ở các tỉnh thuộc miền Đông có lệ cúng “Kỳ Yên” do ban hội tề, tức
quí vị hương chức làng xã đứng ra tổ chức. Những năm dân làng trúng mùa
thì có thêm phần rước hát bội về hát tạ ơn vị Thần đã phò trợ cho dân
làng làm ăn khá. Người ta từng thấy những ngôi đình hằng năm đều có hát,
và cũng những ngôi đình cả 7, 8 năm chỉ cúng mà thôi chớ không rước hát
bội, do bởi dân chúng bị thất mùa.
Song song với hát bội ở đình, thì tại các ngôi miễu trong làng cũng
được quí bà tổ chức “Lễ Vía Bà”, tùy theo ngôi miễu đó thờ: Bà Nữ Oa, Bà
Lê Sơn Thánh Mẫu, Bà Ngũ Hành, Bà Thủy, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Ngọc, Bà
Chúa Tiên...
Thuở xưa đình làng là nơi sinh hoạt của nam giới, phụ nữ không được
dự vào việc cúng tế ở nơi thiêng liêng này; ngược lại miễu là nơi sinh
họat của quí bà, các đấng mày râu nam tử cũng không được đến đây. Thế
nhưng, từ đầu thế kỷ 20, trước sự thăng tiến của phụ nữ ngoài xã hội
“nam nữ bình quyền” thì vấn đề phân chia này đã không còn, có nghĩa là
ngày cúng đình hay cúng miễu thì nam nữ đều chung lo việc cúng kiếng,
tập trung hội hè rất đông.
Cúng miễu thì không mời hát bội mà chủ yếu là mời Địa Nàng về hát, và
người dân quanh năm suốt tháng làm lụng ngoài đồng, đã có dịp nghỉ đi
xem buổi múa hát có tính cách truyền thống này. Vậy thì Địa Nàng là thế
nào, hình thức trình diễn ra sao, có giống như cải lương, hát bội chăng?
Thật ra thì ca múa Địa Nàng không phổ biến rộng rãi như hát bội, do
bởi hát bội ngoài việc hát cúng Kỳ Yên, lại thêm phần trình diễn trên
sân khấu rạp hát, bán vé như cải lương. Còn Địa Nàng thì không rườm rà
và đông người như gánh hát bội, chỉ có hai nghệ sĩ và duy nhứt chỉ hát
cúng miễu mà thôi, và người coi thì hoàn toàn miễn phí.
Là một bộ môn nghệ thuật đặc thù của văn hóa dân tộc, rất nhiều người
biết đến mà không hiểu sao trong sử sách nói về miền Nam người ta lại
không thấy đề cập đến Địa Nàng, ngay cả những tác phẩm của các nhà văn
rặt Nam Kỳ như: Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc cũng không nói
gì về Địa Nàng (hoặc có mà chúng tôi không có dịp đọc qua).
Nghệ thuật ca múa Địa Nàng không trình diễn sân khấu đối diện với
khán giả, mà chủ yếu là múa hát trước miễu, do đó người xem có thể coi
được 3 mặt, và như đã nói diễn viên Địa Nàng chỉ có 2 người (một nam một
nữ). Người nam thủ vai ông Địa và người nữ thủ vai nàng Tiên, thế thôi!
Về cách gọi thì nam nghệ sĩ được kêu là “Ông Địa” như vai trò, còn nữ
nghệ sĩ thì kêu là “Con Bóng”, nếu người gọi còn trẻ thì phải kêu là “Bà
Bóng” (xin đừng lầm lẫn với những người đồng bóng, lên đồng, lên cốt,
mê tín dị đoan). Cốt truyện Địa Nàng như sau:
Tiên nữ Hằng Nga vâng lệnh Vương Mẫu xuống trần gian đến huê viên,
nơi “cây huê giếng nước” hái lộc cầu an dân chúng, và bởi do không biết
đường đến huê viên, nên tiên nữ đến nhờ cậy Thổ Địa dẫn đường. Thổ Địa
sau một hồi vòi vĩnh, làm khó, rồi dẫn đường đưa tiên nữ đến huê viên để
khai mạch giếng nươc, tưới cây. Hành động này mang ý nghĩa việc mưa
thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cốt truyện chỉ đơn giản như thế thôi,
nhưng tùy từng cặp nghệ sĩ đóng vai Địa Nàng, có thể kéo dài từ 2 đến 5
giờ liền (có nhạc đệm đờn cò, đờn kìm).
Sau phần chính “khai mạch giếng nước” mang ý nghĩa cầu mưa, (bởi
tháng này đang là mùa nắng, nếu cái nắng kéo dài thì nông dân không thể
làm mùa được). Tiếp đó Địa Nàng chuyển sang đối đáp bằng những câu vè,
dân ca, bằng thơ lục bát, song thất, đôi khi dùng cả tục ngữ, ca dao.
Riêng về lời văn đối thoại, thì gần như ngôn ngữ bình dân thông thường
của người dân quê.
Dù là ca múa hay đối thoại, sau phần cúng kiếng thiêng liêng là hài
hước, gần như hết phần thêm này là vui, là chế diễu, liên tục gây nên
những tràng cười của khán giả. Nghệ thuật Địa Nàng bắt buộc phải hài hòa
tất cả những gì có thể gây nên tính cách châm biếm, cười cợt, vì đó là
yêu cầu. Cặp Địa Nàng nào bị cho làm kém về hài hước thì năm sau khó mà
được các miễu mời đi hát.
Ứng diễn
Ca múa “Địa Nàng” trong Lễ hội Miếu Bà Tây A, Phường BÌnh Trưng Tây, Quận 2, |
Cái độc đáo của Địa Nàng là ứng diễn, tự chế ra lời diễn chớ không có
kịch bản chính thức, những câu hát được lưu truyền từ nghệ nhân này đến
nghệ sĩ khác, nối nghiệp từ đời này sang đời nọ và thêm bớt cho phong
phú thêm, do vậy mà “kịch bản dân gian” này không biết ai là tác giả.
Tùy theo trình độ, cặp diễn viên nếu trình độ nghệ thuật cao thì ứng
diễn mạch lạc, đối đáp bằng câu vè, câu thơ, tục ngữ, ca dao rất đúng
với nhân vật, tình huống được mang ra châm biếm, chế diễu.
Như đã nói ca múa Địa Nàng chỉ phổ biến nhiều ở miền Đông, nghe nói
miền Tây cũng có nhưng rất ít, riêng tôi chẳng thấy bao giờ. Còn ở miền
Trung từ Phan Thiết đổ ra thì hầu như không có Địa Nàng. Tại sao? Tôi có
tìm hiểu, thu thập một số sự kiện và có thể đi đến kết luận: Từ thời xa
xưa, đất địa miền Đông Nam Việt, là những vùng đất không có sông ngòi,
cũng không có hệ thống dẫn thủy nhập điền. Người nông dân làm mùa chủ
yếu trông cậy vào trời mưa, năm nào mưa muộn, thì mùa màng ruộng lúa,
hoa màu bị thất thu. Hoặc nếu như hạn hán không mưa chỉ một năm thôi,
thì người dân nghèo đến 3 năm (ông bà già xưa thường nói như vậy).
Người dân trăm bề khổ sở do trời không mưa, nên mới phát sinh ra hiện
tượng ca múa Địa Nàng, là một hình thức cầu mưa vậy! Sở dĩ ở miền Tây
ca múa Địa Nàng không phổ biến, là do miền này thuộc đồng bằng sông Cửu
Long với sông ngòi chằng chịt, nước đầy đủ để làm mùa nên đâu phải “cầu
mưa”, do vậy mà người ở vùng này đa số không hề biết Địa Nàng là gì.
Địa Nàng trình diễn có cặp, họ làm ăn chung, các Lễ Vía Bà người ta
chỉ cần mời một trong hai người là xong hợp đồng, và trả tiền cũng thế,
một người đại diện, thường là “Con Bóng” nhận tiền. Theo như truyền khẩu
của thiên hạ thì “Con Bóng” hay “Bà Bóng” là những người bán nam bán
nữ, mà người đời gọi họ là “lại cái” hay “loại cái” (không biết chữ nào
đúng). Con Bóng không phải đồng tính bê đê, mà là do bộ phận sinh dục,
nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ. Bà bóng suốt đời không có chồng con gì
hết.
Cặp Địa Nàng nào mà “Bà Bóng” như vừa nói thì đắt sô, được liên tục
mời đi ca múa, tiền thù lao cũng cao. Còn như bà bóng là người nữ thiệt
thọ thì lại ế hàng, có nghĩa là ít được mời đi hát. Thí dụ như hai ngôi
miễu tổ chức Lễ Vía Bà cùng một ngày, chỗ nào kêu trước thì được bà bóng
“lại cái”. Do con bóng hay bà bóng “lại cái” bị kẹt sô, nên ngôi miễu
thứ hai đành phải chấp nhận mời bà bóng người nữ thiệt. Có còn hơn
không.
Số tiền thù lao cho Địa Nàng khá cao, thời điểm 1955 – 1956 bao gạo
chỉ xanh 100 ký lô giá 300 dồng, mà một sô ca múa Địa Nàng phải trả mất
600 đồng. Ngoài số tiền thỏa thuận hợp đồng, (chỉ thỏa thuận bằng lời
nói chứ không có giấy tờ, nhưng cả hai bên đều giữ đúng hợp đồng). Địa
Nàng còn được quý bà cho thêm, nếu hát hay, người coi đông, cười nhiều,
thời gian kéo dài đến 1, 2 giờ khuya thì tiền cho thêm có khi còn nhiều
hơn tiền chính thức.
Không như hát bội, khán giả cho tiền đào kép bằng cách kẹp tiền vào
quạt giấy quăng liệng lên sân khấu. Cách cho tiền Địa Nàng lịch sự hơn
nhiều, người đại diện để tiền vào dĩa trịnh trọng trao cho Nàng, chớ
không trao cho Địa (biết rằng họ chia với nhau).
Còn một cách cho tiền nữa, các bà góp tiền rồi bí mật cho riêng Nàng,
dĩ nhiên là Nàng bỏ túi riêng, chứ không chia cho Địa. Tùy theo uy tín
và sự ủng hộ của khán giả, của các nơi mời gọi, mà thỏa thuận làm ăn
chung của Địa Nàng cũng kẻ cao người thấp, ít khi ngang bằng, mà thường
chia tứ lục, hoặc tam thất, và Nàng thì lúc nào cũng cao giá hơn.
Khi bắt đầu chuẩn bị lễ vía bà, là người ta đã lo đặt sô trước với
cặp Địa Nàng nào đó, mà thiên hạ cho rằng ca múa hay. Do vậy mà trong
lịch trình của Địa Nàng ít thấy chỗ trống vào mấy tháng có cũng miễu Bà.
Hết thời gian mấy tháng cúng miễu thì Địa và Nàng trở lại đời sống bình
thường người nông dân, nhà ai nấy ở, chỉ thỉnh thoảng hẹn gặp nhau ở
ngôi miếu nào đó để tập dượt kịch bản nhân gian mới. Không tập dượt ở
nhà Địa hay nhà của Nàng.
Nếu Nàng là “lại cái” thì sống độc thân một mình, còn như Nàng là
người nữ thiệt thì cũng có chồng con như mọi người nữ khác thôi. Về ông
Địa thì ông nào cũng vợ con đùm đề, có ông có đến 2, 3 bà vợ. Có lẽ nhờ
hát hay, đâu thua gì danh hề sân khấu, nên Địa rất được mấy bà góa chồng
chiếu cố.
Ngành Mai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét