Ads 468x60px

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Hàng Trung Quốc tràn ngập Lào Cai

Cửa khẩu biên giới Việt-Trung ở Lào Cai.
(Hình: Phương Minh/Người Việt)
Phương Minh/Người Việt
Hàng Trung Quốc nhan nhản khắp Việt Nam, đặc biệt là hàng thứ cấp, nghĩa là hàng không thể xuất cảng sang các nước văn minh, phát triển, hàng không đảm bảo không chứa độc tố và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bởi lẽ, mọi thứ hàng đến với người tiêu dùng phổ thông đều không có gốc gác cụ thể, thậm chí còn ghi cả nhãn mác Việt Nam nhưng lại là hàng Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, tuồn qua những cửa khẩu Việt-Trung. Cửa khẩu Cốc Lếu, Lào Cai là một trong những cửa khẩu có lượng hàng thứ phẩm từ Trung Quốc tuồn sang một cách rầm rộ, phi mã.
Ðường dây chuyển hàng lậu
Một người bạn H.Mong tên Khuyên, làm phu bốc vác ở Lào Cai, chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi ngày mình vác chừng hai chục thùng hàng để chuyển sang Việt Nam, mình không biết đây là hàng gì, nói chung là hàng vác lậu nên cũng khéo tránh một chút.”
“Nói là khéo tránh chứ tránh cách nào, chỉ có một đường một là băng qua cầu Mông Kiều giáp giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, mang hàng trờ trờ trước mắt biên phòng với hải quan, tránh cho vui thôi, chứ bên trên họ làm việc với nhau cả rồi!”
“Chứ nếu như không làm việc, thì mỗi ngày có ít nhất phải hai chục cửu vạn như bọn mình bị bắt, mấy anh thấy đấy, hàng mình chuyển ngay trước mặt hải quan, chỉ có một đường duy nhất là qua chiếc cầu này, trốn vào đâu được, mới ló dạng là đã bị lộ...”
“Nhưng không sao cả, vì đường dây làm ăn đã nhịp nhàng mấy chục năm nay rồi, bên trên họ chung chi tử tế thì bên dưới cứ thế mà chạy, không có để lộ liễu quá và tránh những ngày công an Bộ về làm việc là được... Thì ngày nào có công an Bộ về mình đều được anh em nháy cả chứ làm sao mình biết, họ nháy là mình ngưng!”
Chợ Cốc Lếu, Lào Cai. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Tìm hiểu thêm về cái gọi là “bên trên” mà anh bạn người H.Mong tên Khuyên này vừa nói. Chúng tôi mới tá hỏa vì đây là đường dây quá lớn, tầm cỡ nghe ra còn hơn cả đường dây của Năm Cam trước đây. Mà không riêng gì cửa khẩu Lào Cai, cứ mỗi cửa khẩu biên giới Việt-Trung đều có một đường dây như thế, nó có đại ca, ông trùm và người bảo kê từ phía nhà cầm quyền hẳn hoi.
Một người cũng là cửu vạn bốc hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, tên Trọng, cho chúng tôi biết thêm: “Trung bình mỗi ngày có đến hơn một chục tấn thực phẩm được chuyển qua Việt Nam.”
“Các loại hàng này không có gốc gác, xuất xứ gì cả, nó cho lãi rất cao. Nó có bảo kê, người bảo kê có gốc gác nhà nước, ông này là một quan chức ngành hải quan, có cha vợ là quan chức cấp trung ương. Ðường dây này hoạt động nhịp nhàng, có cả ngàn người trong đó, bủa khắp các tỉnh, chỉ riêng thành phố Lào Cai đã lên cả trăm người tay chân.”
“Cửu vạn, tài xế lái xe, nhân viên an ninh cửa khẩu, hải quan, các đại lý tiêu thụ ở thành phố và các tỉnh, các gian hàng trong chợ Cốc Lếu... đều có liên quan đến đường dây này. Ðường dây có phân cấp hẳn hoi, có nguyên tắc và tôn chỉ của nó. Chính vì thế mà bọn tôi làm việc không bao giờ sợ bị bắt, tiền công cũng đủ sống, ngày nào ít hàng thì kiếm ba trăm ngàn đồng, ngày khá lên tới cả triệu đồng...”
“Một khi chung chi đầy đủ, ai có phần nấy, trong một hệ thống khép kín và tin tưởng nhau, bảo vệ nhau thì chẳng còn lo gì nữa. Toàn bộ hàng hóa ở chợ Cốc Lếu đều là của Trung Quốc, thương nhân Trung Quốc họ cũng hay sang đây lắm. Nói chung, Lào Cai và Trung Quốc tuy là hai nhưng thực chất chỉ khác ngôn ngữ thôi, chứ mọi thứ đều là một...”
Ðồ chơi trẻ em từ Trung Quốc ở chợ Cốc Lếu.
(Hình: Phương Minh/Người Việt)
Một thế giới Trung Quốc giữa Lào Cai
Người ta nói rằng muốn biết đời sống và kinh tế của một khu vực nào đó, việc cần làm nhất là hãy vào khu chợ ở đó và quan sát.
Chính mức độ tiêu thụ, hàng hóa lưu thông và văn hóa ứng xử sẽ cho bạn biết rất nhiều điều. Chúng tôi ghé vào chợ Cốc Lếu, chợ trung tâm của thành phố Lào Cai. Một không gian hay nói đúng hơn là một thế giới Trung Quốc hiện ra trước mắt chúng tôi.
Từ chiếc bàn ủi điện, chiếc tivi, chiếc nồi cơm điện cho đến đồ chơi trẻ em như xe, lồng chim giả, lục lạc, súng điện... cả áo quần trẻ em, áo quần người lớn, các vật dụng điện tử cao cấp như điện thoại iphone, máy vi tính, máy tính bảng và súng hoa cải, roi điện, bình xịt hơi cay... Thuốc Bắc, sâm, nấm linh chi... đều có mặt ở đây và đều là của Trung Quốc sản xuất. Ðặc biệt, có thể nói là 90% hàng hóa ở đây không có nhãn mác.
Một người bán cơm trong chợ Cốc Lếu cho chúng tôi biết: “Hàng ở đây chỉ có hàng Trung Quốc thôi, buôn hàng Trung Quốc mới có lãi, chợ còn là trung tâm đầu mối cho cả khu vực Tây Bắc này, bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào dưới xuôi hoặc ở các vùng núi trên đây đều lấy hàng từ chợ này, có cả trăm chiếc xe chở hàng đi bỏ mối mỗi ngày.”
Thuốc Bắc nguồn Trung Quốc.
(Hình: Phương Minh/Người Việt)
“Hàng đưa về từ cửa khẩu Cốc Lếu hết, nói chung là các thứ đều có mặt ở đây và đều là của Trung Quốc, nó có giá thành cực rẻ, ví dụ như muốn mua một chiếc máy tính bảng, chỉ cần có trong túi một triệu đồng là có một cái hiệu Acer đời mới, nhãn mác Nhật Bản hẳn hoi, thứ gì cũng có, cực rẻ, cực dễ mua và giống hệt đồ hiệu!”
Rảo thêm một vòng quanh chợ Cốc Lếu để tìm hiểu giá cả, chúng tôi đi từ bàng hoàng này sang ngạc nhiên nọ bởi giá thành quá sức rẻ bèo và kỹ thuật làm mác giả rất thiện nghệ của các chủ quầy trong chợ này. Nghĩa là mua hàng xong, khách yêu cầu loại mác gì, sẽ được dập mác đó ngay tức khắc, giống hệt nhãn mác của hãng sản xuất.
Tiếp tục đi dạo quanh thành phố Lào Cai, có thể nói rằng ở đây, các cửa hàng bán hàng Trung Quốc vô cùng thịnh hành. Nó thịnh hành đến mức bạn có thể gọi Lào Cai là một tỉnh trực thuộc Trung Quốc cũng không sai.
Nhưng nếu muốn gọi chính xác thì phải nói rằng đó là một tỉnh lẻ, không quan trọng đối với Trung Quốc, bởi nó đang nắm vai trò của cái bồn xả rác, nó nhận mọi thứ hàng hóa mà ngay cả người Trung Quốc nhìn thấy cũng không dám nhận là của họ, và xài nó thì tuyệt nhiên người Trung Quốc chả bao giờ xài.
Phương Minh/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét