Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Quan chức CSVN học câu cá...trong phòng

Chuyên gia Nhật kiểm tra cá ngừ được ngư dân
Bình Định đánh bắt. (Hình: VnExpress)
Dư luận bầy tỏ sự tức giận khi được biết các người của nhà nước được cửa sang Nhật học về kỹ thuật câu và bảo quản cá để xuất cảng nhưng đã đi chơi rồi về nói dối.
Báo Đất Việt hôm Thứ Sáu 10-10-2014 trưng dẫn phản ứng của độc giả báo này trước hai bài mà báo này viết về kỹ thuật bảo quản cá ngừ để xuất cảng sang Nhật theo kỹ thuật của người Nhật mà nhờ đó, giá bán cũng như lợi tức của ngư dân gia tăng gấp nhiều lần.
Một bài viết ngày 8/10/2014 có tựa đề “Câu cá ngừ kiểu Nhật: Ngư dân đòi bỏ vì khó quá!”, và một bài vào ngày 9/10/2014 với tựa đề “Câu cá ngừ kiểu Nhật: Ngư dân nói thẳng cán bộ...dạy sai!”
Trong hai bài viết vừa kể, bài viết ngày 8/10/2014 thuật lời ngư dân La Tình có 4 tàu trong số 5 tàu ở huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định ra biển câu cá ngừ để xuất cảng thử nghiệm sang Nhật. Ông cho hay chuyến đi biển bị lỗ vốn nặng vì đi biển ngắn ngày, cá đánh được ít lại không đạt phẩm chất mà người Nhật mong muốn nên họ đã không mua với giá cao.
“Mỗi chuyến ra biển thông thường mất 20 ngày nhưng để cá đạt chất lượng xuất khẩu sang Nhật thì chỉ sau 10 ngày đã phải vào bờ. Chi phí cho chuyến biển kéo dài 10 ngày tốn khoảng 70-80 triệu đồng mà cá không đạt chất lượng theo yêu cầu của Nhật, như chuyến trước chỉ được mấy tạ, thế là lỗ. Trong khi đó, theo cách truyền thống, chuyến biển 20 ngày mất 140 triệu đồng nhưng đánh bắt được 1.5 tấn cá trở lên (có chuyến được hẳn 3-4 tấn), bán với giá 100,000 đồng/kg là đã được vài trăm triệu.” Tờ Đất Việt kể lại lời ông Tình than bị lỗ 500 triệu đồng.
Hai trong những lý do làm lỗ trong chuyến ra khơi. Thứ nhất, nhóm tàu của ông đã nghe lời hướng dẫn bảo quản cá ngừ của quan chức Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định. Ông phó chi cục trưởng này và một ông nữa đi học về chỉ cho ngư dân kỹ thuật bảo quản cá hoàn toàn khác với cách mà chuyên viên Nhật từng hướng dẫn.
Đã có hai chuyến đánh cá ngừ thử nghiệm bán cho Nhật Bản từ Tháng Bảy sang đầu Tháng 9, các tàu khai thác được 57 con cá ngừ thì hầu hết không đạt chất lượng xuất khẩu.
Nguyên nhân thứ hai, ngư dân nói rằng “...về kỹ thuật muối cá, người Nhật chỉ cách khác với bên Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định. Theo hướng dẫn của Nhật Bản, cá sau khi vệ sinh xong thì ngâm nước muối ở nhiệt độ -27 độ C, sau đó đưa xuống hầm ngâm ở mức -18 độ C, rồi tăng lên mức -5 độ C, 0 độ C. Trong khi đó, cán bộ bên chi cục hướng dẫn chỉ đưa xuống một giai đoạn. Nghĩa là sau khi kéo cá lên làm vệ sinh, chọc tủy, làm mang, mổ nội tạng sạch sẽ rồi đưa xuống hầm bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C. Chất lượng cá sau đó lại bị Nhật chê”.
Như vậy, cán bộ nhà nước được cử đi học không biết học gì ở đất nước người, về lại chỉ dẫn cho ngư dân hoàn toàn khác hẳn.
Ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, người cầm đầu phái đoàn 4 người đi Nhật học nghề bảo quản cá bị chất vấn về dạy sai kỹ thuật cho ngư dân thì chống chế rằng "Mỗi chuyến biển Chi cục vẫn cử 1-2 cán bộ đi cùng với ngư dân, nhưng họ không phải là những người trực tiếp sang Nhật học.”
“Có bốn người được cử sang Nhật học công nghệ khai thác cá ngừ, trong đó có hai người thuộc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), tôi và một người nữa cũng thuộc Sở Nông nghiệp Bình Định. Hai người của Bidifisco chuyên về lựa chọn cá làm sashimi và sushi thì không nói làm gì, còn tôi và cán bộ kia là chuyên ngành khai thác, đến từng đảo, từng tàu ở Nhật để học kỹ thuật của họ. Tôi là người chuyên nghiên cứu về cá ngừ, nắm bắt từ mặt sinh học, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản đến chế tạo thiết bị. Tuy nhiên, do công việc của chúng tôi quá nhiều, lại làm quản lý nên không thể trực tiếp đi biển cùng ngư dân".
Nói khác, ông Vinh nói ông đến tận nơi để học nhưng lại không dạy ngư dân mà để người không biết gì về kỹ thuật đi dạy ngư dân. Tuy nhiên, nếu ông không đi mà người khác được ông cử đi hướng dẫn đúng nguyên tắc bảo quản cá lại là một lẽ. Người được ông cử đi thay lại dạy hoàn toàn ngược với kỹ thuật của Nhật, nó tố cáo sự chống chế vụng về, dối trá.
Trên trang thị trường của báo Đất Việt ngày 10/10/2014, độc giả của báo này nói ông phó chi cục trưởng Trần Văn Vinh thể hiện sự quan liêu, vô trách nhiệm với công việc và ngư dân.
"Ông Vinh làm quản lý thì đi sang Nhật học câu cá làm gì? Ông tranh sang Nhật học ông không kêu bận công tác quản lý?"; "Sang Nhật xài tiền của dân để đi học rồi về ngồi văn phòng vì quá bận? Vậy ông đi học quản lý chứ giành mất một chỗ học câu cá để làm gì?"; "Sếp đi học về phải ngồi bàn giấy chứ đi biển cùng ngư dân sao được hả trời?" hay "Cán bộ qua đó học lý thuyết cử đi làm gì cho tốn tiền?!". Một độc giả viết.
Độc giả có bút hiệu thanhvan nhận xét: "Đúng là bao biện. Mất bao nhiêu tiền của để các ông sang Nhật học, quan trọng nhất là giai đoạn đánh bắt thì các ông đút tay vào túi mà ngồi xem video ở nhà (lý do là bận quản lý), còn mấy ông khác đi thì là người của doanh nghiệp nhà nước quan tâm gì đến lợi ích của ngư dân. Bảo làm sao người ta chán dần. Làm ăn theo kiểu lợi ích nhóm, cưỡi ngựa xem hoa như thế này thì bao giờ cho khá được".
Một độc giả khác chua chát trước kiểu làm việc tại Việt Nam: "Đi nước ngoài học là sếp giành giựt để đi. Đến khi lâm chiến ngoài biển cả để hướng dẫn cho ngư dân thì những cán bộ được dạy lại qua loa, tam sao thất bản phải ra biển. Kết cục thiệt hại của ngư dân thì không ai chịu".
Độc giả Nguyễn Văn Pha chỉ trích: "Tôi chỉ sợ việc đưa cán bộ của Sở đi học đánh bắt cá ngừ tại Nhật lại dựa trên tiêu chí con ông cháu cha để đi học thì ít và đi tham quan thì nhiều".
Còn độc giả Lê Đức Giang viết: "Mấy ông tranh nhau đi Nhật để chơi là chính. Tiếc rằng người làm trực tiếp lại không được học đến nơi đến chốn".
Ngày 9/8/2014, báo điện tử VNExpress loan tin, hai con cá ngừ trong số 9 con xuất sang Nhật trong chuyến đánh cá thử nghiệm xuất cảng được bán đấu giá mỗi con với giá 2,100 YPY mỗi kg hay khoảng 440,000 đồng Việt Nam. Vậy một con trọng lượng khoảng 50 kg bán được 22 triệu đồng, tức gấp 5 lần bán tại Việt Nam.
Nhưng người ta không biết rằng ngư dân đã lỗ vốn nặng chỉ vì chi phí của cả chuyến đi biển vượt xa tiền bán cá.
Hồi Tháng Sáu, chuyên viên của Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) sang Việt Nam hướng dẫn và cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ. Nay với cung cách “giúp dân” của quan chức nhà cầm quyền, tương lai xuất cảng cá ngừ đại dương sang Nhật đang trôi theo sóng biển. (TN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét