Chúng ta đã được thấy nhiều lần những dòng chữ này: “Cảm
Ơn Anh, Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa.” Nhưng lần đầu tiên thấy những
hàng chữ đó trong một hội trường ở ngay trong thành phố Sài Gòn, ta phải rưng
rưng cảm động. Lần đầu tiên, sau 40 năm!
Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã thực hiện được một
việc chưa người nào làm được, dù ai cũng muốn làm: Bày tỏ lòng “Tri Ân” các
thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Có cả quý vị đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Thống
Nhất, Giáo Hội Cao Ðài, họ thay mặt tất cả những người đã sống ở miền Nam trước
năm 1975. Thay mặt cho cả những người dân miền Nam đang sống ở nước ngoài. Có
thể thấy như một cuộc họp mặt gia đình. Gia đình nào ở miền Nam hầu như cũng
đóng góp ít nhất một người trong danh sách những chiến sĩ đáng được tri ân, người
còn sống cũng như đã qua đời. Ðại gia đình dân miền Nam đã cùng trải qua một hoạn
nạn, hoạn nạn chung của đất nước, đã cùng chịu đựng một cuộc sống đau khổ,
nhưng giờ đây cũng đang chia sẻ với nhau cùng một nỗi vui mừng và hy vọng.
Linh Mục Phạm Trung Thành đã nói giúp chúng ta: “...những
lời tri ân gửi đến các anh, những người đã hy sinh vì tự do, hòa bình, cho người
dân miền Nam.” Những lời đó, suốt 40 năm qua, chúng ta đã nói thầm, cho một
mình nghe. Một ngàn anh chị em thương binh, từ Phú Yên, Khánh Hòa, Dak Lak cho
tới Bình Dương, Sóc Trăng họp mặt tại Dòng Chúa Cứu Thế. Linh mục giám tỉnh
Dòng Chúa Cứu Thế chuyển tới anh em “sứ điệp yêu thương, hòa bình và bác ái.” Ý
nghĩa rõ ràng: Tri ân các thương binh miền Nam vì yêu thương, vì hòa bình,
không phải để nuôi hờn oán, gây thù hận với anh em bộ đội miền Bắc. Nhưng đằng
sau những nét mặt, nụ cười của các thương binh, chúng ta thấy hình ảnh của cả
triệu người đã mang sắc phục quân đội, nghĩa quân, cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa.
Nhìn những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của anh chị em thương binh và nghe những
lời tri ân trong hai buổi họp mặt, chúng ta có thể chia sẻ niềm vui và hãnh diện
của họ. Họ đều xứng đáng được tri ân. Họ đều đáng được hãnh diện. Gia đình, con
cháu họ đều xứng đáng được tri ân và hãnh diện.
Ðiều đáng hãnh diện thứ nhất, là cuộc chiến đấu mà họ
theo đuổi, cuộc chiến đấu khiến nhiều người phải hy sinh mạng sống, cuối cùng
đã được lịch sử chứng minh là chính đáng. Vì vậy cho nên người dân bình thường
muốn bày tỏ lòng biết ơn, dù phải đợi 40 năm. Trong đó có cả các người dân miền
Nam chưa đầy 40 tuổi. Khi Linh Mục Phạm Trung Thành thay mặt chúng ta ca ngợi
các chiến sĩ đã “hy sinh vì tự do,” những từ ngữ trừu tượng như “tự do,” “hy
sinh” đều hiện lên thành sự thật, cụ thể, đã được chiêm nghiệm. Chỉ khi không
còn được tự do, người dân miền Nam mới thấy mình đã mất quá nhiều thứ đáng quý.
Thí dụ khi bị đuổi khỏi ngôi nhà mình ở, đồ đạc trong nhà
bị chiếm đoạt, phải kéo nhau đi “kinh tế mới” rồi về sống dưới gầm cầu, trên lề
đường, trong xó chợ, người dân miền Nam mới hiểu rằng trước đây mình được sống
yên ổn chính vì nhờ những người lính đã hy sinh để cho mình được sống. Cũng như
khi phải hồi hộp lo lắng suốt 24 giờ không biết lúc nào công an sẽ đột nhập nhà
mình lục soát từ trên xuống dưới. Như khi phải nộp tiền thì con cái mới được
vào trường công lập, từ bậc tiểu học. Khi vào bệnh viện công gọi là “nhà thương
thí” vẫn phải đút lót mới được dùng bông, dùng kim chích. Hay khi nhìn đám thiếu
nữ cùng tuổi con gái mình phải bày hàng trong khách sạn cho đàn ông Ðài Loan,
Trung Quốc, Hàn Quốc ngắm nghía, cò kè bớt một thêm hai. Hay khi ruộng đất của
mình bị chiếm đoạt để sang tay cho bọn tư bản đỏ, phải tự đốt mình, hoặc tự cởi
truồng ra phản kháng. Vân vân. Những lúc đó, người dân miền Nam mới nhớ tiếc những
ngày xa xưa cuộc sống của mình còn được những người lính Cộng Hòa bảo vệ. Những
thứ nhỏ hay lớn, mà người dân miền Nam được hưởng trước năm 1975, khi mất đi đều
thấy là đáng quý. Vì tất cả đều được hưởng như những quyền sống tự nhiên. Ðó là
quyền sống có phẩm giá. Những thứ kể trên cộng lại chính là phẩm giá con người,
trước năm 1975 phẩm giá của mình được kính trọng nhờ những người lính Cộng Hòa
bảo vệ. Trước năm 1975, đồng bào chúng ta ở miền Bắc không biết những thứ người
miền Nam được hưởng. Họ không được tự do thông tin, họ bị bưng bít. Họ bị lừa gạt.
Nhưng sau 1975, ai có dịp so sánh cũng nhận ra sự thật, từ Dương Thu Hương tới
Tô Hải, Trần Ðĩnh. Cho nên, bây giờ nhớ lại, người dân miền Nam muốn đứng ra
làm nhân chứng, muốn nói dõng dạc, rằng những người Lính Cộng Hòa rất đáng được
tri ân. Họ rất đáng hãnh diện.
Niềm hãnh diện còn lớn lao hơn nữa vì được lịch sử cả
loài người làm chứng, từ năm 1989. Bức tường Berlin sụp đổ khiến bộ mặt thật của
chế độ Cộng Sản trên toàn thế giới bị lộ ra. Ðó là một chế độ thất bại hoàn
toàn về kinh tế, một chế độ chính trị độc tài man rợ, chỉ đứng vững được vì bắt
dân sống trong tối tăm, dốt nát, và ngày đêm bị công an đe dọa. Chính người dân
sống trong các nước Cộng Sản, cả hàng ngũ lãnh đạo tại các nước đó, đã đứng lên
xóa bỏ chế độ vừa bất nhân vừa bất lực này. Các cuộc cách mạng nhung đó chứng tỏ
công chiến đấu, hy sinh của những người Lính Cộng Hòa thực là chính đáng. Những
ai đã đổ máu để ngăn cản không cho chế độ cộng sản bành trướng đều đáng được
vinh danh. Tất cả các chiến sĩ Cộng Hòa, những người còn sống, người bị thương,
và những người đã chết, đã giúp người dân miền Nam được ít nhất 20 năm không phải
sống dưới ách độc tài Cộng Sản. Nhờ thế, sau năm 1975, đồng bào ngoài Bắc mới
có dịp nhìn và so sánh. Và nếp sống thuần hậu được giữ gìn tại miền Nam mới còn
để lan tràn, đến khi đồng bào miền Bắc cũng biết nói “xin lỗi,” nói “cảm ơn,”
nói “dễ thương.”
Nhưng bây giờ không phải là lúc nhìn lại quá khứ để than
tiếc dân tộc mình không may mắn như dân Ðông Ðức, dân Nam Hàn. Bốn mươi năm đủ
dài để chúng ta có thể quên quá khứ, xóa bỏ những tình cảm mị hoặc chia rẽ lòng
người. Như anh Hoàng Văn Ðiểm, cựu thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến nói trong buổi
lễ Tri Ân tại Dòng Chúa Cứu Thế vừa qua: “Sau 40 năm tôi ước ao nhà nước đừng
chia rẽ lính Việt Nam Cộng Hòa và lính Cộng Sản; vì chúng ta đều là dân Việt
Nam.”
Thực ra, cái gì đã chia rẽ dân Việt Nam? Ðó là một chủ
nghĩa mà năm 1989 đã bị loài người vạch mặt giả trá. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã
“học tập” Stalin, Mao Trạch Ðông, gieo rắc hận thù, chia rẽ dân Việt hơn 80 năm
qua. Bây giờ mọi người Việt Nam có thể cùng ngẩng đầu lên, nhìn rõ mặt nhau, hướng
về tương lai, nhận rõ đâu là kẻ thù nguy hiểm nhất cho dân tộc. Ðó là đế quốc
Trung Hoa đỏ, đeo cái mặt nạ chủ nghĩa Cộng Sản. Chúng ta phải đoàn kết chống lại
kẻ thù chung đó.
Những thương binh Việt Nam Cộng Hòa đáng được tri ân.
Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải tiếp tục công việc mà họ đã phải bỏ
nửa chừng, từ năm 1975. Phải thực hiện mục tiêu mà họ đã theo đuổi; là xây dựng
một nước Việt Nam tự do dân chủ. Cuộc chiến tranh đã khiến hai triệu người Việt
chết, trong đó có những người lính miền Nam cũng như các bộ đội miền Bắc. Chúng
ta, những người còn sống, ở miền Bắc cũng như miền Nam, đều mang nợ với các tử
sĩ đó. Còn mang nợ hương linh các đồng bào đã chết vì bom đạn vô tình, hay khi
vượt biển tìm tự do. Nói như Abraham Lincoln, tại nghĩa trang Gettysburg ngày
19 tháng 11 năm 1863: Chúng ta phải quyết tâm làm sao cho những người đã chết
không phải ngậm ngùi thấy mình chết vô ích” (That these dead shall not have
died in vain).
Bốn mươi năm sau khi chiến tranh chấm dứt, nếu dân tộc Việt
Nam vẫn chưa được sống tự do dân chủ, chúng ta vẫn còn mang mối nợ lớn với những
người đã chết. Nếu nước Việt Nam vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu, thua kém cả Miến
Ðiện tới Campuchia, chúng ta vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Nếu quân Cộng
Sản Trung Hoa còn tung hoành từ Vịnh Bắc Việt tới đáy Biển Ðông, coi tổ tiên
dân Việt không có chút chủ quyền nào, thì những chiến sĩ đã chết suốt 15 năm
chiến tranh, đã chết trong trận Hoàng Sa năm 1974, trận Gạc Ma năm 1988, họ vẫn
còn ôm “mối hận ngàn thu.”
Sau buổi lễ tri ân ở Dòng Chúa Cứu Thế tuần qua, cuối tuần
này chúng ta phải làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh bảo vệ
Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Ðồng thời, phải truy điệu các chiến sĩ Việt
Nam đã hy sinh khi quân Trung Cộng cướp Trường Sa năm 1988. Tất cả những người
khi chết còn nghĩ mình đang chiến đấu cho dân tộc Việt Nam, được đều đáng được
tri ân. Những người đã chết sẽ giúp người còn sống tìm đến nhau, thương yêu,
đoàn kết với nhau. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, kể cả thứ nước lã “16 chữ
vàng.”
Có thể nhắc lại tiếp những lời Abraham Lincoln. Sau khi
nguyện “Không để một ai chết uổng,” ông nói tiếp: Chúng ta phải quyết tâm sao
cho đất nước này... được phục sinh trong tự do - và cho chính quyền của dân, do
dân, vì dân, không tiêu tan trên trái đất. (That this nation, under God, shall
have a new birth of freedom - and that government of the people, by the people,
for the people, shall not perish from the earth.) Với lời nguyện này, chúng ta
tỏ lòng tri ân những chiến sĩ đã hy sinh. Sẽ đến ngày nước Việt Nam được phục
sinh trong tự do. Theo gương Nguyễn Trãi, lúc đó chúng ta có thể lại công bố: Hận
ngàn thu rửa sạch làu làu!
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét