Ads 468x60px

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nỗi buồn “tham hôi”...

Long Vi
Hơn một tuần qua, dư luận và truyền thông trong nước liên tục lên án về vụ “hôi bia” ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn tham lam “hôi của” ở Việt Nam được giới truyền thông, báo chí và dư luận lên án vì trước đó qua những vụ việc như tranh nhau ăn sushi miễn phí tại một nhà hàng ở Hà Nội, chen nhau lãnh áo mưa miễn phí gây tắt nghẽn giao thông tại lãnh sứ quán Hà Lan ở Hà Nội hay “hôi tiền”, “hôi xe” của nạn nhân bị cướp hành hung khi đang lưu thông trên đường phố Saigon cũng đã từng bị cảnh báo về vấn nạn đạo đức xuống cấp của người dân Việt Nam trong nước. Điều đáng buồn hơn nữa là sau vụ viêc “hôi bia” này, một channel truyền thông của Nga cũng đã đưa tin và chỉ trích về vấn nạn tha hóa đạo đức của xã hội Việt Nam ngày nay.
Như tin từ báo chí trong nước đã đưa, chiếc xe tải mang biển số 79N-1348 do anh Hồ Minh Mẫu (quê Bình Định), chở thuê 1.500 thùng bia lon từ nhà máy bia Tiger (Quận 12 - Saigon) đi giao hàng tới một đại lý ở Bình Thuận. Khi đến khu vực vòng xoay Tam Hiệp (TP. Biên Hòa - Đồng Nai) thì bất ngờ một xe ô tô khác qua đường phía trước, cắt mặt xe tải. Anh Mẫu bắt buộc phải bẻ quặt tay lái để tránh va chạm, để xe đâm vào lề đường làm 1500 thùng bia lon Tiger có giá trị 400 triệu VND (tương đương 20,000 USD) đổ ra đường. Sau khi tại nạn xảy ra, người dân đi đường và những người dân sống xung quanh gần đó đã “cướp trắng trợn” mặc cho anh Mẫu khóc lóc van xin. Đáng buồn hơn nữa là trong số những người “hôi bia” lúc đó, có những người mang cả xe ba gác đến chở bia và cũng có những người đi trên những chiếc xe hơi sang trọng đắt tiền không ngần ngại bưng vài thùng bia lên xe rồi đi.
Đã không ít người Việt có nhận định rằng trình độ dân trí của người Việt Nam trong nước còn thấp nên họ cứ hồn nhiên phạm tội, “vô tư”lộ những thói hư tật xấu của mình mà không biết rằng chính vì cái “hồn nhiên, vô tư” ấy đã và đang tạo nên một nỗi buồn “tham hôi” với vấn nạn đạo đức xuống cấp trầm trọng trong xã hội Việt Nam ngày nay. 
400 triệu VND (tương đương 20,000 USD) là số tiền mà anh Mẫu - người tài xế xấu số phải gánh trả nếu anh không muốn đối mặt với việc xử lý hành chính pháp luật. Tôi tự hỏi liệu những người “hôi bia” kia có cảm thấy lòng mình vui sướng, phấn khởi khi uống những lon bia “hôi” kia không nếu biết được gia đình anh Mẫu là một trong những gia đình thuộc diện đói nghèo, anh phải đi lái xe thuê để chạy cơm từng bữa nuôi cha mẹ già, vợ và một đứa con nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi? Họ có thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng khi biết được mấy ngày qua, khi họ hứng khởi vì “cướp” được bia thì vợ chồng anh Mẫu phải ăn mì gói qua ngày để gom tiền đề bù số bia bị “cướp trắng trợn” kia không? Hay họ cứ hồn nhiên sống trong một xã hội ngu muội đang dần dần tha hóa đạo đức, chẳng cần biết đến nỗi đau thương của người gặp nạn là như thế nào. Tôi tự hỏi trong một xã hội mà con người ta cứ ung dung sống trên nỗi đau thương của người khác, thì nền giáo dục, đạo đức và đạo lý làm người của họ đang ở đâu? Hay là xã hội này đã và đang bị tha hóa đến mức mất cả tính người?
Nhìn những bức hình, người người tranh nhau “hôi bia” mặc cho người tài xế van xin thảm thiết, dư luận không thể không bất bình, phẫn nộ, oán trách. Nhưng đằng sau những lời lên án mạnh mẽ đó, là một cảm giác buồn và xấu hổ, buồn cho người dân Việt mình, buồn cho một xã hội Việt Nam đang ngày một tha hóa đạo đức, và xấu hổ cho trình độ tri thức của người Việt Nam trong nước còn quá thấp kém đến mức đạo đức người Việt Nam mình đang bị các nước khác chỉ trích dữ dội. Thậm chí, đã có một cô sinh viên của một trường đại học có tiếng ở Saigon xấu hổ tới mức đã làm một biển hiệu với nội dung “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 14/2” và nhờ bố mình giăng lên ngay tại hiện trường vụ tai nạn “hôi bia”. Có lẽ cho đến thời điểm này, không chỉ riêng người dân thành phố Biên Hòa, mà ngay cả với toàn dân Việt Nam trong cả nước, đây là khẩu hiệu đáng xấu hổ trong lịch sử, và đáng suy nghĩ nhất về văn hóa đạo đức của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong nước.
Dẫu biết rằng “dân gian” và “quan tham” là hai tầng lớp luôn tồn tại ở bất kỳ xã hội nào của bất cứ đất nước nào. Sự biến đổi, tác dụng qua lại của hai tầng lớp này là một phần quan trọng để nâng cao trình độ văn hóa cũng như trình độ tri thức trong quá trình tiến đến một xã hội văn minh. Còn “quan tham” thì tất nhiên là còn “dân gian”,  chỉ khi không còn “quan tham” thì mới hết “dân gian”. Vậy thì điều mà chúng ta mong muốn là bớt quan tham đi, ít quan tham thì đương nhiên sẽ dân sẽ bớt “gian”, nhưng có lẽ ở xã hội Việt Nam ngày nay, đó là một điều hiếm có. Và bao năm qua, đó mãi là một vấn nạn nhức nhối của xã hội Việt Nam cũng như là một nỗi buồn gọi tên “tham hôi” của biết bao người dân Việt.
Việc tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội việt Nam ngày nay không thể đổ lỗi do đặc tính di truyền, mà phải nói đến nền giáo dục đã góp phần cải thiện đạo đức con người như thế nào. Tôi tự hỏi, có phải chính sách giáo dục của chế độ nhà nước Việt Nam hiện nay đã góp phần làm cho con người ta dần mất đi nhân cách đạo đức hay không?
Long Vi
(Photo courtesy: VnExpress)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét