Một phụ nữ từ miền Tây lên Bình Dương bán dạo. |
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Hiện tượng nước các con sông trong đồng bằng Sông Cửu Long đổi màu,
trở nên trong trẻo và thiếu hẳn phù sa, dòng chảy thường bị khô cạn đã
tác động đến đời sống người dân nơi đây. Nạn mất mùa và bỏ ruộng hoang
vì hạn, mặn một lần nữa biến những cư dân Tây Nam Bộ thành những con
chim thiên di trên chính quê hương mình. Hiện tại, số lượng người dân
Tây Nam Bộ bỏ quê, bỏ ruộng vườn lên các thành phố lớn làm thuê đang
ngày càng tăng cao.
Bỏ ruộng mà đi!
Một cán bộ quản lý thuộc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh An Giang, không muốn nêu tên, chia sẻ:
“Cái giá lúa nói bèo quá nên người ta bỏ đi xa hết. Một số trong
độ tuổi lao động, bỏ đi làm công nhân. Ra ngoài đó chủ yếu là lao động
phổ thông. Họ có thể nhận những người không có bằng cấp bởi nhóm lao
động tay chân không đòi hỏi tay nghề cho mấy. Do vậy mà người ta bỏ quê
đi lên đó…”
Ông này cho biết thêm là hiện nay, số lượng người trong độ tuổi lao
động của tỉnh An Giang lên các thành phố lớn làm việc là không thể thống
kê được. Bởi họ đi có tính thời vụ và bộc phát sau vụ lúa Xuân Hè vừa
qua. Hơn nữa, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trước đây chưa có thông
lệ thống kê số người lao động trong tỉnh đi ra các tỉnh khác để làm
thuê.
Nhưng ông này cũng khẳng định hầu hết những người trong độ tuổi lao
động bỏ quê bỏ vườn lên phố chủ yếu làm thuê, làm các công việc đơn giản
ở các khu công nghiệp, may mắn lắm thì làm công nhân với mức lương đôi
ba triệu đồng mỗi tháng, không may mắn thì làm phụ hồ, phu khuân vác và
bán vé số, công việc đắp đổi qua ngày. Mặc dù chẳng dư được bao nhiêu để
gởi về quê nhưng họ vẫn chấp nhận đi lên thành phố kiếm cơm cho đỡ một
miệng ăn trong gia đình.
Bên cạnh đó, số lượng các cô gái trong độ tuổi từ 20 đến 28 lên thành
phố để làm các công việc lao động phổ thông, trong đó phụ bán quán cà
phê, làm việc ở các tiệm hớt tóc thanh nữ, tiệm massage, nhà hàng và
quán nhậu ngày càng tăng mạnh. Không thiếu những trường hợp nữ sinh
trung học phổ thông bỏ nhà lên phố tìm việc làm và rất dễ bị rơi vào cạm
bẫy nơi các thành phố lớn.
Một cán bộ tên Huy, làm việc ở một trung tâm cung ứng và giới thiệu việc làm thanh niên tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
“Người ta lên làm hồ xây dựng vậy đó. Nó không tập trung vào khu
nào, chủ yếu Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Dương. Bình Dương thì đi làm
công nhân, Bình Phước thì đi hái điều, Vũng Tàu thì đi làm phụ hồ, phụ
quán… Nói chung không ổn định. Số nhiều cô gái lên thành phố để làm tiệm
massage. Các cô tuổi từ 20 đến 28 là nhiều nhất…”
Ông Huy cho biết thêm là hầu hết những cô gái trẻ từ các tỉnh miền
Tây nếu chọn công việc lao động phổ thông thì đổ về Bình Dương, Đồng Nai
là chủ yếu, bởi ở đây họ dễ kiếm được những công việc lao động tuy nặng
nhọc nhưng bù vào đó là không đòi hỏi bằng cấp. Ngược lại, những cô lên
Sài Gòn, ra Bà Rịa Vũng Tàu, lên Bình Phước, thậm chí ra các thành phố
lớn ở miền Trung như Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng thường theo con đường
mát mẻ, nhẹ nhàng nhưng kiếm được nhiều tiền thông qua các cà phê, tiệm
hớt tóc, tiệm massage…
Các con sông miền Tây không còn nhiều phù sa và tôm cá như trước. RFA |
Đắp đổi qua ngày…
Thường thì phụ nữ miền Tây đi làm nhiều việc và cũng phức tạp hơn so
với đàn ông chủ yếu làm việc nặng. Hiếu, một thanh niên Cà Mau lên thành
phố Sài Gòn làm phụ hồ, chia sẻ:
“Lên đây làm cũng đắp đổi qua ngày, ngày kiếm 200 ngàn đồng. Tiền
thuê trọ, tiền ăn uống xăng cộ hết rồi thì cũng còn chừng vài chục ngàn
đồng thôi. Ở dưới đó ruộng khô hết, lúa mất mùa, rớt giá, phải bỏ ruộng.
Người nào có tiền thì mua máy bơm về bơm nước cứu lúa, người nào nghèo
thì bỏ ruộng. Bây giờ khó khăn lắm!”
Hiếu cho biết thêm là trước khi lên thành phố Sài Gòn làm phụ hồ, anh
có chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Nhưng kinh tế gia
đình ngày càng suy sụp, cuối cùng cô vợ bỏ đi, anh nuôi con một mình.
Khi đồng ruộng mất mùa, tiền kiếm được hằng ngày từ việc chạy xe ôm
không đủ để gia đình anh sinh sống, anh bỏ nghề xe ôm lên Sài Gòn làm
phụ hồ.
Với mức lương hai trăm ngàn đồng mỗi ngày, sau khi ăn uống, thuê
phòng trọ và chi tiêu các khoản tiền điện, nước, bột giặt, anh chỉ còn
dư được chưa tới 70 ngàn đồng. Nhưng Hiếu cho rằng đây là số tiền lớn,
đủ để anh gởi về quê nuôi gia đình. Sau này, được chủ thầu tin cậy, cho
ngủ lại công trình, Hiếu đỡ tốn khoản thuê phòng trọ và thỉnh thoảng
được bồi dưỡng thêm vài trăm ngàn đồng. Với Hiếu, đây là sự may mắn lớn
không phải ai cũng có được.
Khác với Hiếu, Thành, một nông dân ở An Giang lại chọn cách ra bến phà bán các loại hàng rong để được gần gia đình, anh chia sẻ:
“Các con sông bây giờ chẳng còn phù sa nữa, tất nhiên là phải bón phân hóa học thôi. Khó khăn lắm, lúa bị đe dọa nghiêm trọng.”
Theo Thành, thời gian gần đây lúa mất mùa, trong khi giá gạo rớt thê
thảm đã làm cho người nông dân hầu hết các tỉnh miền Tây điêu đứng.
Người bỏ nhà đi làm thuê xứ khác ngày càng nhiều. Thậm chí có nhiều nông
dân bế tắc phải chọn cách bán thận để kiếm tiền trả nợ.
Hơn nữa, anh nhìn thấy mối nguy những cánh đồng chết và hạt gạo đồng
bằng sông Cửu Long đang hiện dần ra trước mắt. Bởi với kinh nghiệm của
một nông dân nhiều đời bám ruộng, anh hiểu rằng hạt gạo miệt Tây Nam Bộ
thơm ngon không chỉ riêng nhờ vào nguồn giống mà còn phụ thuộc rất sâu
vào thổ nhưỡng, độ màu mỡ của đất. Bây giờ, các con sông trở nên trong
xanh và thiếu hẳn phù sa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng đất đai thiếu
phù sa, ngày càng cằn cỗi. Người nông dân buộc phải bón phân hóa học để
cứu lấy năng suất cây lúa.
Dung, cô gái người Cần Thơ, lên Sài Gòn làm thuê, hiện nay cô đang
phụ bán quán ăn cho một gia đình ở quận Thủ Đức, Sài Gòn, chia sẻ:
“Mình không có trình độ, không có vốn nên mọi chuyện hết sức khó
khăn, lên đây đi làm vậy thôi chứ cũng không hi vọng gì bởi mọi thứ đều ế
ẩm, khách cũng không có, tiền cũng không có, nhiều người bỏ phụ việc để
làm chuyện khác… Rất khổ!”
Và một khi nông dân miệt Tây Nam Bộ phải phụ thuộc vào phân bón hóa
học, thì điều này cũng đồng nghĩa với sự chết đi vĩnh viễn của vựa lúa
đồng bằng Sông Cửu Long một thuở. Và tương lai của người nông dân nơi
đây ngày càng thu hẹp lại. Thật là khó hình dung viễn cảnh của khu vực
đồng bằng Sông Cửu Long khi vựa lúa nơi này trở thành chuyện quá khứ!
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét