Ads 468x60px

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Nghĩa “chìm”, nghĩa “nổi” trong văn hóa truyền khẩu

Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận
là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân
loại năm 2003. Hình minh họa. Nguồn: dantocviet.vn
GS. Alexander Lê Trung Cang
Hiện nay liệu có mấy ai hiểu nhiều hoặc chú ý những lời chỉ dạy sâu đậm, tích trữ đầy nghĩa “chìm” từ các câu truyền khẩu, trong chữ Nôm, và Hán Việt trong dân gian Việt Nam?
Những câu mang nhiều nghĩa chìm còn được gọi là những câu có nhiều nghĩa bóng, nhiều ẩn ý, nhiều ý ngầm, và nhiều ý nghĩa sâu đậm.  Cho đến hiện tại, chỉ có một thành phần rất nhỏ, rất thiểu số trong xã hội, là những người thật sự chính đáng, đặt nhiều lưu ý hơn, để xứng đáng ngẫm nghĩ đến chiều sâu của nghĩa “chìm” và nghĩa “bóng” trong những câu chữ Nôm, chữ Hán; trong truyền khẩu, châm ngôn, ca dao, và tục ngữ của dân gian và văn hóa Việt Nam.
Ông cha và tổ tiên Việt Nam của chúng ta rất chuộng và thường xuyên xử dụng nhiều nghĩa bóng, ẩn ý, ý ngầm, như cài mật mã trong những câu nói hằng ngày và cuộc sống. Nghĩa chìm còn được đặc biệt xử dụng qua những truyền thống chủ trương khoa dạy “bí truyền” và “ẩn truyền”, dành riêng dạy cho những người trong cuộc và trong nội bộ. Tương tựa như sự khác biệt qua cách truyền giáo của hai khối “Tiểu thừa” và “Thượng thừa” trong Phật giáo.
Những bài học bằng chữ đơn thuần, nhiều ý cạn, nhiều ý nổi, và dễ hiểu, thì dành cho giới Tiểu thừa. Thượng thừa thì ẩn chứa những lời dạy như một ngoại ngữ, mang nhiều ẩn ý, nhiều ý ngầm, và ý chìm; chỉ dành riêng và cho những người trong cuộc, ai có trình độ xứng đáng, mới trọn hiểu thấu được giá trị của những câu dạy ngắn gọn nầy; đôi khi mang tính cách là vô nghĩa, nông cạn, ngu xuẩn, buồn cười, và đầy phi lý đối với giới thường dân thấp kém và ngoại cuộc. (Tương tựa như lời dạy trong chương 41, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, dịch giả: Nguyễn Duy Cần) “Thượng sĩ nghe Đạo, cố gắng theo liều.  Trung sĩ nghe Đạo, thoạt nhớ, thoạt quên.  Hạ sĩ nghe đạo, cả cười bỏ qua. Nếu không cười, sao đủ đó là Đạo.”
 Một vài thí dụ rất đơn giản, trong thời nay, còn được bao nhiêu người thật sự hiểu thấu chiều sâu ngụ ý của những câu thường sử dụng trong dân gian như “không mợ chợ cũng đông”,  “trai tài, gái sắc”, ... Hay những câu sâu sắc hơn như: “Tầm thầy học đạo, tầm bạn học đời”, “Công cha như núi thái sơn,... một lòng thờ mẹ, kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, “Ra đường học ông già, về nhà học con nít”,  "Con hơn cha là nhà có phước, trò hơn thầy là nhà đại phước", "Con cải cha mẹ, trăm đường con hư", "Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng",  "Gái lấy chồng giống cha, trai lấy vợ giống mẹ”, ...
Tương tựa như đang mong tìm học và ráp nối trở lại những mảnh hình của văn hóa đã trôi rời rạc, lu mờ, bỏ quên, thất lạc qua thời gian chiến tranh và xâm lăng.  Nếu trong giai đoạn cố tìm học lại nguyên tắc, phương thức, và ý nghĩa sâu đậm trong chữ Nôm và Hán Việt, chúng ta sẽ phải đặc biệt chú trọng phần nào trước và kế tiếp, để xứng đáng tìm được những gì thật sự mang nhiều giá trị, để hiểu trọn ý nghĩa của mỗi từ, của toàn câu, và lý do tại sao. Đồng thời, sẽ tìm ra phương cách tạo thêm nhiều khích lệ hữu hiệu và xứng đáng dài lâu, cho công cuộc học luyện cho chính nội tâm cá nhân, và toàn thế hệ tương lai của Việt Nam.
Tương tựa như luyện tập thể dục và thể thao cho cơ thể, nhưng đây là những sinh hoạt và tham gia vận động trong phạm vi tâm lý và lý trí cho nội tâm, nếu chúng ta đã chọn và đi đúng khuynh hướng luyện tập, ráp nối những mảnh hình văn hoá truyền khẩu, chúng ta có thể có điều kiện hướng trở về quê hương, nguồn cội, và chân chính trong riêng nội tâm cá nhân nhiều hơn. Khi đó, tâm hồn của chúng ta sẽ mau chóng trở về với quân bình, hồi phục bệnh tật nhanh, tránh được nhiều đau buồn, khổ lụy. Những người như vậy sẽ sớm đạt được an nhàn, thanh tịnh, và minh triết trong nội tâm.  
GS. Alexander Lê Trung Cang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét