Ads 468x60px

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Hào khí Lam Sơn toả sáng

Ngọ Môn-Di tích Lam Kinh. Nguồn: ditichlamkinh.vn
Thanh Tùng
Lễ hội Lam Kinh-Thanh Hóa đã khơi nguồn cho Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Hào khí đó còn lan tỏa đến tận ngày nay để hậu thế noi gương các bậc tiền nhân anh kiệt.
Cuối tháng 9 năm Quý Tỵ vừa qua, Thanh Hóa đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận khu di tích lịch sử Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt, và kỷ niệm:
-595 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh thắng giặc Minh xâm lược (1418-2013)
-585 năm Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Vua, lấy hiệu là Thái Tổ (1428-2013)
-580 năm ngày mất của vua Lê Thái Tổ (1433-2013)
Lễ hội Lam Kinh nhằm tôn vinh công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi trước họa giặc Minh xâm lược, đã đứng lên chiêu mộ nghĩa binh, tập hợp các anh hùng, hào kiệt bốn phương về đất Lam Sơn tụ nghĩa-những người cùng chí hướng đánh giặc cứu nước như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Liệt, Đinh Bồ và nhiều anh kiệt khác.
Ngày 2 tháng giêng năm Mậu Tuất (7-2-1418) Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, phất cờ khởi nghĩa, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, sử sách gọi là khởi nghĩa Lam Sơn. Suốt 10 năm trời nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi được Nguyễn Trãi làm quân sư, giúp về cơ mưu chiến lược và các tướng tài xông pha trận mạc đã lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi. Sau chiến thắng Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo, được coi là một thiên cổ hùng văn bất hủ, gửi đi “Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc ta thời bấy giờ. Nhà quân sư lỗi lạc, đệ nhất khai quốc công thần của triều Lê sơ sau này lại bị “nỗi oan Thị Lộ” trong vụ án “Lệ chi viên” (vụ án vườn vải) dẫn đến cả gia đình bị “chu di tam tộc” (xử trảm ba đời), nhiều người đều biết kết cục định mệnh này của Nguyễn Trãi! Nhưng còn một sự kiện bi hùng nữa mà dân gian có câu nói cửa miệng “21 Lê Lai – 22 Lê lợi” thì có lẽ ít người biết. Đó là chuyện Lê Lai quên mình cứu Chúa và câu nói cuối cùng của vua Lê Thái Tổ trước lúc lâm chung!
Lê Lợi xưng là Bình Định Vương
Lúc mới dấy binh khởi nghĩa, quân Lam Sơn ít, lại thiếu lương thực, có lúc bị địch bao vây, quân tướng chỉ còn mấy trăm người, không có gì ăn, Lê Lợi phải cho đào củ chuối và giết ngựa cho quân sĩ ăn, vì thế nghĩa quân thường bị quân Minh đông hơn đánh bại!
Theo sách Đại Việt thông sử, cuối tháng 4 năm 1419, quân Lam Sơn thua trận phải chạy về vùng núi Linh Sơn, bị quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Vòng vây trùng điệp ngày càng khép chặt. Tình thế lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”! Đêm 28-4 năm Kỷ Hợi (1419), Lê Lợi họp các tướng lĩnh bàn cách đối phó. Nhiều người tỏ ý muốn đánh đến cùng, ít ra cũng giết được vài trăm tên giặc. 
Đinh Liệt đứng lên nói: “Tinh thần hy sinh của tướng sỹ nghĩa quân ta còn quý hơn vàng ngọc. Song hy sinh để rồi cuộc khởi nghĩa thất bại, chỉ để lại tiếng vang cho mai sau thì không bằng phải bàn bạc, suy nghĩ tìm cách giải vây để tiếp tục hoàn thành đại sự…”. Lê Lợi tán thành ý kiến đó, rồi đột nhiên hỏi: “Có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán không?”. Lê Lai lập tức đứng lên nói: “Tôi nguyện làm Kỷ Tín của Hán cao tổ…Tôi xin đi!”. Bình Định Vương và các tướng lĩnh cảm động đến rơi lệ! Lê Lai nói tiếp: “Bây giờ đang lúc nguy khốn, nếu quyết giữ mảnh đất này đến cùng, chúng ta sẽ bị chết một cách vô ích. Nếu theo kế sách này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có xá gì?”.  Lê Lợi đứng dậy ôm chặt Lê Lai, xúc động nói: “Lịch sử sẽ lưu truyền vĩnh cửu sự hy sinh này!”. Rồi chắp tay vái trời khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo chịu chết thay tôi! Sau này tôi và con cháu tôi, cả con cháu các tướng lĩnh đang ngồi đây, nếu không nhớ đến công lao thế mạng này, thì xin Trời-Đất biến cung điện thành rừng núi, ấn triện thành cục đồng, gươm thần thành dao cùn!”.
Lê Lai nhận áo Hoàng bào của Bình Định Vương Lê Lợi
Ngày 29-4 năm Kỷ Hợi (1419), đúng giờ Thìn, Lê Lai nhận áo Hoàng bào của Bình Định Vương Lê Lợi, cùng một số binh sỹ cảm tử, từ trên núi Linh Sơn cưỡi ngựa xông thẳng vào vòng vây quân giặc, vừa tả xung hữu đột, vừa quát lớn: “Ta là chúa Lam Sơn đây!”. Quân Minh tưởng là Lê Lợi nên đổ xô đến đánh. Trận tử chiến không cân sức, Lê Lai bị quân giặc bắt và đem về thành Đông Quan (Hà Nội bây giờ) hành hình. Lê Lợi nhân lúc trận chiến lộn xộn đã cùng các tướng sĩ rút ra đường khác chạy thoát. Cảm động trước sự hy sinh của Lê Lai, Lê Lợi sai người ngầm tìm được thi hài Lê Lai mang về an táng ở quê nhà ông. Sau này, sau khi lên ngôi Vua, Lê Thái Tổ đã phong cho Lê Lai chức Trung Túc Vương và cho lập Đền thờ ông ở làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Đền thờ Lê Lai ở Thanh Hoá. Nguồn: panomario.com
Sau sự kiện bi tráng này, Lê Lợi đưa quân vào Nghệ An, nơi đất rộng người đông, tiếp tục chiêu hiền đãi sĩ, rèn binh luyện tướng…nên chẳng bao lâu nghĩa quân Lam Sơn mạnh dần lên…Theo mưu lược, kế sách của Nguyễn Trãi là “vây thành diệt viện”, “vừa đánh vừ đàm”; vận động, thuyết phục giặc đầu hàng, quân ta bao vây thành Đông Quan (Hà Nội). Nhà Minh sai tướng Liễu Thăng đem 10 vạn quân sang cứu viện. Ngày 20-9 năm Đinh Mùi (1427) Trần Nguyên Hãn dẫn quân lên ải Chi Lăng (Lạng Sơn) mai phục, bất ngờ tấn công địch, chém đầu tướng giặc Liễu Thăng, đánh bại 10 vạn viện binh của nhà Minh. Tướng giặc Vương Thông và 10 vạn quân bị vây hãm ở Đông Quan không có lối thoát, đã phải xin “cầu hòa”.
Ngày 16-12-1427 Lê Lợi-Nguyễn Trãi cho tướng Vương Thông đến “Hội thề Đông Quan” bắt phải hứa “Không bao giờ xâm phạm nước Đại Việt nữa!”.
Lê Lợi-Nguyễn Trãi lấy đức hiếu sinh, sai người cấp lương thực cho 10 vạn quân Minh rút về nước an toàn.
Ngày 3-1-1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, lập nên triều đại nhà Lê sơ kéo dài 99 năm, quốc hiệu Đại Việt, lấy kinh đô là Đông Đô (Hà Nội).
Người khai sáng triều đại là Lê Thái Tổ, tức Bình Định Vương Lê Lợi. Ông lên ngôi Vua ngày 15-4 năm Mậu Thân (1428), trị vì được 5 năm. Ngày 22-8 năm Quý Sửu (1433) vua Lê Thái Tổ mất, hưởng dương 49 tuổi. Trước lúc quy tiên, nhà vua vẫn nhớ đến Lê Lai, người đã quên mình cứu Chúa. Bên đông đủ các Hoàng tử và Hoàng tộc, Ngài dặn lại rằng: “Phải làm giỗ cho đệ nhất công thần Lê Lai trước ngày giỗ của ta một ngày!”. Quả là một vị Vua đức độ, nhân nghĩa. Ngài muốn làm giỗ cho người đã cứu mình, chết thay cho mình, trước ngày giỗ của mình một ngày, tức là đã coi người đó trên mình!
Rước kiệu vua Lê Thái Tổ qua cầu Bạch đưa lên
sân điện Lam Kinh để tế lễ. Nguồn: sugia.vn
Thực hiện di huấn này, từ đó đến nay trong dân gian mới có câu “21 Lê Lai-22 Lê Lợi” là nói về ngày giỗ của một vị Tướng và một ông Vua đã từng “vào sinh ra tử” trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn!
Hiện nay dân làng Tép hàng năm vẫn tổ chức 2 Lễ hội chính vào ngày 29-4 Âm lịch (ngày Lê Lai bị giặc giết hại) và ngày giỗ ông là 21-8 Âm lịch, trước ngày giỗ vua Lê Thái Tổ 1 ngày.
Lễ hội Lam Kinh vừa được tổ chức ở Thanh Hóa đã tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, ca ngợi khí phách các anh hùng, hào kiệt của đất nước sẵn sàng sả thân trong lúc sơn hà nguy biến!
Lễ hội đã khơi nguồn cho hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Khí phách đó, hào khí đó vẫn lan tỏa đến tận ngày nay để hậu thế noi gương các bậc tiền nhân, anh kiệt! 
Thanh Tùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét