Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Những người nhọc nhằn mưu sinh trên sông Lam

Ðánh lưới cào trên một nhánh sông Lam, đoạn đi qua
Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Liêu Thái
Sông Lam chảy qua địa phận tỉnh Nghệ An, có một nhánh chảy qua huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đoạn này nằm gần núi Hồng Lĩnh, đây cũng là đoạn sông thơ mộng nhất.
Cũng trên đoạn sông này, có những con người đã phải lăn lộn với cuộc sống để mưu sinh và tồn tại qua ngày.
*Sông cạn dần, cá ngày thêm hiếm
Với người quanh năm sống nhờ vào nghề đánh lưới ven sông, không có gì đáng sợ hơn chuyện dòng sông, chốn mưu sinh thân thuộc bỗng nhiên cạn dòng, ngày qua ngày, sông phơi đáy bùn, tôm cá, cua chết khô trên những đám sình nứt nẻ vì nắng. Dòng nước nhỏ hẹp vào nhiêu thì niềm hy vọng về ngày mai của người quanh năm bám sông càng nhỏ lại ngần ấy.
Với những ngư dân sống dựa vào nguồn cá sông Lam, đoạn chảy qua Nghi Xuân, Hà Tĩnh, dòng sông cạn đã mang đi cùa họ rất nhiều thứ. Ðời sống của họ vốn khó khăn càng thêm phần khốn khó. Nhất là trong giai đoạn đồng tiền liên tục rớt giá, vật giá leo thang và mọi thứ chi phí ngày càng phình to ra.
Ông Giản, một người thợ lặn cá, đánh lưới chùm lâu năm trên đoạn sông này nói rằng: “Tôi năm nay gần bảy mươi rồi, nhưng vẫn chưa bỏ được nghề lưới vì bỏ thì không biết lấy gì để ăn.”
“Nhà tôi có hai đứa con trai, một đứa vào miền Nam làm sớm, có vợ con trong đó rồi, cũng ít về thăm nhà, một đứa đang học năm cuối Ðại Học Sư Phạm. Nó nói với tôi là học xong, nó sẽ không xin việc vì tốn kém quá, nó sẽ về đây đi đánh lưới với tôi. Sợ nó thất vọng vì hết chỗ dựa nên tôi luôn nói với nó là sông vẫn còn nhiều cá lắm...”
Bắt ốc trên một nhánh sông cạn ở Hà Tĩnh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Thực ra cá mắm bây giờ còn gì nữa đâu, người ta đánh bằng đủ phương tiện, lưới quét, lưới cào, châm điện, không có con cá nào thoát được. Trong khi đó, người buôn bán nhỏ lẻ ở trên bờ cũng khó khăn, họ cũng sắm tay lưới, sắm chiếc ghe, cứ chừng 5 giờ sáng họ cũng ra đánh lưới, đến 6 giờ thì về. Còn tôi thì đánh từ hai hoặc ba giờ sáng cho tới nửa buổi mới về.”
Cá thì ít mà người bắt cá ngày càng đông nên cũng khó sống lắm, dễ gì kiếm được đồng bạc. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được từ hai đến ba trăm ngàn đồng. Nghề đánh lưới như tôi hiếm có ai kiếm được nhiều tiền hơn tôi. Nhưng bù vào đó, tôi đi lặn hoài, bị bệnh nghề nghiệp, hai lỗ tai của tôi giờ chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Tôi bị điếc tai gần chục năm nay rồi...”
Cùng đánh cá trên sông với ông Giản còn có thêm hai cậu sinh viên mới tốt nghiệp Ðại Học Kinh Tế và Ðại Học Luật được hai năm nay nhưng chưa kiếm được chỗ làm ổn định. Sau khi vác đơn đi nhiều chỗ mà chưa tìm ra việc làm có mức lương tạm sống được, hai sinh viên này rủ nhau về quê, mượn chiếc thuyền đánh cá của cha mẹ đi đánh bắt mỗi sáng sớm lúc 5 giờ sáng cho đến lúc mặt trời lên ngang ngọn tre thì về.
Tuấn Anh, sinh viên trường Kinh Tế, nói với chúng tôi: “Xóm này dân chài chuyên nghiệp sống hoàn toàn dựa vào đánh bắt cá cũng khá nhiều. Bên cạnh đó dân chài không chuyên nghiệp, ví dụ như buôn bán nhỏ lẻ và đi làm các công ty, sáng sớm tranh thủ đi đánh lưới cào và lưới quét. Khúc sông Lam này có chừng hơn trăm gia đình sống dựa vào nó. Trong đó có chừng ba chục gia đình dựa hoàn toàn vào nghề đánh bắt cá.”
Lượng cá ít ỏi kiếm được sau một buổi sáng đánh lưới cào. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Sinh viên như hai tụi em thì có chừng mười đứa, không có việc, cũng về quê bắt cá kiếm sống qua ngày. Giờ xin việc khó quá, chắc là chịu kiếp ngư dân theo cha mẹ ông bà thôi chứ biết làm sao. Nhưng cá bây giờ hiếm lắm, theo nghiệp này thì đói chắc! Ngày xưa cá nhiều, bây giờ còn không bằng một phần mười cách đây ba năm.”
“Trước đây còn có cá thia lia, miền Nam gọi là cá rô thia bảy màu, bây giờ cá đó mất hẳn, không thấy nữa. Cá sặc trước đây cũng nhiều, không hiểu sao bây giờ cũng không thấy, chỉ thấy toàn cá rô phi thôi! Nói chung cá bây giờ hiếm lắm rồi, sông ngòi cũng cạn khô, dơ dáy hơn rất nhiều so với trước đây chừng ba năm.”
*Sông chảy về đâu? Ðời chảy về đâu?
Men theo bờ lau lách ven sông, chúng tôi tiếp tục đi dần vào khu xóm chài và xóm nuôi tôm bên sông Lam, đoạn gần với quốc lộ 1A. Ðậy cũng là đoạn sông khô cạn nhất, có nhiều trẻ em lội bắt cá và bắt cua đồng, nhiều người lớn đánh lưới cào và lục lọi tìm trong các bãi bùn những con tôm bị mắc cạn.
Một cảm giác miên man, buồn và trống trải thoáng qua tầm nhìn mặc dù vẫn có nhiều người đang lội ngược lội xuôi dưới đấy sông cạn. Nhưng không hiểu sao lại thấy nơi này hoang vu và vắng vẻ, buồn đến khó tả. Cảm giác như đang lạc vào một nơi chốn mà chỉ có các bộ lạc đang sống hồn nhiên, hòa mình vào bùn đất để tồn tại.
Nhưng ở đây không phải thế, đây là những con người của thế kỷ 21, họ có thể đang là giáo viên, đang là kỹ sư, nhà buôn, chủ tiệm tạp hóa... Và đương nhiên có cả những người suốt đời bám lấy con sông, bám lấy mái chèo, đời sống phập phồng theo nhịp nước lên, nước ròng.
Niềm vui được cá lớn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Mùa nước lên với dân chài chuyên nghiệp là mùa khá thú vị. Nhưng mùa khô hạn, nhìn cá chết lẫn trong bùn, niềm hy vọng của họ tắt dần.
Anh Hoàng, một ngư dân chuyên đánh bắt cá trên đoạn sông này, chia sẻ: “Tôi đánh bắt cá trên sông này từ nhỏ, nhà tôi có trên năm đời làm ngư dân. Ðến đời tôi là khó khăn nhất!”
“Trước đây sông còn sâu, bây giờ cạn lắm, gần như không còn nước vào mùa khô. Ðặc biệt mùa khô năm nay, sông cạn trơ đáy, sông rộng gần một cây số mà chỉ toàn bùn, còn lại dòng nước chưa đầy ba chục mét ngang giữa dòng. Bao nhiêu lưới cào lưới quét dồn vào đó, đến con nghiêu cũng không sống nổi.”
“Cá thì bây giờ chỉ còn mấy loài thôi, cá nhỏ không, hết cá lớn rồi, trước đây cha tôi bắt được cá chép, cá quả nặng chín, mười ký, nhiều con cá nặng cả vài chục ký, còn bây giờ thì con nào to lắm chừng nửa ký. Một số loại cá biến mất. Như cá bống thì chỉ còn mấy con nhỏ nhỏ thôi, cá lớn gọi là ‘bống cát’ không còn nữa...”
“Tôi sợ rồi đây ngư dân phải bỏ nghề. Nhưng như tụi tui, suốt đời bám sông, không có đất đai, ruộng vườn gì, lấy gì mà sống đây, chắc phải chuyển sang đoạn sông khác. Còn nông dân ở đây thì mỗi nhà có hai sào ruộng, họ cũng khổ lắm nên mới đi đánh bắt thêm. Nhìn chung đời sống ở đây còn khổ lắm!”
Nơi anh Hoàng đứng nói chuyện với chúng tôi, cách quốc lộ 1A chưa đầy ba trăm mét. Và đây cũng là nơi có nhiều nhà hàng, quán xá, chẳng phải nơi khỉ ho cò gáy nào. Nhưng nghe ra đời sống của những người bám sông còn cách xa với thế giới văn minh quá nhiều. 
Liêu Thái/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét