Vũ Tất Tiến
Trăm năm tóc cũng đổi màu
Chữ Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian
Những năm trước đây, nhiều gia đình ở Việt Nam thường bày trong nhà
tượng 3 ông Phúc-Lộc-Thọ, vừa là vật trang trí, vừa như để cầu tài lộc.
Gần đây nhiều nhà lại thích treo tranh đá quý, tranh sơn mài hoặc tranh
thư pháp (viết trên giấy Gió-là một loại giấy bản đặc biệt) có chữ Tâm.
Bởi xem ra chữ Tâm cũng quan trọng lắm. Chẳng thế mà ở phần kết truyện
Kiều, cụ Nguyễn Du mới viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Vậy Tâm là gì?
Các nhà nho xưa quan niệm: “Bao quát mọi suy nghĩ là cái tâm” (Tổng bao
vạn lự vị chi tâm) hoặc “Trời đất lấy gốc là tâm” (Thiên địa dĩ bản vi
tâm dã). Do đó mà ngày nay y học mới chẩn đoán người bị rối loạn hành
vi, cử chỉ là người bị bệnh tâm thần.
Tâm là một khái niệm trừu tượng, không sờ mó được, nhưng lại luôn
hiện hữu trong con người. Tuy ta vẫn thường nói người này có tâm, người
kia vô tâm hoặc thất nhân tâm. Thực ra người vô tâm hoặc thất nhân tâm
cũng vẫn có tâm, nhưng đấy là một cái “tâm xấu”. Người vô tâm có thể là
loại người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không nghĩ đến người khác;
còn người thất nhân tâm rõ ràng là hạng người xấu, là người có những
hành động hoặc lời nói làm hại người khác. Người có tài mà không có tâm
thì cái tài đó chỉ nhằm mang lại lợi ích cá nhân, không thể nào có ích
cho cộng đồng xã hội được.
Vậy tâm phải lành, phải tốt, phải trong sáng mới sản sinh ra được những lời nói hay, những việc làm tốt.
Tâm được hiểu nôm na là tấm lòng. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc
sinh thời khi nói đến tấm lòng, luôn nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của nó.
Mấy chục năm trước, có lần ca sĩ Khánh Ly ra hải ngoại gặp ông, đã hỏi:
“Thưa anh Trịnh Công Sơn, mấy năm trứơc anh đã nhắc nhớ em sống trên đời
này phải có một tấm lòng. Hôm nay, sau gần hai mươi năm anh em gặp lại
nhau ở một nơi không phải là quê hương mình, em thực sự muốn biết đối
với anh điều gì quan trọng nhất?”. Người nhạc sĩ tài hoa này đáp ngay:
“Tấm lòng. Tất cả từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, con người sống với nhau
cần có một tấm lòng, nghĩa là đối xử tốt với nhau, sống tử tế với nhau…”
![]() |
Đồng tiền làm làm mờ ám cái Tâm con người. |
Thực tế trong đời sống xã hội hiện nay luôn có sự đan xen tồn tại
giữa cái tốt và cái xấu, cái tích cực và tiêu cực…thì lòng người cũng
thế, cái Tâm con người cũng vậy. Điều đáng nói là người có Tâm, sống
trung thực, sẵn sàng hy sinh quên mình cứu giúp người hoạn nạn thường
lại là những con người bình thường, những cháu nhỏ học sinh, thanh thiếu
niên. Báo chí trong nước từng nêu gương có em học sinh nhặt được của
rơi đã đem đến cơ quan chức năng giao nộp để trả lại người đánh rơi. Ở
nơi này nơi nọ suốt dọc dài đất nước ta từng có những cháu thanh thiếu
niên tuổi đời còn rất trẻ đã dũng cảm cứu bạn bị chìm đò giữa sông, quên
mình cứu người bị lũ cuốn khi có mưa bão, lũ lụt… Nhiều em cứu được
bạn, cứu được người rồi thì vì quá mệt đã bị dòng nước, dòng lũ cuốn
trôi…
Ngược lại, người thất nhân tâm đa phần lại là người lớn, thậm chí
là người có chức quyền, học thức! Thất nhân tâm là những kẻ đánh bom
khủng bố (vô cảm trước nỗi đau của người khác), thấy người hoạn nạn
không cứu giúp (gây tai nạn rồi bỏ chạy); những kẻ tham ô, tham nhũng,
ăn hối lộ, nhận đút lót; những kẻ lừa đảo, buôn gian bán lận, buôn một
bán mười (Có bà đi lễ khấn rằng: “Con lậy Mẫu, lậy Thánh, cho con đi 1
về 10, đi tươi về tốt”); những kẻ tham lam trong gia đình, họ tộc khi
chia tài sản thừa kế thì đòi bằng được phần hơn, chỉ muốn “lợi
mình-thiệt người”! Đồng tiền đã làm tha hóa đạo đức, lối sống của một số
người; làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, làm mờ ám cái Tâm con
người!
Vậy thì phải
“rung chuông” cảnh tỉnh những kẻ tha hóa đó, phải “đánh bóng” cái Tâm
cho họ để cho cuộc sống trên đời này ngày một an bình hơn, tốt đẹp hơn,
trong sáng hơn, thân thiện hơn!
Cố nhà giáo Bùi Huy Lữ Hải ở số 5 Nguyễn Chế Nghĩa-Hà Nội, lúc sinh
thời cùng dạy học với tôi cách đây 40 năm. Sau khi nghỉ hưu năm 1980,
ông nghiên cứu chuyên sâu về đạo Phật. Có lần ông nói với tôi: “Tôi
nghiên cứu về Phật học được hơn 30 năm nay. Nghiên cứu để tự tu hành và
rèn luyện mình. Nhiều người không hiểu, cho rằng đi tu là phải vào chùa.
Thực ra tu hành là biết cách điều chỉnh cái Tâm, tu Tâm cho tốt. Đạo
Phật là đạo Tâm. Khi nói con người phải sống có Tâm là ý muốn nói phải
hướng về chân-thiện-mỹ. Nói đơn giản là phải sống lương thiện, không làm
hại người khác”. Đúng vậy, quy luật của cuộc sống là có nhân ắt sẽ có
quả. Ai gieo nhân lành (làm điều thiện) ắt sẽ gặt được quả lành. Trong
dân gian có câu:
Cứu người phúc đẳng hà sa
Giúp người Trời lại giúp ta sau này!
Nếu trên đời này ai ai cũng luôn tâm niệm là hôm nay mình phải làm
được điều gì đó tốt đẹp, thì xã hội sẽ bớt đi hoặc không còn những hành
vi bạo lực, bất nhân nữa!
Mong sao mỗi con người chúng ta, dù là ai, dù ở đâu, dù làm nghề gì
cũng đều phải biết tu nhân, tích đức, biết sống tử tế và lương thiện đã
là tu Tâm rồi; để trong ta ai cũng có một chữ Tâm viết hoa, để chữ Tâm
đó sáng mãi giữa dòng thời gian…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét