Một cuộc biểu tình nhân Ngày Thế giới Nhận thức bệnh Tự kỷ diễn ra tại Paris ngày 29/3/2014. |
Việt Hà
Trên thế giới cứ 10,000 trẻ sinh ra thì có từ 5 đến 10 trẻ bị mắc
bệnh tự kỷ, một bệnh về rối loạn phát triển của hệ thần kinh, ảnh hưởng
đến sự phát triển bình thường của trẻ. Các nhà khoa học thế giới từ lâu
đã cố gắng đi tìm những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh
này ở trẻ.
Không thể chữa khỏi hoàn toàn
Căn bệnh tự kỷ cho đến nay vẫn được coi là một căn bệnh không thể
chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể can thiệp để giúp bệnh nhân thích ứng
với điều kiện sức khỏe của mình. Các nhà khoa học cho rằng việc tìm ra
những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ có thể sẽ giúp hướng
tới việc điều trị căn bệnh hiệu quả hơn.
Theo các nhà khoa học thế giới, có nhiều nhân tố có thể dẫn đến nguy
cơ tự kỷ ở trẻ. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh những yếu tố
nguy cơ này giữa các nhà khoa học, tuy nhiên nhìn chung mọi người đều
thống nhất căn bệnh gây ra bởi những bất bình thường trong cấu trúc não
hoặc hoạt động của não. Theo Hiệp hội tự kỷ Mỹ, các bức hình chụp scan
não ở trẻ mắc bệnh tự kỷ cho thấy hình dáng và cấu trúc não của các em
khác so với những trẻ bình thường khác.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những giả thuyết
về những yếu tố nguy cơ bao gồm, gene di truyền, yếu tố về môi trường
như viêm nhiễm, mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể hoặc tiếp xúc với
hóa chất.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây của các nhà khoa học thuộc
trường đại học UC Davis ở California, Mỹ, cho thấy một loại gene đóng
vai trò quan trọng trong việc làm giảm tác hại của môi trường có nhiều
khả năng bị vô hiệu ở những trẻ bị mắc bệnh tự kỷ. Nghiên cứu cho thấy
mối liên quan này đặc biệt rõ ở những trẻ bị chứng tự kỷ nặng.
Trước đó, vào năm 2011, các nhà khoa học thuộc trường đại UC Davis
cũng công bố một nghiên cứu khác cho thấy một số những bà mẹ mang thai
có một loại gene có thể sản sinh ra các chất tự miễn trong não của thai
nhi và khiến trẻ sinh ra dễ bị mắc bệnh tự kỷ.
Vào năm 2009, các nhà khoa học của trường UC Davis cũng công bố một
nghiên cứu khác cho rằng các yếu tố môi trường, những vi khuẩn gây viêm
nhiễm trong môi trường có thể làm thay đổi sự phát triển thần kinh ở trẻ
và làm tăng nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ.
Nói về những kết luận này, bác sĩ tâm lý Hoàng Phan Ngân Khánh thuộc
Trung tâm bệnh tự kỷ và các rối loạn tâm lý liên quan ở California cho
biết:
Nghiên cứu mới nhất của đại học UC Davis có lẽ là ảnh hưởng từ hai
phía, một là do gene, hai là do hoàn cảnh, môi trường. Tại vì ví dụ nếu
chỉ nói gene không thì cũng không đúng, trong 100 năm hay 1000 năm đã
có con người thì gene cũng không thay đổi nhanh đến vậy. Người ta nghĩ
là các yếu tố trong môi trường làm thay đổi đi cái gene của mình và đó
là cách tiếp cận mới mà các trường đại học đang nghiên cứu.
Các nhà khoa học ở trường UC Davis hiện đang nghiên cứu thêm về các
yếu tố môi trường có thể tác động đến bệnh tự kỷ như kim loại, thuốc
diệt côn trùng và các yếu tố gây viêm nhiễm ảnh hưởng đến sự phát triển
thần kinh.
Yếu tố tác động
Vào năm 1998, tạp chí y học nổi tiếng thế giới The Lancet cũng đăng
kết quả nghiên cứu cho rằng vaccine phòng bệnh sởi, quai bị, và rubella
làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên vào năm 2004, tạp chí The Lancet
đã phải rút lại một phần nghiên cứu này và đến năm 2010 thì rút lại
toàn bộ. Tổng biên tập của tạp chí sau đó đã nói nghiên cứu này là sai
và tạp chí The Lancet đã bị mắc lừa. Cho đến giờ, các nhà khoa học nói
chung vẫn thống nhất rằng tiêm vaccine không có liên quan gì đến nguy cơ
mắc bệnh tự kỷ ở trẻ.
Hồi cuối năm 2015, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ được
đăng tải trên tạp chí y khoa chuyên về trẻ nhỏ JAMA Pediatrics cho thấy
thuốc chống trầm cảm mà các bà mẹ mang thai thường được kê đơn uống làm
tăng nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ từ 1 đến 2%. Những loại thuốc trầm cảm được
nghiên cứu bao gồm prozac và Zoloft là những loại thuốc khá phổ biến
hiện này và vẫn được coi là khá an toàn đối với phụ nữ có thai. Theo kết
quả của nghiên cứu này, thì nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ tăng khi các bà mẹ
uống thuốc trầm cảm ở giai đoạn hai và ba của thai kỳ.
Các nhà hoạt động của hiệp hội "Vaincre l'Autisme" trước Paris City Hall
kêu gọi mọi người nhận thức về chứng tự kỷ gia tăng và cải thiện cơ sở vật chất
cho những người mắc chứng tự kỷ, vào ngày 21 tháng tư năm 2016. AFP photo
Trước đó một nghiên cứu khác nhỏ hơn cũng liên quan đến thuốc trầm
cảm và tự kỷ được công bố vào năm 2011 lại cho thấy việc uống thuốc trầm
cảm ở giai đoạn một của thai kỳ làm tăng nhẹ nguy cơ tự kỷ ở trẻ.
Kết quả những nghiên cứu mới này đã được nhiều báo quốc tế đồng loạt
đưa tin nhưng sau đó lại gặp phải nhiều phản bác. Bác sĩ Max Wiznitzer,
chuyên gia về thần kinh học ở trẻ nhỏ thuộc bệnh viện nhi UH Rainbow,
Hoa Kỳ cho rằng những bà mẹ phải uống thuốc trầm cảm để điều trị bệnh
không nên vì nghiên cứu này mà bỏ thuốc
Chắc chắn là không nên. Thứ nhất đây chỉ là một trong rất nhiều
báo cáo liên quan đến chủ đề này. Có một số báo cáo cho rằng có mối liên
quan giữa thuốc chống trầm cảm và tự kỷ nhưng một số báo cáo lại cho
rằng không có liên quan nào. Vì vậy vấn đề này chưa được chứng minh rõ
ràng. Thứ hai nữa là nếu chúng ta nhìn vào các yếu tố rủi ro hiện có ví
dụ như rủi ro có con bị tự kỷ tăng lên gấp đôi nếu bạn uống các thuốc
như Prozac hay Zoloft vào giai đoạn hai và ba của thai kỳ. Nghe có vẻ
đáng sợ phải không.
Nhưng thực tế thì rủi ro chỉ tăng lên khoảng 1 đến 3% mà thôi. Như
vậy có nghĩa là 97 đến 99% bạn không có nguy cơ sinh con bị tự kỷ khi
uống các thuốc này. Cho nên tỷ lệ này là khá cao. Thứ ba nữa là bạn uống
thuốc chống trầm cảm vì bạn đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể
là trầm cảm hoặc lo lắng quá mức. NHững chứng đó cần phải được điều trị
và điều trị đầy đủ vì nếu không chúng có thể ảnh hưởng đến người phụ nữ
trong suốt quá trình mang thai và ảnh hưởng người phụ nữ sau khi sinh,
khiến người phụ nữ không thể là một người mẹ tốt mà đáng ra cô ấy có thể
làm được.
Có nên dùng thuốc
Ngoài ra, theo bác sĩ Wiznitzer, việc không uống thuốc trầm cảm có
thể khiến bà mẹ bị stress nặng hơn và điều này cũng ảnh hưởng xấu đến
sức khỏe của trẻ. Mặt khác, nghiên cứu mới cũng không đề cập đến tất cả
các loại thuốc trầm cảm mà chỉ hai loại thuốc phổ biến hiện nay. Vì vậy,
theo bác sĩ Wiznitzer, những bà mẹ đang mang thai phải uống thuốc trầm
cảm hoàn toàn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn những loại thuốc phù
hợp cho mình.
Nó không bao gồm toàn bộ các thuốc chống trầm cảm. Có những lựa
chọn khác mà các bà mẹ có thể chọn là nói chuyện với bác sĩ tâm lý, tham
gia các khóa điều trị tâm lý. Nhưng có những người muốn vấn đề của họ
được điều trị nhanh trong khi các khóa điều trị tâm lý đôi khi không
hiệu quả với một số người hoặc nó mất một thời gian dài cho đến khi có
hiệu quả rõ rệt, cho nên đôi khi người ta phải dùng hai phương pháp điều
trị kết hợp. Điều mà người phụ nữ cần làm là thảo luận với bác sĩ của
mình để tìm ra phương pháp điều trị, lựa chọn thuốc hay không thuốc,
những lợi ích của từng phương pháp và phương pháp nào hiệu quả nhất cho
người bệnh.
Bác sĩ Wiznitzer cho rằng việc kết luận thuốc trầm cảm và yếu tố gene
làm tăng nguy cơ tự kỷ không thôi ở trẻ là không đủ mà còn phải cân
nhắc nhiều yếu tố nguy cơ khác nữa.
Chúng ta đã biết về một số nguyên nhân liên quan đến tự kỷ. Nó có
liên quan đến vấn đề gene. Tự kỷ cũng liên quan đến những phơi nhiễm
trước khi trẻ sinh ra và có liên quan đến sự phát triển của não bộ. cho
nên quan ngại ở đây là liệu các thuốc chống trầm cảm có làm ảnh hưởng
đến sự phát triển của não bộ hay không. Nhưng những vấn đề về sức khỏe
tâm thân của bà mẹ như trầm cảm thì sao? Liệu nó cũng có ảnh hưởng đến
sự phát triển não ở trẻ hay không? Vì như tôi đã nói là hormone cũng có
ảnh hưởng đến bệnh này. ….
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được hoàn toàn
với nhau đâu là yếu tố chính dẫn đến tự kỷ ở trẻ. Những nghiên cứu trên
thế giới cho đến giờ vẫn chỉ chỉ ra những mối liên quan hạn chế giữa
một vài yếu tố với bệnh tự kỷ và theo các nhà khoa học là chưa đủ tính
thuyết phục.
Tuy nhiên phần đông các nhà khoa học đều đồng ý với nhau là dù trẻ bị
bệnh tự kỷ găp nhiều hạn chế trong khả năng nhưng khi có sự can thiệp
tích cực từ mọi người xung quanh, các nhà nhà chuyên môn, các em vẫn có
thể làm được những điều mà tưởng chừng không thể.
Quan niệm mới của các nhà tâm lý là đừng cố gắng ‘sửa chữa’ mà hãy
giúp các em phát huy thế mạnh của mình. Ngoài ra các nhà khoa học cũng
khuyến khích các bà mẹ cho con bú sữa mẹ vì theo họ trẻ càng được bú sữa
mẹ lâu dài thì càng ít khả năng bị tự kỷ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét