Trần Vĩnh Dự
Cách đây chưa lâu, câu chuyện xây chùa bên thác Bản Giốc được báo chí nói đến nhiều. Ngôi chùa này được động thổ vào giữa tháng 6 và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành giai đoạn một.
Gần đây tôi có dịp lên thác Bản Giốc và đến thăm nơi được chọn để xây
chùa. Vị trí này nằm trên một sườn núi thuộc phía Việt Nam, cách thác
Bản Giốc khoảng 10 phút đi bộ. Từ vị trí này có thể nhìn thấy thác Bản
Giốc, một phần của dòng sông Quây Sơn (dòng sông tạo ra ngọn thác này),
và núi non trùng điệp của phía bên kia biên giới.
Khu vực thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Dân cư ở
đây chủ yếu là người Tày và Nùng. Hầu như rất ít người địa phương đi
theo đạo Phật. Vì thế, câu hỏi thú vị là tại sao Việt Nam lại xây dựng
một ngôi chùa ở đây?
Thác Bản Giốc, theo hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung
Quốc, đã được chia. Phía Việt Nam sở hữu toàn bộ phần thác phụ (còn gọi
là thác cao) và một nửa phần thác chính (còn gọi là thác thấp). Phía
Trung Quốc thì có một nửa phần thác chính.
Do đã có hiệp định biên giới và việc cắm mốc đã xong từ lâu, khách du
lịch hai nước Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đều có thể đến tham quan ở
đây. Phía Trung Quốc đã hình thành những khu nghỉ dưỡng cho khách du
lịch. Còn phía Việt Nam hiện nay vẫn cơ bản chưa có bất cứ cơ sở hạ tầng
nào cho khách du lịch lưu trú.
Đường từ trung tâm thành phố Cao Bằng lên thác Bản Giốc cũng có nhiều
đoạn không tốt. Với khoảng cách khoảng 90 km, khách du lịch bằng ô tô
phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ để lên tới thác. Vì không có cơ sở nghỉ
dưỡng ở khu vực gần thác, khách du lịch thường phải đi và về trong ngày.
Vì thế, việc đi lại đối với khách từ phía Việt Nam có thể nói là khá
vất vả.
Do đó, hiện nay số lượng người Việt hoặc du khách nước ngoài đi du lịch ở Việt Nam lên thăm thác Bản Giốc rất thưa thớt.
Trong khi đó phía Trung Quốc đã làm cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều. Họ cũng
làm tốt việc tổ chức lưu trú, quảng bá du lịch. Vì thế, khách đến Bản
Giốc hiện nay chủ yếu là người Trung Quốc.
Khu vực cột mốc 53 (cột mốc biên giới theo hiệp ước Pháp – Thanh) hiện
nay được mở có giới hạn (trên một diện tích rất nhỏ) để khách bên này có
thể tự do sang phía bên kia. Dân địa phương của phía Việt Nam dựng nên
một khu chợ tạm để bán đồ lưu niệm. Khách đến đây chủ yếu là khách từ
phía Trung Quốc. Tại cột mốc luôn có một số hướng dẫn viên người Trung
Quốc cầm loa di động giới thiệu về cột mốc này cho khách du lịch bằng
tiếng Trung.
Tình trạng bất cân xứng này dẫn đến chỗ nếu không đẩy được lượng khách
Việt Nam lên thì thác này sẽ chủ yếu do phía Trung Quốc khai thác. Điều
này sẽ dẫn tới chuyện tuy thác đã chia, nhưng lợi ích kinh tế thì chỉ
có một bên khai thác được.
Vì thế, phía Việt Nam gần đây đang cố gắng tìm cách tăng cường hoạt động
kinh tế và du lịch của vùng này. Tuy nhiên việc này không dễ. Cuối năm
ngoái, Saigon Tourist có động thổ để làm một dự án nghỉ dưỡng tại khu
vực thác Bản Giốc, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa triển khai được gì nhiều.
Lý do cũng dễ hiểu vì chẳng doanh nghiệp nào muốn đặt mình vào thế “cô
nhạn xuất đầu”. Khách du lịch lên ít, dù có xây xong cũng dễ bị lỗ.
Việc xây chùa ở khu vực này rõ ràng là nhằm vào việc tạo thêm các điểm
nhấn về du lịch, tăng sức hút cho du khách đến đây. Khách lên đông hơn
mới mong kéo được các doanh nghiệp trong nước như Saigon Tourist lên đầu
tư xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng.
Nhưng ngoài lý do này thì có vẻ như còn một lý do khác quan trọng hơn.
Việc xây dựng chùa Việt Nam tại địa phương còn tạo ra một “cột mốc tâm
linh” của Việt Nam trong khu vực biên giới vốn được coi là nhạy cảm.
Gần đây, Việt Nam đã xây một loạt các công trình tín ngưỡng ở các vùng được coi là nhạy cảm. Trong đó điển hình là hệ thống các chùa ở quần đảo Trường Sa. Chỉ riêng ở quần đảo này, Việt Nam đã xây dựng 3 chùa ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, và Sinh Tồn.
Trần Vinh Dự
0 nhận xét:
Đăng nhận xét