Trần Nguyên Thắng
Mời độc giả cùng thưởng ngoạn một không gian mùa thu tuyệt vời tại một ngôi làng nhỏ bé của người nông dân Nhật Bản.
Cầu nối đưa vào cổng hương thôn Shirakawago. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nagano và Gifu là hai
tỉnh cao nguyên nằm vào khoảng giữa trung bộ của hòn đảo lớn nhất
Honshu (Tokyo cũng nằm trên hòn đảo này). Hai tỉnh này được Thái Dương
Thần Nữ dựng ở trên một độ cao trung bình hơn 1,300m so với mặt biển và
chung quanh được rất nhiều ngọn núi lửa “sưởi ấm” người dân Nhật mỗi khi
chúng thức giấc. Ðáng kể là ngọn núi Asama-yama cao khoảng 2,600m, ngọn
núi này cũng mới “thức dậy” và sưởi ấm dân Nhật vào năm 2004.
Nhưng bù
lại, Thái Dương Thần Nữ lại ban cho hai tỉnh này những thắng cảnh mùa
xuân hạ thu đông rất xứng đáng cho người du khách đến thưởng ngoạn. Một
trong những thắng cảnh đó phải nói đến mùa thu tại Shirakawago.
Rừng thu và sông Shirakawa (Bạch Xuyên). (Hình: ATNT Tours & Travel)
“Shira” là màu trắng
(Bạch), “kawa” là sông (Xuyên), “Go” là Hương (Hương là Làng [hương
thôn], nhỏ hơn huyện nhưng lớn hơn làng thôn). Vì thế Shirakawago có tên
Hán Việt là Bạch Xuyên Hương có nghĩa là “một hương thôn có con sông
bạc trắng.” Mà quả đúng như vậy, trước cổng làng Shirakawa có một con
sông nhỏ nhưng vì độ dốc sông lồi lõm, nghiêng không đều nên sông luôn
tạo ra những ngọn sóng trắng bạc đầu nằm cạnh bên rừng thu
xanh-vàng-đỏ-thẫm vây quanh, tạo cho Shirakawago một không gian tuyệt
đẹp, đủ để hớp hồn du khách.
Một góc làng Shirakawago (Bạch Xuyên Hương). (Hình: ATNT Tours & Travel)
Ngôi làng Shirakawa
được biết đến từ thế kỷ 16 do những người nông dân và các tay dòng dõi
quý tộc và chiến binh samurai kiến tạo. Tuy nằm trên cao nguyên, nhưng
ngôi làng lại nằm lọt thỏm vào thung lũng giữa các ngọn núi nên thời
tiết rất lạnh vào mùa đông. Người dân làng Shirakawa đã tạo ra một kiến
trúc về nhà cửa khác hẳn các nơi khác. Hình dáng nóc nhà như hai bàn tay
chắp lại (lúc khấn nguyện trong Phật giáo) được gọi là phong thái
Gassho-zukuri, với kiến trúc này mái nhà được kèo và cột lại với nhau mà
không cần dùng đinh. Mái nhà được lợp bằng các vật liệu nhẹ như cói
nhưng rất dày để giữ ấm, mái xuôi xuống nhằm tránh những lúc tuyết rơi
quá nặng. Ngay cả các ngôi chùa trong làng cũng đều được kiến trúc theo
cùng một phong thái gassho-zukuri. Nếu không chú ý kỹ du khách có thể
không biết được đó chính là những ngôi chùa trong làng. Trong làng có
những ngôi nhà đã giữ kiến trúc nguyên thủy có đến hơn 200 năm. Ðó cũng
là một yếu tố giúp làng Shirakawago được UNESCO công nhận là một di sản
văn hóa thế giới vào năm 1995. Ðây là một trong mười bảy di-sản thế giới
của nước Nhật.
Những thửa ruộng vừa được cấy. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Một số các ngôi nhà
cũ kỹ này, ngày nay trở thành các điểm du lịch để du khách có thể vào
xem cách sinh hoạt cũng như cách kiến trúc bên trong nội thất của các
gassho-zukuri. Thường thì một gassho-zukuri có hai tầng lầu. Tầng dưới
khi bước vào cửa là “genkan,” nơi cởi giày dép để lại đây. Chính giữa
nhà lúc nào cũng có một lò sưởi chính để sưởi ấm cho tất cả các phòng
dưới nhà cũng như tầng trên. Thường thì sinh hoạt chính của gia đình đều
tụ lại nơi đây chứ không giống như các ngôi nhà hiện đại ở các thành
phố lớn. Ngoài ra, còn có một phòng để bàn thờ và một phòng ngủ. Dĩ
nhiên người Nhật luôn dùng các tấm tatami (chiếu) để làm sàn nhà, nên họ
dùng bàn thấp và ngồi trên tatami để nói chuyện hay ăn uống, kể cả với
người khách họ mời đến nhà. Các dân tộc khác phần lớn đều không quen với
lối ngồi này nên thật là một cực hình cho khách mỗi khi được người Nhật
vùng quê mời về nhà ăn uống.
Phòng sinh hoạt chính của gia đình nông dân luôn có ngọn lửa hồng.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng khi lên tầng
trên quan sát thì mới biết rằng kiến trúc gassho-zukuri rất là thực tế.
Chính giữa sàn nhà tầng trên là hơi thoát lên của lò sưởi, mục đích làm
ấm cả tầng trên. Chung quanh không ngăn chia ra từng phòng nữa, nhưng
được phân chia từng khu để các dụng cụ nhà nông cất vào đây vào mùa
đông. Có khu để các bảng hướng dẫn, dạy cho mọi người về cách cấy mạ,
trồng lúa, gặt lúa, trồng trọt theo thời tiết bốn mùa, cách làm thức ăn
cho gia súc, cách giữ thực phẩm không bị hư hỏng. Ðây có thể xem như một
học đường của chính gia đình người nông dân mà họ muốn những thế hệ con
cháu vẫn theo được nề nếp và kinh nghiệm của thế hệ trước.
Tầng trên lầu vừa là nhà kho vừa là nơi cất giữ các nông cụ. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Có lẽ nỗi sợ nhất của
người Nhật là sự thất truyền, họ sợ các thế hệ sau không còn biết đến
các thế hệ trước đã sống như thế nào, đã bảo vệ niềm tin “Thái Dương
Thần Nữ” và Thần Ðạo hay nếp sống của người Nhật như thế nào. Ðiều đó
không lạ gì khi du khách thấy có những ngôi đền Thần cung được người
Nhật thiên-cung, có nghĩa là cứ 25 năm họ đổi dời ngôi thần cung từ một
vị trí này sang một vị trí khác không ngoài mục đích là để thế sau còn
nhớ cách kiến trúc lại ngôi đền thần cung của tổ tiên họ. Hai mươi lăm
năm cứ một thế hệ luôn được nhắc nhở như thế. Từ một đất nước hoang tàn
sau Thế Chiến II, nước Nhật đã vươn lên một cách hùng cường, không để
bất cứ một đất nước to lớn nào có thể bắt nạt họ bằng vũ lực và có lẽ
đỉnh điểm cao nhất của tinh thần Thần đạo Nhật Bản không phải là những
kamikaze hay mổ bụng harakiri nữa mà chính là tinh thần người Nhật trách
nhiệm, nhẫn nại và kỷ luật khi hứng chịu hai trận thiên tai 1995 tại
Kobe và 2011 tại Sendai-Fukushima.
Bảng chỉ dẫn cách trồng lúa của nông dân Shirakawago. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi đã đến mùa thu
Shirakawago ba lần, mỗi lần đều cho tôi những cảm nghĩ khác nhau. Mỗi
lần tôi đều học được một điểm khác nhau và được xem mùa thu óng ả rực rỡ
khác nhau. Tôi cũng đã đến New England nhiều lần, ngọn núi White
Mountain cũng đã có lần cho tôi nhìn cái đẹp rực rỡ của vùng Bắc Mỹ.
Không gian Thousand Islands mùa thu với lâu đài tình yêu Boldt Castle
của nhà tỷ phú George Boldt (đang xây dang dở cho người vợ thương yêu)
cũng làm cho du khách khó mà quên được. Nhưng mùa thu New England cho
tôi cái cảm giác sao như xa quá, không nằm trong tầm tay du khách.
Bảng chỉ dẫn cách làm thức ăn cho gia súc của làng Shirakawago.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi chỉ biết đứng xa
mà nhìn. Còn mùa thu Shirakawago, Karuizawa, Gunma, Nikko thì cho tôi
cảm giác như rất gần, thật gần trong tầm tay, thật gần trong trí nhớ của
tôi. Những triền núi lá phong Nhật vàng-xanh-đỏ-tươi không xa quá trong
tầm mắt mình, thêm vào đó một mái đền thần đạo hay một chút mái cong
của chùa cũng làm biến đổi đi cái trí thưởng ngoạn của du khách về một
không gian trong thiên nhiên có con người, trong con người có thiên
nhiên.
Không gian Shirakawago. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Làng Shirakawago
không những chỉ cho du khách nhìn nét đẹp của mùa thu mà còn cho người
thưởng ngoạn biết về cái nét lạ lùng của kiến trúc và đời sống người
nông dân Nhật miền núi ngày xưa. Mùa thu lúc nào cũng đẹp, đẹp đến độ
tôi không thể viết bằng ngôn ngữ về những cảm nghĩ của tôi dành cho mùa
thu. Còn bạn muốn biết thêm về mùa thu Nhật Bản thì ngoài những địa danh
nêu trên, bạn hãy tìm đến thêm Onioshidashi, Wakayama hay là bạn đi
cùng với tôi, mùa thu sang năm!
Trần Nguyên Thắng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét