Ads 468x60px

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

THẾ LÀ XONG MIỄN BÀN

Tô Văn Trường 
Nhiều người thúc giục, hỏi tôi, Quốc hội sắp đến hồi bấm nút sửa Hiến pháp và luật đất đai sao anh không viết mạnh như loạt bài hồi thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam?  Cách đây khá lâu, sau khi viết bài “Hiến pháp của ai” với 4 câu hỏi còn bỏ ngỏ, tôi tự nhủ coi như mọi việc đã an bài!
Hầu hết các quốc gia trên thế giới có Quốc hội, các ông bà nghị sỹ đều biết lắng nghe, suy ngẫm hành động theo nguyện vọng chính đáng của cử tri để tranh thủ lá phiếu. Ở nước ta, trớ trêu là “Đảng cử - Dân bầu” nên phần lớn, người ta theo Đảng chỉ đạo hơn là lắng nghe, thấu hiểu lòng dân. Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội kỳ này, có một số vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề cập đến lòng dân đang bất an, cần đánh giá lòng tin của người dân, sự chia sẻ của dân với các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Nhưng nhìn vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai và phát biểu của nhiều vị “chóp bu” có trách nhiệm thì mấy vấn đề cốt lõi về Đảng, Quân đội, về doanh nghiệp nhà nước, về quyền sử dụng và quyền sở hữu đất đai thế là xong. Miễn bàn!
Theo tôi hiểu, quyền sở hữu có tính chất vĩnh viễn nhưng quyền sử dụng bị hạn chế trong một thời gian nhất định theo hợp đồng giữa bên sở hữu và bên sử dụng. Giá trị quyền sử dụng tùy theo thời hạn sử dụng. Quyền sử dụng có thể gây mối bất an trong xã hội. Bỏ qua mọi phức tạp khác đáng lẽ không nên có thì anh nông dân Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng)  rõ ràng bị rơi vào tình trạng bất an này, bởi vì bên sở hữu có thể lấy lại tài sản sau hợp đồng và về mặt luật pháp không cần phải gia hạn. 
Theo TS Vũ Quang Việt,  ngoài quyền sử dụng về mặt hạn chế thời hạn hợp đồng nói trên, nên hiểu tổng hợp, quyền sử dụng có 3 vấn đề:
1. Vấn đề thời hạn hợp đồng, mà theo luật nhà nước có thể lấy lại, không phải gia hạn. 
2. Vấn đề ai có quyền và quyền gì? Ai được quyền giao, giao cho ai và ai quyết nội dung hợp đồng. Thật ra 1 và 2 đi với nhau. Đây là các lỗ hổng lớn cho “rent seeking”.  
Tôi thấy thật khó dịch sang tiếng Việt vì “rent” có nghĩa là thu nhập từ tài sản không do con người làm ra như thu từ cho người khác khai thác dầu hỏa, đất đai v.v. mà không phải bỏ công lao động. Tạm dịch “rent seeking”  là chiếm đoạt thặng dư đúng như Marx định nghĩa. Với Marx thì chiếm đoạt thặng dư từ quyền sở hữu tư bản mà không cần lao động. Còn đây là chiếm đọat thặng dư vì có quyền. Hay nói rõ hơn là chiếm đoạt thặng dư từ việc lạm dụng quyền lực.
3. Vấn đề trưng thu khi chưa hết hợp đồng về quyền sở hữu.
Nhiều người mới chỉ nhìn vào vấn đề cuối cùng này. GS Nguyễn Lang  thì chỉ để ý đến giá vô lý là nguyên nhân gây ra xáo trộn hiện nay. GS Đặng Hùng Võ quan tâm đến cả hai yếu tố định giá vô lý hoặc thu hồi bị phản kháng vì lợi ích cá nhân cho một số người chứ không vì lợi ích chung.vv…
Điều quan trọng nhất mà ai cũng nhận thấy chừng nào mà không công nhận đa sở hữu, còn tránh né việc xóa bỏ chữ "sở hữu toàn dân" thì đất đai vẫn là vấn đề nóng trong xã hội.  Nhiều người thất vọng  vì mất bao giấy mực bàn về thay đổi Hiến pháp, tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức, trí tuệ  của nhân dân mà không thấy thay đổi được bất cứ điều gì.
 Người bạn đồng tâm, để xả stress, tếu táo bình luận: “Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, nhiều người đã phân tích, vận dụng kiến thức cả đông tây kim cổ, liên hệ với thực tế, nói mãi mà người ta vẫn ù lì!  Nếu thế, ta nói theo kiểu dân dã, gọn, dễ hiểu, chuẩn không cần chỉnh như sau: Quyền sử dụng là đi ngủ với bất kể người đàn bà nào, không phải là vợ! Ngủ nhiều bà khác nhau cũng được như đi bia ôm vậy! Quyền sở hữu là ngủ với vợ suốt đời chỉ với vợ chứ không phải người đàn bà nào khác.  Đơn giản vậy mà nói chính trị, triết lý trên trời hoài nghe mệt quá! “
Theo tôi nghĩ,  quyền sở hữu là thuộc về, không hẳn có nghĩa là mãi mãi nên ví dụ “ngủ suốt đời với vợ” không hẳn là đúng, chỉ được ngủ với nàng đến khi nàng không còn thuộc về mình. Còn quyền sở hữu thì có khác gì đi thuê mướn, vẫn thuộc sở hữu của người khác, nên người ta mới đẻ ra cái chuyện thu hồi.  Ví quyền sử dụng là "bồ” và quyền sở hữu là "vợ" thì không chuẩn bởi vì đừng bao giờ coi vợ là thứ mình sở hữu. Ý nghĩa sâu xa của "sở hữu toàn dân" (thực chất là sở hữu của người cầm quyền) là muốn nắm vận mệnh người được giao quyền sử dụng (cho sống được sống, bảo chết là phải chết)!  Ý nghĩa sâu xa của quyền sử dụng là người nhận quyền này chấp nhận: Quy phục và chấp nhận thân phận là người nhận thứ được quyền lực (Vua) ban phát, đồng nghĩa gián tiếp thừa nhận vị thế người ban phát: Đảng đứng trên tất cả. Hệ quả: Quyền lực duy trì được mảnh đất dụng võ của mình. Tham nhũng là thứ hệ quả tất yếu.
Chúng tôi nghĩ Quốc hội nên nhìn thẳng vào sự thật, từ những nan đề của đất nước, phóng tầm mắt xem nhân loại họ đang làm gì để chiếu vào con người, góc phố, con đường ổ gà của Việt Nam mà hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp. Muốn vậy phải dân chủ trong Quốc hội, từng đại biểu cần chiêm nghiệm, tự vấn về vai trò và trách nhiệm của mình đối với cử tri cả nước.
Nguy cơ vỡ trận tài chính đã được cảnh báo nhưng trên diễn đàn Quốc hội và thảo luận ở tổ chưa thấy ai mạnh dạn phân tích “mổ xẻ” về con số cụ thể chi tiêu cho 4 hệ thống Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức đoàn thể xã hội. Trong đó chi cho bộ máy “song trùng” của Đảng là rất tốn kém. Rõ ràng chi tiêu cho bộ máy của Đảng là một con số cần được minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nói chung. Con số đó phải chẳng thuộc phạm trù bí mật quốc gia? Xã hội phải chi một khoản kinh phí khổng lồ và kém hiệu quả để nuôi một bộ máy “song trùng” khiến kinh tế thì kém cạnh tranh, xã hội thì chẳng khác gì thời trung cổ khi dân phải è cổ nuôi cả Vua và nhà thờ.  Minh bạch các khoản chi này và Dân phải có quyền giám sát nó chứ không phải chỉ có Đảng chỉ định Quốc hội làm viêc này.
Nhìn lại từ ngày đổi mới, các Ban xung quanh các cấp ủy trở nên thừa rất nhiều: Các Ban Tài chính, Tuyên huấn, Kinh tế, mỗi ban thừa một nửa, vì nửa còn lại phía Chính quyền làm rồi. Đáng lý ra là thừa hết đối với Chính quyền, vì các nước ngoài XHCN, có Ban nào đâu mà mà nó vẫn mạnh không ngừng. Trước 1985 còn có thêm các Ban “trời ơi”  khác như Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp, Ban Cải tạo... là không cần thiết. Chỉ có cấp ủy nào muốn kiềm chế Chính quyền mà bản thân thiếu năng lực mới  mở rộng các Ban nầy ra cho đông và lập thêm các Ban khác để "bù lỗ”  cho mình. Hội nghị 7,  Trung ương khóa 9 cũng bàn về dân vận y chang như Hội nghị 7 lần nầy có phần nói về Dân vận. Nói hoài, mà dân giận càng đông, càng kéo biểu tình, khiếu kiện đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Trong kháng chiến, Đảng chưa cầm quyền, Đảng ví như Chính phủ, làm  nhiều việc như Chính phủ, Tòa án, Công tố , và vì vậy chung quanh các cấp ủy có đủ các Ban bệ như các Bộ và các Sở, Ty...là đúng, là cần thiết. Khi Đảng cầm quyền lại cầm trực tiếp, không trao quyền cho Chính phủ, Quốc hội, và Tòa án nên mới có khái niệm "Thống nhất lãnh đạo" và "Quân đội trung với Đảng"... Biến các đoàn thể thành các "Ban", "Bộ" bằng cách ăn lương Chính phủ, làm theo Chính phủ tức là "ăn theo, nói leo" mà gọi là "liên tịch"...nhược điểm là càng lãnh đạo, chính quyền Nhà nước càng chồng chéo, yếu về thực chất, nhưng mạnh và oai về hình thức.  Ban Nội chính, Ban Kinh tế vốn làm không nên trò, "không được xã hội thừa nhận" mới dẹp, nay tái lập mà không có "đầu trò" giỏi thì nên dẹp tiệm cho rồi, để chi oan ương.
Người dân tự hỏi lãnh đạo mà chỉ biết đi giáo huấn hỏi lại "Trồng cây gì,  nuôi con gì" hay tối ngày sợ Đảng suy thoái mà không biết làm cái gì cho Đảng theo kịp thời đại? hoặc tối ngày rên rỉ, la hét mị dân. Nhưng vượt qua mọi lo âu là Đảng phải vượt lên chính mình, vượt khỏi cái bóng của anh “bạn vàng”  bành trướng phương Bắc và những giáo điều của những học thuyết không còn phù hợp, cản trở con đường phát triển của đất nước, làm cho dân tộc tụt hậu. Chỉ có qua cuộc lột xác ấy thì tài năng mới phát lộ, tài năng mới làm nên sự nghiệp và đất nước mới ra khỏi  trầm luân!
Sửa Hiến pháp và Luật đất đai, thế là xong , miễn bàn! Chỉ có thể an ủi những cuộc bàn thảo vừa qua suy cho cùng không phải tất cả chỉ vô tích sự vì dân gian được động não học hỏi, dân gian nhận diện được năng lực, và dân gian không thể đặt bất cứ hy vọng nào vào những cái đầu mang nặng ý thức hệ, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tầm nhìn chỉ loanh quanh nơi  “chân ghế” của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét