Ads 468x60px

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Từ mẫu hay ác mẫu?

Một phòng chứa thiết bị phục vụ giảng dạy sinh viên
của trường ĐH Trà Vinh. Hình: tuoitre.vn
Minh Trần
Sau hàng loạt tai biến liên tiếp xảy ra, dư luận hiện nay rất lo lắng về ngành y tế: họ nghi ngờ khả năng của đội ngũ y, bác sỹ hiện tại, và lo ngại về những “Từ mẫu” tương lai.
Số liệu từ Bộ Y Tế VN cho thấy, hiện nay, mỗi năm VN đào tạo 6.500 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế cộng đồng và khoảng 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau đại học nhưng so với nhu cầu vẫn như “muối bỏ bể.” Vì “cung” không đủ “cầu”, nên các “lò đào tạo” công lập và dân lập đổ xô xin được mở ngành đào tạo y, dược. Gọi là “lò đào tạo” chẳng sai. Vì từ cuối năm 2012, cả nước có 26 trường đại học, 74 trường cao đẳng, 44 trường trung cấp và dạy nghề y, dược. Con số này nhiều hơn những năm trước rất nhiều, nhưng cũng không đủ để đáp ứng cho các bệnh viện, trung tâm y tế...Thấy lĩnh vực “kinh doanh giáo dục” này quá lời, nên nhiều trường đại học đa ngành cũng tuyển sinh y dược, thậm chí hạ điểm sàn (14 điểm) để có sinh viên. Đặc biệt, các trường tư được mở đại trà các khoa đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật y học, dược sĩ và gần đây là cả bác sĩ đa khoa. Một giáo sư thuộc một trường đại học ở Sài Gòn ví von bây giờ mở trường y dễ như mua một...ổ mánh mì! 
Chưa bao giờ việc xét tuyển sinh viên vào ngành y lại dễ như bây giờ, học sinh trung bình cũng vào được ngành y. Nhiều trường dù tuyển sinh y dược nhưng không đủ giảng viên chuyên môn; không đủ thiết bị dạy học; không có nơi để sinh viên thực tập;...Với những yếu tố ấy, chưa nói đến y đức, làm sao có thể đào tạo được những người giỏi nghề.
Sản phụ này đã mất đứa con vì bác sỹ không mổ
lấy thai kịp thời. Hình: Infonet.vn
“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa...”. Việc tuyển chọn sinh viên vào ngành y trước đây rất khó khăn. Lý do chỉ có sinh viên loại khá, giỏi mới dễ tiếp thu các kiến thức khoa học và kỹ năng thực hành liên quan đến sức khoẻ con người. Tuyển học sinh trung bình vào, rất khó đào tạo.
Đó là những sinh viên có ngồi trong ghế nhà trường. Hiện nay ở VN còn “loạn” đến mức không học nhưng vẫn có bằng. Chưa tới 10 triệu đồng VN ($500) là có được cái bằng. 
Tương tự những nghề khác, người làm trong ngành y luôn phải được cập nhật, hoặc tự cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề. Song, với điều kiện làm việc, môi trường làm việc như hiện nay, cộng với sự quá tải bệnh nhân, bệnh viện không đủ chi phí cho các chương trình đào tạo, nhân viên y tế lương không đủ sống, làm sao tự bỏ tiền túi ra mà đi lấy thêm kiến thức mới! Cuối cùng, người càng ngày càng yếu dần, nghề càng ngày càng “mòn.”
Ở các nước khác, muốn trở thành một sinh viên y khoa không dễ dàng và đơn giản. Bốn năm chưa đủ, sinh viên y khoa phải trả qua vài năm thực tập để được trở thành bác sỹ. Nếu chỉ chú trọng tuyển sinh, đào tạo vì lợi nhuận, vì để giải quyết sự thiếu hụt nhân lực, thì hậu quả sau này sẽ không chỉ dừng ở việc chẩn đoán sai, điều trị không đúng,...Và khi đó, lương y sẽ không như “Từ mẫu” nữa, mà có khi lại là “ác mẫu”
Minh Trần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét