Hai dân phòng đang sử dụng điện thoại di động tại bàn phát phiếu bầu ở một điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2016. |
Xuân Nguyên
Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp
đã kết thúc vào ngày 22/5/2016. Tuy nhiên dư âm của cuộc bầu cử vẫn
chưa chấm dứt.
Hiện tượng bất tuân dân sự trong kỳ bầu cử
Từ Sài Gòn, blogger Phạm Thanh Nghiên cho rằng, việc tẩy chay hay đi
bầu cử nhưng gạch bỏ toàn bộ danh sách những ứng cử viên, hoặc chọn tất
cả danh sách những ửng cử viên… đều là hành động bất tuân dân sự.
Chị Phạm Thanh Nghiên nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng những hành động trên đều là hình thức bất tuân dân
sự, và nó rất cần thiết, bởi vì chúng ta biết từ khi đảng cộng sản lên
nắm quyền đến nay, chúng ta thật sự không có quyền tự do bầu cử, cũng
như không có quyền tự do ứng cử. Nên những cuộc bầu cử như thế này là
giả hiệu, họ chỉ bầu lên một quốc hội bù nhìn mà thôi, bởi vì người dân
không có bất kỳ quyền nào để can dự đến các vấn đề của đất nước. Cho nên
việc tẩy chay bầu cử hay gạch toàn bộ danh sách là một hình thức bất
tuân dân sự, nói lên tiếng nói dứt khoát của người dân, dứt khoát nói
không với cuộc bầu cử giả hiệu”.
Anh Nguyễn Thiện Nhân đang sống tại Bình Dương cho biết, những người
dân ở nơi anh sống đều đi bỏ phiếu bầu cử, nhưng là ‘bầu thay’, chồng
bầu thay cho vợ và cả con cái. Dân ở đây vẫn nhờ người bầu thay bởi vì
họ vẫn còn sợ chính quyền, sợ sự sách nhiễu, trả thù của chính quyền khi
họ không đi bầu cử. Bên cạnh đó do chính sách tuyên truyền của ban
tuyên giáo rằng, bầu cử là quyền và là nghĩa vụ nên người dân lại càng
sợ hơn.
Anh Nguyễn Thiện Nhân tiếp lời.
“Còn tôi thì tẩy chay bầu cử nghĩa là không đi, còn mẹ tôi do bị
bệnh nên không đi bầu cử được, và tổ bầu cử đã đem thùng phiếu đến nhà
cho mẹ tôi bỏ phiếu. Nhưng tôi nói với tổ bầu cử rằng, mẹ tôi bệnh và
không biết gì bầu cử nên sẽ không bầu. Sau đó tổ bầu cử nói tôi ‘bầu
thay’ cho mẹ, nhưng tôi từ chối bởi luật pháp không cho phép bầu hộ, bầu
thay, cho dù là con cũng không được bầu thay cho mẹ, sau đó họ bỏ về”.
Anh Nguyễn Thiện Nhân còn nói thêm, thái độ bất tuân dân sự của người
dân còn thể hiện qua việc người dân gạch chéo, nhàu, xé, thậm chí bỏ
thẻ cử tri của họ vào sọt rác, thái độ của họ là dứt khoát nói không với
hình thức ‘đảng cử - Dân bầu”.
Từ thủ đô Hà Nội, anh Lã Việt Dũng chia sẻ về việc người dân không
chấp nhận hình thức ‘đảng cử - Dân bầu’ tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV:
“Chuyện người dân không đồng ý việc bầu cử mang tính hình thức
‘đảng cử - Dân bầu’ cũng là chuyện bình thường, bởi bầu cử là quyền chứ
không phải là nghĩa vụ, còn cách thể hiện như thế nào thì mỗi người đều
có một chính kiến riêng”.
Định hướng bầu cử?
Trong ngày bầu cử 22/5/2016, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều
hình ảnh liên quan đến việc bầu thay, bầu giùm, rồi xuất hiện bàn gạch
giúp danh sách ứng cử viên tại các địa điểm bầu cử, tiếp đến là những
văn bản ‘định hướng trúng cử’ từ phía chính quyền.
Anh Lã Việt Dũng kể về việc anh được chứng kiến khi anh đi tham dự bầu cử:
“Trong lần bầu cử này, tôi chứng kiến việc đó, có một ông cụ cầm
rất nhiều lá phiếu, tôi mới hỏi tại sao cụ lại có nhiều lá phiếu như
thế? Cụ già bảo rằng, cụ đi bầu cử giùm đứa con trai, ngay lập tức cậu
cán bộ ở điểm bầu cử giật mình và kéo cụ già đi khỏi điểm bầu cử ngay
lập tức. Việc bầu hộ, tôi chắc chắn là có thấy, việc có hay không danh
sách ‘định hướng trúng cử’, tôi nghĩ rằng những lần trước cũng như vậy.”
Cử tri đang điền phiếu bầu tại một điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2016. AFP photo |
Ngoài những việc nêu ở trên, trên mạng xã hội Facebook còn đăng tải
thông tin về việc một số địa phương còn chi một số tiền từ 30.000 –
100.000 vnđ/một người, khi họ tham gia bầu cử.
Facebooker Nghiêm Việt Anh chia sẻ trên Facebook của ông về việc cử
tri nhận được quà và tiền khi tham gia bầu cử, việc này xảy ra ngay nơi
ông sinh sống:
“Chiều nay nghe mấy người quen ở phường tôi ở, nói rằng những
người được mời đến khai mạc điểm bầu cử, sẽ được tặng cái máy đo áp
huyết điện tử, ngoài ra những người bỏ xong trước tám giờ sáng, được
phát phong bì 50 nghìn”.
Kết cho chia sẻ đó ông thốt lên rằng: ‘Dân chủ, dân chủ đến thế là cùng, tiên sư nhà sản!’
Anh Nguyễn Thiện Nhân lại cho rằng, có hiện tượng này là do một số
địa phương chạy đua thành tích với nhau, chạy đua để báo cáo và sự việc
này chỉ xảy ra ở một số địa phương mà thôi.
Anh Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm về nguyên nhân:
“Chính quyền một số địa phương đã đoán được năm nay sẽ có số người
đi bầu ít hơn kỳ bầu cử trước, cho nên họ đã lo lắng và họ đã chi ra
một số tiền nhỏ để vận động người dân đi bầu cử, họ muốn có tỉ lệ bầu cử
cao để báo cáo lên cấp trên mà thôi.”
Blogger Phạm Thanh Nghiên lại cho rằng, việc chi một số tiền để dụ
người dân đi bỏ phiếu không phải mới xảy ra lần đầu, trong các kỳ bầu cử
trước đây đều đã xuất hiện vấn nạn này. Và việc ‘định hướng trúng cử’
từ phía chính quyền còn hiêng ngang xuất hiện, biểu hiện của việc này là
việc các bàn gạch giùm danh sách ứng cử viên, văn bản ‘định hướng trúng
cử’ xuất hiện rất nhiều nơi, và hình ảnh này được đăng tải tràn lan
trên mạng xã hội Facebook.
Giải thích về việc tại sao báo chí nhà nước lại đưa tin rằng, có rất
nhiều địa phương như Hà Nội… có 100% cử tri đi bỏ phiếu, Blogger Phạm
Thanh Nghiên nói:
“Không phải chỉ có cuộc bầu cử này mới có chuyện này, mà đã có từ
các kỳ bầu cử từ trước đến nay, thậm chí là có khoảng 50 – 60% cử tri đi
bầu, thì báo chí nhà nước sẽ nói ‘vống’ lên là có hơn 90%, thậm chí
100% người dân đi bầu, vì truyền thông trong tay họ, quyền lực trong tay
họ, nên họ muốn làm gì cũng được”.
Anh Lã Việt Dũng nhận xét về lối hành xử của chính quyền rằng, trong
quá trình bầu cử chính quyền đã bỏ rất nhiều tiền để tuyên truyền, nhằm
phục vụ cho mục đích chính trị xấu xa của họ là tìm kiếm sự ‘chính danh’
trong mắt của người dân.
Anh Lã Việt Dũng tiếp lời: “
“Tôi thấy qua kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV này cho thấy chính quyền
ngày càng giải dối hơn, phải nói thật như thế. Họ đưa lên truyền thông
rất rầm rộ, chi tiêu rất là tốn kém, họ cố gắng chứng với thế giới rằng,
đây là một cuộc bầu cử và một quốc gia dân chủ”
Cuối cùng anh Lã Việt Dũng gửi thông điệp đến những người dân Việt
Nam thông qua cuộc bầu cử rằng, người dân hãy hiểu rõ bản chất của việc
bầu cử và chế độ dân chủ giả hiệu tại Việt Nam, và đừng quá hy vọng vào
những lời nói từ chính quyền cộng sản Việt Nam, mà hãy nhìn những việc
họ làm.
Xuân Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét