Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Khi TQ xây xong đường băng, Việt Nam chiến thắng?

Sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo
Hoàng Sa đã được hoàn tất. Ành từ báo Sina Trung Quốc
Võ Thị Hảo
Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 7-10, Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin nước này đã xây xong đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm.
Bàn đạp cho “Vạn lý trường thành trên biển”?
Đó là động thái mới nhất nằm trong một chuỗi những hành vi ngang ngược mang tính xâm lược, kéo dài công khai nhiều năm nay nhằm khẳng định cái mà TQ gọi là chủ quyền của mình ở Hoàng Sa của VN.
Với việc ồ ạt xây dựng những đảo đá nhân tạo, những sân bay quân sự,TQ đã đặt được bàn đạp để thôn tính khoảng 90% diện tích biển Đông theo mục tiêu “Đường chín đoạn”, “Vạn lý trường thành trên biển”.
Hoàn thành trước thời hạn “lộ trình của Hội nghị Thành Đô”?
Những người có trách nhiệm ở VN lâu nay không thể không biết hiểm họa và tiến độ của việc TQ xâm phạm lãnh hải lãnh thổ VN qua các phương tiện theo dõi hiện đại và mật độ dày đặc thông tin quốc tế cập nhật về vấn đề này.
Ngay từ 7/5 /2014, Reuters đã công bố lời một quan chức ngành dầu khí TQ tiết lộ rằng quyết định của giới chức Bắc Kinh triển khai giàn khoan 981 là một quyết định chính trị chứ không phải thương mại. Đến lúc rút giàn khoan, Bắc Kinh có thể đã cải tạo xong phần nền trong kế hoạch biến đá thành đảo ở Trường Sa.
Khi Trung Quốc đã xây dựng được sân bay, cầu cảng cỡ lớn ở Trường Sa, mối nguy hiểm chiến lược về mặt quân sự - an ninh đối với Việt Nam đã thêm hiện thực hóa. Những đảo nhân tạo và công trình quân sự ở đây sẽ chặn yết hầu các tuyến chi viện từ đất liền ra đảo, đồng thời cắt tuyến đường chi viện của các bên liên quan cho lực lượng đồn trú chốt giữ các đảo, bãi đá ở Trường Sa. Khi đó, TQ sẽ hoàn thành cơ bản “đường lưỡi bò”, thực hiện giấc mơ “Vạn lý trường thành TQ” trên biển Đông.
Ngày 12/6/2014, một chuyên gia của báo Giáo dục VN cũng đã cảnh báo:”Giàn khoan 981 là kế nghi binh, đảo hóa Gạc Ma mới uy hiếp ta thực sự.”
Trong khi đang xâm lược, TQ khinh miệt VN tới mức thậm chí không thèm che giấu. Báo mạng TQ China.com ngày 15-9- 2014 cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay chính phủ TQ đã đưa thiết bị và nhân lực đến bãi san hô Châu Viên (đá Châu Viên) thuộc quần đảo Trường Sa để xây dựng bãi đá này thành đảo nổi, nhằm biến nơi này thành hòn đảo lớn nhất nằm trong các đảo ở Trường Sa. Báo này còn nói rõ, việc hút cát dưới biển đắp lên bãi đá Châu Viên vẫn đang được tiến hành nhằm “mở rộng diện tích đất liền của Trung Quốc”.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định đây là hành vi thay đổi hiện trạng trên biển Đông, nằm trong chiến lược chiếm đoạt chủ quyền VN của Trung Quốc. “Hành động đó chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên biển Đông tiếp tục leo thang”.
Chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này( Theo tạp chí National Interest của Mỹ). Và ông khẳng định: nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” - luật sư Pedrozo kêu gọi.(Theo :Trung Quốc mở rộng Gạc Ma, thành vi thâm độc và nguy hiểm- Tuổi trẻ- 12/9/2014)
Một điều không thể lý giải nổi là tại sao VN biết rõ việc TQ lâu nay đã công nhiên vận dụng những nguồn nhân tài vật lực khổng lồ để hoàn tất những công trình xâm lược lãnh thổ VN như đã nêu trên nhưng cho đến thời điểm này, từ phía nhà cầm quyền VN đã phản đối hết sức yếu ớt trên công luận.
Như chúng ta đã biết, để cứu VN thoát khỏi sự thôn tính của TQ, điều tối thiểu mà nhà cầm quyền VN phải làm là lên tiếng kiện TQ ra tòa án quốc tế, ngăn cản bằng mọi giá việc TQ xây dựng trái phép trên lãnh thổ VN, và đòi lại phần lãnh thổ lãnh hải đã bị xâm lấn nhưng VN đã hầu như chỉ tập trung phản đối giàn khoan 981 một cách chậm chạp, không thỏa đáng, khi sức ép bất bình trong nước và quốc tế rộ lên và hoàn toàn không kiện TQ ra tòa.
Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin, TQ mở rộng
khu vực đảo Gạc Ma (tên quốc tế: Johnson South Reef -
là một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa) đe dọa
nghiêm trọng Việt Nam, Đài Loan...
Như vậy, rất khó có thể trách dư luận đã luôn đặt câu hỏi về việc có hay không sự “tiếp tay” cho TQ xâm lược VN. Có một số người còn cho rằng việc này đã nằm trong tiến độ thực hiện lộ trình “bán nước” giữa một số nhà cầm quyền VN và TQ, ngay từ Hội nghị Thành Đô?!
Bây giờ thì tiếng kèn chiến thắng của TQ đã lại thêm một lần và sẽ còn liên tục réo vang trên lãnh thổ VN. Từ đây TQ có thể tiến tới cả vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, lãnh thổ lãnh hải và không phận VN ngày càng bị xà xẻo, chưa kể còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực và quốc tế. Dẫu cho ngày 3/10/2014 Mỹ đã đồng ý nới bớt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, thì cũng đã quá muộn, “nước xa làm sao cứu được lửa gần”?
Rõ ràng đây là một thất bại lớn, đau thương cho VN. Mảnh đất cha ông đã giữ gìn bằng máu xương và nước mắt bao đời, nay bị rơi vào tay kẻ xâm lược một cách lãng xẹt, trong tình thế TQ “bất chiến tự nhiên thành”, chẳng khác gì “vào chốn không người”.
Và VN tuyên bố chiến thắng?
Theo logic tối thiểu, với kỹ thuật theo dõi hiện đại mà ngành an ninh quốc phòng VN đã được trang bị, cho đến ngày 6/10/2014, những người có trách nhiệm và nhà cầm quyền VN không thể không biết tường tận về việc những hòn đảo và sân bay quân sự TQ đã hoàn tất trên quần đảo thuộc chủ quyền VN.
Nhưng dư luận quá sốc, khi sự thể đang nước sôi lửa bỏng , thay vì phải thực thi những hành động cấp bách kèm theo những tuyên bố phản đối mạnh mẽ để cứu nước, giành lại lãnh thổ đã bị cướp bóc, thì trong cuộc gặp cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định:
“...Trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, chúng ta đã giành được thắng lợi...” . “Dư luận quốc tế đánh giá cao và rất hoan nghênh chúng ta trong ứng xử về vấn đề này. Ngay ở trong nước, tôi nghĩ bà con và tất cả các cấp, các ngành rất tán thành chủ trương của chúng ta về xử lý vấn đề biển Đông thời gian qua. Kiên quyết nhưng rất mềm mỏng và đạt được hiệu quả cao” - Tổng bí thư nhấn mạnh”. (theo Tuổi trẻ, bài : “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đã giành được thắng lợi...” – ngày 6/10/2014).
Về phía QH VN, phản ứng cũng hết sức “dịu dàng”, nếu không nói là thờ ơ mặc dù sự kiện này diễn ra ngay trong phiên họp UB Thường vụ QH. Một ngày sau tuyên bố của Tân Hoa xã về việc đã xây xong đường bay quân sự trên đảo Phú Lâm, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đề xuất dự kiến đến 16h ngày 25/10/2014, QH dành một giờ để nghe CP báo cáo về tình hình biển Đông(Theo Tuổi trẻ ; Báo cáo QH việc TQ xây dựng đảo ở Trường Sa – 8/10/2014). (Nghĩa là 8 ngày sau mới nghe báo cáo và chưa biết bao giờ mới lên tiếng phản đối hoặc hành động!).
Đảng và QH đã dịu dàng khác thường thế, lại thêm về phía CP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cũng chỉ lên tiếng nhân tiện trong cuộc họp báo thường kỳ, tận hai ngày sau khi TQ tuyên bố xây xong sân bay quân sự. Ông Lê Hải Bình nói rằng hành động nêu trên của TQ là “vô giá trị”, yêu cầu TQ không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ...”.
Xem những phản ứng như trên, người có lý trí bình thường không thể không liên tưởng đến chuyện ngược đời:
Chủ nhà dịu dàng ngồi lặng ngắm kẻ cướp vừa xông vào chửi bới vừa vơ vét của cải mang đi, lại còn xẻo mất đất đai nhà cửa, xây lô cốt chiếm đóng. Đợi khi kẻ cướp nói rằng tao đã cướp xong nhà mày rồi đó, chủ nhà liền vui sướng tuyên bố: ta đã chiến thắng!
Vâng, có thể TQ và một số người trong nhà cầm quyền VN đã chiến thắng. Chỉ có nhân dân VN nghẹn ngào thất thủ trên mảnh đất hình chữ S chồng chất đớn đau nhục nhã này mà thôi./.
Võ Thị Hảo, Hà Nội 09/10/2014
nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/vo-thi-hao-blog 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét